Đổi mới phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy: Cần đồng bộ, mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả

Trong công tác phòng, chống ma túy (PCMT), vấn đề phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy(SDMT) - một trong hai nội dung chủ chốt của lĩnh vực giảm cầu ma túy- luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước suốt hơn 30 năm qua, thể hiện trong các Chỉ thị về PCMT của Bộ Chính trị, Luật PCMT (năm 2000, 2008, 2021), các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch PCMT của Bộ, ngành, địa phương.

Trong công tác phòng, chống ma túy (PCMT), vấn đề phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy(SDMT) - một trong hai nội dung chủ chốt của lĩnh vực giảm cầu ma túy- luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước suốt hơn 30 năm qua, thể hiện trong các Chỉ thị về PCMT của Bộ Chính trị, Luật PCMT (năm 2000, 2008, 2021), các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch PCMT của Bộ, ngành, địa phương.

Công tác phòng ngừa SDMT thời gian qua gắn liền với hoạt động tuyên truyền, truyền thông. Hệ thống, mạng lưới thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, các công cụ truyền thông như pa nô, áp phích, khẩu hiệu, mít tinh, nói chuyện chuyên đề, xây dựng các tiểu phẩm, tác phẩm văn học, nghệ thuật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về PCMT…từ Trung ương đến cơ sở, đến chi bộ, tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng đã sử dụng tuyên truyền như một vũ khí sắc bén để nâng cao nhận thức chính sách pháp luật về PCMT, cảnh báo tác hại của các loại ma túy, biểu dương người tốt việc tốt, các mô hình hay về PCMT…

Chính quyền các cấp, Các ban ngành, tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Mặt trận TQVN, Hội Cựu chiến binh… xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội, gia đình văn hóa, xây dựng trường học không có ma túy, thành lập các câu lạc bộ, các tổ nhóm đồng đẳng, tổ liên gia tự quản, xây dựng các tổ dân phố, xóm thôn, dòng họ không có ma túy, ký cam kết các gia đình không vi phạm tệ nạn xã hội…

Có thể nói, công tác tuyên truyền PCMT đã đóng góp quan trọng vào phong trào Toàn dân phòng chống tội phạm, góp phần hạn chế tốc độ gia tăng số người sử dụng ma túy, nghiện ma túy, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện, hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, tình hình ma túy ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp. Những năm gần đây xuất hiện nhiều loại ma túy mới, đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp rất nguy hại. Số người sử dụng ma túy, nghiện ma túy vẫn tiếp tục tăng cao nhưng chưa được thống kê, quản lý đầy đủ chặt chẽ. Tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng ma túy ngày càng tăng lên trong đó có nhiều học sinh, sinh viên. Nhiều địa điểm vui chơi, giải trí công cộng, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có điều kiện trở thành tụ điểm sử dụng ma túy trái phép, lực lượng chức năng có lúc phát hiện cùng 1 thời điểm tại 1 cơ sở kinh doanh hàng trăm thanh thiếu niên, học sinh dương tính với chất ma túy.

Liên tiếp phát hiện các vụ việc thanh thiếu niên tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ (Ảnh: internet)

Trong giai đoạn mới, để làm giảm người sử dụng, nghiện ma túy gia tăng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm cung, giảm cầu, giảm hại theo tinh thần chỉ đạo Bộ Chính trị tại chỉ thị số 36/CT-TW ngày 16/8/2019 về Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy nhưng trước hết là lĩnh vực giảm cầu ma túy mà trọng tâm là phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy (SDTPMT).

Một vấn đề phổ biến hiên nay là các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh thiếu các kỹ năng để chủ động phòng ngừa ma túy do vấn đề này chưa được coi trọng và cán bộ có trách nhiệm không được đào tạo cơ bản về giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng rèn luyện bản thân, kỹ năng phòng ngừa để tập huấn giáo dục cho xã hội.

 Thủ tướng Chính phủ  trong quyết định phê duyệt chương trình phòng chống ma túy giai đoạn 2015-2020 đã giao cho 1 số bộ ngành triển khai thực hiện công tác dự phòng nghiện ma túy theo Chuẩn của Liên hợp quốc.

Giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng đã chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa ma túy, xác định đó là giải pháp chiến lược lâu dài.

Để làm tròn trách nhiệm về phòng ngừa, ứng phó tích cực trước tình hình ma túy phức tạp, mang lại hiệu quả thiết thực, ngăn chặn sự gia tăng của người sử dụng ma túy, lúc này là thời điểm chín muồi để đổi mới công tác phòng ngừa SDTPMT.

Đổi mới cần phải đồng bộ

Đồng bộ ở nhiều nội dung

Trước hết là đồng bộ cả về chiến lược giảm cung giảm cầu, giảm tác hại, để hỗ trợ bổ sung cho nhau, cho phòng ngừa SDTPMT. Thật khó phòng ngừa hiệu quả SDTPMT nếu tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy, tàng trữ ma túy vẫn diễn ra phức tạp; người sử dụng ma túy dễ dàng mua ma túy ngay tại nơi sinh sống, khi người nghiện ma túy còn nhiều tại cộng đồng mà không được quản lý, không tham gia bất cứ chương trình tư vấn, điều trị, cai nghiện nào, thảnh thơi lôi kéo, dụ dỗ những người đồng trang lứa đi vào con đường nghiện ngập.

Đồng bộ cả chương trình kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức thực hiện: thống nhất nhận thức và hành động về tầm quan trọng về phòng ngừa, có kế hoạch đổi mới toàn diện, có sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xuyên suốt từ trên xuống dưới, ban hành cơ chế chính sách cho nhiệm vụ phòng ngừa mới, có sư phân công, phân nhiệm rõ ràng, có sự chung tay của các cấp các ngành của, có sự lồng ghép với các nhiệm vụ, sự tham gia của toàn xã hội.

Đồng bộ về thực hiện giải pháp đổi mới: tiếp tục thực hiện và làm mới, nâng cấp, hoàn thiện, tạo ra sức sống, hiệu quả mới cho các giải pháp đã thực hiện lâu nay như truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, các hoạt động, các mô hình phòng ngừa có hiệu quả gắn liền với từng bước triển khai đồng bộ các giải pháp từ kinh nghiệm quốc tế như Chuẩn quốc tế về dự phòng sử dụng ma túy của Liên hợp quốc với gần 20 giải pháp về tâm lý xã hội, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng ma túy, văn hóa, y tế, kinh tế, xây dựng và cung cấp hệ thống dịch vụ dự phòng....; các mô hình của châu Âu và các quốc gia khác. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa “cũ” và “mới” trên tinh thần phát huy các giá trị, kinh nghiệm phòng ngừa Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kiến thức, kinh nghiệm, tinh hoa phòng ngừa của thế giới để tạo ra, nhân lên giá trị, chất lượng, sức mạnh  phòng ngừa mới.

Đổi mới phải mạnh mẽ

Sự mạnh mẽ được tạo lên từ sự thống nhất nhận thức và hành động, từ sự chỉ đạo kiên quyết và liên tục, từ sự quan tâm bố trí nguồn lực đảm bảo cho hoạt động phòng ngừa, thường xuyên và kịp thời đáng giá, rút kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần quan tâm, là sự tâm huyết, kiên trì không ngừng hoàn thiện công tác tổ chức, giải pháp theo mục tiêu chương trình. Sự mạnh mẽ của chương trình phòng ngừa SDTPMT quốc gia bắt nguồn từ sự triển khai thực hiện mạnh mẽ của mỗi bộ, ngành, từng cấp, ở từng địa phương dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội làm tốt vai trò là cơ quan tham mưu của Chính phủ trong việc xây dựng và điều phối kế hoạch; xây dựng tài liệu và tập huấn quốc gia, xây dựng cơ chế, chính sách cho phòng ngừa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, nơi “đầu sóng ngọn gió” chịu trách nhiệm to lớn về phòng ngừa SDTPMT hàng năm cho hàng chục triệu thanh thiếu niên, học sinh với rất nhiều giải pháp phòng ngừa mới theo chương trình dự phòng quốc tế cần làm tốt công tác phòng, chống ma túy trong trường học, đặc biệt là giáo dục kỹ năng phòng ngừa ma túy cho học sinh, giáo viên theo một bài bản quy chuẩn.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có vai trò to lớn trong việc huy động các tầng lớp nhân dân nhân dân, mỗi gia đình hưởng ứng và thiết thực tham gia đóng góp thiết thực cho chương trình đổi mới phòng ngừa tạo thành thế trận phòng ngừa liên hoàn, vững chắc.

Với hàng chục triệu lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam giữ trọng trách trong chỉ đạo, phối hợp với cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy, công trường…triển khai giải pháp phòng ngừa mới tại nơi làm việc.

Tập trung chỉ đạo thống nhất, tăng cường nguồn lực, mỗi bộ ngành, địa phương làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thiết thực xã hội hóa, huy động quần chúng tham gia tích cực tạo ra sự mạnh mẽ và thành công của đổi mới phòng ngừa SDTPMT.

Đổi mới phải thiết thực, hiệu quả

Đã có nhiều chương trình có chữ “Đổi mới” hoặc một số dự án được triển khai nhưng theo thời gian các chương trình này đi vào quên lãng dù đầu tư không ít tiền của. Lý do chính là chương trình ấy không đi vào cuộc sống và  đầu tư mang tính nửa vời. Một chương trình dù thực chứng rất tốt ở nhiều quốc gia nhưng nếu không vận dụng, áp dụng một cách chọn lọc, khéo léo, tinh tế, uyển chuyển phù hợp trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, và không kiên trì, quyết tâm thì vẫn có thể không thành công ở nước khác. Do vậy, sự thiết thực, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào cách thức triển khai nó như thế nào. Triển khai một chương trình mới bao giờ cũng có nhiều thách thức, thậm chí có một số lần vấp ngã, rồi có ý kiến đánh giá này kia, bàn lùi. Bản lĩnh của người lãnh đạo thể hiện ở chỗ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân đó và có giải pháp khắc phục có hiệu quả dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn.

“Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”

Đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ, quan tâm đến hiệu quả không có nghĩa là chủ quan bắt đầu một cách ồ ạt, đầu tư ngay nguồn lực to lớn, không tính hết các yếu tố khách quan và chủ quan khác tác động, ảnh hưởng. Khi thực hiện một công việc lớn, mới mẻ cần có lộ trình và cách tiếp cận phù hợp. Cách tiếp cận tốt nhất ở đây là bước tiến hành thí điểm một cách nghiêm túc sau đó mới phát triển, nhân rộng. Tại sao phải nói từ thí điểm “nghiêm túc”? Vì thực tế đã có những thí điểm đồ sộ mang tính quốc gia cũng về lĩnh vực giảm cầu. Nhưng vì khi thực hiện thí điểm thì nặng về chủ quan, duy lý chí từ xây dựng chương trình, kế hoạch đến tiến hành thực hiện. Sau 5-7 năm tổng kết, đánh giá thí điểm cũng với tinh thần ấy, phiến diện, thiếu tính khoa học và thực tiễn chỉ thấy “mầu hồng” về kết quả. Khi đưa thành luật pháp để áp dụng rộng rãi thì không thực hiện được. Như vậy, sự việc đã thất bại từ thí điểm đến tổng kết, xây dưng thành chính sách triển khai rộng.

Do vậy, với đổi mới công tác phòng ngừa SDTPMT rất cần nhìn nhận một cách thấu đáo ở mọi khía cạnh để thấy đó là một yêu cầu, một đòi hỏi khách quan, tất yếu của công cuộc phòng chống ma túy để có bước đi thích hợp, vững chắc.

 

Vũ Hùng Vương

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD