Hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam có rất nhiều phương pháp cai nghiện ma túy: phương pháp cai khô, phương pháp phẫu thuật thùy trán, phương pháp thụy miên, phương pháp cai nghiện bằng cách dùng các thuốc hướng tâm thần, dùng thuốc đông y, phương pháp điều trị bằng chất thay thế, phương pháp điện châm, liệu pháp tâm lý...
Hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam có rất nhiều phương pháp cai nghiện ma túy: phương pháp cai khô, phương pháp phẫu thuật thùy trán, phương pháp thụy miên, phương pháp cai nghiện bằng cách dùng các thuốc hướng tâm thần, dùng thuốc đông y, phương pháp điều trị bằng chất thay thế, phương pháp điện châm, liệu pháp tâm lý... Các phương pháp cai nghiện này đều có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nghiện ma túy sau khi sử dụng các phương pháp cai nghiện trên vẫn còn rất cao. Theo thống kê của Bộ LĐTB-XH, đến cuối tháng 9 năm 2014 ở Việt Nam có 204.377 người nghiện ma túy. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tăng gấp 4 lần so với năm 1994 và tỷ lệ tái nghiện là 90%.
Tại sao người nghiện cai nghiện xong dễ tái nghiện và nghiện ma túy có thể xóa bỏ hoàn toàn được không? Đó là những câu hỏi đã, đang gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định là nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được hay nói cách khác là sự lệ thuộc vào ma túy ở người nghiện ma túy hoàn toàn có thể xóa bỏ được nếu người nghiện lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp.
Chuyên gia của Viện PSD tư vấn cho học viên
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Nghiện ma tuý là tình trạng lệ thuộc về mặt tâm thần hoặc thể chất hoặc cả hai khi một người sử dụng ma tuý lặp đi lặp lại theo chu kỳ hoặc dùng kéo dài liên tục một thứ ma tuý và tình trạng lệ thuộc này làm thay đổi cách cư xử, bắt buộc đương sự luôn cảm thấy sự bức bách phải dùng ma tuý để có được những hiệu ứng ma tuý về mặt tâm thần của ma tuý và thoát khỏi sự khó chịu, vật vã do thiếu ma tuý”.
Sự lệ thuộc vào ma túy về mặt thể chất: biểu hiện khi ngừng dung nạp ma túy vào cơ thể người nghiện sẽ xuất hiện những triệu chứng của hội chứng cai như: đau nhức trong xương, cơ, khớp; hay ngáp, chảy nước mắt, đau bụng, mệt mỏi, buồn bực chân tay, nổi da gà, mất ngủ... Nguyên nhân dẫn đến sự lệ thuộc này là do khi dung nạp ma túy vào cơ thể nó đã làm rối quá trình loạn hoạt động sản xuất dopamine (chất dẫn truyền thần kinh gây cảm giác hưng phấn) và endorphine hay còn gọi là morphine nội sinh (chất làm giảm đau, giảm mệt mỏi, phục hồi sức khỏe) một cách tự nhiên. Khi sử dụng ma túy lặp đi lặp lại nhiều lần, cơ thể sẽ bị rối loạn quá trình hoạt động sản xuất morphine nội sinh mà phụ thuộc vào chất ma túy từ bên ngoài đưa vào để giảm đau đớn, làm cho tinh thần phấn chấn, hết mệt mỏi và lâu dần dẫn đến lệ thuộc vào ma túy về mặt thể chất.
Sự lệ thuộc vào ma túy về mặt tâm lý: Sau thời gian sử dụng ma túy lâu dài, não bộ của người sử dụng ma túy đã tự động ghi nhớ tất cả những cảm giác phê pha, những hưng phấn, sung sướng do ma túy đem lại và ghi nhớ những gì liên quan đến hành vi sử dụng ma túy, thời gian, địa điểm, con người... Sự ghi nhớ này là kết quả của phản xạ có điều kiện của người sử dụng ma túy về những tác nhân liên quan đến hành vi sử dụng ma túy trước đây của họ. Sự lặp đi lặp lại các hành động, cảm xúc, hình ảnh, cảm giác hưng phấn liên quan đến ma túy được não bộ ghi nhớ và củng cố thành những đường liên hệ thần kinh tạm thời tương đối vững chắc. Do vậy, mặc dù có thể ngừng dùng ma túy một thời gian rất lâu nhưng người đã từng nghiện vẫn có nguy cơ tái nghiện tức là quay trở lại sử dụng, nghiện lại ma túy. Bởi sự thèm nhớ về ma túy trường diễn luôn hiện hữu, thường trực trong tâm trí của người đã từng sử dụng ma túy, nó luôn thôi thúc người nghiện tìm và sử dụng lại ma túy khi gặp lại các tác nhân gây kích thích về hành vi sử dụng ma túy.
Như vậy, để cai nghiện thành công phải giải quyết triệt để cả hai vấn đề xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy cả về mặt thể chất và tâm lý. Hay nói cách khác là nghiện ma túy có thể cai thành công khi và chỉ khi xóa bỏ được sự lệ thuộc vào ma túy ở cả hai yếu tố sự lệ thuộc về thể chất và sự lệ thuộc về tâm lý.
Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy về mặt thể chất: Để làm được điều đó, trước tiên người nghiện cần thực hiện đó là ngừng dung nạp ma túy vào cơ thể, tức là cần phải vượt qua được giai đoạn cắt cơn. Chỉ cần vượt qua những đau đớn, vật vã, những cảm giác khó chịu về mặt thể chất: giòi bò, đau bụng, đau nhức xương khớp, mất ngủ, ăn không ngon...do việc thiếu ma túy mang lại thì người nghiện có thể dần xóa bỏ được sự lệ thuộc vào ma túy về mặt thể chất. Giai đoạn cắt cơn này thường kéo dài từ 7- 15 ngày tùy thuộc vào thể trạng của người sử dụng và mức độ lệ thuộc vào ma túy ở họ như thế nào. Có người phải kéo dài đến 30 ngày thì mới cắt cơn xong. Sau cắt cơn biểu hiện của hội chứng cai giảm dần và mất dần đi, những tổn thương ở não bộ dần phục hồi, hệ thống chức năng trong cơ thể bắt đầu hoạt động nhịp nhàng trở lại và biểu hiện rõ nhất là việc người nghiện ăn, ngủ ngon hơn, tinh thần tỉnh táo và phấn chấn hơn.
Chuyên gia Viện PSD tiến hành Điện não đồ cho học viên
Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy về mặt tâm lý: Cai nghiện thành công không phải chỉ là ngừng, không sử dụng lại ma túy hay xóa bỏ sự lệ thuộc về mặt thể chất mà là phải loại bỏ được những căng thẳng tâm lý, cơn thèm nhớ ma túy ở người nghiện ma túy hay chính là xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy về mặt tâm lý. Tức là khi đứng trước tác nhân gây thèm nhớ, ham muốn sử dụng lại ma túy như: bơm kim tiêm, nơi sử dụng, nơi mua bán, bạn nghiện hay khi bị rủ rê, lôi kéo.v.v. mà người nghiện vẫn ý thức được mình cần phải làm gì để không tiếp tục tái sử dụng, tái nghiện ma túy và khi đó chúng ta có thể nói họ đã cai nghiện thành công hoàn toàn.
Cai nghiện ma túy thành công tức là nhân cách của người nghiện đã được khôi phục. Họ có thể phục hồi lại những giá trị con người thật của mình - con người mà trước đây họ từng sống khi chưa bị phụ thuộc vào ma túy. Họ có được những nhận thức đúng đắn về tác hại của ma túy, của việc tái nghiện để từ đó có những hành vi phù hợp với đạo đức, với chuẩn mực chung của xã hội. Đồng thời, họ có được các kỹ năng quan trọng giúp cho việc chống tái nghiện: Kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng, kỹ năng xử lý các tình huống nguy cơ.v.v. Thông qua việc trang bị cho mình những kỹ năng này, người nghiện có thể tự giải quyết những khó khăn tâm lý mà trong cuộc sống họ gặp phải, tránh việc gây ra căng thẳng tâm lý trong người nghiện. Đánh giá người cai nghiện thành công ở trên các phương diện: phục hồi sức khỏe thể chất, phục hồi ổn định tâm lý và phục hồi các chức năng xã hội.
Hiện nay, Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi và bổ sung để hoàn thiện phương pháp “Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng trị liệu tâm lý” nhằm ứng dụng được hiệu quả hơn trong quá trình điều trị cai nghiện, chống tái nghiện cho người nghiện ma túy từ đó góp phần đảm bảo hiệu quả cai nghiện ma túy thành công bền vững hơn.
Chuyên viên trị liệu tâm lý: ThS.Vũ Bền
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD