Tuổi trẻ là tâm điểm phòng ngừa ma tuý

Tuổi trẻ là nguồn nhân lực dồi dào, có sức khỏe để sẵn sàng làm việc, cống hiến, hy sinh cho đất nước. Một đất nước muốn phát triển cần năng động, nhịp bước với sự phát triển chung của thế giới.

Tuổi trẻ - mùa xuân của đất nước

Với tất cả sự yêu thương, trân trọng, tin tưởng và hy vọng vào thế hệ trẻ Việt Nam đối với tương lai đất nước, dân tộc, trong thư gửi học sinh toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên Đán năm 1946, Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã viết: “ Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước”.

Tuổi trẻ là nguồn nhân lực dồi dào, có sức khỏe để sẵn sàng làm việc, cống hiến, hy sinh cho đất nước. Một đất nước muốn phát triển cần năng động, nhịp bước với sự phát triển chung của thế giới. Lớp người trẻ với năng lượng trẻ, sức khỏe, tinh thần hứng khởi là “nguồn tài nguyên sống” quý giá cho sự phát triển. Tuổi trẻ mang trong mình hoài bão, ước mơ mãnh liệt, sự quyết tâm vô cùng lớn lao với sự nghiệp xây dựng đất nước…

Để xứng đáng với kỳ vọng của Bác Hồ, bện cạnh con đường học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo thế hệ trẻ còn phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng. “Đừng ham chơi, đừng ham mặc, đừng ham ăn”, câu thơ của Phan Bội Châu vẫn là tiếng nói chân thành nhắc nhở; phải biết hướng sức trẻ, trí tuệ tuổi trẻ vào những việc ích nước lợi nhà. Những hiện tượng tiêu cực như sống buông thả, thích ăn chơi hưởng thụ, học hành lười biếng, sa sút về đạo đức,... trong một bộ phận thanh niên, thiếu niên hiện nay đã và đang làm nhức nhối lòng người. Nhiệm vụ của cả xã hội là chống lại các hiện tượng tiêu cực đó để tâm hồn tuổi trẻ Việt Nam trong sáng hơn, chí khí hơn mãi mãi là mùa xuân của xã hội, là trụ cột của nước nhà.

Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã viết: “ Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước”.

Hiện nay, thế hệ trẻ đang đứng trước thử thách to lớn như Bộ Chính trị đã cảnh báo: “ Ma túy là hiểm họa của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới”. Ma túy không những là hiểm họa làm suy kiệt giống nòi mà còn là nguyên nhân của tội phạm, tệ nạn xã hội, làm mất an ninh trật tự xã hội, kinh tế gây ra  bao đau khổ cho cho thế hệ trẻ và nhân dân. Phòng, chống ma túy là nhiệm vụ chung của nhân loại và là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách  của cả hệ thống chính trị của  Nhà nước Việt Nam.

Bảo vệ thế hệ trẻ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Vai trò của tuổi trẻ lớn lao với tiền đồ đất nước nên Đảng và Nhà nước luôn quan tâm. Có nhiều nhiệm vụ phải làm để tạo môi trường, điều kiện để thế hệ trẻ phát triển toàn diện, hài hòa trong đó, một mặt, tạo ra môi trường xã hội an toàn, lành mạnh về ma túy, mặt khác trang bị các kiến thức,kỹ năng để họ có thể “miễn nhiễm” với ma túy. Cao hơn nữa là thúc đẩy họ tham gia toàn diện vào công cuộc phòng, chống ma túy bằng sự nhiệt huyết và năng lực, sự sáng tạo của lớp người được đào tạo bài bản.

Bảo vệ thế hệ trẻ cần thực hiện tổng thể các giải pháp chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, sẽ được trình bày cụ thể từng nội dung ở các bài sau. Nhưng trước hết điều đó thể hiện sâu sắc trong quan điểm của Đảng và Chính phủ. Đảng ta luôn quan tâm và những năm gần đây càng chỉ đạo sâu sắc triển khai các giải pháp toàn diện.

 Đảng ta cảnh báo: “Ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới, gây rối loạn tâm thần, khó kiểm soát; việc sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh niên, thiếu niên tăng nhanh, song chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục, ngăn chặn, đẩy lùi…Tội phạm và tệ nạn ma túy có nguy cơ trở thành hiểm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân và làm phát sinh nhiều loại tội phạm, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân”1.

Đánh giá công tác nâng cao nhận thức về ma túy cho thế hệ trẻ, đảng ta nhận định: “Công tác tuyên truyền chưa phát huy hiệu quả trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao; một bộ phận nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên chưa nhận thức rõ tác hại của ma tuý; ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma tuý còn hạn chế”2.

Đảng ta xác định:“Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội” 3.

Chủ tịch nước  Võ Văn Thưởng nêu rõ: ma túy là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh các tệ nạn xã hội, tội phạm ma túy là loại tội phạm nguy hiểm, tinh vi và manh động, có nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng. Đảng và Nhà nước ta nhất quán quan điểm: không khoan nhượng với tội phạm và tệ nạn ma túy. Huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa với tội phạm ma túy.  Chủ tịch nước cũng lưu ý việc cần nâng cao kỹ năng, cập nhật công nghệ, kỹ thuật hiện đại, thực hiện hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, nhất là các loại ma túy mới được chế biến, che giấu tinh vi 4.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: phải coi tội phạm ma túy là kẻ thù của sự phát triển, là kẻ thù chung của tất cả chúng ta; phải đoàn kết, cùng nhau ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tệ nạn vô cùng nguy hiểm này, vì một cộng đồng sạch ma túy 5.

Đặt nhiệm vụ phòng chống ma túy vào vị thế mới để thực sự tăng cường và nâng cao hiệu quả :“Đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy 6.

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niện, học sinh, Nhà nước giao trách nhiệm cho các bộ, ngành trong đó có cơ sở giáo dục quan tâm thực hiện các chương trình giáo dục  cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên:Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy” 7.

Trong giai đoạn mới, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác phòng ngừa nói chung và cho thanh thiếu niên, học sinh: “Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa, xác định đây là giải pháp chiến lược, lâu dài. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy. Thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin cho nhân dân về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy, xây dựng chương trình giáo dục, tuyên truyền chuyên biệt cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao” 8.

Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo: “ Chú trọng xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục phòng, chống ma túy cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Chỉ đạo, thống nhất, đồng bộ trong ngành Giáo dục việc tăng cường giảng dạy trong Chương trình chính khóa và tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa các nội dung giáo dục về phòng ngừa ma túy cho học sinh, sinh viên ở các cấp học” 9.

 Chính phủ đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì: “xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án “Tăng cường phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên” 10.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, hàng loạt giải pháp, chương trình  phòng chống ma túy cho thế hệ trẻ đang được các ngành, các cấp  đồng loạt triển khai thực hiện và xuất hiện các mô hình phòng, chống có hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: đa dạng hóa nội dung, hình thức phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy; trọng tâm là tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và ma túy "núp bóng" các loại thực phẩm. Chú trọng xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục phòng, chống ma túy cho thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên; trong đó, thiết kế, triển khai các chương trình giáo dục ngoại khóa, kỹ năng, nhất là trong các dịp nghỉ hè để các cháu tham gia các hoạt động tích cực, góp phần tránh xa tệ nạn ma túy.

Với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng, Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới: "Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu"11.

"Các cháu hãy kiên quyết nói KHÔNG và luôn tránh xa mối hiểm họa ma túy! Không thử ma túy dù chỉ một lần! Từng ngày, các cháu hãy cố gắng học tập, rèn luyện, chăm chỉ, tránh xa những cạm bẫy, đặc biệt là ma túy; tu dưỡng, rèn luyện, trở thành những công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội", Thủ tướng phát biểu 12.

Rộng mở tiếp thu tinh hoa thế giới

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới- phương châm ấy không chỉ cho lĩnh vực văn hóa mà còn cho tất cả các lĩnh vực khác trong đó có phòng, chống ma túy trong thời điểm nước ta ngày càng hội nhập quốc tế.

Bảo vệ thế hệ trẻ trước hết là công tác phòng ngừa cho thanh thiếu niên không bị ma túy cám dỗ, đây cũng là nhiệm vụ số 1 của bảo vệ. Trên thế giới có rất nhiều mô hình, phương pháp phòng ngừa của các nước và quốc tế. Yếu tố “tiếp thu có chọn lọc tinh hoa” ở đây chính là nghiên cứu tìm ra mô hình, phương pháp phòng ngừa phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta để việc ứng dụng ấy thực sự có hiệu quả. Đây là cơ hội và trách nhiệm của chúng ta.

Chương trình tuyên truyền phòng chống ma tuý cho học sinh do Viện PSD thực hiện

 

Năm 2015, hàng trăm nhà khoa học của hàng chục quốc gia trên thế giới sau nhiều năm nghiên cứu và thực nghiệm, thực chứng có hiệu quả cao đã được cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổng kết thành Chuẩn Quốc tế về can thiệp dự phòng sử dụng ma túy. Chuẩn Quốc tế đã được triển khai ở hàng chục quốc gia và kết quả tốt ngoài mong đợi. Chuẩn Quốc tế gồm hơn 20 chiến lược phòng ngừa từ lúc người ta còn trong bụng mẹ (có vẻ còn xa lạ với chúng ta!) đến lúc trưởng thành và suốt cuộc đời.

Chúng ta hãy điểm qua nội dung các chiến lược phòng ngừa này.

Ở giai đoạn trẻ còn trong bụng mẹ và sơ sinh: Phòng ngừa ma tuý thông qua các can thiệp có chọn lọc với các bà mẹ mang thai và sử dụng ma tuý: cung cấp các kỹ năng làm mẹ cơ bản, tư vấn về việc sử dụng ma tuý, điều trị các bệnh đồng diễn, hỗ trợ giải quyết các nhu cầu về nhà ở, pháp lý, việc làm ở người mẹ...

Ở độ tuổi thơ ấu: Giáo dục sớm cho trẻ để hỗ trợ phát triển xã hội và nhận thức của trẻ ở độ tuổi thơ ấu, trước khi tới trường (2 - 5 tuổi) trong các cộng đồng có khó khăn. Đây là một loại hình can thiệp có chọn lọc và được đánh giá là giúp giảm nguy cơ sử dụng thuốc lá, cần sa và các loại ma tuý khác ở trẻ khi trưởng thành. Giáo dục sớm cho trẻ ở các cộng đồng có nhiều bất lợi cũng giúp dự phòng các hành vi nguy cơ khác, các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, hỗ trợ thành công trong học tập và hoà nhập xã hội ở các giai đoạn sau này.

Ở độ tuổi trung ấu (độ tuổi nhi đồng, tiểu học): Ở độ tuổi này trẻ sẽ giảm dần thời gian ở cùng gia đình, thay vào đó là dành thời gian tại trường học và với bạn bè cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, ở độ tuổi này gia đình vẫn là tác nhân xã hội vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, phòng ngừa ma tuý cho trẻ ở thời kỳ trung ấu cần phải có các chương giúp dạy kỹ năng làm cha mẹ. Đây vừa là chương trình phổ quát, đồng thời có thể là chương trình chọn lọc giúp cha mẹ có được các kỹ năng để đưa ra các quyết định đúng đắn và trở thành tấm gương cho con cái. Đây là một trong những yếu tố bảo vệ quan trọng nhất với lạm dụng chất và các hành vi nguy cơ khác ở trẻ. Các chương trình này cũng có thể áp dụng cho cha mẹ có con ở giai đoạn đầu tuổi vị thành niên.

Ở độ tuổi trung ấu, vai trò của nhà trẻ, trường học và các nhóm bạn bè bắt đầu lớn dần, các yếu tố như các chuẩn mực xã hội, văn hóa trường học và chất lượng giáo dục ngày càng trở nên quan trọng cho sự phát triển an toàn và lành mạnh về mặt cảm xúc, nhận thức và xã hội. Chính vì vậy các chương trình dự phòng cần bao gồm cả dạy kỹ năng cá nhân và xã hội cho trẻ, giúp trẻ có các kỹ năng ứng phó với các tình huống khó khăn trong cuộc sống hằng ngày bằng cách an toàn và lành mạnh.

Các chương trình phổ quát nhằm cải thiện môi trường lớp học, tăng cường khả năng quản lý lớp học của thầy cô và giúp trẻ trở thành các học sinh tốt hơn, giảm các hành vi gây rối và hung hăng thông qua tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, ngoại khoá cho trẻ cũng rất quan trọng. Các chính sách khuyến khích trẻ tới trường, khuyến khích các gia đình cho con đi học cũng giúp cho trẻ có được một môi trường học tập, vui chơi hoà đồng với các bạn, là một yếu tố bảo vệ quan trọng.

Ở giai đoạn đầu tuổi vị thành niên: Đây là thời điểm để “thử” vai trò và trách nhiệm làm người lớn. Mong muốn được “làm người lớn’ và tự chủ hơn khi đang có các thay đổi quan trọng diễn ra trong não bộ của trẻ vị thành niên cũng tạo ra thời điểm cơ hội cho các quyết định “bốc đồng” và các hành vi nguy cơ tiềm ẩn, như các hành vi tình dục nguy cơ, hút thuốc và uống rượu, hành vi lái xe không an toàn và sử dụng ma túy. Chính vì vậy ở giai đoạn ngày các hoạt động phòng ngừa cần bao gồm các chương trình giáo dục dự phòng dựa trên các kỹ năng bản thân và xã hội và các ảnh hưởng xã hội. Các chương trình này giúp tăng cường kỹ năng từ chối rủ rê sử dụng chất ở bạn bè cũng như ứng phó với các sức ép xã hội về sử dụng ma tuý và ứng phó với các vấn đề khác trong cuộc sống theo cách lành mạnh.

Các chương trình can thiệp cho thanh thiếu niên ở độ tuổi này cũng cần giúp các em có hiểu biết đầy đủ hơn về các chất ma tuý và hậu quả của việc lạm dụng cá chất ma tuý, các kỳ vọng tích cực là tiêu cực liên quan tới sử dụng các chất gây nghiện, biểu hiện của việc bị lệ thuộc các chất ma tuý khác nhau (ví dụ người nghiện chất kích thích dạng amphetamine, ví dụ “hàng đá” thường sẽ không có các biểu hiện về hội chứng cai như người nghiện chất dạng thuốc phiện, vì vậy nhiều người chủ quan vẫn nghĩ mình không nghiện). Các chương trình dự phòng can thiệp nang cao kỹ năng làm cha mẹ hay cải thiện môi trường lớp học... vẫn rất quan trọng ở giai đoạn này. Ngoài ra, cần có các can thiệp chỉ định được thiết kế dành riêng cho những thanh thiếu niên (cả ở độ tuổi đầu vị thành niên và độ tuổi vị thành niên) có các đặc điểm tính cách có nguy cơ cao như bốc đồng, hay lo lắng, tuyệt vọng, thích tìm kiếm khoái cảm. Các can thiệp này giúp các em có các kỹ năng ứng phó một cách tích cực với các cảm xúc xuất phát từ tính cách của mình thay vì tìm đến với rượu hay ma tuý.

Ở tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành:

Khi thanh thiếu niên lớn lên, bên cạnh các can thiệp và chính sách tại trường học tương tự nhự cho trẻ ở giai đoạn đầu tuổi vị thành niên (như cải thiện môi trường lớp học, truyền thông nâng cao nhận thức về rượu bia và các chất ma tuý, cac chương trình tư vấn, kèm cặp hỗ trợ ứng phó với các cảm xúc tiêu cực.) cần chú trọng tới các hoạt động phòng ngừa ở những môi trường ngoài gia đình và trường học, như tại nơi làm việc, địa điểm vui chơi và cộng đồng...13.

Tiếp thu tinh hoa phòng ngừa ma túy không chỉ là tiếp thu Chuẩn quốc tế về dự phòng  sử dụng ma túy mà còn rất nhiều mô hình, kinh nghiệm khác của các quốc gia, cần được đầu tư thỏa đáng, nghiên cứu kỹ lưỡng để chọn lọc và áp dụng kịp thời.

Lê Hiền (Viện PSD)

Ghi chú:

(1), (3), (6) Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy.

(2) Kết luận số 95/KL-TW  ngày 02/4/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 21/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.

(4) Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi gặp mặt biểu dương điển hình tiên tiến PCMT toàn quốc ngày 14/6/2023- Báo điện tử Đảng CSVN ngày 14/6/2023

(5), (12) Thủ tướng Phạm Minh Chính :Phải coi ma túy là kẻ thù chung của tất cả chúng ta- Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình ngày 15/6/2023.

(7) Luật Phòng, chống ma túy (2021)

(8),(9), (10) Quyết định số 1452/TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng chống ma túy giai đoạn 2021-2025.

(13) TS Nguyễn Thị Vân- Phó Hiệu trưởng trường Đại học LĐXH:Đổi mới giải pháp phòng ngừa lạm dụng ma túy trong bối cảnh hòa nhập quốc tế- Tham luận tại Hội thảo khoa học Đổi mới giải pháp phòng ngừa lạm dụng trái phép chất ma túy

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD