Giáo dục kỹ năng phòng ngừa ma túy cho học sinh là giải pháp cốt lõi ngăn chặn ma túy thâm nhập học đường

Việc phòng ngừa lạm dụng ma túy trong trường học ở nhiều quốc gia trên thế giới luôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của những người làm công tác phòng, chống ma túy

Việc phòng ngừa lạm dụng ma túy trong trường học ở nhiều quốc gia trên thế giới luôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của những người làm công tác phòng, chống ma túy nói riêng, của toàn xã hội nói chung.

Trong thời gian qua, mặc dù việc giáo dục cho học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy và các chất kích thích khác luôn được coi trọng, các cơ quan chức năng, nhiều kênh tuyên truyền đã tăng cường đáng kể thời lượng phổ biến về tác hại của các loại ma túy, song dường như những cảnh báo này chưa tạo ấn tượng đủ mạnh trong giới trẻ.

Từ thực tế đáng lo ngại này, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới trở thành một nhiệm vụ cấp thiết của toàn xã hội. Theo đó, việc giáo dục kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên thực sự là giải pháp cốt lõi để ngăn chặn tệ nạn ma túy thâm nhập vào môi trường học đường.

Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng nghiện ma túy có thể khẳng định về mặt khách quan chủ yếu do ảnh hưởng của môi trường xã hội, do hoàn cảnh gia đình, do sự lôi kéo dụ dỗ của tội phạm ma túy và do công tác quản lý xã hội còn yếu kém. Điều đó thể hiện trước hết môi trường sống. Môi trường sống tác động sâu sắc đến sự lựa chọn hành vi của con người, đặc biệt là giới trẻ. Một tài liệu điều tra cho thấy có đến 93,65% người nghiện trước đó đã từng nhìn thấy hoặc được người khác giới thiệu về ma túy, về cảm giác của ma túy, về phương pháp sử dụng ma túy… làm cho họ hiểu sai lệch về ma túy; có khoảng 40% người nghiện ma túy bắt đầu sử dụng ma túy do sự chế nhạo, khích bác của người khác.

Đồng thời, do tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường, với sự lên ngôi của quan hệ tiền tệ - lợi nhuận đã làm cho các tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn ma túy có điều kiện phát triển. Khi tệ nạn ma túy đã xuất hiện ở hầu hết các địa bàn, các khu dân cư thì tất yếu nó sẽ lôi kéo thanh thiếu niên theo con đường nghiện ngập.

Gia đình là nơi gieo những hạt giống đầu tiên của nhân cách, cha mẹ là người thầy đầu tiên và cũng có thể là suốt đời của thế hệ trẻ, do vậy gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi, lối sống của các em. Tình trạng nghiện ma túy trong thời gian qua cũng có phần nguyên nhân từ gia đình.

Mặt khác, cuộc sống kinh tế thị trường với những áp lực về giá trị vật chất, với sự đảo lộn nhiều thang giá trị đã khiến một bộ phận thanh thiếu niên lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, thiếu niềm tin và điểm tựa, vì vậy họ tìm đến ma túy để quên đi thực tại. Đặc biệt thiếu sân chơi lành mạnh là vấn đề bức xúc của lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuổi trẻ gắn liền với những hoạt động vui chơi, giải trí nhưng hiện nay ở nước ta công viên, sân bóng, địa điểm vui chơi cho thế hệ trẻ dù ở thành phố hay nông thôn đều thiếu một cách nghiêm trọng. Không có sân chơi giới trẻ thường tìm đến quán rượu, sàn nhảy và làm quen với ma túy như là một phương cách hữu hiệu để giải tỏa tâm lý, thể hiện bản sắc cá nhân.

Nghiên cứu nguyên nhân chủ quan của tình trạng nghiện ma túy cho thấy trước hết do thế hệ trẻ thiếu hiểu biết về ma túy và không có kỹ năng sống. Việc hạn chế trong nhận thức về tác hại của ma túy làm các em dễ bị nhầm tưởng ma túy có thể mang lại những mặt tích cực cho con người hoặc các em cho rằng cai nghiện dễ dàng. Trong lúc đó sự thiếu hụt kỹ năng sống làm cho các em không có khả năng tự chủ bản thân, không biết ứng xử phù hợp trong trường hợp bị lôi kéo, dụ dỗ hoặc bị đe dọa. 

Không có kỹ năng sống các em không biết đối diện và vượt qua những thách thức của cuộc sống nên dễ buông xuôi, dễ bị khủng hoảng và thường tìm lối thoát cho mình một cách cực đoan. Đây là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng nghiện ma túy gia tăng. Hơn nữa, tâm lý hiếu kỳ, tò mò, thích thể hiện bản thân cộng với bản tính nông nổi của tuổi trẻ khiến nhiều em thích trải qua cảm giác sử dụng ma túy.  Do vậy, tăng cường giáo dục kỹ năng phòng, tránh ma túy cho học sinh, sinh viên tạo nên năng lực phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, là giải pháp cốt lõi phòng ngừa ma túy thâm nhập học đường.

 

Ảnh: Một buổi giáo dục kỹ năng phòng, tránh ma túy cho các em học sinh được tổ chức qua hình thức sắm vai xử lý tình huống

Giáo dục kỹ năng phòng, tránh ma túy cho học sinh được kết hợp thông qua bộ dụng cụ mô phỏng, giúp các em học sinh có cái nhìn trực quan trong nhận diện các loại ma túy

Kỹ năng sống của học sinh, sinh viên ở nước ta hầu như chưa được quan tâm đúng mực, chương trình giáo dục kỹ năng sống trong các nhà trường hết sức mờ nhạt. Từ đó, học sinh, sinh viên của chúng ta rất hạn chế về các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng sinh tồn, các kỹ năng ứng phó với tự nhiên, xã hội và kỹ năng xử lý vấn đề của bản thân. Trong đó có việc thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng sống trong lĩnh vực phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội.

Trong xã hội ngày càng phát triển, chúng ta luôn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức từ môi trường học tập và làm việc. Chính môi trường này giúp chúng ta rèn luyện bản thân và để có thể rèn luyện tốt chúng ta cần phải rèn luyện kỹ năng sống. Vì thế mà có ý kiến cho rằng: Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng quan trọng như tích lũy kiến thức.

Giáo dục kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên là một trong những nội dung quan trọng cần được chú trọng trong nền giáo dục hiện đại. Theo tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục (UNESCO) của Liên hợp quốc thì kỹ năng sống là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày. Kỹ năng sống bao hàm năng lực nhận biết, áp dụng hiểu biết đó để giải quyết những vấn đề của cuộc sống giúp họ có cuộc sống an toàn, khỏe mạnh và hiệu quả. Nó được thể hiện qua khả năng ứng xử đúng đắn, phù hợp khi tương tác với người khác hoặc trong những tình huống khác nhau của môi trường xã hội. 

Giáo dục kỹ năng phòng tránh ma túy là giáo dục kỹ năng nhận biết về ma túy, hiểu biết quy định pháp luật về ma túy, giáo dục kỹ năng đương đầu với những cám dỗ từ ma túy, từ hành vi lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy, kỹ năng tránh xa ma túy. Đó là giáo dục cho các em biết sống theo những chuẩn mực làm người, biết tạo dựng cho mình cuộc sống lành mạnh, an toàn và hạnh phúc.

Thời gian qua, dưới sự tác động của công tác giáo dục và qua các kênh thông tin, nhận thức về tác hại của ma túy trong cộng đồng được nâng cao song điều này lại chưa đồng đều trong các nhóm đối tượng, đặc biệt là trong giới trẻ. Do thiếu hiểu biết mà một bộ phận học sinh, sinh viên đã không biết mình đang sử dụng ma túy, đặc biệt là những loại ma túy tổng hợp dưới dạng chất an thần. 

Vì vậy, cần giáo dục cho sinh viên kỹ năng nhận biết chất ma túy, nhất là các loại ma túy thường gặp như heroin, thuốc lắc, ma túy đá,.. Chẳng hạn cần cung cấp cho sinh viên những hiểu biết về hêroin, đó là chất được chiết xuất từ moocphin, thường tồn tại dưới dạng bột, có màu sắc khác nhau, phụ thuộc vào độ tinh khiết. Heroin màu trắng có độ tinh khiết cao hơn so với màu nâu hoặc màu trắng ngà. Heroin thường được sử dụng theo đường tiêm chích, hút, hoặc hít. Heroin hấp thu vào máu và nhanh chóng tác động lên não của người sử dụng. Khả năng gây nghiện của hêroin rất cao, thông thường chỉ cần hít 2 lần là sẽ bị nghiện. 

Nội dung giáo dục kỹ năng phòng tránh ma túy không chỉ trang bị kiến thức về ma túy và hậu quả của nó mà còn cần giáo dục giúp các em hiểu được sử dụng ma túy là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy sẽ bị coi là tội phạm và có thể bị xử lý bằng những bản án vô cùng nghiêm khắc.

Bên cạnh nâng cao nhận thức cho giới trẻ, hoạt động giáo dục kỹ năng phòng tránh ma túy cần giáo dục cho học sinh, sinh viên kỹ năng tránh xa các nguy cơ dẫn đến sử dụng ma túy. Trước hết, giáo dục cách thức nâng cao khả năng nhận diện những hành vi dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy và hướng dẫn kỹ năng vượt qua những cạm bẫy mà các em có thể mắc phải. Có rất nhiều cạm bẫy dẫn đến việc sử dụng ma túy, nếu các em không có các kỹ năng cơ bản sẽ dễ bị cuốn vào con đường nguy hiểm.

Cạm bẫy thứ nhất, tin rằng nếu sử dụng ma túy một lần sẽ không gây nghiện. Cần giúp các em hiểu rằng điều này chỉ là sự lường gạt, bởi lẽ đối với các loại ma túy tổng hợp chỉ cần thử một lần là người sử dụng sẽ luôn nghĩ đến ma túy, từ đó việc họ tiếp tục sử dụng là điều khó tránh khỏi và ngày càng lệ thuộc vào ma túy. Vì vậy, dù trong trường hợp nào cũng phải biết nói không với ma túy. 

Cạm bẫy thứ hai, tin vào những lời tuyên bố cho rằng sử dụng ma túy có thể chữa được bệnh tật, tạo sự khoái cảm, tinh thần thoải mải và có thể quên đi mọi phiền muộn, đau khổ hoặc có thể giảm béo, làm đẹp. Trên thực tế ma túy hủy hoại nghiêm trọng sức khỏe, nhan sắc của con người và nhiều trường hợp sử dụng ma túy đã dẫn tới tử vong. 

Cạm bẫy thứ ba, tin vào các lời tuyên truyền cho rằng sử dụng ma túy tạo đẳng cấp thời thượng cho giới trẻ. Lợi dụng tâm lý muốn khẳng định bản thân của lớp trẻ, nhiều kẻ xấu đã tuyên truyền việc sử dụng ma túy thể hiện phong cách thời thượng, được người khác ngưỡng mộ, từ đó lôi kéo lớp trẻ sử dụng. 

Cạm bẫy thứ tư là mời các em sử dụng ma túy miễn phí. Những kẻ buôn bán ma túy thường nhắm vào các em học sinh, sinh viên dễ tin người, kinh nghiệm sống còn ít để lôi kéo, mua chuộc các em sử dụng. Khi đã quen với ma túy, các em sẽ phải mua thuốc với giá cả đắt đỏ. Thủ đoạn của chúng không chỉ làm cho các em nghiện ma túy mà còn khiến các em lệ thuộc vào họ, để họ sai khiến làm việc phạm pháp hoặc phải lôi kéo bạn bè mình dùng ma túy, tạo thị trường rộng lớn cho những kẻ bán ma túy. 

Cạm bẫy thứ năm, kẻ xấu tìm cách dụ dỗ các em sử dụng ma túy. Thủ đoạn của chúng thường sử dụng như bỏ ma túy vào thuốc lá, pha vào đồ uống hoặc mời ăn kẹo có chứa ma túy, thậm chí nói dối là thuốc bổ rồi dùng những lời lẽ có cánh để mời các em dùng. Vì vậy, cần giáo dục cho các em kỹ năng làm chủ bản thân, biết phân biệt đúng sai, xấu tốt để lựa chọn hành vi đúng đắn, phù hợp, biết từ chối, không ăn, uống những thứ do người lạ đưa cho, không uống thuốc bừa bãi. Đồng thời hướng dẫn cho các em kỹ năng cần thiết khi gặp các tình huống nguy hiểm do bị cưỡng bức, đe dọa, ép buộc dùng ma túy. Nội dung giáo dục kỹ năng chủ yếu giáo dục hành vi và ứng xử theo các tình huống. 

Thông qua sự hiểu biết và năng lực của học sinh, sinh viên giáo dục kỹ năng sống bằng cách đưa các em vào những tình huống thực tế và hướng dẫn các em cách ứng xử phù hợp. Ví dụ giáo dục các em cách ứng xử khi lâm vào hoàn cảnh buồn chán, bế tắc. Làm thế nào khi bị người khác dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy? Làm thế nào để tránh xa bạn xấu, kẻ xấu? Ứng xử như thế nào khi bị đe dọa? Ứng xử thế nào trước người xấu, việc xấu? Ứng xử như thế nào trong trường hợp người lạ mời ăn uống? Giao tiếp với người lạ như thế nào? Làm thế nào để nhận diện những dấu hiệu của hành vi mua bán ma túy ? Khi bị bạo lực và ép buộc hay trong những tình huống nguy hiểm khác cần ứng xử như thế nào, cần nhờ sự trợ giúp ở đâu?...

Ngoài ra, để tăng cường khả năng phòng tránh ma túy cần hướng dẫn cho các em tham gia các hoạt động có ích, biết yêu quý thời gian, vui chơi, giải trí lành mạnh, sống một cuộc sống tinh thần đầy đủ, văn minh. Tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, các hoạt động xã hội. Điều này không chỉ giúp các em giải tỏa áp lực trong cuộc sống mà còn làm phong phú đời sống tinh thần, xa lánh những nơi không phù hợp với tuổi trẻ như quán rượu, vũ trường, quán Internet...và tránh xa các tệ nạn xã hội. Đồng thời giáo dục cho các em khả năng đương đầu với những khó khăn, khủng hoảng về tâm lý, tăng cường khả năng kiềm chế cảm xúc. Xây dựng các tình huống, trong đó các em gặp thất bại về học tập, về tình cảm, bố mẹ ly hôn, gia đình nợ nần...và cùng các em đưa ra hướng xử lý phù hợp. Thực hiện các bài tập rèn luyện ý chí vượt qua khó khăn và thất bại trong cuộc sống bằng các hoạt động tích cực.

Hình thức giáo dục kỹ năng phòng tránh ma túy chủ yếu lồng ghép vào các môn học chính khóa như môn Đạo đức, Giáo dục công dân (ở bậc phổ thông), môn Pháp luật đại cương, Kỹ năng giao tiếp, Giáo dục phòng chống HIV/AIDS... (ở bậc cao đẳng, đại học) và thông qua tổ chức các sân chơi cho học sinh, sinh viên theo hình thức ngoại khóa. Đó là tổ chức cho học sinh, sinh viên tiếp cận với các tình huống hoặc tìm hiểu kiến thức ma túy thông qua một chương trình vui chơi trí tuệ. 

Đồng thời mở rộng các hình thức giáo dục qua hoạt động thực tế như tham dự các phiên tòa, tham quan các trung tâm cai nghiện ma túy và phối hợp với cán bộ ở trung tâm hướng dẫn các em cách phòng, tránh ma túy. Không có gì hiệu quả bằng việc chính các em tận mắt chứng kiến và tham gia những hoạt động thực tế. Ngoài ra, cần tăng cường hình thức giáo dục thông qua các buổi sinh hoạt lớp bằng việc kể các câu chuyện tình huống hoặc nghe, xem các đĩa âm thanh, đĩa hình về những câu chuyện, những tình huống liên quan đến ma túy.

Bản chất của công tác giáo dục là quá trình tổ chức cuộc sống và các hoạt động thực tiễn cho học sinh, sinh viên. Vì thế, phương pháp tổ chức hoạt động nhằm hình thành kỹ năng, kỹ xảo, hành vi và thói quen là phương pháp giáo dục kỹ năng phòng tránh ma túy hiệu quả. Nhóm phương pháp này gồm phương pháp luyện tập và phương pháp rèn luyện. Luyện tập là tổ chức cho học sinh, sinh viên thực hiện một cách đều đặn, có kế hoạch, có hệ thống các hành động nhất định nhằm biến chúng thành thói quen, thành thuộc tính bền vững của nhân cách. 

Rèn luyện là phương pháp giáo dục trong đó nhà giáo dục đưa học sinh, sinh viên vào cuộc sống xã hội để tham gia vào các hoạt động khác nhau nhằm thể nghiệm và thể hiện ý thức, thái độ, tình cảm của mình đồng thời xâm nhập vào những tình huống thực tiễn để giải quyết, ứng phó, xây dựng các kỹ năng sống cần thiết cho bản thân. Ngoài ra, trong qúa trình giáo dục cần kết hợp sử dụng nhóm các phương pháp kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi là nhóm phương pháp tác động vào nhận thức, tình cảm của học sinh, sinh viên nhằm tạo ra tâm lý phấn chấn, tin tưởng, lạc quan cho các em khi tham gia vào các hoạt động thực tế đồng thời giúp những học sinh, sinh viên có khuyết điểm nhận thấy sai sót của mình và tự giác khắc phục, sửa chữa. Đây là phương pháp có tác dụng thúc đẩy học sinh, sinh viên tích cực tham gia những công việc có ích đồng thời hạn chế những hành vi lệch chuẩn.

Cuộc sống khi có và khi không có kĩ năng sống thực sự rất khác biệt. Một người không có kĩ năng sống, cuộc đời sẽ gặp nhiều khó khăn, một cộng đồng không có kĩ năng sống sẽ ẩn chứa nhiều xung đột và hạn chế, một quốc gia không có kĩ năng sống sẽ chẳng thể vươn lên phía trước. Ta có thể thấy ngay điều đó, một học sinh không có kĩ năng sống thường nản chí khi gặp bài tập khó, dễ sa ngã khi bị bạn bè xấu rủ rê, dễ cãi vã khi bạn bè có suy nghĩ khác mình. Người không có kĩ năng sống cũng thường gặp nhiều khó khăn, nhiều cảm xúc tiêu cực hơn trong học tập, làm việc. Rèn luyện kĩ năng sống, chúng ta sẽ có những hành xử đẹp và hiệu quả. Chứng kiến một vụ việc bạo lực học đường, có bạn đứng xem vì tò mò, có bạn sợ hãi, có bạn cổ vũ, có bạn đứng quay video để tung lên mạng, nhưng bạn có kĩ năng sống sẽ phân tích ngay mức độ nghiêm trọng của sự việc và có những tác động kịp thời như can ngăn nếu sự việc không quá nghiêm trọng, tìm cách giải quyết như thông báo cho người bảo vệ, tổ an ninh, thầy cô giáo, hoặc gọi điện cho công an để giải quyết.

Do vậy, trong công tác giáo dục ở nhà trường cần trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng quan trọng, đặc biệt là những kỹ năng phòng tránh những cám dỗ từ ma túy, mại dâm, cờ bạc, trò chơi điện tử,…giúp các em tự tin xây dựng cuộc sống hạnh phúc và tham gia cống hiến cho xã hội. Từ đó chúng ta sẽ tạo nên môi trường giáo dục có định hướng rõ ràng, môi trường giáo dục lành mạnh và hạn chế tối đa các tác động xấu của tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy đến học sinh, sinh viên và tác động xấu, thâm nhập vào các trường học. Tạo môi trường trường học lành mạnh, thân thiện và phòng chống các tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy.

 

ThS. Dương Văn Bá

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD