Đảm bảo nguồn lực cho đổi mới công tác phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy

“Đầu tư cho phòng chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đó là quy định mới, là cơ sở quan trọng để đảm bảo nguồn lực tương xứng với yêu cầu nhiện vụ phòng chống ma túy (PCMT) của giai đoạn mới- nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài".

Yêu cầu về đảm bảo nguồn lực

Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy Chỉ thị số 36/CT-TW xác định: “Đầu tư cho phòng chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đó là quy định mới, là cơ sở quan trọng để đảm bảo nguồn lực tương xứng với yêu cầu nhiện vụ phòng chống ma túy (PCMT) của giai đoạn mới- nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài. Riêng với lĩnh vực phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy (SDTPMT)- một trong hai nhiệm vụ chủ chốt của nhiệm vụ Giảm cầu ma túy- việc bố trí nguồn lực cũng cần thay đổi trước yêu cầu đổi mới toàn diện công tác này.

Đổi mới công tác phòng ngừa SDTPMT với hệ thống giải pháp thay đổi cơ bản với nhiều nội dung mới và yêu cầu kinh phí đảm bảo gấp nhiều lần.

 Ở nhà trường, đó là hoạt động giáo dục trẻ em sớm, các kỹ năng bản thân và xã hội, kỹ năng phòng ngừa SDMT, xử lý các khủng hoảng tâm lý, các yếu tố dễ bị tổn thương, cải thiện môi trường lớp học, hoạt động trải nghiệm… cho từng từng cấp học, từng lứa tuổi, từng hoàn cảnh, cấp độ nguy cơ liên quan đến SDMT cho các loại học sinh khác nhau…Kinh phí cần chi cho công tác đào tạo, tập huấn cho giáo viên (bài bản theo chuẩn mực quốc gia), tài liệu và cơ sở, vật chất,trang thiết bị cho các hoạt động giáo dục tại trường và trải nghiệm thực tế, các khảo sát, đánh giá định kỳ và đột xuất…

Tại cộng đồng thực hiện các giải pháp về phòng ngừa SDMT mang tính phổ quát cho người dân như các chiến lược truyền thông mới, cải thiện các điểm vui chơi giải trí; các giải pháp về hỗ trợ người có nguy cơ cao liên quan đến SDMT; xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ phòng ngừa; củng cố và phát triển, đưa các nội dung mới, nâng cao hiệu quả các mô hình phòng ngừa ma túy như các câu lạc bộ, tổ đội, các liên kết của các tổ chức xã hội, tôn giáo, khu dân cư như “Khu dân cư không có tội phạm”; “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm”; “Câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật”; “Câu lạc bộ giáo dục đồng đẳng”, “Gia đình không có người nghiện ma túy”; “Dòng họ không có người mắc tệ nạn xã hội”; ''Xứ họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu'', ''Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Đội xung kích an ninh”, “Khu dân cư an toàn lành mạnh, không có tệ nạn ma tuý”; Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã”, “tổ tư vấn và hỗ trợ cai nghiện cộng đồng”…

Tại nơi làm việc (công trường, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan…) là các chương trình phòng ngừa cho công nhân lao động và cán bộ bao gồm nhiều hoạt động phòng ngừa… Như vậy, việc đổi mới công tác phòng ngừa SDMT sẽ bao gồm nhiều hoạt động hơn so với trước đây (đa tầng, đa nội dung, đa dịch vụ …). Do vậy, nguồn lực, cần huy động lớn hơn nhiều lần

Đầu tư cho công tác phòng ngừa SDTPMT phải trong một tầm nhìn tổng thể và dài hạn. Ưu tiên nguồn lực, có chiến lược đầu tư với các trọng tâm là: phát triển nhân lực chất lượng cao, ổn định; phát triển hệ thống dự phòng nhiều lớp; phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ nhiều tầng. Phân bổ đầu tư phải dựa trên bằng chứng về hiệu quả toàn diện. Thực hiện công khai, minh bạch để mọi tổ chức, cá nhân đều có cơ hội tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, để cùng Nhà nước cung cấp ngày càng tốt hơn các dịch vụ dự phòng; mọi hỗ trợ từ ngân sách phải đến trực tiếp đối tượng thụ hưởng. Cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư sẽ tạo các điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác phòng ngừa.

Tăng cường nguồn nhân lực.

 Hoàn thiện nguồn nhân lực không chỉ tăng số lượng cán bộ mà quan trọng hơn là chất lượng cán bộ và huy động các lực lượng xã hội tham gia. Các cơ quan chuyên trách PCMT ở Trung ương, bên cạnh việc bố trí tăng cường cán bộ thì có cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách về công tác phòng ngừa. Những cán bộ này được tập huấn bài bản về giải pháp phòng ngừa mới. Nhiệm vụ này cũng được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Cán bộ tâm huyết, có trình độ, năng lực về tổ chức triển khai công tác phòng ngừa- là cơ sở quan trọng để đảm bảo thành công của phòng ngừa. Bên cạnh cán bộ chính quyền các cấp, chúng ta có đội ngũ cán bộ to lớn của các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức quần chúng khác, trường học, các tình nguyện viên, cộng tác viên…

Đội ngũ cán bộ này là những người có tâm huyết, có kinh nghiệm về PCMT. Nhiệm vụ cốt lõi đối với họ là tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ, quán triệt thống nhất chủ trương về đổi mới công tác phòng ngừa SDMT, giao nhiệm vụ trên cơ sở đảm bảo cơ chế chính sách về phòng ngừa mới, đặc biệt là huấn luyện, đào tạo về nhiệm vụ, phương pháp phòng ngừa theo chức năng và yêu cầu nhiệm vụ. Việc tăng cường nguồn nhân lực cho phòng ngừa SDMT là hết sức quan trọng.

Trong điều kiện hiện nay không kỳ vọng quá nhiều vào việc tăng biên chế (tăng chi ngân sách) mà biện pháp chủ yếu là bố trí, sắp xếp lại tổ chức cán bộ phù hợp, nâng cao chất lượng cán bộ thông qua đào tạo, phát huy hiệu quả nguồn nhân lực của các tổ chức xã hội.

Đổi mới cơ cấu kinh phí phòng chống ma túy

 Đổi mới cơ cấu ngân sách của chương trình phòng chống ma túy. Thay đổi cơ cấu ngân sách chương trình PCMT hàng năm trên cơ sở xác định phòng ngừa là giải pháp chiến lược lâu dài. Đồng thời, theo kinh nghiệm của quốc tế, dù chi cho phòng ngừa thế thì giá trị của phòng ngừa có thể tiết kiệm đến 20 lần so với xử lý hậu quả khi đã nghiện ma túy (cai nghiện, quản lý, giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện, phục hồi sức khỏe, an ninh, trật tự xã hội…). Đó chính là một cách tiết kiệm chi tiêu kinh phí.

Đổi mới công tác phòng ngừa SDTPMT sẽ dẫn đến đổi mới thay đổi cơ cấu kinh phí giảm cung, giảm cầu, giảm hại. Phòng ngừa SDTPMT nằm trong lĩnh vực giảm cầu (cùng với cai nghiện) nên cần ưu tiên tăng kinh phí thích đáng cho giảm cầu. Tăng thế nào và tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào các yêu cầu của các hoạt động cụ thể của phòng ngừa. Hiệu quả của phòng ngừa SDMT có thể không mang tính “tức thì” và đong đếm ngay được như các lĩnh vực khác (như phá được bao nhiêu vụ án ma túy, cai nghiện bao nhiêu lượt người, bao nhiêu người tham gia chương trình methadone…) nhưng có ý nghĩa lâu dài, bền vững. Có thể đánh giá hiệu quả của phòng ngừa qua từng năm: số người sử dụng và nghiện ma túy giảm, xu hướng trẻ hóa người nghiện chững lại, số học sinh có nguy cơ liên quan đến sử dụng ma túy ở từng nhà trường giảm và triển biến tốt, tình hình ma túy ở từng địa bàn dân cư được quản lý tốt hơn… Tóm lại, khi đã tổ chức phòng ngừa bài bản thì việc đánh giá cũng cần công phu và khoa học.

Rõ ràng để tạo điều kiện cho đổi mới phòng ngừa SDMT cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng ngừa với người làm chính sách, người tham mưu phân bổ ngân sách cho các nhiệm vụ PCMT.

Xã hội hóa nguồn lực

 Xã hội hóa công tác phòng ngừa SDTPMT trong PCMT là nhiệm vụ hết sức cần thiết nhưng rất  khó khăn, là yêu cầu vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Do vậy, PCMT cần huy động nguồn lực to lớn của cả nhà nước và xã hội.

 Thời gian qua, hưởng ứng lời kêu gọi và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, công tác xã hội hóa PCMT từng bước phát triển và đóng góp quan trọng vào công tác này. Sự tham gia của cộng đồng xã hội không chỉ là nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất mà còn cả trí tuệ, công sức, phong trào…

 Tuy nhiên, so với tiềm năng của xã hội cũng như yêu cầu của công cuộc PCMT, công tác xã hội hóa còn có những hạn chế nhất định. Đặc biệt là công tác xã hội hóa các công tác phòng ngừa SDTPMT. Ở nhiều địa phương, ngoài nguồn ngân sách, vốn đã rất hạn hẹp. Ở nhiều địa phương, mỗi năm chỉ có sự phối hợp với 1 số ngành như công an, Lao động- Thương binh và Xã hội…đến tuyên truyền 1-2 buổi về PCMT trong nhà trường trong dịp ngày 26/6 thì gần như không có hoạt động gì khác. Do hạn chế về kinh phí, nội dung, thời lượng cũng như hình thức tuyên truyền, giáo dục nên hiệu quả còn rất thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu nhiêm vụ đặt ra.

Xác định công tác phòng ngừa là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài, do vậy, sang giai đoạn mới, công tác phòng ngừa mang tính đổi mới toàn diện, thực hiện tổng thể nhiều giải pháp, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa MT. Bên cạnh đầu tư của nhà nước thì đòi hỏi sự tham gia sâu rộng của các nguồn lực xã hội, đảm bảo cho các hoạt động hiệu quả, thành công. Có thể  nói, mức độ thành công của công tác phòng ngừa SDMT gắn bó mật thiết và phụ thuộc lớn vào khả năng xã hội hóa nguồn lực. Hay nói cách khác, công tác xã hội hóa được tăng cường thì chương trình phòng ngừa SDTPMT trở thành nhiệm vụ của các cấp, nhiều ngành, cả cả xã hội nên tất yếu hiệu quả nâng cao. Làm sao cho việc xã hội hóa công tác phòng ngừa SDTPMT, huy động được toàn bộ nguồn lực trong xã hội, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng, chung sức cùng với các Bộ, ngành chức năng trong việc phòng, ngừa ma túy.

 Mục tiêu của xã hội hóa công tác phòng ngừa SDTPMT chính là làm cho hoạt động giáo dục về phòng, ngừa ma túy mang tính xã hội. Trong đó người làm giáo dục và người được giáo dục trong mọi hoạt động về nội dung và phương thức thực hiện, kết quả đạt được đều mang tính xã hội, tính chuẩn mực xã hội rất cao. Giáo dục nhằm bồi đắp cho người học tư tưởng, hình thành ý thức chính trị, nhân cách, bản lĩnh dân tộc cùng với những tri thức khoa học, kỹ thuật, văn hoá, đạo đức, lối sống. Phương châm xã hội hóa nguồn lực: tạo ra cơ chế chính sách phù hợp, thông thoáng minh bạch; lấy vận động, thuyết phục là phương châm hoạt động, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, thiết thực; xã hội hóa thực hiện ở mọi cấp; coi trọng từng đơn vị nhà trường, địa bàn xã, phường, thị trấn; vận động, huy động nguồn lực của đúng đối tượng vào đúng các nhiệm vụ phòng ngừa; trân trọng mọi sự đóng góp, tham gia dù là nhỏ nhất.

Ví dụ, đối tượng huy động nguồn lực xã hội hóa ở cấp xã: Cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội các cấp; Các tổ chức kinh tế xã hội trên địa bàn , các tổ chức tôn giáo, từ thiện, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân; Người đứng đầu các tổ chức xã hội tại cộng đồng: già làng, trưởng bản, tộc trưởng, thôn trưởng, xóm trưởng, trưởng khu dân cư; Các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, Cha mẹ, người thân của học sinh.

 Nội dung hoạt động tham gia đóng góp cho chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy trong trường học (từ đây gọi tắt là “Chương trình”) Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vận động các khách thể tham gia các hoạt động xã hội hóa. Trực tiếp đóng góp công sức, tài sản cho các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:xây dựng Quỹ PCMT; đóng góp kinh phí để trang bị tài liệu kỹ năng PCMT và các tài liệu tuyên truyền có liên quan khác cho học sinh, phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn; huy động các phương tiện truyền thông phục vụ chương trình; tự nguyện làm chuyên gia, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên…; góp ý cho kế hoạch xã hội hóa chương trình; vận động mọi người cùng tham gia; phục vụ cho các công việc, sự kiện của chương trình; hỗ trợ cơ sở vật chất (trang thiết bị, máy móc, vật tư, văn phòng phẩm phục vụ cho tuyên truyền trong trường học; cho mượn hội trường, địa điểm tổ chức; hỗ trợ phương tiện đưa đón học sinh tham quan, trải nghiệm… theo chủ đề của chương trình…); tạo điều kiện tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến kiến thức theo chủ đề chương trình (lồng ghép trong các hội nghị, hội thảo, chi bộ, họp tổ dân phố, khu dân cư…)…

Tăng cường khai thác nguồn lực quốc tế

Tranh thủ tối đa nguồn lực từ sự hỗ trợ quốc tế thông qua các chương trình hợp tác, thỏa thuận, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong khu vực và thế giới. Trong đó chú trọng sự hỗ trợ kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm quốc tế. Đi đôi với khai thác nguồn lực là việc quản lý, áp dụng, ứng dụng đảm bảo hiệu quả các nguồn lực này.

 

Lê Hiền – Trần Vịnh

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD