Thời điểm chín muồi đổi mới toàn diện công tác phòng ngừa sử dụng ma túy.

Tình hình sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh tiếp tục gia tăng với những diễn biến phức tạp đòi hỏi công tác phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy (SDTPMT) cần đổi mới toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phóng viên đã phỏng vấn ông Lương Lê Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD (Viện PSD) xung quanh vấn đề này.

 

Tình hình sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh tiếp tục gia tăng với những diễn biến phức tạp đòi hỏi công tác phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy (SDTPMT) cần đổi mới toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phóng viên đã phỏng vấn ông Lương Lê Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD (Viện PSD) xung quanh vấn đề này.


Ảnh: Ông Lương Lê Quang - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng, chống ma túy PSD

 

Phóng viên (PV):Thưa ông, phòng ngừa SDTPMT có vai trò thế nào trong công tác phòng, chống ma túy?

Viện trưởng Lương Lê Quang: Ở mọi lĩnh vực thì phòng ngừa đều quan trọng. Chúng ta thường nói: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, “Phòng cháy hơn chữa cháy”…Phòng ngừa SDTPMT thuộc lĩnh vực giảm cầu ma túy (MT), hết sức quan trọng. Thế giới đã chứng minh: nếu phòng ngừa giúp 1 người không mắc nghiện, riêng về chi phí sẽ tiết kiệm gấp 20 lần so với phải điều trị, cai nghiện. Đó là chưa kể sẽ giảm thiểu được những hệ lụy do người sử dụng/nghiện ma túy gây ra về an ninh trật tự xã hội, sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế, hạnh phúc gia đình…

Mặt khác, nếu tổ chức phòng ngừa tốt, ngoài làm giảm số người sử dụng và người nghiện mới còn hỗ trợ và làm giảm sức ép cho các lĩnh vực khác của công tác phòng, chống MT như giảm tội phạm MT, giảm tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất MT, cai nghiện cũng như giảm tác hại, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế…

PV: Lâu nay công tác phòng ngừa, cụ thể là công tác tuyên truyền đã được tiến hành rộng khắp, huy động nhiều cơ quan, đoàn thể, nhiều cấp, nhiều ngành tham gia. Tại sao lúc này lại đặt vấn đề cần đổi mới công tác phòng ngừa SDTPMT?

Viện trưởng Lương Lê Quang: Trước hết, đổi mới là yêu cầu tất yếu của mọi lĩnh vực đời sống xã hội phù hợp với tình hình thực tế thay đổi, yêu cầu ngày càng cao về hiệu quả hoạt động hoặc sự xuất hiện các yếu tố, nhân tố mới.

Ở đây, tôi chỉ nêu 3 lý do cần đổi mới công tác phòng ngừa:

Thứ nhất: chúng ta vẫn đang tiến hành công tác phòng ngừa nhưng thực tế người sử dụng ma túy, người  nghiện vẫn gia tăng đều đặn hàng năm với các đặc điểm: người sử dụng ma túy có xu hướng trẻ hóa rất rõ nét; tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đông người sử dụng ma túy tập thể trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, giải trí đang là vấn đề báo động; sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng nhiều loại ma túy khác nhau phổ biến… Tình hình trên có nhiều nguyên nhân nhưng rõ ràng chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận hiệu quả của công tác phòng ngừa chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ hai: Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo mạnh mẽ về công tác phòng ngừa: trong giai đoạn mới như tập trung ngăn chặn sự gia tăng người sử dụng ma túy; chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa, coi phòng ngừa là giải pháp chiến lược lâu dài. Đổi mới công tác phòng ngừa chính là thi hành chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.

Để làm được điều đó, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa một cách mạnh mẽ trên cơ sở đổi mới toàn diện công tác này.

Thứ ba: Thực tế thời gian qua đã xuất hiện cách làm, mô hình phòng ngừa có hiệu quả ở nhiều địa phương do đổi mới cách làm nhưng rất tiếc chưa được tổng kết và nhân rộng nên chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp ví dụ như ở 1 số phường xã, cơ quan đơn vị.

Mặt khác, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Hà Nội cũng thúc giục Việt Nam tổ chức thí điểm và mở rộng triển khai Chuẩn quốc tế về can thiệp dự phòng sử dụng ma túy (sau đây gọi tắt là Chuẩn quốc tế). Chuẩn quốc tế là hệ thống giải pháp phòng ngừa SDTPMT bao gồm gần 20 chiến lược phòng ngừa, trong đó có nhiều điểm mới so với phòng ngừa của Việt Nam mà đến nay gần 40 quốc gia đã áp dụng mang lại những kết quả rõ rệt.

Có thể nói, lúc này là thời điểm chín muồi đổi mới toàn diện công tác phòng ngừa.

PV: Xem ra đổi mới phòng ngừa là công việc yêu cầu đầu tư lớn công sức, trí tuệ. Theo ông cần có quan điểm ra sao về nhiệm vụ này?

Viện trưởng Lương Lê Quang: Sắp tới, Viện PSD sẽ tổ chức Hội thảo khoa học về “Đổi mới công tác phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy”, sau khi có ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống ma túy, của các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác này, mọi nội dung sẽ sáng rõ hơn. Nhưng theo tôi, để công tác phòng ngừa SDTPMT thực sự đổi mới và hiệu quả thì trước hết cần quan tâm:

Đổi mới phòng ngừa đúng là công việc lớn, có thể nói như một cuộc “cách mạng” về phòng ngừa. Về quan điểm, cần thống nhất cao từ trung ương đến cơ sở chủ trương đổi mới công tác phòng ngừa, coi đó là nhiệm vụ cấp bách, có vai trò quan trọng, coi đó là “quả đấm thép”  trong việc làm giảm số người mới sử dụng ma túy. Có “đồng tâm nhất trí” mới thống nhất hành động, tạo thành sức mạnh to lớn trong mọi hoạt động, thực hiện đồng bộ, đồng loạt hệ thống giải pháp đổi mới- nhiệm vụ đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực, trí tuệ và sự tham gia của toàn xã hội.

Về phương pháp tiếp cận: cần tổng kết, đánh giá khách quan khoa học công tác phòng ngừa hiện nay.“Dũng cảm” loại bỏ những hoạt động tốn kém, không còn mấy giá trị, bên cạnh đó, “thổi hồn”, tạo ra sinh khí mới, chất lượng mới, tạo lan tỏa cho cho những hoạt động có giá trị thực tiễn nhưng lâu nay vẫn “ngái ngủ” chưa được quan tâm phát triển. Đồng thời, cần thực sự cầu thị nghiên cứu áp dụng, vận dụng các giải pháp, chiến lược phòng ngừa của quốc tế đã được chứng minh hiệu quả.

Tinh thần chung là không nóng vội, đốt cháy giai đoạn nhưng cũng không lừng khừng dẫn đến triển khai chậm chạp, để mất thời cơ. Mặt khác, khi thực hiện không máy móc dập khuôn một mô hình nào mà thực hiện uyển chuyển phù hợp với yêu cầu thực tế nước ta.

PV: Cốt lõi đổi mới công tác phòng ngừa là đổi mới nội dung phòng ngừa, ông có thể cho biết một số nội dung về vấn đề này?

Viện trưởng Lương Lê Quang: Đổi mới không phải là xóa bỏ mọi biện pháp phòng ngừa đang làm. Có thể thấy, những mô hình phòng ngừa tốt thời  gian qua ở nước ta đều có đặc điểm chung: nhiều hoạt động được thực hiện đồng bộ như bám sát, nắm chắc tình hình, hoàn cảnh cuộc sống của từng người để phòng ngừa sớm bằng tư vấn, cảm hóa, chữa bệnh, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng phòng ngừa MT, trợ giúp kinh tế, công ăn việc làm (tức là cung cấp hệ thống dịch vụ phòng ngừa)…; phân công cán bộ có sở trường, có tâm, có năng lực chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ đó, huy động nguồn lực tổng hợp để hỗ trợ.

Những hoạt động đó có nhiều điểm trùng khớp với các giải pháp của Chuẩn quốc tế. Vậy thì trên nền móng chọn lọc những các mô hình vừa nêu, chúng ta sẽ nâng cao chất lượng, mở rộng các mô hình này trên cơ sở kết hợp kinh nghiệm của ta và cách làm quốc tế. Ví dụ, chuyển mạnh từ tuyên truyền đơn thuần sang tập huấn hoặc tuyên truyền - tập huấn, giáo dục kỹ năng. Hay như củng cố đưa kiến thức, kỹ năng mới, hoàn thiện, nhân rộng các mô hình như mạng lưới các loại hình Câu lạc bộ, tổ nhóm trợ giúp người nguy cơ cao hoặc đang trong quá trình phục hồi do các tổ chức xã hội, các địa phương thành lập.

 Hoàn thiện các hoạt động phòng ngừa đang có là con đường ngắn nhất và hiệu quả của đổi mới công tác phòng ngừa.

Nhưng nếu chỉ như vậy là chưa đủ. Chuẩn quốc tế do UNODC ban hành bao gồm gần 20 chiến lược phòng ngừa áp dụng tại trường học, nơi làm việc, cộng đồng với 3 cấp độ phòng ngừa: phổ quát (tiến hành các chiến lược phòng ngừa chung); phòng ngừa chọn lọc (cho người nguy cơ cao sử dụng MT); phòng ngừa chỉ định (cho người đã sử dụng ma túy)… Tóm lại có rất nhiều cách làm mới mà chúng ta cần thực sự cầu thị, nghiên cứu áp dụng ở nước ta.

Cũng lưu ý: Chuẩn quốc tế không phải là mô hình của một quốc gia mà của nhiều quốc gia được hơn 100 nhà khoa học đúc kết, tổng kết nên có nhiều thuận lợi áp dụng vì tương tự hoàn cảnh ở nhiều nước.

Và không chỉ Chuẩn quốc tế, các quốc gia, châu lục cũng có các mô hình phòng ngừa tốt đáng để chúng ta xem xét. Ví dụ, trong thời đại bùng nổ thông tin, nhiều nước châu Âu sử dụng mạng Internet, công nghệ thông tin cho công tác phòng ngừa rất có tác dụng với thanh thiếu niên khi nó được mở rộng xuyên quốc gia, giáo dục cả các kỹ năng…

Như vậy, có rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức phong phú, rộng mở để chúng ta học tập, áp dụng.

PV: Được biết thời gian vừa qua, Viện PSD là một đơn vị đi đầu trong tác nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công tác phòng ngừa. Ông có thể cho biết một số công việc Viện PSD đã làm?

Viện trưởng Lương Lê Quang: Viện PSD là cơ quan sớm tiếp cận Chuẩn quốc tế cũng như các phương pháp phòng ngừa trên thế giới. Mặt khác, qua thực tế hoạt động, chúng tôi cũng thấy rằng nếu chúng ta chỉ tập trung vào tuyên truyền chung chung sẽ kém hiệu quả, không “thấm” sâu vào được những người cần can thiệp phòng ngừa khác nhau. Viện đã nỗ lực triển khai công tác phòng ngừa đổi mới:

- Trong công tác truyền thông cho thanh thiếu niên, học sinh, bên cạnh cung cấp kiến thức về phòng chống MT, đi sâu tập huấn giáo dục kỹ năng phòng ngừa như kỹ năng xây dựng lối sống lành mạnh, có trách nhiệm; kỹ năng tự nhân thức bản thân, kỹ năng quản lý cảm xúc, ứng phó căng thẳng, ứng dụng các kỹ năng để xử lý tình huống liên quan đến ma túy…

- Để  phòng ngừa MT cho thanh thiếu niên, học sinh không chỉ cung cấp kiến thức kỹ năng trực tiếp cho các em mà còn tập huấn, truyền đạt cho cha mẹ, phụ huynh và giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tạo ra chất lượng mới về phối hợp giữa nhà trường, gia đình trong việc quản lý, dạy dỗ các em về phòng ngừa ma túy.

Ảnh: Hoạt động tập huấn kiến thức - kỹ năng PCMT cho học sinh do Viện PSD thực hiện

Viện đã mời các nhà khoa học, các chuyên gia về phòng chống ma túy biên soạn bộ tài liệu (4 cuốn) về Kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh THPT, THCS, cha mẹ và giáo viên.Đây là bộ tài liệu được xây dựng bài bản, chuyên sâu về kỹ năng phòng ngừa ma túy lần đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, UBQG phòng chống AIDS và PC tệ nạn MT, MD chỉ đạo triển khai trong toàn quốc. Tài liệu  là cuốn Cẩm nang hữu hiệu góp phần ngăn chặn ma túy học đường.

Hiện nay, Viện PSD đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai 5 nhiệm vụ phòng chống ma túy trong trường học tập trung vào truyền thông, giáo dục kỹ năng phòng ngừa ma túy; tập huấn phổ biến kỹ năng phòng chống MT cho các tầng lớp nhân…

Viện cũng đang có nhiều hoạt động đồng hành với các Bộ, ngành, cơ quan trong việc nghiên cứu, tổng kết xây dựng chương trình kế hoạch đổi mới công tác phòng ngừa.

PV: Qua trình bày của ông cho thấy, đổi mới công tác phòng ngừa SDTPMT là công việc cấp bách hiện nay, nếu triển khai sớm và bài bản sẽ mang lại những kết quả lớn lao. Theo ông thách thức của đổi mới là gì và cách tháo gỡ?

Viện trưởng Lương Lê Quang: Đổi mới bao giờ cũng đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhất là công tác phòng ngừa, ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Làm sao phải thống nhất nhận thức và hành động về đổi mới công tác phòng ngừa để xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa từng nội dung phòng ngừa, đào tạo bài bản đội ngũ cán bộ, huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện… là việc không dễ dàng. Ví dụ, lâu nay phòng ngừa chủ yếu là tuyên truyền, nay sẽ có hàng chục nội dung mới, cái nào cũng cần đầu tư cán bộ, kinh phí sẽ lớn hơn, nếu không rõ nhiệm vụ và giá trị rất dễ làm những người có trách nhiệm lưỡng lự, phân vân trong quyết định đầu tư.

Quốc tế nói “giúp 1 người không mắc nghiện, riêng về chi phí sẽ tiết kiệm gấp 20 lần so với phải điều trị, cai nghiện” là nói nếu phòng ngừa tốt, đúng theo kế hoạch, nội dung, mục tiêu đổi mới. Còn nếu làm hời hợt thì không những ít kết quả, thậm chí không có kết quả nào, còn mất lòng tin của nhân dân.

Do vậy, những bước đầu tiên cần làm là: một cơ quan cấp Bộ với đội ngũ cán bộ tâm huyết, có năng lực đứng ra nghiên cứu sâu, làm thí điểm. Rồi từ đó tổng kết, xây dựng chương trình, kế hoạch cấp quốc gia, giải trình, thuyết phục các cơ quan chức năng, có sự chỉ đạo của Chính phủ thông suốt từ trên xuống dưới để triển khai đồng bộ, áp dụng đại trà, mạnh mẽ, xây dựng cơ chế chính cho cán bộ, huy động nguồn lực cho các hoạt động…

PV: Xin cảm ơn ông.

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD