PSD VÀ PHƯƠNG PHÁP CHỐNG TÁI NGHIỆN MA TÚY: CƠ SỞ HÌNH THÀNH PHƯƠNG PHÁP (TIẾP THEO)

Qua nghiên cứu, PSD thấy rằng giữa nhu cầu giải tỏa căng thẳng tâm lý và hành vi sử dụng lại ma túy ở những người nghiện có mối liên hệ với nhau.

2.1.2 Nguyên nhân tái nghiện

 

 Cầu nối giữa hai yếu tố này chính là quá trình ghi nhớ tự động các cảm giác hưng phấn, các khoái cảm do ma túy mang lại cho người sử dụng. Nói cách khác, mỗi khi có căng thẳng tâm lý người nghiện lại tự động nhớ tới cảm giác dễ chịu từ những lần sử dụng ma túy trước đây. Sự nhớ lại này cuối cùng dẫn tới sự căng thẳng thể chất. Do đó, họ thực hiện hành vi tiếp tục sử dụng ma túy thậm chí sử dụng liều lượng cao hơn để loại bỏ các căng thẳng đó. Vậy quá trình ghi nhớ có ảnh hưởng như thế nào tới hành vi tái nghiện ma túy?

 

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Dailymail)

 

Trước tiên, trí nhớ là một quá trình tâm lí phản ánh những kinh nghiệm của cá nhân dưới hình thức biểu tượng, bao gồm sự ghi nhớ, giữ gìn và tái tạo sau đó ở trong não cái mà con người đã cảm giác, tri giác,  rung động, hành động hay suy nghĩ trước đây[1]



[1]  Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên), Tâm lí học đại cương, NXB Đại học Sư phạm, 2004, tr. 17.

 

Những người nghiện khó khăn trong việc cai nghiện vì họ nhớ tất cả các thông tin, sự kiện hay hình ảnh gắn liền với quá trình sử dụng ma túy theo cơ chế phản xạ có điều kiện. Trong đó, tất cả các thông tin, sự kiện hay hình ảnh gắn liền với quá trình sử dụng ma túy này gợi họ đến các khoái cảm - những phần thưởng mà ma túy đem lại cho họ. Các thông tin, hình ảnh, sự kiện đó có thể là kim tiêm, giấy bạc, gói bọc ma túy; hình ảnh người bán thuốc, hình ảnh bạn nghiện, lối đi vào chỗ sử dụng ma túy thường xuyên; các trạng thái tâm lý tiêu cực như mất niềm tin, dao động tâm lý, bị kỳ thị hay cảm giác tội lỗi…

 

Có nhiều loại trí nhớ khác nhau xuất hiện trong quá trình ghi nhớ gồm:

(1) Trí nhớ vận động: Là loại trí nhớ phản ánh những cử động và những hệ thống cử động, chẳng hạn các thao tác trong quá trình sử dụng ma túy như hút, tiêm chích, hít, đốt giấy bạc, bật lửa…

 

(2) Trí nhớ hình ảnh: Là loại trí nhớ phản ánh những hình ảnh, biểu tượng thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác của hành vi sử dụng ma túy trước đây như khuôn mặt, hay đôi mắt của bạn nghiện, mùi thuốc phiện…

 

(3) Trí nhớ cảm xúc: Là loại trí nhớ phản ánh những rung cảm, trải nghiệm của con người như cảm giác phê pha, lâng lâng, thích thú đạt được mỗi lần sử dụng ma túy - thường khi nhớ về ma túy người nghiện thường nhớ mạnh nhất những cảm xúc thú vị mà ma túy mang lại và đây chính là cái khó nhất trong quá trình cai nghiện.

 

(4) Trí nhớ từ ngữ - lô gic: Là loại trí nhớ phản ánh những ý nghĩ, tư tưởng của con người được tồn tại nhờ ngôn ngữ như những mô tả của bạn nghiện về các khoái cảm ma túy có thể mang lại.

 

Tất cả các yếu tố như hình ảnh, sự kiện, tình huống, hay cảm xúc tiêu cực chỉ có thể trở thành tác nhân kích hoạt động cơ tái sử dụng ma túy dưới tác động của cơ chế phản xạ có điều kiện gắn liền với quá trình ghi nhớ - gồm 4 giai đoạn là ghi nhớ; gìn giữ; nhận lại, nhớ lại; và quên. Trên thực tế, những hình ảnh liên quan đến ma túy, những cảm giác hưng phấn do ma túy đem lại, thậm chí cả các thao tác sử dụng ma túy đều được não bộ tự động ghi nhớ. Hành vi sử dụng ma túy được củng cố, lặp đi lặp lại nhiều lần nhờ và trở thành một dạng phản xạ có điều kiện vì những tác động của ma túy tới những tế bào thần kinh gây tăng số lượng xi náp hoạt động, thúc đẩy quá trình trao đổi các chất dẫn truyền thần kinh giữa các nơron. Điều này khiến não bộ của người nghiện ma túy bị đánh lừa rằng: hành vi sử dụng ma túy là cần thiết cho việc duy trì những hoạt động có lợi cho não bộ. Bên cạnh đó, cơ sở sinh lý của trí nhớ chính là sự hình thành, giữ lại và gợi lại những đường liên hệ thần kinh tạm thời và sự diễn biến của các quá trình lý hóa trong vỏ não và dưới vỏ.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Những đường liên hệ thần kinh tạm thời đó được củng cố tương đối vững chắc nhờ sự lặp đi lặp lại nhiều lần các kích thích trong một khoảng thời gian nhất định. Khi ta nhớ lại, bắt gặp lại một sự vật hiện tượng nào đó liên quan đến việc thiết lập đường liên hệ thần kinh tạm thời thì sẽ diễn ra quá trình phục hồi đường liên hệ thần kinh tạm thời đã được thành lập trước đây. Tương tự, mối liên hệ giữa các yếu tố kích thích và cảm giác thèm muốn ma túy dần dần được hình thành và củng cố bằng quá trình sử dụng ma túy thường xuyên, cũng như sự tái hiện lại các yếu tố tạo nên mối liên hệ đó.

Trung tâm PSD

(Còn tiếp)

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD