Thể hiện đúng vai trò của tuyên truyền trong phòng, chống ma túy

Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy chỉ xác định: "Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh báo toàn xã hội, nhất là thanh thiếu niên về hiểm họa ma túy".

Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy chỉ xác định: "Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh báo toàn xã hội, nhất là thanh thiếu niên về hiểm họa ma túy".

Theo nguyên gốc, từ "hiểm họa" có nghĩa là "tai nạn gây ra chết chóc", là "tai họa lớn gây nguy hại đến đời sống con người". Ngày nay, theo nghĩa rộng người ta định nghĩa: "Hiểm họa là một sự kiện hoặc hiện tượng không bình thường có thể đe dọa đến tính mạng con người, tài sản, cơ sở vật chất, kinh tế xã hội và môi trường".

Trong các hiện tượng xã hội trái với chuẩn mực xã hội về đạo đức truyền thống, phong tục tập quán, quy định pháp luật như tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan, mua bán người… thì chỉ tệ nạn ma túy được xác định là "hiểm họa" dân tộc. Hiện nay, (năm 2023) chúng ta mới xác định được khoảng gần 240 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong khi số người nghiện chúng ta chưa nắm được trong cộng đồng và số người sử dụng ma túy (có thể mới lạm dụng, chưa lệ thuộc vào ma túy tức là chưa nghiện) theo nhiều đánh giá thì con số lên đến hàng triệu người.

Tính chất "hiểm họa" không chỉ là ma túy cướp đi sinh mạng hàng nghìn người mỗi năm, đưa hàng chục vạn gia đình có người nghiện tan nát, đau khổ "sống không sống, chết không ra chết", có lúc hệ thống trại giam, gần ¾ là tội phạm liên quan đến ma túy và là tác nhân chính gây ra mất an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân. Mỗi năm, lượng ma túy sử dụng trái phép lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, Nhà nước phải chi hàng chục nghìn tỷ đồng để phòng, chống và khắc phục các hậu quả do ma túy gây ra cùng với bố trí một lực lượng lớn, hàng vạn cán bộ từ Trung ương đến địa phương để làm nhiệm vụ phòng, chống ma túy…

Tính chất "hiểm họa" của ma túy còn thể hiện ở chỗ: ma túy đã đưa hàng chục vạn người trẻ tuổi- lực lượng chủ chốt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đại diện cho hôm nay và tương lai – vào con đường nghiện ngập, không những không đóng góp gì cho xã hội và gia đình mà còn gieo rắc bệnh tật, lôi kéo thế hệ trẻ vào con đường hư hỏng, tàn phá đất nước. Ma túy len lỏi, cám dỗ các em học sinh, sinh viên trong trường học làm cho các bậc phụ huynh nơm nớp bất an. Và chỉ vài chục năm gần đây, hàng trăm loại ma túy mới xuất hiện ồ ạt, độc hại hơn, khó điều trị phục hồi, làm cho người nghiện không kiểm soát được hành vi, trở lên manh động, bạo lực hơn.

Do tính chất lây lan nhanh chóng, nếu không phòng, chống có hiệu quả, tệ nạn ma túy phát triển tự nhiên thì chẳng mấy năm nước ta có hàng triệu người nghiện ma túy, thế hệ trẻ và đất nước sẽ suy sụp, mọi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước không hoàn thành…

Đảng ta chỉ thị cần phải "cảnh báo" toàn xã hội hiểm họa của ma túy: "Tệ nạn ma tuý đang là hiểm hoạ của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma tuý gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của đất nước".

Gánh trọng trách cảnh báo vô cùng quan trọng ấy chính là công tác tuyên truyền. Không có tuyên truyền thì cảnh báo của Đảng về hiểm họa ma túy không đến được quảng đại quần chúng, tác hại khôn lường trước mắt và lâu dài của ma túy không được phơi bày để nhân dân thấy rõ, Nhà nước không tập hợp được lực lượng để "Toàn dân chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy".

Không có tuyên truyền thì cảnh báo của Đảng về hiểm họa ma túy không đến được quảng đại quần chúng

Không có tuyên truyền thì mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội và nhân dân không thể triển khai hệ thống chính sách, pháp luật, giải pháp Đảng và Nhà nước chỉ đạo thực hiện PCMT. Mỗi tập thể, cá nhân không thấy trách nhiệm của mình, không biết mình sẽ tham gia vào việc gì, tham gia như thế nào; từ đó bi quan, lo lắng, thất vọng trước hiện tình ma túy đang diễn ra.Đảng ta đã khẳng định:" :" Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội".

Không có tuyên truyền thì những cách làm hay, mô hình phòng, chống ma túy (PCMT) có hiệu quả không thể phát triển nhân rộng, không tạo ra được phong trào quần chúng rộng khắp đoàn kết "nhất hô bá ứng" PCMT theo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, tuyên truyền còn có giá trị phòng ngừa ma túy lớn lao. Nâng cao nhận thức của toàn dân, hiểu và làm theo pháp luật, các kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và toàn xã hội, tạo ra sự "miễn dịch cộng đồng" với ma túy đều nhờ "bàn tay" của công tác tuyên truyền. Trong ba lĩnh vực của PCMT là giảm cung, giảm cầu và giảm hại thì tuyên truyền thuộc lĩnh vực giảm cầu ma túy. Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) đã khẳng định: 1 USD đồng chi cho phòng ngừa có giá trị hơn 20 USD chi ra khắc phục hậu quả của ma túy.

Giá trị của công tác tuyên truyền trong PCMT là vô cùng to lớn, được khẳng định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước ta.

"Đổi mới nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý trong Đảng, cơ quan nhà nước và nhân dân với nhiều hình thức thích hợp, phong phú để mọi người nhận thức rõ mối hiểm hoạ từ ma tuý, tính cấp bách của công tác phòng, chống ma tuý ở nước ta hiện nay. Từ đó, tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma tuý; hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng"[1].

Quyết định số 1542/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phòng chống ma túy giai đoạn 2021-2025 quy định:

"Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy. Đẩy mạnh và không ngừng đa dạng hóa các nội dung, hình thức phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy. Tập trung vào phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, trong đó coi trọng phòng ngừa ngay tại cơ sở, nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, tập trung vào khung giờ thích hợp, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Chú trọng xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục phòng, chống ma túy cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên".

Tuyên truyền PCMT có nhiều thể loại, hình thức như tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên nền tảng công nghệ thông tin, các loại hình báo chí, biên soạn tài liệu tuyên truyên truyền, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về PCMT…Dù bất cứ thể loại nào thì kỹ năng tuyên truyền đều đóng vai trò quan trọng. Không có kỹ năng hoặc thiếu kỹ năng thì hiệu quả tuyên truyền thấp, lãng phí tiền của, công sức, các mục tiêu PCMT không đạt được ảnh hưởng lớn đến kết quả PCMT của quốc gia. Do vậy, đổi mới, nâng cao kỹ năng, hiệu quả tuyên truyền là yêu cầu cấp thiết của công tác PCMT hiện nay.

Nhưng đã có lúc, có nơi, có người đặt vấn đề nên xem xét giảm bớt kinh phí  công tác tuyên truyền vì đã đầu tư quá nhiều, mọi người đã nắm được hết nội dung cần truyền đạt, tuyên truyền ít hiệu quả và không cần thiết nữa…

Nhìn nhận công tâm thì những ý kiến trên không phải là không có cơ sở. Bên cạnh sự hạn chế về nhận thức vai trò của công tác tuyên truyền thì nhiều khi lặp đi lặp lại nội dung sáo mòn , cũ kỹ, thiếu thông tin cập nhật, dễ dãi "làm cho xong kế hoạch"; tuyên truyền hằng năm chủ yếu cho những người có trách nhiệm, cơ bản đã hiểu biết về ma túy, không tới các tầng lớp nhân dân, người dân ở vùng sâu, vùng xa ; tuyên truyền chiều sâu cho người khác nhau về đặc điểm, hoàn cảnh, lứa tuổi, mức độ nguy cơ sử dụng ma túy.

Trong khi thế giới đã thay đổi từ tuyên truyền thuần túy sang giáo dục lối sống, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các yếu tố nguy cơ, tăng yếu tố bảo vệ từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành, trong các môi trường sống, làm việc, sử dụng tối đa lợi thế công nghệ thông tin… thì nhiều khi vẫn loay hoay tuyên truyền trọng tâm với tình hình ma túy, tác hại, quy định pháp luật. trách nhiệm công dân…Tuyên truyền đã ít kinh phí nhưng nếu được đầu tư hơn nữa thì nhiều nơi cũng "không biết làm gì cho hết tiền". Đánh giá tổng kết hàng năm về công tác này của 1 cơ quan có khi chủ yếu thống kê số buổi tuyên truyền, số người nghe mà ít đề cập đến các hoạt động chiều sâu và hiệu quả của nó.

Rõ ràng, cách tuyên truyền về ma túy hiện nay đã quá lạc hậu cả nội dung và hình thức so với yêu cầu . Chả trách có người muốn "hạ bệ" công tác này.

Để tháo gỡ, vấn đề quan trọng hiện nay là cần nghiêm túc đánh giá, nhận thức lại vai trò, giá trị của công tác này để có sự đổi mới toàn diện, đầu tư thích đáng cả con người và nguồn lực. Đó là công việc rất khó khăn nhưng không thể chậm chễ.

Hồng Minh (Viện PSD)

 


[1] Chỉ thị 21/CT-TW ngày 26/3/2008 cuả Bộ Chính trị (đã dẫn)

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD