Nẻo về: Kỳ 6 (kỳ cuối)

Trắng tay chưa đủ, mất vợ chưa đủ, tự tử chưa đủ, nằm chết bẹp ngoài nghĩa địa hoang tàn chưa đủ. Khó hơn tất cả mọi khó khăn. Đáng sợ hơn cả cái chết. Ma túy, tốt nhất nên tránh xa nó ra. Nhưng với những người trót nghiện, dù khó, tôi nghĩ là nếu còn giữ được nhân cách, nếu quyết tâm thật sự, đối tượng hoàn toàn có thể cai được

Lập nghiệp với 5000 con vịt

 

Bơ vơ, hụt hẫng với cuộc chia tay của mối tình dang dở và cuộc hôn nhân ngắn ngủi, nhiều lúc suy nghĩ tôi thấy mọi thứ bế tắc vô cùng. Như thể mình đang chui vào bụi rậm mà không tìm được lối ra. Tôi tự nhủ, mình sẽ làm gì đây khi mọi con đường của mình đều không có lối thoát. Rồi cũng nhiều đêm tôi nghĩ đến Hương mà nước mắt trào ra gối ướt đầm. Tôi đau khổ dằn vặt tới tột cùng mỗi khi những kỷ niệm êm đềm của chúng tôi trong những ngày hạnh phúc chợt ùa về. Ám ảnh vui và cuộc chia ly buồn bã kia đã làm tôi mất ngủ triền miên. Nhưng rồi tôi cũng tự nói với lòng mình: biết đâu cô ấy xa mình, thì cuộc đời cô ấy sẽ thay đổi, biết đâu cơ hội lại đến với cô ấy và cô ấy sẽ có một cuộc sống tốt hơn là cứ ở lại phố huyện (bấy giờ đang) bụi bặm này với với một thằng nghiện hết cỡ như mình.

 

Mà đúng như thế, chứ còn biết đâu cái nỗi gì. Việc người đàn bà nhan sắc, đa sầu đa cảm, có tài ca hát như Hương lấy một gã nghiện như tôi làm chồng đã là điều không ai có thể lý giải nổi rồi. Vậy mà Hương đã yêu tôi chân thành, đã gắn bó chồng vợ, đầu ấp tay kề với tôi ngần ấy năm tháng. Tôi phải biết ơn Hương, ngay cả khi cô đã tuyệt vọng ra đi như bây giờ. Trên đời này có ai bỏ tất cả để theo một gã nghiện đang trên con đường chông gai cai lại nghiện, nghiện lại cai như Hương? Có người đàn bà nào mặt đầy son phấn, đi chân đất, hai tay xách hai con dao bầu xông vào ổ nghiện tuyên chiến với cả lũ lĩ đầu gấu với mong muốn tìm bằng được chồng mình, lôi anh ta ra khỏi cái xi lanh trắng đục toàn heroin, kéo anh ta về, bắt uống thuốc cai nghiện tại nhà không? Chính những suy nghĩ dằn vặt đó đã hành hạ tôi trong những đêm mất ngủ. Từ đó, tôi sinh ra chứng đau đầu, cứ đêm nào không ngủ được là tôi lại ôm gối ra sân thượng, có khi nằm sao ngắm trăng, có khi chìm lút thân mình vào màn đêm đen kịt… Rồi tôi cứ thế biến mình, không biết là thành một triết gia hay một gã đàn ông “tự kỷ”, tôi nghiền ngẫm về những ngày đã qua, dù mặc kệ là trời mùa đông hay mùa hè. Có hôm tiết tháng mười gió lạnh tôi ngồi quấn chăn chiên giữa gió đồng quê se sắt. Mặc kệ sương rơi ướt hết tóc, tôi cứ ngồi như một pho tượng đá với suy nghĩ là mình sẽ bắt đầu từ đâu, tiền của trong nhà đã khánh kiệt, ngoài niềm tin đau đáu của mẹ, thì uy tín của tôi trước tất cả mọi người cũng chỉ còn là con số không sau những cơn phê thuốc và những lần đi cai triền miên.

 

Nhà tôi bấy giờ, khổ thân bố mẹ già, gia sản chả còn gì ngoài cái ti vi 16 inh cũ kỹ từng bị tôi giật đứt dây dợ rồi giả vờ đi cõng đi sửa chữa “moi tiền cha mẹ” bao nhiêu lần. Lại thêm món nợ ngân hàng 50 triệu đè nặng lên đôi vai già nua và còm cõi của bố mẹ. Đó chính là món tiền mà bố, mẹ đã vay cho tôi khi còn làm quán café ca nhạc. Tôi nghĩ quẩn hay là mình lại tự tử? Cái chết sẽ giải thoát tất cả, ma túy cũng không còn ám ảnh, sự khinh miệt của xóm giềng cũng không còn nữa mà bài điếu văn dành cho tôi sẽ có rất nhiều điều tử tế kèm theo các câu cảm thán. Tôi nghĩ miên man rồi lại tự lên án mình. “Mày hèn quá. Tuấn ạ! Mày ích kỷ chỉ nghĩ cho mày thôi, bố mày, mẹ mày đã vì mày mà bạc trắng cả mái đầu, bao năm nhục nhã với cả bà con thị trấn, khu phố, vậy mà bây giờ mày định rút lui bằng cái chết để bố mẹ mày ở lại với nỗi đau gấp nghìn lần nỗi đau đã có như thế ư”. Mặt tôi nóng bừng với sự chất vấn của lương tâm, mắt tôi như muốn nổ tung để cố nhìn vô định vào không gian sâu thẳm, tăm tối mù mịt, quai hàm tôi bạnh ra, hai hàm răng nghiến vào nhau ken két, tôi nắm chặt tay lại và muốn hét lên “Nhất định tao sẽ làm được, vì tao là thằng Tuấn!”.

 

Thế rồi tôi hét lên kinh dị, tai tôi ù đi vì tiếng hét dường như vô thức, dường như phát điên của mình. Chính tôi cũng đã ngạc nhiên vì hành động ấy. Bấy giờ là 12 giờ đêm trời mùa đông bà con chòm xóm đi ngủ sớm, trong đêm có tiếng hét kinh hoàng váng lên từ nhà bà Vân, lập tức đàn chó đông đảo trong xóm thi nhau sủa ỏm tỏi. Lác đác có nhà bật điện nhưng sau một lúc nghe ngóng không thấy gì lại tắt đi với suy nghĩ chắc là thằng Tuấn lại lên cơn la hét, có khi nó tự tử rồi cũng nên (sau này bác hàng xóm tâm sự với tôi như vậy). Bố mẹ tôi nghe thấy tiếng hét trong đêm hốt hoảng chạy lên. Họ nghĩ rằng tôi lại tự tử, nhưng thấy tôi ngồi bất động với chăn chiên cuốn quanh người, bố hỏi: “Tuấn, con làm sao thế?”. Tôi trả lời: “Bố mẹ đi ngủ đi, con không sao đâu”. Rồi bố lại nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh tôi còn mẹ đi xuống nhà. Bao năm tôi nghiện, phá gia chi tử, là bấy nhiêu năm bố mẹ tự rèn luyện cho mình một… thần kinh thép, với sức chịu đựng những “diễn biến bất thường của vở bi hài kịch cuộc đời” dường như vô tận.

 

Bố ngồi với tôi trong sương gió. Lại những câu chuyện kể về thời chiến tranh, những mất mát đau thương của một thời hoa lửa được tái hiện qua giọng kể trầm buồn của bố. Mỗi lần bố kể một chuyện, tôi thật sự bị dòng ký ức đó cuốn đi. Tôi mỉm cười trong đêm, dường như bố là người đàn bà mỗi đêm phải kể một câu chuyện cho tôi (một bạo chúa) nghe, chuyện dừng lại là tôi rút gươm chém chết người ngồi kể. Bố kể chuyện hay lắm, là bởi vì cuộc đời bố ghềnh thác, bom đạn, với bao nhiêu trải nghiệm, ký ức sinh động mà không một trang tiểu thuyết nào có thể sánh nổi. Dường như bố cũng biết, những câu chuyện đó sẽ tưới tắm cho tôi dần tìm về nẻo thiện, tôi sẽ thấy mắc nợ với sự hy sinh tột cùng của cha anh mình… Hôm đó, bố kể đến đoạn bố đã từng đi bắt cua từ năm lên 7 tuổi để mưu sinh, rồi ăn nhờ ở đợ, rồi mồ côi tội lắm ai ơi.

 

Bố dừng lại, trong đêm đen, không biết bố cố giương đôi mắt già mờ đục nhìn tôi hay nhìn vào sương khói quê mình. Tôi chợt giật mình, sao bố khổ thế, cuộc sống bế tắc và đau thương thế, mà bố vẫn sống tốt, vẫn quật cường xông lên vệ quốc để trở thành một anh hùng trận mạc, một biểu tượng về người đàn ông thành đạt và tử tế như bây giờ! Sao bản thân tôi, cái thằng Tuấn được tiếng là đẹp trai trở thành học sinh thành lịch như thế, tài hoa học giỏi bao năm như thế, sức dài vai rộng như thế… mà lại nhục nhã tăm tối thế này? Bây giờ, tôi vươn lên làm người, vẫn sức dài vai rộng, vẫn tương lai trải rộng ở phía trước, có gì không làm được nhỉ? Sao lại phải tự tử? Sao lại hèn hạ thế?

Qua câu chuyện với bố trong đêm, tôi hiểu dù mình có làm ông thợ phụ hồ, dù có chạy xe ôm trên con chiến mã tồng tộc ở phố huyện lầm bụi này, cũng không bao giờ để cho bố mẹ phải nhục như bây giờ nữa… Bố vỗ vai tôi, nếu con tiếc mặt trời, con sẽ mất nốt các vì sao; hoặc nếu con tiếc những vì sao thì sẽ mất cả mặt trời. Vì mặt trời lên mặt trời lại phải lặn, khi đó mặt trăng hoặc các vì sao sẽ hiện ra; rồi khi đêm tàn bóng tối, mặt trời lại hiện lên. Con đã thức trắng đêm để mở lòng đón nhận các vì sao, giờ mặt trời lên, con hãy nhìn cái màu đỏ của bình minh và vui lên chứ, đừng khóc đến mờ mắt vì xót tiếc các vì sao với mặt trăng của đêm qua…

 

Tôi chỉ nhớ bố đã nói rất dài, bố diễn giải cái câu mà tôi đã đọc từ hồi cấp 3: “Nếu anh quá tiếc ánh mặt trời, anh sẽ mất nốt cả các vì sao”. Bố diễn giải kỹ, dài, vòng vo, nhưng giọng ông thuyết phục và dễ hiểu lắm. Hơn bao giờ hết, sau một đêm nữa thức trắng, tôi đã hiểu, mình cần vươn lên làm người. Cần không khóc đêm đen, để đón ánh mặt trời của Ngày Mới. Đã tang tảng sáng, xa xa bình minh đã hồng rực phía chân trời. Ngày mới đến đỏ ối, nó nửa như xa vời, nửa như rất gần với cõi thực, với nẻo về khốn khổ của tôi.

Thời gian cứ nối tiếp nhau, rồi tình cờ tôi quen biết với Bằng, cô bé làng bên, sinh năm 1984. Chúng tôi yêu và cưới nhau khá nhanh, lúc cưới, Bằng mới 19 tuổi, học hết lớp 7 trường làng. Giờ Bằng là mẹ của hai đứa con tôi. Bằng là một phụ nữ nông thôn chân chất, hết mực yêu thương chồng. Trước khi cưới, khi biết tôi vừa bỏ được ma túy, cô ấy nói:

- Em tin anh. Em sẽ cùng anh đi hết cuộc đời này. Nếu anh trở lại làm người tốt thì em hưởng, còn nếu phải đau khổ thì em chịu.

Mười chín tuổi, về làm dâu, mọi thứ đều mới mẻ với đủ loại lời đàm tiếu, bàn ra, tán vào của thế gian. Cô ấy đã hiên ngang cùng tôi đi giữa cuộc đời này, đã sẻ chia những lúc vấp váp, động viên tôi rất nhiều, tôi thầm cảm ơn cô ấy với tất cả lòng biết ơn và sự kính trọng.

 

Bằng biết tôi từ nhỏ, còn tôi thì đi học xa nhà khi cô ấy mới sinh ra, nên tôi không để ý. Bằng biết tôi lấy vợ và đưa vợ về mở quán, rồi tôi nghiện bê tha, rồi đánh chửi vợ náo loạn xóm làng. Biết hết, nhưng Bằng vẫn yêu tôi. Bấy giờ tôi chỉ biết bố Bằng thôi. Tôi gọi bố vợ tôi bây giờ là anh. Từ nhỏ đã gọi bằng anh, xóm trên xóm dưới anh em chia sẻ với nhau nhiều lắm. Ai ngờ tình cảm ập đến thình lình. Khi Bằng nói với bố mẹ là đã yêu tôi, bố của Bằng trói con lại đánh cho một trận tóe máu hai bên tay. Ông bảo, đường quang không đi, lại đâm quàng bụi rậm. Con gái mới nứt mắt ra lại yêu cái thằng nghiện “phá gia chi tử”, cả làng cả nước người ta sợ hãi, tránh xa, đuổi như đuổi tà. Mà nó có một đời vợ rồi cơ mà.

 

Bằng vẫn quyết tâm lấy tôi, bây giờ, hai đứa con của tôi và Bằng, đứa lớn đã 10 tuổi, đứa bé 6 tuổi. Mỗi lần nhìn vợ con, tôi thấy hạnh phúc là thứ vừa có thể sờ thấy được, nhưng nó cũng thiêng liêng màu nhiệm vô cùng. Hạnh phúc đó in hình trong mắt bố, mắt mẹ tôi mỗi ngày. Tôi giờ mới thấm thía, để cai được ma túy, người ta cần các bài học tâm lý, một sự chuẩn bị và chăm sóc về xúc cảm và tâm lý đến mức nào. Hình ảnh cậu tôi hy sinh vì Tổ quốc, đã ám ảnh tôi, đã làm cho kẻ nghiện như tôi lúc nào cũng thấy tình trạng của mình thật tội lỗi, thật đáng hổ thẹn. Tôi mắc nợ sự hy sinh của cậu. Đặc biệt, những đêm, bác tôi từ dưới Kim Sơn, Ninh Bình yêu cầu con cháu đưa qua cả trăm cây số lên Duy Tiên để nằm bên tôi, bóp chân tay cho tôi lúc tôi cai nghiện người yếu như dải khoai, bác lẩy Kiều cho tôi nghe, hát dân ca, đọc ca dao tục ngữ rồi giảng giải cho tôi nghe. Tôi cảm giác mình như cậu bé lớn xác nằm trong nôi của bà của mẹ ngày xưa. Cảm giác hạnh phúc tràn ngập. Cái tình ấy, nó là cứu cánh đối với người nghiện bất trị như tôi độ ấy. Và sau đó, cô hàng xóm tên là Bằng xuất hiện. Cô ấy đã phải khổ sở trên con đường đến với tôi như thế nào? Khổ đến mức như thế này, bây giờ, có với nhau mấy mặt con rồi, tức là 12 năm sau ngày tôi hết nghiện, Bằng đi chợ huyện, người ta vẫn bíu áo hỏi khẽ: thế thằng Tuấn nhà mày đã hết nghiện thật chưa? Vợ tôi chỉ mỉm cười: ối, vẫn nghiện đấy bác ạ, đêm nào cũng hút. Rồi cô ấy quay đi, lại làm việc của mình, lòng nhẹ thênh thênh. Về nhà, Bằng bảo, em toàn nói thế, nói thế là họ hết hỏi han. Chứ em bảo họ anh hết nghiện rồi, họ lại bảo làm gì có việc ấy. Nó hứa cai 100 lần rồi, cớ gì bây giờ lần thứ 101 nó bỏ được nhỉ. Ối, nó thế này, ối, nó sốc thuốc chui vào nghĩa trang nằm sẵn ở đó để chết cho nó tiện.

 

Với bản lĩnh lạ lùng đó của Bằng, vợ chồng tôi quyết chí phục thiện cho tôi với nghề chăn vịt. Tôi muốn làm ăn lớn, nên chăn rất nhiều vịt. Người ta chỉ chăn một đến hai trăm con, nhưng tôi chăn đến năm nghìn con. Vịt đi trên đường kéo dài hàng cây số. Vịt đứng dưới ruộng, tôi ở trên bờ ngắm, thấy đàn vịt của mình kéo dài ngút tầm mắt. Sáng tôi đi ra đồng, trưa vợ tôi mang cơm ra, tôi hiểu trong cặp lồng cơm đó là cả một ân tình sâu nặng, cả tình nghĩa vợ chồng thủy chung, cả một sự hy sinh vô cùng to lớn.

 

Ông Đoàn Văn Dũng (SN 1959) - Trưởng Công an thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (người đã gần 20 năm làm công an thị trấn, trong đó có đến hơn 15 năm làm Trưởng Công an thị trấn Hòa Mạc), là người rất tâm huyết với mảnh đời lầm lỡ rồi hoàn lương “thần kỳ” như Lê Trung Tuấn. Dõi theo cuộc đời Tuấn, cả những lần Tuấn lên cơn thèm thuốc, không có tiền, đi ăn cắp ăn trộm, gây ra nhiều vụ đánh nhau to, ông Dũng cũng “bắt tận tay, day tận mặt” nhiều vi phạm pháp luật khác của Tuấn. Rất nhiều lần ông cất công vào tận hang ổ của những con nghiện đang hút chích, “xách cổ” Tuấn về, rồi ra sức can ngăn, khuyên nhủ, hy vọng có một ngày Tuấn sẽ “quay đầu là bờ”. Anh Dũng bảo: tôi bắt Tuấn thì dễ lắm, tôi bắt nó nhiều lần rồi, nhưng những vi phạm nhỏ thì tôi tạm tha, để cho em nó một cái cửa em hoàn lương tự nguyện. Thế rồi nó đã không phụ lòng tôi.

 

Chứng kiến sự trở về đầy ngoạn mục và cuộc sống thành đạt của Lê Trung Tuấn hiện tại, ông Dũng vô cùng xúc động, ông trực tiếp tâm sự với chúng tôi (ĐDH): “Mỗi lần đi theo dõi, bắt được đang mua bán và sử dụng ma túy, Tuấn lại van nài tôi: anh tha cho em lần này, em sẽ quyết tâm cai ma túy. Đã nhiều lần “hứa để đấy” như thế, nhưng không hiểu sao tôi vẫn rất tin tưởng là Tuấn có thể làm lại cuộc đời. Tôi nhớ lần cuối cùng thì Tuấn nói là: em xin anh nốt lần này, em hứa với anh là em sẽ cai. Tôi bảo Tuấn: thôi được rồi, anh tin em, không có lần sau nữa đâu nhé. Như thế này có khác gì Khổng Minh bảy lần bắt lại tha Mạnh Hoạch trong phim Tam Quốc. Không có lần thứ 8 đâu nhé. Thực sự là tôi tin tưởng Tuấn sẽ cai nghiện được, bởi bản chất, nó là người tốt, biết nghĩ, thông minh, bố mẹ cán bộ, gia đình nề nếp gia giáo cả làng cả nước đều biết. Ma túy, bao năm làm công an địa phương, tôi biết, cực kỳ khó cai, phải động viên người ta, tin tưởng người ta, sâu sát tâm trạng của người ta thì mới được. Chứ bắt họ vào, thả vào chỗ “nhốt để cai” thì ai chả làm được. Tôi chấp nhận kiên trì khuyên răn, bảo ban em để nó cai nghiện ma túy. Đến hôm nay, Tuấn bỏ hẳn ma túy, Tuấn làm việc và cống hiến cho xã hội, trở thành một Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành lãnh đạo của các đơn vị kinh doanh với mấy trăm cán bộ công nhân viên. Thấy Tuấn đi làm từ thiện khắp nơi, làm từ thiện ngay ở quê hương mình. Nói thật, tôi rất tự hào!”.

 

Đàn vịt của tôi nhiều đến mức, nó bơi kín mặt sông Hồng. Nó đi như đoàn chiến binh dài bất tận. Có hôm, 7 cái xe tải vào cân vịt đàn của tôi đi bán khắp các tỉnh. Nhiều hôm mưa rét, lũ về, chúng tôi phải mua cám về cho vịt ăn, mỗi ngày hết gần 4 triệu tiền “vỗ béo” cho chúng! Vợ tôi bảo, em ném hòn đá ra sông, ném góc nào đá cũng không chìm vì mắc phải lũ vịt nhà mình. Hơn năm nghìn con vịt! Nếu xếp hàng một đi trên quốc lộ, ông hàng xóm bảo, hàng vịt dài hơn đường bốn chục cây số từ nhà tôi lên thủ đô Hà Nội cũng nên. Tôi làm ăn lớn, tôi thuê một đội quân chăn vịt, nuôi cơm trả lương khá đông. Chăm vịt kỹ lắm, nhưng chỉ cần mỗi đàn lạc vài con thôi, cũng đủ ăn trụi lúa má hoa màu của bà con. Vịt đông, cám bã nó ăn tốn cứ là bằng tạ, bằng tấn. Vì thế tôi bán mấy đàn vịt, gom góp mua một cái xe ô tô tải cũ để vừa đi… chăn vịt, vừa chở cám bã, thức ăn cho đàn vịt đông đúc của mình. Cả đại gia đình, từ ông bà ngoại, ông bà nội của các con tôi, đến anh em chú bác, đến cả vợ chồng tôi, thành người chăn vịt hết. Mùa đến, tôi thầu đầm sen, sau này mở đại lý đổi xe máy lấy ao cá đầm sen nữa, tôi đánh chiếc ô tô tải cũ kỹ đi chở đài sen về bóc, phơi thơm nồng khắp xóm. Nhiều tấn hạt sen ra đời. Đầm sen, đầm cá, buôn xe máy rồi buôn ô tô, buôn đất khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng đời lập nghiệp của tôi thú vị nhất, lãng mạn và ám ảnh nhất có lẽ vẫn là chuyện nuôi vịt.

“Vịt của anh 7 lạng một con, nếu anh thả nó ra các bờ sông, các bãi bờ ven sông Hồng, các tràn ruộng vừa cấy xong, để nó ăn tôm cua cá, ăn thóc rụng lúa rơi, ăn giun dế ven sông, thì chẳng mấy chốc mỗi con “vỗ” lên đến 1,7kg”, một người nói. Và phép tính đơn giản, tôi sẽ có thêm hàng nghìn ki-lô-gam thịt vịt trong một thời gian ngắn. Cái xe tải cũ kỹ có thể được nâng cấp, tôi sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khác. Đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ về cao kiến của người mách nước, quá hay!

Độ ấy, tôi đang vỗ béo đàn vịt năm nghìn con của mình, thì có người hiến kế. Cạnh nhà tôi có một cánh đồng rộng 36 mẫu, nó mênh mông bát ngát, nhìn hút tầm mắt. Tôi đi mua một cái ống nhòm về để tính thả vịt trên cánh đồng ấy và coi sóc nó thật chu đáo. Tôi lái xe tải, đỗ trên cầu Yên Lệnh, dùng ống nhòm bao quát đàn vịt đông nhất Việt Nam của mình.

 

Tôi phân tích, rồi bạn tôi cũng hiến kế thêm. Khi mà lúa của cánh đồng nổi tiếng cả châu thổ Bắc Bộ với 36 mẫu bờ xôi ruộng mật này đang lên xanh, có nhiều cào cào châu chấu, sâu bọ các loại lắm. Bèo ở chân lúa cũng rất tốt cho lũ vịt. Thời gian này, người trồng lúa cũng không phun thuốc sâu nữa, họ cứ ở nhà chờ lúa chín thôi. Đó là lúc ta “gieo” đàn vịt của ta vào cánh đồng màu mỡ 36 mẫu quê mình. “Bấy giờ ta chỉ ở trên bờ ruộng mà trông coi đàn vịt thôi. Ta sẽ đi xe máy quanh bờ để cai quản. Vịt cứ quanh quẩn ở ruộng lúa khổng lồ, chúng sẽ không dại gì mà lên bờ. Tôi lùa vịt vào ruộng lúa lớn, quả nhiên, đêm ngày, vịt ăn lách rách dưới chân lúa, nó ăn bèo và béo mẫm, không một ai phát hiện ra. Chỉ gần 1 tháng nữa thôi là lúa có đòng, đỏ đuôi, 2 tháng nữa người ta mới gặt. Tạm thời, ta sẽ vẫn để vịt lùng sục ăn tôm cua cá rồi bèo bọ ở chân lúa như thế. Yên tâm, chúng sẽ không gây hại nhiều, sẽ không ai phát hiện ra đâu.

Vì vịt choai không ăn tàn bạo như vịt bầu, vịt đàn đã mọc lông dài. Chúng nó chỉ “lịch sự” rỉa trộm vài hạt thóc đỏ đuôi. Giả sử có bị mất trộm lúa mới đỏ đòng thì còn lâu bà con mới phát hiện ra. Phải đến lúc gặt họ mới biết. Lúc ấy thì ta bán béng đàn vịt đi rồi”. Anh bạn mục đồng láu cá bày kế. Tôi đang máu làm ăn để lấy lại những gì mình đã mất quá lâu trong cuộc đời, nên cũng tặc lưỡi làm liều.

 

Kế hoạch gian giảo, làm hại đến bà con ở cánh đồng 36 mẫu, may thay, hài hước và buồn bã thay, đã sớm bị bại lộ. Bà con có người mẫn cán tình cờ đi thăm đồng. Họ tần ngần quan sát, bằng kinh nghiệm của mình, họ rất ngạc nhiên: ruộng lúa mấy hôm trước vừa chín đỏ đuôi, tại sao 1 tuần sau quay lại, lúa trở nên… xanh ngát. Lúa đang chín chuyển thành lúa xanh ư? Gầm trời này làm gì có chuyện đó? Hóa ra, lúa đỏ đòng đến đâu, nó cong bông lại, trĩu hạt xuống phía chân ruộng, thế là vịt thi nhau vặt hết. Đỏ đòng đến đâu, vịt ăn hết, chỉ còn hạt xanh trên bông lúa. Vài người nông dân bắt đâu nghi ngờ, nhất là khi họ thấy tôi lượn lờ cái xe tải, đứng trên cầu, trên các gò đất phóng ống nhòm về phía các ruộng lúa bắt đầu chín. Nghi ngờ, họ bèn về gọi một số người nữa ra. Có tới 60 người cử đoàn đi xe máy vòng quanh ruộng để kiểm tra. Trời ơi, trước mắt “ban thanh tra” địa phương, suốt 36 mẫu ruộng cổ xưa màu mỡ của quê hương chiêm trũng, chỗ nào cũng nghe tiếng vịt ù cạc lách rách, chúng nó quần thảo trong ruộng lúa, chúng nó vít cổ các bông lúa mẩy nhất, chín sớm nhất xuống và… xơi tái.

 

Bà con bất bình làm đơn báo cáo lên Ủy ban xã. Ba mặt một nhời. Bố tôi đã phải lặn lội đi cùng tôi, ra đầu bờ đứng xin lỗi bà con, cháu nó trót dại, đàn vịt nó cũng đông quá nên khó quản lý. Bây giờ sự việc đã xảy ra, gia đình xin được đền bù cho bà con những thiệt hại vừa qua. Dốc hết tiền tích cóp ra đền cho bà con mình, mỗi sào đền rẻ thì cũng phải 1,5 tạ thóc. Khó khăn quá, tôi bèn khất nợ, ai nôn nóng đòi quá thì đến nhà xách vài con vịt về đánh tiết canh cho bõ tức. Bà con sợ quá đi gặt chạy lấy lúa, lúa non cũng gặt, bởi đàn vịt 5000 con nó xơi tái thì con sâu con bọ cũng hết chứ nói gì đến thóc lúa. Đàn vịt cứ chạy theo tiếng liềm cắt lúa của bà con. Gặt đến đâu, vịt lại rút vào các chân lúa chưa gặt đến đó. Chỉ nghe thấy tiếng lách rách, tiếng vịt kêu khe khẽ, mà không biết nó ở đâu, có mấy nghìn con. Đến lúc, mấy mẫu ruộng cuối cùng được quây lại để gặt nốt, thì ôi thôi, vịt phủ kín, không còn chỗ cho người ta đặt chân đặt liềm vào cắt lúa nữa. Tôi vừa buồn vừa xấu hổ.

 

Lại có người bảo, nên thả vịt ra sông Hồng cũng hay, thì rõ ràng kế hoạch vỗ béo vịt của tôi không chỉ là ở cánh đồng 36 mẫu mà còn cả ở các bãi bồi ven sông Hồng là gì? Vả lại, tôi cũng không có lựa chọn nào khác, vì tình yêu đồng ruộng và hạt lúa thơm quê mình, bà con hàng trăm người đã đứng dàn hàng ngang, dồn vịt của tôi ra khỏi cánh đồng. Trước cánh đồng là sông Hồng đỏ nặng phù sa. Sông chỗ đó tôi thuộc từng luồng lạch, nó sắp truồi về với biển rồi, nên rộng tới gần 60m. Nhiều người bảo, sông Hồng màu mỡ, ven sông có nhiều giun dế, tôm cá, nhiều cỏ năn cỏ lác, vịt ăn nhanh béo lắm. Trong cái rủi có cái may là như thế chăng? Đứng trên cầu Yên Lệnh, vác ống nhòm quan sát, tôi như một dũng tướng đang điều khiển đoàn chiến binh oai hùng với 5.000 “chiến sỹ”, chiếc xe tải là ngựa Xích Thố của tôi. Đời gã công tử, đời một gã nghiện hoàn lương, nhảy ra làm kinh tế, tức tốc muốn làm ăn to, nó ngô nghê có biết gì đâu. Tôi đang thả vịt thì ai dè, người tính không bằng trời tính, trong một trận bão lớn, toàn bộ mấy nghìn con vịt của tôi trôi hết ra sông Hồng. Vịt rải kín mặt sông. Cả tuần sau, người dân ở tận Nam Định, Thái Bình vẫn vớt được vịt của tôi về mổ thịt. Tôi đi tìm vịt, đến nhiều làng chài, nhiều người lơ mơ say rượu vì tiết canh vịt của tôi. Có nhà vớt được cả 100 con. Không thể đòi của họ được, vịt ra sông, trôi mấy chục cây số thì nó cũng như vịt trời vậy thôi. Những kỷ niệm giờ kể lại nó khá hài hước, nhưng lúc đó còn khó khăn, nên lòng tôi buồn vô hạn. Trong cái lạnh thấu xương, vợ chồng tôi ẩy thuyền đi tìm vịt. Vợ tôi bảo, 4 năm sau, nhiều đêm cô ấy vẫn thảng thốt vì có tiếng đàn vịt mơ hồ táo tác nào đó trong giấc mơ.

 

Bố tôi đứng chống nạnh trên cầu Yên Lệnh cười khà khà rồi bảo, “vịt nhà mình thành… vịt giời hết rồi con ạ”. Tôi đau xót lắm, bao nhiêu công sức ăn ngủ ngoài đồng, đêm về vịt kêu đinh tai nhức óc rồi phóng uế khắp mọi xó xỉnh trong nhà, bây giờ tiền lập nghiệp hoàn lương của tôi trở thành con số 0 tròn trĩnh. Vợ động viên mãi, rằng thắng thua là việc thường của người làm ăn, rằng chúng ta đã quá khôn ngoan, đã nổi tiếng với đàn vịt khổng lồ, đã tạo nên uy tín trong làng kinh doanh của cả cái huyện này. Chúng ta thất bại là vì ông giời đổ mưa bão xuống bất ngờ. Còn người là còn của, anh yên tâm. Tôi bỗng dưng như người tỉnh ngộ, điều đơn giản thế mà trong cay đắng thất bại tôi không hề nghĩ ra. Thấp mưu thua trí đàn bà! Tôi bỗng nhiên “vô vi” hẳn ra, cái nhìn cao ngạo lắm. Tôi bảo vợ. Mình mà làm giàu được, thì mình đi làm từ thiện, vì dân mình còn khổ quá. Mình giờ có xe máy, có ô tô tải đi làm ăn, so với thằng nghiện bẹp tai mất dạy của anh hai năm trước, thế là kỳ tích rồi, em nhỉ. Lẽ ra anh chết từ lần sốc thuốc ngoài nghĩa trang, từ lần chết lâm sàng 5 tiếng trong nhà này. Ta có năm nghìn con vịt, vịt đó trôi ra sông, rồi bà con chài lưới đồng bào mình ở hạ du con sông Hồng này vớt được, chứ có đi đâu mà mất. Bà con ăn vịt của mình. Vịt của mình nổi chứ có chìm mất đâu mà lo. Coi như mời mỗi gia đình chài lưới vài con vịt ăn cho nó mát mẻ ngày hè. Rồi chúng tôi ôm nhau cười vang căn nhà. Bố mẹ tôi mất ngủ ho khù khụ dưới nhà. Sáng hôm sau, tôi nghe ông bảo bà: “Cái thằng Tuấn bây giờ nó còn lạc quan hơn cả hồi nó đang làm lớp trưởng, đang đàn hát ở trong trường Quản trị Kinh doanh ở trên Như Quỳnh ấy bà nhỉ?”. Lần này, chắc cũng như hàng trăm lần tôi cai được ma túy tạm thời trước kia, ông bà cũng rụt rè hy vọng thôi. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi có trong tay 5000 con vịt cùng với đủ thứ “đồ nghề” làm ăn to khác, ông bà vui vẻ không… ngần ngại gì nữa. Có lẽ, cái ngày mà họ mơ ước đã đến thật sự rồi?

Thất bại vì biến vịt nhà thành vịt giời! Tôi rất buồn, nhưng vợ tôi đã luôn bên tôi động viên:

- Thôi không làm việc này thì làm việc khác. Người có tài như anh, cớ gì không có chỗ trọng dụng! Có gì đâu mà phải buồn. Anh từng đánh mất cả sự sống, cả danh dự của mình vì ma túy, em còn chả buồn, cả làng cả nước không ai tin anh, em vẫn tin anh mà không cần... thẩm tra. Anh đã quên được ma túy rồi. Đó là thành quả lớn nhất, niềm vui lớn nhất rồi. Có mấy con vịt cỏ, bận gì mà tiếc mãi nhỉ. Vịt của ta mời bà con của ta ven sông Hồng quê ta cùng... xơi, mất đi đâu mà thiệt. Anh thích thì em bảo bố mẹ em bán nhà đi cho anh làm vốn kinh doanh. Anh đau khổ lắm quá, em lại nghĩ anh không bằng loại... đàn bà ít học như em đấy!

 

Và, điều tôi không dám đề xuất, không dám nghĩ tới, và tôi nghĩ là cũng ít ai ở đời này dám nghĩ tới... cuối cùng nó đã đến! Ấy là việc gia đình nhà bố vợ tôi có ngôi nhà kỷ niệm trên mảnh đất hơn 300m2 đang ở, đất giữa làng, ở từ thượng cổ. Cả nhà chỉ có mỗi mảnh đất đó thôi. Thấy con rể và con gái mải mê kinh doanh tâm huyết quá, bố vợ tôi đã quyết định bán nhà. “Bố bán nhà thì bố và các em ở đâu?”. Bán chỗ này được giá, ta đi thuê chỗ khác ở tạm, để lấy tiền đó cho chúng mày kinh doanh!

Ôi, ông bố vợ mà tôi vốn vẫn tôi gọi bằng... anh bao năm kia. Ông học cùng lớp với chị Thúy của tôi. Ông từng trói con gái tuổi đôi mươi tươi mới vào cột nhà đánh cho nhừ tử vì đổ đời lấy thằng nghiện không thuốc chữa, lấy thằng đàn ông đã một đời vợ. Ông không phải là người buôn đất, không phải nhà có “mảnh nọ mảnh kia”, chỉ có một ngôi nhà tọa lạc trên miếng đất hương hỏa. Thế mà ông dũng cảm bán nó đi, giao tiền cho thằng nhiều năm gây náo loạn quê hương vì nghiện ấy. Tôi đã lén khóc hôm nhận tiền của bố vợ, bây giờ có trong tay mấy trăm công nhân và khối tài sản tương đối rồi, mỗi lúc ngẫm lại cái thuở lập nghiệp với ông bố vợ tuyệt vời ấy, tôi vẫn lén xúc động. Đời tôi lầm lạc, nhưng lúc nguy nan nhất luôn có quý nhân phù trợ. Bố vợ tôi là một quý nhân như thế.

 

Vợ chồng tôi có vốn rồi, tiếp tục đi mua bán xe máy cũ. Do công việc tôi phải đi thường xuyên, mọi người nói ra nói vào tỏ ý nghi ngờ như họ vẫn thường nghi ngờ rất... chính xác: thằng Tuấn đã hết nghiện chưa? Hay nó vắng nhà vì đổ đốn đi buôn heroin? Hay nó đi tìm thuốc hút, đi đâm chém, bảo kê, buôn vũ khí, vượt biên? Bao nhiêu bàn ra tán vào, nhưng vợ tôi vẫn mặc kệ: “Vẫn còn nghiện lắm ạ” là câu nói muôn thuở của cô ấy mỗi khi ai hỏi lằng nhằng về tôi.

Chỉ có niềm tin thánh thiện ấy của vợ, mới đem cho tôi được nghị lực để vượt qua bao điều tiếng, bao tủi phận, tha hóa để có ngày hôm nay! Rồi đứa con gái đầu lòng của chúng tôi ra đời, nhìn con tôi đã khóc, khóc vì biết mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để lo cho “thiên thần bé” thơ ngây kia. Tôi khóc vì thương mẹ, ngày xưa mẹ cũng mang nặng đẻ đau để sinh ra tôi như thế này. Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Ngày ấy, mẹ thức suốt bao đêm lo giông bão, lo nhà sập, lo bố ngoài chiến trường sống nay chết mai để “miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương” nuôi đàn con lớn khôn, sẽ trưởng thành. Mẹ đau hơn nữa, là cậu con trai duy nhất mẹ sinh ra sau 6 lần sa sẩy lại mắc nghiện, tán gia bại sản, bại hoại thanh danh gia đình, nó chết đi sống lại với ma túy và bao nhiêu trò hư đốn man rợ khác.

 

Nhìn ánh mắt ngời sáng của vợ, đôi môi hồng hào bé nhỏ của con, tôi biết mình phải làm gì. Nhưng ma túy như là một thứ ma lực ám ảnh tôi, bỏ được hai năm rồi mà thỉnh thoảng tôi vẫn còn nhớ tới nó, kể cả trong từng giấc mơ. Có một lần tôi đã quay trở vào chỗ cũ mua thuốc, rồi cầm xi lanh lên, định sử dụng thì hình ảnh cậu tôi, bố tôi ùa về. Con gái tôi đang gào khóc, văng vẳng đâu đây tiếng vợ tôi: “anh cố lên”. Tôi đã bật khóc rồi ném đi. Tôi quay trở về với lòng mình, thanh thản. Đêm về tâm sự với vợ, cô ấy chỉ khóc, cô ấy hiểu cuộc chiến giành giật tôi từ tay tử thần chắc hẳn sẽ còn rất dài. Nhưng cô ấy không gây sức cãi vã gì với tôi, cô chỉ nói: “Em tin anh”!

 

Lần khác, sau hơn một năm kể từ đám cưới, hôm đó, đi ăn giỗ ở làng bên về, tôi lại tạt qua chỗ bán thuốc, lòng hồi hộp lẫn lo âu nhưng trên đường đi tìm chỗ để sử dụng thì tôi lại nghĩ: “Mình đã rất vất vả để chiến thắng nó, sao mình lại làm thế này, có xứng đáng với những người đã hy sinh vì mình không?”. Đấu tranh tư tưởng, ngồi cầm cái xi lanh, ngửi hơi ma túy đầy ma mị ấy, tôi cứ thế giày vò trăn trở. Rồi, bỗng dưng hình ảnh cậu tôi hiện về, cậu nằm trên vũng máu, rồi bố đang hành quân ăn gạo rang dọc đường binh lửa tan hoang do chất độc hóa học của Đế quốc Mỹ, rồi mẹ, rồi vợ tôi, cô ấy đã hết mình vì tôi, đã tin tưởng tôi rất nhiều. Nếu làm như thế này, mũi xi lanh chứa heroin này sẽ là liều thuốc quái dị nhất, nó biến mình thành cái loại không xứng là con người nữa. Tuấn ơi! Tôi tát vào mặt mình, tôi dùng mũi kim tiêm chọc nát các thớ thịt trên đùi mình để tỉnh dậy. Tôi chọc xi lanh hàng trăm nhát vào da thịt mình, nhưng không hiểu sao, ngón tay cái của tôi đã không bấm vào đầu xilanh để đẩy chất heroin hòa trong nước cất vào tĩnh mạch. Sau hàng nghìn lần thác loạn với ma túy, hôm ấy, tôi đã tự tiêm mình hàng trăm nhát mà không hề đẩy ma túy vào người. Tôi đã chiến thắng ròn rã. Và tôi quyết định vứt cái nọc độc của con rắn thành tinh heroin ấy đi, đó cũng là lần cuối cùng tôi mua ma túy. Chắc chắn là như thế, tôi thề có vong linh cậu tôi, có trời cao đất dày là như thế. Tôi vạm vỡ bước về nhà mình, khoe chiến công với vợ với một cánh tay hằn hàng trăm mũi tiêm đỏ lòe máu.

 

Để không phụ lòng tin của vợ và gia đình nên tôi cũng cố gắng rất nhiều. Trong xã hội còn quá nhiều người không tin tôi, chính trong gia đình cũng còn nhiều người không tin. Nhưng tôi biết bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ tôi và nhất là vợ tôi thì tin tôi vô cùng. Lúc từ trại cai nghiện trở về, sau thời gian dài lao động và cai nghiện, tôi được “hưởng công” là 600 nghìn đồng. Với số tiền đó, tôi loay hoay không biết phải làm gì, có đứa bạn mặt xanh rớt, áo quần ám mùi ma túy đã bảo tôi “tốt nhất là ông nướng nó vào một lần lên mây với xi lanh heroin hòa nước cất”. Tôi cười khẩy. Quả thật, bấy giờ, một người nghiện khét tiếng như tôi, đến việc vào nhà người khác chơi mà họ mời nước uống đã khó, chứ đừng nói gì đến việc vay vốn làm ăn, dù chỉ một đồng.

Sau này, ông Phạm Văn Lũy (bố vợ tôi, SN 1963) có hàn huyên lại: “Bấy giờ tao tin mày. Tao với vợ tao xác định, nếu nó nghiện lại, nó làm ăn mà “chết” thì vợ chồng mình cũng chết theo. Tự dưng chuốc lấy mạo hiểm quá chừng, nhưng không hiểu sao tao vẫn tin mày. Có lẽ vì con gái tao nó tin mày, nên tao phải tin”. Từ chi tiết đó, và sau thời gian dài làm con cái trong gia đình, tôi càng khâm phục bố mẹ vợ tôi, những người nông dân chân chất, ít học mà suy nghĩ thì rất... cao. Tôi luôn nghĩ, bố mẹ vợ tôi, nhất là vợ tôi, họ đã tin tôi để tôi như được sinh ra lần thứ hai, đã cùng tôi chia sẻ hết niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời, đã đồng hành với tôi để tôi làm được những điều dường như là không thể.

 

Nhớ mãi hôm đầu, cầm cả cục tiền bán nhà mà bố mẹ đẻ rồi bố mẹ vợ tôi đưa cho tôi vay sao nó lại nặng thế! Nhớ ngày xưa, bòn rút, lừa lọc, dọa dẫm gia đình người thân để có những đồng tiền cam khó, rồi đi đốt đời trác táng, đi mua ma túy. Tôi lao vào công việc với sự hăng say chưa từng có. Vì tôi đang nghĩ rằng tôi sẽ sẽ bù đắp lại những tháng ngày hoang phí với thuốc phiện, heroin kia. Đi mua xe ở các tỉnh xa, tôi với cậu em vợ, hai anh em lóc cóc đi xe về, có hôm xe hỏng dọc đường, phải đẩy xe đi từng khúc từng khúc trong cái nắng chang chang, trong cái nhìn thương hại của người đi đường. Mồ hôi ướt ròng trên áo, nó mặt chát nơi đầu môi. Tôi mỉm cười nghĩ: ma túy ơi, mày hãy ra theo dòng mồ hôi ướt như tắm này, biến hết khỏi từng chân tơ kẽ tóc trên người tao đi. Người ta bảo, lao động là vinh quang, bây giờ tôi mới thấu hiểu. Mồ hôi chảy ra, người nhẹ nhàng, ăn ngon, ngủ ngon, và đồng tiền mình làm ra trở nên quý giá. Đồng tiền ấy, khi nó vào tay mình, nó mang theo cả hạnh phúc nữa.

 

Có hôm, 12 giờ đêm mới đi rong xe máy cũ mua từ các tỉnh xa về đến nhà, điện đóm vẫn sáng choang, nhìn vợ tôi ngủ gà ngủ gật bên mâm cơm lạnh ngắt, nghe tiếng mở cổng vội vàng chạy ra cùng tiếng reo mừng vui hớn hở, tôi đã cố gắng hết sức mình để đáp lại tình cảm mà bố mẹ đẻ cùng vợ tôi đã hy vọng, đã tin tưởng. Cứ mỗi khi nghĩ về quá khứ tôi lại càng muốn cố gắng hơn, nhìn con gái cười sau những ngày làm việc, thì mọi mệt mỏi như tan biến đâu mất. Ngày xưa bố mẹ tôi cũng sinh tôi ra và cũng hy vọng như thế này, cũng thầm mong một ngày nào đó tôi được không lớn, trưởng thành như thế này. Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ, sao cha ông ta dạy chí tình chí lý thế. Cứ nhìn con gái ngủ một lúc, là tôi lại sang phòng ngồi ở mép giường nhìn mẹ ngủ, dém chăn, dém màn cho mẹ. Có lần bố uống trà ngoài hiên nhìn thấy tôi dém màn cho mẹ, ông khẽ gật đầu không nói gì cả. Có lần tôi thấy nước mắt mẹ trào ra, thì ra mẹ vẫn thức!

 

Để tăng thêm công việc và thu nhập, tôi đi thầu thêm đầm để trồng sen và nuôi cá, đến mùa sen nở đẹp vô cùng, ngủ đêm ngoài cánh đồng hương sen thơm dịu ngọt, gió nhẹ nhàng thổi như mang lời ru của mẹ năm nao, chèo thuyền một mình đi giữa đồng với xung quanh mình hoa trắng, hoa đỏ như thể lạc vào cõi thần tiên. Quá khứ đáng xấu hổ của tôi, như được hương sen tinh khiết những đêm thanh vắng gột rửa sạch sẽ, lắng trong.

 

Những buổi sáng chèo thuyền ra giữa đầm hái những búp sen vừa hé nở, lấy nước tinh khiết đọng trên lá đêm qua, mang về pha trà thì thật là thú vị, và thế là cứ hôm nào không đi mua xe máy tôi lại ra ngoài đầm sen chơi, đến tối mịt mới về. Rồi mùa sen cũng qua đi ngắn ngủi, tôi tát đầm bắt cá và trả lại đầm cho họ, được hơn 1 tấn cá, cộng tất cả lại lãi chẳng được là bao so với công sức mình bỏ ra, càng nghĩ thương bố mẹ, ngày xưa bố mẹ cũng làm việc cật lực, một nắng hai sương kiếm từng đồng tiền vất vả để nuôi các con ăn học, mẹ tôi hái từng quả mướp mang ra chợ bán, thế mà...! Thở dài ngao ngán, tôi lại lao vào công việc để bù đắp lại những tháng ngày đã qua.

Chúng tôi đã chật vật, kết hợp cả nghề nuôi vịt và nghề buôn xe máy cũ để lập nghiệp. Những chiếc Cub79 đầu vênh, những cái xe nghĩa địa bên nước ngoài người ta thải bỏ rồi, tôi và em vợ rong nó về Hà Nam, tu sửa rồi bán kiếm lời. Rồi chúng tôi chuyển lập đại lý xe máy, chuyên bán xe rẻ tiền cho bà con nông dân. Xe đó đi tốt, chỉ có điều không được bền. Bà con chuộng lắm. Thế là có mô hình đổi đầm sen đang nở hoa lấy... xe máy, đổi đàn vịt đang lít nhít ngoài kênh mương lấy xe máy. Ăn lãi xe máy, ăn lãi cả vịt lẫn đầm sen. Tôi đã tính toán rất chuẩn, chỉ không chuẩn ở chỗ: tôi tin tưởng hơi thái quá vào văn bản giấy tờ, các khế ước viết tay và các vị khách hay mua chịu. Hồi mở quán cà phê, thì khách đến uống bia không giả tiền, đến giờ vẫn chưa đòi được! Đến lúc bán xe máy thì người ta viết giấy nợ, cược cả đầm ao đổi lấy xe máy, xe người ta đi chán, bán cho người khác hoặc vứt vào bãi rác từ tám hoánh, mà giấy viết nợ mình cầm mãi chả ai đến giả tiền, đầm ao thì vẫn của người ta trồng sen cấy lúa, dễ gì mình đi xiết nợ được? Rồi hình thức bán hàng trả góp, xe máy 10 triệu đồng/chiếc, chỉ phải trả trước 3 triệu đồng, bà con cứ lấy xe về đi trước, sau này trả dần. Nhưng ôi thôi, đến trăm năm sau cũng chả đòi được. Thế là mất toi mấy trăm triệu một lúc. Cũng không hiểu sao bấy giờ người ta mê cái xe máy đến thế, bao nhiêu ông gán đầm cá, đầm sen, gán cả những đàn vịt đông đúc cho tôi để lấy bằng được cái xe máy về đi.

 

Đó là lý do để vợ chồng tôi sở hữu đàn vịt đông bậc nhất Việt Nam, hơn 5.000 con một lúc. Leo cao thì ngã đau, tích cóp nhiều đàn vịt gộp lại, lúc bão về, vịt nhà biến thành vịt trời bơi kín sông Hồng, bơi dài từ Hà Nam xuống mãi Nam Định, Thái Bình... có khi ra tới Biển Đông... - thì chúng tôi vỡ nợ to. Ông chủ đàn vịt và những đầm sen lớn đã hết thời lái ô tô tải đi chăn vịt rồi!

 

Người đồng hương răng hạt na

 

Thời gian trôi, nhờ vào sự chịu khó, chịu khổ của tôi, vốn liếng dần được nhân lên. Tôi mở cửa hàng, thành lập doanh nghiệp tư nhân Tuấn Bằng bán xe máy mới vào năm 2004. Được hai năm công việc rất thuận lợi, tôi chuyển hướng vào Sài Gòn. Vào được khoảng hai tháng, tìm hiểu thị trường, tôi biết Sài Gòn đang rất chuộng loại xe tay ga cao cấp như Dylan, SH… Tôi nghiên cứu giá cả giữa Sài Gòn và Hà Nội, thấy Hà Nội rẻ hơn rất nhiều, mỗi chiếc rẻ lên tới cả ngàn đô la (tương đương khoảng 16 triệu khi đó). Hai vợ chồng bắt đầu lao vào “cuộc chiến” mới, tôi đã làm việc quên mình, được vợ động viên nên tôi cũng bớt phần mệt nhọc.

 

Có hôm thứ 7, chủ nhật nhìn người ta đi chơi ngược xuôi, thấy vợ và con gái mặt buồn rười rượi, tôi hiểu, vợ tôi và con gái cũng khao khát như những người khác, cũng muốn được đi chơi, con gái tôi cũng muốn được tung tăng chạy nhảy như các bạn cùng trang lứa ở những chỗ thật lắm đồ chơi, thật lắm màu sắc. Nó cũng muốn được ngồi trên vai bố đi chơi công viên Đầm Sen, giống như bức ảnh mà người hàng xóm vừa mới đi về cho vợ con tôi xem. Nhưng cả hai mẹ con đều biết tôi cũng không có thời gian, người ta được đi chơi, đi xem phim, còn tôi thì phải làm việc cật lực, thông thường từ 18 đến 20 tiếng một ngày. Tôi muốn làm thay cả phần việc mà những năm tháng, ma túy đốt đời tôi đen thui ấy.

 

Công việc rất tốt, có những tháng tôi chuyển từ Hà Nội vào tới Sài Gòn khoảng 200 chiếc xe tay ga, rồi trong một lần chuyển giấy tờ từ Hà Nội vào, bưu điện đã làm mất của tôi 4 bộ giấy tờ xe máy SH, thế là công cốc. Số tiền hơn 400 triệu đồng của tôi bỏ ra, giờ thu lại được những chiếc xe vô chủ, không thể đăng ký được ở Sài Gòn, cũng không đi lại được vì không đủ điều kiện xin cấp biển số. Bán thì không có ai mua cả, vì người ta sợ đó là xe ăn cắp, ra bưu điện hỏi chỉ nhận được sự vô cảm, những đôi mắt trợn trừng và những cái lắc đầu ngao ngán của cô nhân viên bưu điện quận Phú Nhuận, mãi mãi có lẽ cô ấy sẽ không hiểu đó là cả một gia tài của một người khốn khổ như tôi. Cô ấy đâu có hiểu được rằng ngày mai, ngày kia tôi phải đi vay 100 nghìn đồng để đóng tiền học phí cho con. Tôi mang một tâm trạng buồn bã và thất vọng với tình đời, tình người, vợ tôi liền động viên:

Thôi anh! Của đi thay người, có gì mà phải tiếc!

Còn sức khỏe là mình còn làm ra!

Rồi cũng qua cơn bĩ cực, vợ chồng tôi cũng dành dụm được một số tiền và bắt đầu gửi về quê để mua đất bù vào phần đất ông bà ngoại (bố mẹ vợ tôi) đã bán đi để cho “thằng Tuấn nghiện” con rể.

Đúng lúc đó, bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh giao dịch rất mạnh, tôi liền tấn công huyện Bình Chánh để tìm mua đất, phân lô ra bán. Trong vai một người khách đi tìm mua đất nguyên thửa, tôi gặp một bác gái hơn 60 tuổi là chủ của một lô đất đang cần bán. Tôi hỏi:

Bác có bao nhiêu mét vuông đất tất cả? Giọng nửa Nam, nửa Bắc, bác trả lời:

Tôi có hơn 10.000 mét vuông, bán tất. Với giá 1.200.000đ/ một mét vuông.

Giá thì rẻ mà tôi không có đủ từng đó tiền, thấy tôi thở dài, bác bảo:

Có gì khó khăn con cứ bảo bác. Quê bác cũng ở tận ngoài Bắc cơ, nếu con là người Hà Nam, thì cũng là đồng hương Hà Nam Ninh (cũ) với bác. Bác quê ở tỉnh Nam Định. Cháu cứ nói, không có gì phải ngại cả.

Tôi cũng tâm sự thật với bác là: Cháu cũng không có đủ, chắc còn thiếu kha khá. Bác cười phô ra hàm răng đen nhánh hạt na, đang nhai trầu bỏm bẻm:

Không có gì phải lo, con có bao nhiêu cứ đưa cho bác, rồi phân lô ra mà bán, khi nào bán xong đưa tiền cho bác cũng được.

 

Tôi sửng sốt, sao thời buổi này mà vẫn còn người tốt và có lòng tin người đến như vậy? Thương bác, nhưng thấy e ngại, tôi đã từ chối không lấy đất của bác mà không giao tiền như bác đề nghị. Tôi xin phép ra về sau khi đưa cho bác số điện thoại di động. Được hai hôm, buổi chiều đang ngồi uống nước gần ngã tư Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình thì có số máy điện thoại lạ gọi cho tôi. Là bác Yến, bác bảo tôi muốn gặp anh.

Lúc ngồi với nhau, bác Yến tâm sự: Quê bác ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, bác sinh được một người con năm 1950. Ba năm sau thì chồng bác chết. Một mình bác ở vậy nuôi con với biết bao nhiêu khó khăn, rồi con trai bác trốn nhà đi bộ đội, một thời gian sau nhận được giấy báo tử, bác đã không muốn sống nữa. Buồn bã không muốn làm gì nữa. Nhưng rồi, trong nỗi ám ảnh, trăn trở về người con trai muôn vàn yêu quý đã là liệt sĩ của mình, bác đã quyết tâm lên đường đi tìm xương cốt của con. Sau chiến tranh, hỏi thăm, tìm hiểu mãi mới biết con trai mình hy sinh tại: ấp 4, Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh này từ tháng 2 năm 1968. Ơn trời, bác đã tìm thấy hài cốt con trai. Mảnh đất bác ở bây giờ, sau giải phóng bị bỏ hoang hóa, người ta đã đi hết, bác xin chính quyền cho bác để bác ở và tưởng nhớ đứa con trai từ đó đến bây giờ.

 

Bác bảo tôi: “Nay nhìn cháu, có người ở nơi xa lắm, nói với bác rằng cháu là người ăn ở hiền lành, cháu đang có một công việc thiêng liêng mà người thân của cháu trao truyền gửi gắm lại cho cháu, bác nên gửi niềm tin vào cháu. Cháu cứ mua đất của bác đi, đừng chối lại lời của người ta đã nhắn gửi, không phải ngại… khi thiếu một nửa tiền đâu! Đất đang sốt, từ hôm qua đến giờ có mấy người đến hỏi mua và trả giá cao hơn nhưng bác không dám bán vì sợ người ta lừa”.

Tôi về huy động tất cả các bạn bè của tôi. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên: khi chỉ vì tình cảm anh em, bạn bè mà chiều ngày 20 tết năm 2007, Tú bạn tôi đã phải nghỉ buôn xe mấy hôm ở bến Hoàng Văn Thụ để dồn hết tiền cho tôi vay đi mua đất, đó là những ân tình sẽ mãi mãi theo tôi trong suốt cuộc đời này.

 

Tôi đã mua miếng đất đó khi chỉ có nửa tiền, tôi mơ hồ nghĩ mình gặp may hoặc dường như là có một thế lực nào đó đang giúp đỡ mình rất huyền diệu. Ngày hôm trước khi phân lô bán rẻ hơn người ta không mua, ít sau bán đắt hơn, giá tăng cao gấp đôi thì người ta lại ào ào đến mua đòi mua. Một miếng đất khổng lồ như thế ở Sài Gòn, tôi không nghĩ mình có thể phân lô, bán hết trong vòng một tháng. Tôi đã bán hết sạch với số lãi gần gấp đôi, riêng tiền lãi hơn 5 tỷ đồng, trị giá tiền thời bấy giờ còn to hơn bây giờ nhiều. Tôi không dám cầm hết số lãi đó mà lại đưa thêm tiền cho bác Yến, nhưng bác nhất quyết không lấy. Rồi hôm chia tay để bác Yến về quê, tiễn bác ra ga, nhìn bác hao hao phúc hậu giống như mẹ mình ở quê, tôi thương quá! Và, trong buổi chiều hôm ấy, tôi đã lạnh người, đã khóc như một đứa trẻ khi thấy bác Yến răng đen hạt na bước lên tàu hỏa, bác ôm hài cốt người con trai liệt sĩ của mình vào lòng và ngoái lại nói với tôi: “Nói thật với con, việc cho con hơn 5 tỷ đồng để con làm lại cuộc đời, để thưởng cho con đoạn tuyệt được với ma túy, để con tiếp tục con đường dài dằng dặc làm từ thiện và tri ân các liệt sĩ khác… đó là ý tưởng của liệt sĩ - con trai bác đấy, con ạ!” Nói rồi bác quay đi, mỉm cười nhân hậu như một bà tiên. Bác ôm khư khư người con vĩnh viễn tuổi đôi mươi của bác trong lòng, bác dịu dàng như sợ người con trai trận mạc ấy bị đau vì con tàu bắt đầu lắc lư. Tôi rùng mình, không hiểu mình đang tỉnh hay đang mơ, bác Yến đang đùa để thuyết phục tôi nhận số tiền khổng lồ đó hay là bác đang nói thật về một thế giới siêu hình mà vô cùng gần gũi. Nhưng, quả là tôi đã từng ngồi với bác bằng nhiều tình cảm như ngồi với mẹ mình. Ở góc trời phương Nam nắng gió ấy, tôi nói với bác về người liệt sĩ là con trai bác, về suy tư và những giấc mơ của mình với “thế giới vô hình, thế giới bên kia” của những người nằm xuống vì Tổ quốc, trong đó có con trai bác và cả cậu Khánh của tôi. Có thể, tôi và bác đều có niềm tin tâm linh quá sâu thẳm, rồi chúng tôi cứ thế tự kỷ ám thị nói với nhau về những gì tốt đẹp của thế giới dương gian và cả ở cái cảnh giới khác của cậu Khánh tôi, của con trai bác...?!

Bất chợt tôi lại nhớ tới bà, tới mẹ, tôi rưng rưng, không biết có một ngày nào đó bà và mẹ được bế cậu tôi như thế này không nhỉ? Chắc bà và mẹ vui lắm đấy!

 

Tàu chuyển bánh, vẫy tay chào tạm biệt bác Yến, không quên xin số điện thoại và địa chỉ của bác, tôi quay về với trĩu nặng ưu tư, một nỗi buồn man mác, một câu hỏi vừa thoáng qua đã kịp lớn lên thành nỗi trăn trở: không biết ngày nào tôi mới tìm được để đưa cậu mình trở về? Bao giờ tôi sẽ còn gặp lại bác Yến, người đàn bà răng đen sống sâu sắc, nhân hậu như một bà tiên như thế!? Tôi thầm gọi: Cậu ơi! Cậu linh thiêng, cậu hãy phù hộ cho cháu, dẫn đường chỉ lối cho cháu để cháu được đi tìm cậu, mang được cậu về với bà và mẹ cháu, để bà được ôm cậu vào lòng như lúc cậu ra đi, để bà và mẹ cháu không giật mình, không khắc khoải từng đêm nữa, để mỗi khi có chuyện vui buồn cháu sẽ ra trước ban thờ tâm sự với cậu. Cậu ơi!

Cái quyết tâm đi tìm hài cốt cậu tôi cứ lớn dần. Qua tìm hiểu từ những người lính độ ấy sống sót trở về, tôi được hiểu phiên hiệu đơn vị trong giấy báo tử của cậu là vô cùng quan trọng. Các chú cho biết: cậu tôi hy sinh nơi mặt trận Tây Nguyên. Háo hức đi tìm, lại kết hợp với công việc, tôi đã có hành trình lên tỉnh Gia Lai, với “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Cao nguyên trung phần thật đẹp, núi Hàm Rồng sững sừng, hoa cúc quỳ nở vàng mê mải. Đứng trước những luống tiêu, những vườn cà phê xanh bát ngát, tôi không biết tìm cậu ở đâu bây giờ, hỏi bà con dân bản được hai ngày, tôi hiểu làm cách này thì không khác gì mò kim đáy biển. Trên xe khách quay trở về Sài Gòn mà lòng buồn rười rượi, không biết cậu nằm ở đâu? Dù có vất vả, tốn kém với đâu cháu cũng đưa cậu về, mải ngủ mê mệt, chiếc túi trong có đựng một ít tiền của tôi bị kẻ trộm lấy mất. Nhịn đói, về đến Sài Gòn, trông dáng điệu thất thểu của tôi, vợ chạy ra hỏi:

- Có tìm được ông Khánh không anh? Thở không ra hơi tôi nói: Cho anh ăn đã!

Rồi một tuần sau tôi lại có việc lên Tây Nguyên, tôi lại đi hỏi dò, cứ hỏi đến đâu tôi để lại số điện thoại đến đấy, và cứ thế trong vòng mấy năm, mỗi khi có điều kiện lên Tây Nguyên là tôi lại đi hỏi. Tôi đã dò hỏi hết cả tỉnh Gia Lai, nhưng bất lực, núi rừng mênh mông hùng vĩ, biết cậu nằm ở đâu? Một số người còn sống trở về thì cũng đã lần lượt rủ nhau đi sang thế giới bên kia cùng đồng đội, tôi vẫn lọ mọ đi tìm cậu, đầu mối để dò hỏi ngày càng ít đi.

Bỗng một hôm, đang nửa đêm bỗng chuông điện thoại đổ dồn, cầm máy lên nghe bên kia là một giọng miền Trung, hỏi có phải tôi đang đi tìm liệt sĩ Khánh không. Như người chết đuối vớ được cọc, tỉnh ngủ hẳn luôn, tôi sốt sắng cảm ơn rối rít rồi hỏi tin tức. Thì người ta nói: Cậu anh hy sinh ở Quảng Nam và đó là người chiến đấu vô cùng anh dũng, đã đánh giặc đến hơi thở cuối cùng. Tôi là người chiến đấu cùng cậu của anh. Bây giờ mộ ông ấy đã được quy tập trong nghĩa trang. Cứ gửi tiền cho tôi 1 triệu đồng, tôi không tham lam gì đâu, tôi rất nghèo, tôi phải đi xe khách ra rồi ngủ trọ để đón cậu, tôi sẽ dẫn đi cho. Ôi, trời có mắt, trời giúp tôi thực hiện tâm nguyện của đại gia đình tôi được rồi.

 

Cả đêm không ngủ được, tôi thao thức chờ trời sáng. Sao không mau sáng đi! 6 giờ sáng, gọi vợ tôi dậy đi chuyển tiền vào tài khoản, vợ tôi càu nhàu 6 giờ thì ngân hàng nào mở cửa. Vợ chồng tôi đi ăn sáng, ngồi chờ ngân hàng mở cửa, mình sẽ là người đầu tiên chuyển tiền cho ân nhân đi xe đò, đi ở trọ, đi dò thêm thông tin tiền trạm giúp đỡ mình. Chuyển xong tiền thì người ta hẹn đến mai đầu bên kia sẽ nhận được ngay. Trong lòng hồi hộp, nóng như lửa đốt, sáng hôm sau gọi điện thoại không liên lạc được, rồi tối đó rồi sang ngày hôm sau nữa cũng bặt vô âm tín. Đến bây giờ, họ cũng không gọi lại cho tôi, số điện thoại kia là cái sim rác gọi một lần rồi vứt bỏ. Tôi hiểu mình đã bị lừa, ô hay sao họ lại nhẫn tâm lừa cả thân nhân liệt sĩ nhỉ. Từ đó tôi không còn tin vào những cú điện thoại lúc nửa đêm kiểu như vậy nữa.

 

Thành công và tri ân với đời

 

Công việc kinh doanh thuận lợi, có số tiền lớn trong tay, tôi mở rộng phạm vi kinh doanh của mình, chuyển sang buôn bán ô tô, lại học, lại bắt đầu tìm tòi, lại có những hôm thức suốt đêm nghiên cứu tìm hiểu từng loại xe. Phải nói tôi có niềm đam mê ô tô đến kỳ lạ, những gì không biết, không ai dạy, những loại xe chưa gặp bao giờ, tôi đều đến ngã tư, ngã ba đèn đỏ đứng đợi, rồi chặn xe lại xin người ta cho xem để biết. Hồi ở trung tâm cai nghiện, tôi có được “lao động cải tạo” bằng cách học nghề cơ khí nữa. Có kỷ niệm khó quên, ấy là hồi đi chặn xe ở đèn đỏ xin ngó một tí, tôi gặp ông say rượu, ông ta tưởng tôi chặn xe để cướp hoặc xin tiền, ông ta cứ đi thẳng mặc dù tôi đứng ở đầu xe. Thấy xe húc thẳng vào mình, bản lĩnh thời giang hồ đã cứu tôi, tôi bay lên như một võ sư trên đỉnh Thiếu Lâm, quăng mình lên đầu xe, tay bám vào cần gạt nước, cứ nằm úp trên nắp capô khi xe chạy rèo rèo. May mắn thoát chết. Từ đó tôi cạch đến già, không dám chặn xe để xem nữa, tôi bắt đầu đi vào các gara buôn bán ô tô cũ, trong vai một ông chủ tìm mua xe hơi sang trọng... để tìm hiểu. Và cứ như thế tôi bắt đầu biết về xe ô tô, tôi cũng sửa chữa và “bổ” các loại ô tô choanh choách như bổ “xe máy nghĩa địa”.

 

Năm 2008, tự lái chiếc ô tô sang trọng đầu tiên từ nắng gió Phương Nam ra với cái rét cắt da cắt thịt miền Bắc thân thương, trong lòng tôi, dâng lên niềm vui mừng khôn cùng, trước ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người. Tết đầu tiên tôi thấy mẹ vui, mẹ đã cười nhiều hơn xưa, có lẽ, bà đã không còn những đêm khóc thầm nữa. Cả mẹ và cha tôi đã tự hào về những gì tôi đã làm được, vì những gì tôi đã vượt qua, tiếng cười của bố lại bắt đầu từ đầu ngõ vào tít trong khu vườn ao xanh mát mắt, như ngày xưa ông vẫn thế. Có ai hỏi thăm “thằng cu Tuấn giống vàng giống ngọc của bà”, bây giờ mẹ tôi vẫn khóc, nhưng là những giọt nước mắt của niềm vui, sự hãnh diện vì con mình đã trở lại làm người, đã vượt qua được những cám dỗ chết người.

Bố tôi đi họp chi bộ, họp hội cựu chiến binh về giờ đã vui vẻ hơn trước nhiều lắm. Ông như đã trẻ thêm ra vài tuổi. Tôi hiểu, phần nào tôi đã trả ơn được công lao bố mẹ sinh thành thành và cưu mang tôi qua bao nhiêu lầm lỡ, đốn mạt do ma túy. Tôi trả ơn không phải bằng mâm cao cỗ đầy, mà bằng chính sự nỗ lực phấn đấu của bản thân mình, sự trưởng thành trở thành người có ích cho xã hội của tôi là món quà to lớn nhất những mong đền đáp chút ít với công lao trời biển của cha mẹ. Cha mẹ đã trải qua đau khổ của đời ăn nhờ ở đợ, đời mồ côi, đời trận mạc cái sống cái chết cách nhau một bước chân, một tiếng súng nổ; khi tôi khôn lớn, cha mẹ lại cúi mặt tủi sầu với bao năm tháng có thằng con phá gia chi tử, đổ đời vào ma túy, lừa lọc trộm cắp, chửi cả bố mẹ đẻ. Bố vui nhất, là việc tôi lo công ăn việc làm cho nhiều người, tôi cưu mang nhiều người nghiện lầm lỡ, giúp họ cai ma túy thành công, lo được cho bản thân và gia đình...

 

Cái tết đầu tiên cả nhà tôi quây quần, nhìn con gái chạy lon ton bên gia đình nhà nội, nhà ngoại, tôi hiểu đây là hạnh phúc vô cùng to lớn của mình mà tổ tiên đã ban tặng, một hạnh phúc mà tôi đã đi qua nhiều khổ đau trong rất nhiều năm tháng mới tìm được. Tôi tự hứa với bản thân mình sẽ không làm gì để đánh mất nó một lần nữa. Ăn tết xong, vợ chồng chúng tôi lại vào Sài Gòn. Bây giờ tôi ra vào Bắc - Nam nhiều hơn, phần vì công việc, phần vì bố mẹ tôi đã già. Tuổi già với đủ mọi loại bệnh tật, mẹ tôi từng mắc bệnh ung thư, giờ thêm bệnh tiểu đường nặng. Hơn chục năm đối mặt với bệnh tật, bà vẫn chăm chỉ “nhặt nhạnh” như xưa, vẫn tiết kiệm từng đồng một khi đi chợ. Có lần, thấy mẹ tiết kiệm quá tôi mới đùa bảo: Mẹ dè xẻn vừa thôi chứ, chúng con bây giờ có của ăn của để, bà thoang thoáng lên một tí, nhỉ! Mua đắt một tí, coi như con trai bà đem ít tiền biếu hàng xóm, biếu người làng người nước, đi đâu mà thiệt.

Bà vẫn mắng yêu tôi như ngày tôi còn bé lên năm, lên ba:

Mẹ cha mày! Không thế mà nuôi được một lũ em, lại nuôi chúng mày lớn đến bây giờ à?

Và bà cười, nụ cười của bà giờ đã không còn héo hon như trước nữa.

Vậy là 13 năm qua đi, ngắn như một giấc ngủ trưa, nhưng 13 năm cũng đủ dài để làm ra rất nhiều đổi thay, 13 năm của tôi là sự phấn đấu không ngừng nghỉ, sự nỗ lực không biết mệt mỏi, vật lộn một mất một còn với những sai lầm của tuổi trẻ hư đốn rồi đứng dậy chập chững đi những bước đầu tiên để “trở lại làm người”.

 

Lại những năm tháng đi mua xe, đi lên những tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nhiều hơn, tôi đã đi khắp cả núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Vừa đi làm ăn, vừa tranh thủ tìm mộ của cậu. Cậu đã ám ảnh tôi, hình ảnh cậu chưa bao giờ rời tôi trong một bước chân, trong một suy nghĩ. Rất kỳ lạ. Tôi cũng muốn mang hài cốt cậu về, như một món quà tuyệt vời nhất để mẹ vơi đi nỗi đau. Đến từng nghĩa trang, với những ngôi mộ thẳng hàng xa tít, những bát nhang trên mộ lác đác khói hương, tôi đăm đắm đi tìm cậu. Cậu ơi! Cậu ở đâu trong hàng triệu liệt sĩ trên các nghĩa trang này, trên đó có những ngôi mộ xám xịt với những dòng chữ lạnh lùng đến xót xa: “Mộ liệt sĩ vô danh”. Sao lại là vô danh khi mà cậu cũng như tất cả các bác, các chú, các anh ở đây, họ được sinh ra làm người, được cha mẹ, trời đất chọn tên, tổ tiên ông bà thầm gọi các chú, các anh đều có tên đấy chứ? Tên của các chú, các anh đã gắn liền với những chiến công bất tử, với những trận đánh kinh thiên động địa, bạt vía quân thù, các chú, các anh đã chấp nhận hy sinh bản thân mình, “Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”, “Cho cả Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (thơ của liệt sĩ Lê Anh Xuân). Mười bảy tuổi lên đường nhập ngũ mẹ gọi: Tiến ơi! Cha gọi: Quân ơi! Vợ khóc chồng: Anh Hoàn ơi! Anh đi nhớ bình yên trở về nhé, em và con ngày nào cũng sẽ ra ngõ đợi đến ngày anh trở về. Các chú, các anh đều có tên đấy chứ, sao lại là “vô danh”. Gạt nước mắt tạm biệt mẹ, cha và người thân, tạm biệt quê hương yêu dấu, các chú, các anh lên đường mang trong mình bao nhiêu hoài bão và khát vọng, nhưng không khát vọng nào bằng khát vọng dành được độc lập tự do cho Tổ quốc - dù biết là ngày về sẽ xa thăm thẳm, mịt mù. Nhưng đằng sau cái xa thăm thẳm, mịt mù đó là cả một tương lai xán lạn cho quốc gia dân tộc đang vẫy gọi. Các chú, các anh đã lấy máu, xương mình nặn nên hình hài tổ quốc tươi đẹp hôm nay. Tôi hưởng nền độc lập ấy, tôi sinh ra sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước những hơn 700 ngày. Tôi đã làm gì để tri ân những người ngã xuống? Tôi đã sống trong nuông chiều, nhung lụa, rồi đổ đốn nghiện ma túy, trộm cắp, cướp giật, đâm chém, bị công an bắt, ở trại cai nghiện, lừa lọc không thiếu ai trên đời! Thấy mình có tội với vong linh những người đã vị quốc vong thân, có hôm đi miên man giữa các hàng bia mộ trải dài tít tắp, tôi gạt nước mắt nguyền rủa quá khứ của mình…

Các chú, các anh đã hi sinh tất cả cuộc đời mình để mong một ngày đất nước được nở hoa độc lập, để các con cháu được cắp sách tới trường, để giữ gìn cái thành quả mà hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với biết bao thế hệ cha ông đi trước đã làm nên. Các thế hệ trẻ của con Rồng, cháu Tiên hôm nay đã làm được gì, đã sống như thế nào để xứng đáng với những người đã nằm xuống, với những người đã trở về mà cơ thể mang đầy thương tích, đầy di họa chiến trường. Đâu đó sau những ngôi làng bình yên kia vẫn còn những người lính mang trên người những vết thương nhức nhối, vẫn còn những người lính già phải xúc cơm bằng chân vì hai tay đã gửi lại chiến trường. Đó đây đã có người xuôi về thiên cổ mà hành trang của các chú không có gì ngoài chiếc ba lô và đôi dép cao su mang về từ chiến trường. Tài sản của các chú, các anh, những người anh hùng vệ quốc đấy. Tài sản vô giá, thông điệp của cả một thế hệ những người dâng hiến tất cả cho Tổ quốc quyết sinh kia là gì? Là gì chắc chúng ta đều đã hiểu.

 

Chiến tranh đã qua 36 năm, đất nước đã hồi sinh, những rừng cây xanh mát đã phủ kín những hố bom cũ theo cái cách da non làm lành vết thương trên cơ thể. Nhưng, chiến tranh vẫn còn đọng lại trong trái tim chúng ta, nó nhức nhối đến khôn cùng mỗi khi chúng ta nhìn thấy những em bé bị chất độc màu da cam - thứ chất độc đã như hủy hoại cả một thế hệ và nhiều thế hệ. Có sinh linh chưa sinh ra, chưa được cất tiếng khóc chào đời thì đã phải chết, chiến tranh ác liệt quá, Đế quốc tàn bạo quá, chúng đã tưới chất độc hóa học vào sông, vào suối, để rồi những người lính từ chiến trường ác liệt trở về, mấy chục năm sau họ vẫn còn phải chứng kiến con cháu mình gánh hậu họa. Những đứa trẻ vừa được sinh ra, đã phải mang trong mình bao nhiêu thứ bệnh tật, nào là teo cơ, nào là thiểu năng trí tuệ vì chất Dioxin... “Đầu xanh có tội tình gì”? Những đứa trẻ thơ ngây vô tội ấy, cũng như hàng vạn hàng triệu đứa trẻ khác được sinh ra trong cõi đời này. Gia đình, dòng họ, xã hội cùng vui mừng chào đón khi các cháu cất tiếng khóc chào đời; để rồi một thời gian ngắn sau đó, những giọt nước mắt đã tuôn rơi khi nhìn thấy sinh linh bé bỏng bị chất độc hóa học từ trong cơ thể cha nó, ông nó “truyền lại”. Những giọt nước mắt tuôn chảy hằng đêm, dưới hằng nghìn mái nhà. Không còn hơi sức để khóc nên lời nữa. Nó ầng ậng, cuồn cuộn, chảy ngược vào trong. Thế rồi, những người có lương tri của nhân loại tiến bộ đã phải chứng kiến một tội ác, một tội ác đến tột cùng, hay nói đúng hơn nó là sự dã man, vô nhân tính: nó làm cho người muốn chết không được, sống cũng không xong. Những nạn nhân chất độc hóa học từ cuộc chiến do Đế quốc gây ra ấy, họ cứ ngẩn ngơ bốc đất bỏ vào mồm, mẹ cha mua cho manh quần tấm áo cũng xé hết ra không mặc, nằm chiếu thì dứt sợi chiếu mà ăn, có khi bỏ nhà ra ngoài bụi tre nằm cười sằng sặc. Có những người sinh ra đã quái thai dị dạng, họ cứ lê lết thân hình tội nghiệp ấy như một lời tố cáo chiến tranh đanh thép nhất.

 

Tôi cứ nghĩ miên man như vậy hàng đêm. Nỗi ám ảnh khôn cùng, cảm giác mắc nợ với cậu và thế hệ cậu cứ ngày càng lớn lên. Tôi biết, những gì tôi hiểu về chiến tranh, về nạn nhân chất độc hóa học, về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước sự hy sinh của cha anh mình... có thể nó còn rất non nớt. Nó giống tư duy của một người bỏ ngang tuổi học, lầm lạc siêu vẹo dặt dẹo với ma túy và các trò hư đốn khác. Tôi không phải nhà văn, nhà báo, càng không phải nhà nghiên cứu xã hội. Đơn giản, tôi nghĩ về những điều kể trên, bằng sự chân thành của một con nghiện hoàn lương, đã “tái hòa nhập cộng đồng”. Tôi nghĩ vậy và thành thực hành động như vậy. Những lần lên đường tìm mộ cậu tôi, nhiều đêm tôi thảng thốt: “Cậu ơi! Cháu phải làm gì, cháu phải cố gắng những gì, cháu biết tìm cậu ở đâu khi núi rừng mênh mang và hùng vĩ kia với những hố bom giờ đã mọc lên những nhà cao tầng xây san sát, những rừng cao su xanh bạt ngàn, có mấy người biết đâu, dưới những rừng cao su, những ngôi nhà cao tầng kia là xương máu của cậu tôi, của biết bao nhiêu người đã hy sinh vì Tổ quốc?”.

 

Đầu năm 2009, trên đường chuyển xe ô tô ra Hà Nội, tôi vào thắp hương trong thành cổ Quảng Trị trước những nấm mộ xanh bát ngát của hàng vạn người. Tôi lại thổn thức suy tư. Thành cổ sừng sững uy nghiêm như một minh chứng oai dũng của cuộc chiến tranh hủy diệt, của những con người lấy tinh thần thép đối chọi với bom đạn tối tân của bè lũ xâm lăng. Bến Hoa, cái tên rất đẹp và mỹ miều nhưng đã 39 năm qua rồi và bên dưới lòng đất còn biết bao người trẻ đã vĩnh viễn nằm lại. Có người lính Cụ Hồ ngã xuống, đồng chí đồng đội vừa kịp tải thương ra giữa sông về tuyến sau điều trị, thì một loạt bom, những tiếng nổ đinh tai, nhức óc làm cho người sống cũng phải bàng hoàng, hoảng hốt, mặt đất chao đảo, khói bụi mịt mù. Mù mịt thuốc súng, khói bom bị gió sông Thạch Hãn thổi đi, người ta chỉ còn thấy chiếc cáng với hai mảnh tre nát vụn, vài miếng thịt người lính trọng thương chắc chưa kịp bay đi. “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”, những câu thơ của thi sỹ, nhà báo Lê Bá Dương được khắc bằng đá dựng bên bờ sông, gần thành cổ Quảng Trị đã làm tôi và nhiều người cùng khóc. Tiếng khóc ấy có lẽ cứ vẫn được cất lên, từ nay cho đến muôn đời sau.

 

Chiến tranh ác liệt tới mức, có những đại đội qua sông lúc đó để vào chiến đấu trong lòng thành cổ, lên đến bờ kiểm tra quân chỉ còn non nửa, đánh suốt đêm ngày, bom suốt đêm ngày, không lúc nào mặt đất được bình yên. Sông Thạch Hãn bao năm bên lở, bên bồi, bình yên như lời ru của mẹ, nay oằn mình cuộn sóng, sóng không từ lũ thượng nguồn Ba Lòng đổ về, sóng cũng không từ biển qua, sóng từ những trái bom vô tri lạnh lùng ném xuống. Cả dòng sông ngầu đỏ, tanh nồng, mùi máu, máu của những người con trai, của những người con gái, đã dũng cảm dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, họ đã ra đi cùng với lời hẹn thề năm nào. Kinh hãi quá, sau 39 năm rồi mà có người lính trở về vẫn ngủ mê như cuộc chiến mới xảy ra ngày hôm qua, mỗi khi trái nắng trở trời lại lao ra giữa sân nhà hô “tiến lên” rồi nằm xuống miệng kêu “pằng pằng” như đang xiết cò nhả đạn giết quân thù.

 

Trời sinh ra tôi đa sầu đa cảm. Lúc đi học được giải học sinh thanh lịch. Lúc đàn hát thì đi đầu. Lúc bạn xấu rủ thử chơi thuốc phiện, tôi cũng nổi máu yêng hùng làm luôn. Và hôm nay, trước thành cổ Quảng Trị, trước những nghĩa trang hàng vạn bia mộ dọc Tổ quốc mình, tôi lại ngậm ngùi, miên man suy tư. Tôi vẫn hằng gọi: “Cậu ơi!” rồi hiểu rằng: sự tri ân những người ngã xuống cho độc lập của Tổ quốc không bao giờ là đủ. Chúng ta không phải làm một ngày, một tháng hay một năm, mà là sự tri ân phải làm suốt cuộc đời. Các chú, các anh có người đã được về với quê hương xứ sở, nhưng còn đó biết bao người còn đang nằm lại trên những cánh rừng, khe đá, hay còn xa tít ở tận các nước bạn Lào, Campuchia, không biết ngày nào các chú, các anh trở về trong vòng tay đồng đội? Đau xót đến khôn cùng.

 

Xương thịt các chú, các anh đã hóa thân vào đất mẹ. Giờ đây đất nước đã đổi mới sau sự hủy diệt của chiến tranh, thắp nén tâm nhang trước tượng đài xanh cỏ, tôi nghĩ thầm: biết đâu, trong hàng vạn các chú, các anh nằm đây lại chả có cậu. Càng đọc những câu chuyện do những người lính trở về viết lại tôi càng hiểu sau những trận B52 rải thảm là máu, là xương, là tất cả tung tóe với sự hủy diệt khôn cùng của bom đạn đế quốc. Các chú, các anh đã phải lấy tấm lưng nhỏ bé, mỏng manh của mình để đối mặt với hàng vạn tấn bom đó. Nhưng quân thù đã không thể khuất phục được những người con trung kiên của đất mẹ kính yêu. Vâng! Sau những loạt bom B52 trải thảm là mùi cháy của thịt người, cháy từ Thành cổ cháy lan tới vùng cao nguyên mênh mông. Có những năm tháng, thương binh, tử sỹ từ tiền tuyến gửi về nhiều như số người đang trên đường ra trận. Xóm làng đâu đâu cũng có tiếng khóc, sân kho ủy ban ngày nào còn hội họp nay đã biến thành nơi truy điệu những người lính ngã xuống. Có những người vợ đã trở thành góa phụ khi vừa tròn 16 tuổi. Có những người mẹ đau khổ vì có tới 3 người con không trở về. Cầm tờ giấy báo tử của người con thứ 3 trên tay mẹ đã không thể khóc được nữa. Đúng là chiến tranh “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, như những câu thơ câu hát người ta đã từng viết, nhưng đằng sau cuộc chiến đó là sự hy sinh quá lớn. Là 23.000 liệt sĩ đã nằm lại dọc dải Trường Sơn, dọc các cung đường nối liền cả 3 nước Đông Dương, từ ngã ba Lằng Khằng tới tận dòng Xê Kông xanh ngát. Đẹp vô cùng cỏ non Thành cổ, đúng là “một màu xanh non tơ”, nhưng để có được màu xanh non tơ đó, bên dưới phải đổi bằng xương máu của hơn 10.000 thanh niên trai tráng, cũng có nghĩa hơn 10.000 liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi Thành cổ này.

 

Những chuyến xe đưa các chú, các anh ra trận năm xưa, mẹ cha già đưa tiễn, từng đàn em nhỏ lóc cóc chạy theo sau tiễn anh đi chiến trường mà vui như ngày hội, không một tấm hình, không một dòng kỷ niệm, tất cả vào chiến trường vì khát vọng tự do của dân tộc, rồi xác thân để lại chiến trường xa tít tắp. Thế rồi, giờ đây, trong dòng xe cộ tấp nập kia, bên những chiếc xe đời mới cáu cạnh, thấp thoáng một lá cờ Tổ quốc màu đỏ, một dòng chữ “Tổ quốc ghi công - Xe chở hài cốt liệt sĩ”. Vâng, Tổ quốc kêu gọi các chú, các anh ra đi, giờ đây, ngày về chỉ còn nắm xương tàn, có khi là nắm đất đen, cờ tổ quốc gói hình hài các chú, các anh – đưa các liệt sĩ về với đất mẹ. Về để cho mẹ yên lòng, cho mẹ không phải giật mình rơi lệ từng đêm nữa, cho những người con chưa một lần được biết mặt, chưa một lần cất tiếng gọi cha khỏi tủi sầu quá đỗi. Trong bối cảnh chung đó, có gia đình nhỏ bé của tôi, cũng nước mắt ấy, cũng sự hy sinh ấy. Trong hàng vạn liệt sĩ, có cậu tôi. Bây giờ nắm xương trai trẻ của cậu nằm nơi nao?

 

Tôi khóc òa như người chưa bao giờ được khóc. Quả là tôi chưa một lần được cậu ôm vào lòng, chưa từng được cậu bế đi cưỡi ngựa như những đứa trẻ khác thời đó. Nhưng như là có gì đó mộng mị, cơ huyền lắm, từ lúc còn chìm ngập trong ma túy đáng khinh bỉ, tôi luôn có ước nguyện, có khát khao được đưa cậu trở về quê hương, trên một trong những chuyến xe kiểu như “xe chở hài cốt liệt sĩ” mà tôi vừa gặp. Cậu sẽ về, dù có thể chỉ còn là hình hài cát bụi.

 

Cậu Khánh của tôi!

 

Rồi một ngày cuối năm 2009, tôi đã có cảm giác mình mơ ngủ giữa ban ngày, có cái gì không lý giải nổi, như là có ai đó đã đưa đường chỉ lối cho tôi đi tìm cậu. Điều này làm tôi rất hoang mang, tôi cứ lay gọi bản thân mình như là cố ra khỏi giấc ngủ mơ. Bản thân là một người được học hành tử tế trước khi mắc nghiện, cộng với vốn sống cũng tương đối do cảnh đời chìm nổi, tôi vốn hoàn toàn không tin vào chuyện gì “ma tà quỷ ám” hay “vong nhập, thần linh dẫn lối” cả. Tôi luôn tin, ngoài lý trí của tôi, thì không “ai” có thể nhập vào tôi được. Nhưng hôm đó, tự nhiên người tôi lạnh toát. Đang ngồi ăn cơm với gia đình thì bỗng nhiên tôi òa lên khóc nức nở. Rồi tôi suy nghĩ miên man. Tôi cảm giác như ở đâu đó, cậu vẫn đi bên tôi từ ngày nhỏ, cậu cứu tôi đã thoát chết hai lần, ấy là hai lần tôi chết lâm sàng, một lần sốc thuốc ngoài nghĩa địa, một lần tôi tiêm 1 triệu tiền heroin vào tĩnh mạch rồi hầu như tắt thở 6 tiếng ròng. Tôi tự lý giải, có thể mẹ kể về cậu rất nhiều, với bao cảm xúc nhớ thương, xót xa tê tái, tôi gắn bó với mẹ nhiều, nên chuyện của cậu đã hằn sâu trong cảm xúc và lý trí của tôi. Tôi quyết dành tâm sức đi tìm hiểu về cậu tôi. Rồi duyên số thế nào, một buổi sáng đang đợi máy bay từ Tây Nguyên ra Hà Nội, tôi vô tình ngồi uống cafe cùng hai chú bộ đội ngoài cổng sân bay, nhìn thấy hai chú lớn tuổi tôi liền hỏi: các chú có biết phiên hiệu E66 KT ở đâu không ạ? Các chú liền nói: Cháu hỏi đúng chỗ rồi, chú làm Chính sách trong Quân đoàn 3, đó là phiên hiệu của Trung đoàn 66 thuộc Sư 10, quân số do Quân đoàn 3 quản lý, đi vào đây rồi các chú cho xem.

Tôi khấp khởi đi theo hai chú như người mộng du, vào đến phòng, các chú tìm một lúc rồi đưa ra một cuốn sách cũ đã nhàu nát, bìa ngoài ghi: Các liệt sĩ hi sinh tỉnh Hà Nam Ninh, điều rất kỳ lạ là vừa mới mở cuốn sách ra với lần giở duy nhất đập vào mắt tôi là liệt sĩ Lương Hồng Khánh, quê quán: Yên Lộc, Kim Sơn, Ninh Bình, mẹ Trương Thị Duận, bố Lương Văn Lý, nơi chiến đấu hy sinh: viện E82, đơn vị : D7 E66 KT. Tôi ngẩn tò te. Khuôn mặt thuỗn ra, nhưng vẫn không rõ nơi hy sinh, các chú khuyên tôi qua tất cả các Sở Lao động Thương binh và xã hội của 4 tỉnh Tây Nguyên tìm thử xem. Mừng vui lẫn lộn, tạm hoãn máy bay về, ngay lập tức tôi đi cả 4 Sở Lao động Thương binh và Xã hội mất hai hôm, lên đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum là cuối cùng, vẫn không thấy có tên cậu mình, tôi thất vọng vì không biết nơi cậu hy sinh ở đâu. Và buồn vì mình đã rất cố gắng mà chưa kết quả. Mang nỗi buồn day dứt tâm sự với anh lái xe taxi, anh ấy liền bảo tôi:

- Hay là thế này, cạnh nhà em có ông bác sỹ Sứ gần Ngã tư Gia Lai, trước cũng là bác sỹ thời chiến tranh, anh vào thử xem.

Vừa mừng rỡ, vừa lo, anh ấy dẫn tôi đến nhà bác sỹ Sứ qua hai cái ngõ ngoằn ngoèo, đó là một ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ nằm khiêm nhường bên ngõ nhỏ với giàn hoa ti gôn tuyệt đẹp. Một người đàn ông khoảng 65 tuổi, người nhỏ nhắn với giọng nói nhẹ nhàng ra tiếp khách. Bác sỹ pha trà và câu chuyện được bắt đầu. Khi tôi vừa nhắc tới hai chữ Viện 82, bác sỹ giật mình hốt hoảng như vừa trải qua cơn động đất, sau giây phút hoảng loạn, bác Sứ vỗ tay vào ngực: 82 đây chứ 82 đâu. Thế là câu chuyện về cậu tôi được bắt đầu, đó là những tháng ngày hào hùng như vừa mới xảy ra ngày hôm qua, trong ký ức của người lính già. Bác kể tới đâu tôi khóc tới đó, nào là sốt rét rừng khi hành quân từ Thanh Hóa vào, rồi khi nhận lệnh phải hành quân gấp vào tham chiến trận Ia Drăng trong chiến dịch Play Me lịch sử tại chân núi Chư Prông, tỉnh Gia Lai bây giờ. Vì cậu tôi to khỏe nên cậu đã phải cõng cả những người bị sốt rét cho kịp tiến độ hành quân. D7 tức Tiểu đoàn 7 thuộc Trung đoàn 66 của cậu. Cậu tôi đã lập công lớn trong chiến dịch Ia Drăng lịch sử, khi cậu cứu chữa thương binh, một mình cậu nách cắp hai người đồng đội chạy băng băng khi bị địch truy kích. Rồi nấp bên tảng đá với một khẩu AK, cậu đã diệt 3 thằng lính Mỹ. “Tôi (bác sỹ Sứ) chiến đấu cách đó khoảng 20 mét. Tôi nghẹn ngào khóc ko nên lời. Sau đó, bệnh viện di chuyển theo từng chiến dịch, các bác sỹ như tôi cũng đi theo. Năm 1966, tôi chuyển về đóng quân bên biên giới Campuchia, gần các cánh rừng già Đắk Min thuộc tỉnh Đăk Nông bây giờ. Tiếp đó là những tháng ngày bom đạn, những trận đánh với vài vết thương vào người nhưng Khánh vẫn vượt qua. Trong một lần đi xin tiếp tế chi viện từ 9 giờ sáng thì 3 giờ 30 phút chiều, tổ của Khánh chạm địch nơi cánh đồng Lam Nung. Khi chúng tôi tới nơi thì chỉ nghe kể lại, Khánh là người chiến đấu trụ lại được đến giây phút cuối cùng: trước khi hy sinh, anh còn cầm dao quắm bổ vào đầu địch.”

 

Bác sỹ Sứ kể đến đây, nỗi đau đớn làm tai tôi ù đi, tôi không nghe được nữa. Tràn ngập trong suy nghĩ của tôi là hai tiếng: Cậu ơi! Rồi thảng thốt: Sao cậu anh dũng thế. Cậu đã sống những tháng ngày tươi đẹp, đó cũng là những tháng ngày thiêng liêng, khổ đau đẫm máu và nước mắt để khát vọng độc lập tự do của dân tộc trở thành hiện thực. Cậu ơi! Làm người ai cũng sợ chết, nhưng cậu đã vượt qua ngưỡng đó để chiến đấu tới giây phút cuối cùng. Cậu tôi cùng bao đồng chí, đồng đội thế hệ trước đã chấp nhận hy sinh để đổi lấy sự sống bình yên cho biết bao người trên đất nước này, trong đó có cả những người thân của cậu, có tôi, có bạn. Cậu đã hóa thân vào đất mẹ cùng với những đồng đội thân yêu của mình, với biết bao thế hệ liệt sĩ của bao đời chống giặc ngoại xâm, để cho hồn thiêng sông núi ngàn đời bất diệt.

Nửa tỉnh nửa mê, lững thững kính cẩn chào giã biệt, rời nhà ông bác sỹ già tôi vẫn còn nghe loáng thoáng: “Sau chiến tranh tôi đã vào Krôngnô chỗ đài tưởng niệm để tìm các đồng chí trong đó có đồng chí Khánh nhưng không tìm được”. Tôi ra về, nước mắt chảy vào trong. Lên máy bay mà lòng vẫn còn trĩu nặng suy tư về những người đã nằm xuống.

Những kết quả của việc dò hỏi người thân và đồng đội của cậu cùng với khả năng kỳ lạ mà tôi mới có đã cho kết quả là cậu hy sinh ở rừng già Đắk Min thuộc huyện Kro- ngno, tỉnh Đăk Nông bây giờ. “Người ta” bảo, nơi cậu nằm là một đài tưởng niệm nhỏ, nằm sâu giữa rừng, đằng sau cậu là quả đồi, lối đi vào chỉ rộng hơn một mét, có một cây với vỏ cây màu trắng to bằng bắp đùi. Tôi quyết định đi tìm mộ cậu về, coi như đó là món quà thiêng liêng mà tôi dành tặng mẹ, sau quá trình đoạn tuyệt được với ma túy, trở lại làm người, có điều kiện để tri ân cuộc đời. Nhìn gương mặt mẹ tôi lo lắng hồi hộp với niềm tin le lói rằng sẽ đón được đứa em trai muôn vàn yêu quý, đã nhiều nghìn đêm bà mong chờ về, tôi thấy lòng lâng lâng. Niềm vui cho mẹ, đó là điều tôi muốn làm nhất trong mỗi ngày mình còn sống trên cõi đời này. Tôi tự nhủ, dù có khó khăn vất vả đến đâu thì tôi cũng cố gắng hết sức, kể cả có thể đào tung cả rừng già Đắk Min lên cũng được.

Hai ngày đêm trên xe ròng rã với hai cậu lái xe thay nhau lái không nghỉ một phút nào, rồi chúng tôi cũng vào tới huyện Krongno. Vào tới đó, suốt buổi chiều tôi đi thăm hết cả huyện Đắk Min. Cũng may là cảnh sắc không thay đổi quá nhiều so với những gì tôi liên tưởng và lời kể của đồng đội cậu tôi. Dường như có linh tính báo trước, dường như khi người ta có Tâm, có Tình với sự vật hiện tượng, với các liệt sĩ khả kính như cậu tôi, thì mọi thứ trở nên có cái gì đó như là sự màu nhiệm khó lý giải ấy. Không ai trong gia đình tôi có thể ngờ được rằng, giữa rừng ấy, giữa nghĩa trang cô liêu trong nắng trảng buồn bã ấy, tôi vừa thắp nén tâm nhang thì lại gặp một con người hết sức quan trọng. Có lẽ do ông trời sắp đặt.

Bỗng dưng từ đâu xuất hiện một ông già tuổi chừng thất thập, bác đi đến gần, hỏi:

- Tôi là Sinh, xã đội trưởng từ năm 1966 đây. Các vị từ đâu đến, đi tìm ai?

Chúng tôi bàng hoàng, sững sờ, sửng sốt. Bởi tôi nói tôi tìm cậu tôi, tên là Khánh, bỗng dưng ông già ngã ngửa, ông đọc đúng tên tuổi cậu tôi, kể vanh vách mọi chuyện. Sau này tôi nghĩ lại, không có gì huyền bí cả, cậu tôi sống và chiến đấu quá anh hùng, dân sở tại ai cũng biết, cũng nhớ và chăm sóc phần mộ những người vị quốc vong thân đó.

Bấy giờ, bố tôi và anh nuôi tôi đi cùng đoàn, ai cũng lấy làm kỳ lạ. Tại sao lại có một người địa phương ở đây lại biết được tên cậu tôi. Câu chuyện ngập ngừng ngắt quãng, rồi với giọng nghẹn ngào ông bác mới xuất hiện đột ngột ấy bèn kể: “Cách đây 45 năm vào một buổi chiều tháng 5 năm 1966, trong một lần đi họp từ huyện Đắk Min về chú nghe kể có một tốp bộ đội đi từ Trạm Phẫu trong rừng 82 ra để xin tiếp tế lương thực và giúp dân gặt lúa, trong đó có một người tên là Khánh, quê ở Ninh Bình, một người tên là Tiến, quê ở Thanh Hóa, một người tên là Thắng, quê ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Trên đường từ Nam Lung ra đi đến đây thì giặc càn đến, 3 người đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng thì hai đồng chí Thắng và Tiến hy sinh. Còn đồng chí Khánh khi hết đạn rồi thì bị địch hò reo đòi bắt sống. Chúng quây vào bắt anh thì con dao phát rừng bên người đồng chí Khánh đã bổ vào mặt thằng chỉ huy một nhát, nó hô tất cả giãn ra rồi xả súng bắn chết đồng chí Khánh. Tôi về đến đây lúc 6 giờ tối thì thấy 3 nấm mộ được đắp vội bên đường nghi ngút khói hương.” Bố tôi nghe mà xúc động lắm.

Đại gia đình tôi vào cuộc, mỗi người một chân một tay chuẩn bị như vào chiến dịch lớn, ai cũng nóng lòng, sốt ruột được đưa cậu về, hai em của cậu cũng từ nước ngoài bay về để kịp đi đón anh. Rồi cái ngày mong đợi ấy cũng đến, đại gia đình tôi lên đường đi đón cậu trên 3 chiếc ô tô. Do anh rể tôi là một sỹ quan quân đội làm việc ở Hà Nội đã làm việc trước với Ban chỉ huy Quân sự huyện, nên mọi người đã chuẩn bị sẵn, được huyện đội Krongno tạo điều kiện chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng đưa cậu về quê hương. Đúng lúc đó, thì lại có thêm một chuyện ly kì nữa xảy ra.

 

Trong những ngày chúng tôi chuẩn bị vào đón cậu thì chú Sinh xã đội trưởng đi tìm thêm được một nhân chứng sống nữa, đó chính là người đã chôn cậu. Người ấy còn nhìn thấy cái bao đạn của cậu đeo trước ngực có gắn một miếng nhôm, trong đó có khắc chữ Lương Hồng Khánh rất đẹp nên cụ đã xin mang về làm kỷ niệm, cậu Ký tôi là em thứ 4 của cậu Khánh đã lập tức lên đường bằng xe ôm hơn 70km đường rừng đến tận nhà ông già làng Iagai đó. Gặp vợ và con trai ông, họ kể lại ông mới mất được 2 năm, khi chết ông bảo hãy mang chiếc bao đạn cùng với ông đi xuống nhà mồ để xuống dưới đó ông sẽ trả lại cho Khánh. Cậu tôi xúc động khóc không nên lời, theo vợ và con trai ông Iagai, mở cửa nhà mồ ra nhìn thấy chiếc bao đạn của anh mình cậu đã òa lên nức nở, nhưng rồi cậu cũng không xin chiếc bao đạn về nữa, coi như là lời ước nguyện cuối cùng của ông già làng vĩnh viễn thành hiện thực ở đó...

 

Tối đó, lúc 19 giờ 30 bắt đầu khai quật, chúng tôi tìm bằng được khóa thắt lưng bên trong của cậu, tìm bằng được cái lọ penixilin. Chúng tôi gói ghém xương cốt cậu thật đàng hoàng. Cuộc khai quật kết thúc, huyện đội Kro- ngno làm thủ tục rồi chúng tôi ra về trong sự bịn rịn của bà con bản xứ, cùng những giọt nước mắt đầy tình nghĩa của người lính già. Tôi đã vật vã nói không nên lời vì thương cậu, vì thương những người lính bỏ xác nơi chiến trường như cậu, và thế là cậu cũng được về quê hương, quê hương dang rộng vòng tay đón cậu trở về, cờ Tổ quốc gói linh hồn cậu, đi trên chuyến xe mang băng rôn với chữ “Tổ quốc ghi công” như ước nguyện năm nào của tôi, tôi thấy lòng mình lâng lâng phơi phới. Cuối cùng bà cũng được đón cậu trở về, mẹ tôi đã được ôm cậu vào lòng như lúc cậu ra đi. Cậu cả ôm hài cốt của người em anh dũng trên tay. Bà ngoại tôi nhìn thấy cảnh đó đã khóc ngằn ngặt, bà vuốt ve di cốt của cậu, nhẹ nhàng như ngày cậu chào đời. Bà vật vã bên nấm mộ của cậu như ngày bà cầm giấybáo tử nhận tin cậu hy sinh. Nhưng, nước mắt của bà không còn nữa. Vì bà đã hơn 40 năm khóc thương cậu rồi. Lễ truy điệu lần thứ hai của cậu, đơn giản, nhẹ nhàng nhưng đau đớn như lúc cậu hy sinh. Hôm ấy mưa phùn gió bấc rét như cứa vào lòng.

 

Tôi đã về với tâm hồn thanh thản vì đã biết được nơi hy sinh và chiến đấu của cậu. Nhân các tài liệu có được, các câu chuyện và nhân chứng có được từ chuyến đi tìm hài cốt cậu về cho mẹ và gia đình, tôi cũng tìm thấy phần mộ của một số liệt sĩ nữa. Sau mỗi lần đem di cốt liệt sĩ về trao trả cho bà con, cô bác, thấy niềm vui ánh lên trong mắt họ, tôi đã thực sự thấy vui. Thấy như mình đang sống với một sứ mệnh rất lạ. Tôi về được mấy hôm thì những liệt sĩ được đưa về đầu tiên đã có kết quả xét nghiệm ADN. Theo đó thì di cốt các liệt sĩ mà tôi đưa về, có kết quả xét nghiệm AND trùng với mẫu máu, mẫu tóc của người thân của họ đang sống tại quê nhà. Cầm những kết quả trên tay tôi vô cùng xúc động. Có phải thế giới thứ hai vẫn luôn tồn tại quanh ta, các chú, các anh vẫn ở bên chúng ta, dẫn đường chỉ lối cho anh em con cháu mang các chú, các anh về quê hương? Có thể, đó chỉ là cảm giác của tôi, còn việc tôi tìm được mộ cậu và nhiều người, là bởi vì tôi thực tâm muốn tìm, muốn bày tỏ niềm kính trọng và sự tri ân những đóng góp hy sinh của thế hệ vệ quốc ấy.

 

Vĩ thanh

 

Từ khi con gái lớn của tôi được 3 tuổi, cái miệng nhỏ xinh bi bô gọi tên bố, tôi thấy cả một trời hạnh phúc và tự hào, lần đưa con đi tắm biển dưới Vũng Tàu, nhìn con vô tư nô đùa trong sóng nước mênh mông mà mắt cay cay, tôi hiểu chính cái sinh linh bé nhỏ kia đã làm tôi hiểu rõ hơn về sự vay trả của cuộc đời; và cũng vì trân trọng cuộc đời, tôi biết thương bố mẹ nhiều hơn nữa. Nhiều đêm ôm con vào lòng rồi chăm chú nhìn con ngủ tôi đã khóc và thầm cảm ơn cuộc đời đã ban cho tôi cái món quà tuyệt diệu này. Những giọt nước mắt hạnh phúc đó đều được chắt lọc từ những năm tháng vật vã với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của tôi, nhìn con gái bé bỏng nô đùa tung tăng tôi tự nhủ mình phải làm việc nhiều hơn nữa, để có thể lo cho con được một tương lai tốt đẹp, để con tôi sau này phải tự hào với chúng bạn của nó như ngày xưa tôi vẫn tự hào với các bạn của tôi về bố mẹ tôi.

 

Tôi đã làm việc thật nhiều, mỗi ngày hơn 20 tiếng, tôi chấp nhận có chết trong khi nỗ lực làm việc để trở lại làm người, còn vinh dự hơn cái chết lâm sàng vì sốc thuốc, vì tự tử để phụ công cha mẹ… mà tôi đã trải qua. Phần vì muốn lấy lại những gì đã mất suốt bao năm nghiện ma túy đốt đời trong thê thảm, phần cũng vì tôi muốn xây một cái nhà thật to và thật đẹp ngay trên cái mảnh đất mà bố mẹ đã sinh ra tôi.

 

Mỗi lúc rảnh rỗi tôi đều suy nghĩ, mình phải làm gì để chiến đấu với heroin, để mọi người thực sự hiểu về sự kinh hoàng, tàn phá của nó mang lại cho  mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ và cả xã hội suốt nhiều thế hệ. Tôi đã nghĩ rất nhiều, mình cần phải chuẩn bị để sau này sử dụng biện pháp tuyên truyền để đấu tranh với ma túy thật hiệu quả. Có lẽ cuộc đời đầy máu và nước mắt của mình sẽ giúp gì được một ai đó chăng? Tôi sợ nó, sợ lắm! Chính vì sợ nó mà tôi muốn mở hết lòng mình ra, chia sẻ hết những thứ xấu xa tồi tệ của một kể có quá khứ là “một con vật nói tiếng người” này ra. Nhìn các bạn trẻ, nhìn con tôi, tôi chỉ muốn nói hãy tránh xa, hãy thật sự tránh xa, đừng sử dụng ma túy dù chỉ một lần, vì sau những ngông cuồng và bồng bột của các bạn với ma túy, con đường phía trước chỉ là cái chết, chết nhục và chết nhục. Gần 200 người nghiện mà tôi quen đến giờ, người gần nhất đã chết được 4 năm rồi. Không một ai còn tồn tại nữa, chỉ có những người bỏ được thì cũng đang vật lộn với sự cám dỗ của nó hằng ngày, hằng giờ, kinh khủng lắm, kinh hoàng lắm,  tôi mong một ngày những dòng chữ này sẽ đến tay các bạn trẻ, để các bạn hiểu hơn về “con ma đáng sợ nhất trong mọi con ma: MA TÚY”.

 Tôi đã nghĩ đến một ngày nào đó, mình sẽ quay trở về, mình nhất định phải đứng lên từ chỗ mà mình đã để lại dư âm nhục nhã nhất cho bố mẹ để mở mặt với Đời. Trong suốt quãng đời còn lại của bố mẹ, nhất định mình phải làm cho bố mẹ vui vẻ, tự hào về mình. 

 

Với những suy nghĩ đó, tôi lặn lội trong thương trường để làm việc, ông trời rồi cũng không phụ lòng người, cuộc sống rồi cũng dần dần được cải thiện và tốt lên. Nhưng tôi thấy như thế là chưa đủ, hình như mình vẫn còn mắc nợ một cái gì đó bấy lâu nay vẫn khắc khoải trong trái tim, tôi rất muốn làm một việc gì đó để cuộc đời tốt đẹp hơn, nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu nữa. Cho tới một hôm, gần nhà vợ chồng tôi thuê ở trọ trong Sài Gòn (tại số nhà 68, đường Thân Nhân Trung, phường 13, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh), vừa sáng ra thì mấy cậu thanh niên còn rất trẻ chắc là bị nghiện đánh nhau toé máu đầu, bố mẹ ra can thì đánh cả bố mẹ, tôi rùng mình chợt thấy hình như là bản sao của mình nhiều năm trước. Tôi đau và đồng cảm với người bố của cậu bé đó, tôi đến bên an ủi chú và chợt loé lên một ý nghĩ, có lẽ mình sẽ viết lại nhật ký và những suy nghĩ của mình để sau này… biết đâu đấy, mình sẽ gặp và sẽ có một nhà văn nhà báo có thể chắp nối lại những suy nghĩ trăn trở, đứt đoạn, những ký ức nghiện đầy đau thương và chết chóc của mình; biết đâu đấy, nó sẽ có sức cảnh tỉnh những ai đang đánh mất mình bởi ma tuý, đặc biệt là các bạn trẻ như cậu bé đánh cả đấng sinh thành vì ma túy hôm nay. Tôi bắt đầu viết những dòng ký ức đẫm đau thương, tôi viết ra những suy nghĩ, trải nghiệm và những giọt nước mắt đau đáu về một miền ký ức kinh hoàng của mình. Quá khứ ấy, nó khủng khiếp, khủng khiếp đến không thể khủng khiếp hơn. Tôi ấp ủ khát vọng làm thế nào để xã hội hiểu và thông cảm cho những người nghiện, xã hội sẽ không đối xử với người trót nghiện bằng sự miệt khinh xa lánh mà tôi đã trải qua. Nếu xã hội hiểu, người nghiện ma túy, họ có tồi tệ khốn khổ đến đâu thì họ cũng còn một chút phần người đang ngủ quên, đang chìm sâu trong vòng quay cùng quẫn của ma tuý. Tôi muốn kêu gọi mọi người, hãy đối xử với người chẳng may mắc nghiện bằng cả tình thương, hãy chìa tay ra cứu họ chứ đừng đẩy họ vào sâu trong vùng chết chóc, tăm tối. Đó là những khát khao cháy bỏng của tôi đối với cộng đồng. Còn đối với những người nghiện (bệnh nhân đặc biệt) các bạn hãy dũng cảm đứng lên như tôi đã đứng, hãy đương đầu với số phận, hãy đi xuyên qua nỗi đau của sự miệt khinh xa lánh, đi xuyên qua sự đau đớn về thể xác và tinh thần để không được gục ngã trước búa rìu dư luận. Đó là con đường duy nhất, ngắn nhất và sẽ chiến thắng được ma túy. Các bạn hãy làm việc, hãy bắt đầu từ những cái nhỏ nhất như: rửa xe, quét rác… Công việc đó, dù kiếm được những đồng tiền ít ỏi, nhưng bằng chính sức lao động của mình, bằng mồ hôi, nước mắt và trí tuệ của mình thì ta sẽ vẫn trân trọng nó. Nó trở nên có ý nghĩa đối với gia đình, xã hội và với chính chúng ta.

Sẽ là rất khó, nhưng qua đây tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn bằng sự thông cảm, đồng cảm của một thằng đã từng nghiện và đã chiến thắng ma tuý là tôi. Các bạn sẽ đi và phải đi nếu các bạn thực sự muốn giã từ nó thì phải coi nó là một cuộc chiến, một cuộc chiến không được phép khoan nhượng. Và đặc biệt, tuyệt đối không được mềm lòng với ma tuý; vì nếu mềm lòng với ma tuý, dù chỉ một lần tặc lưỡi thôi, dù chỉ một lần sử dụng lại là mãi mãi chúng ta quay lại với nó, và sẽ không bao giờ chống cự lại được cái ma lực chết người của nó. Chúng ta phải sống và đi lên vì những người thân yêu nhất, trong đó có bố, mẹ, anh chị em trong gia đình của mỗi chúng ta.

 

Với  nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, để phục vụ công việc được tốt hơn, chúng tôi đã chuyển giấy phép kinh doanh thành lập “Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Về Nguồn” vào năm 2010 với trên 100 nhân viên. Tất cả cán bộ công ty là những người cùng tâm huyết, chung một tấm lòng tri ân với những người đã nằm xuống, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, thiết kế các tour du lịch Về nguồn. “Về nguồn” với đúng nghĩa của nó, về với mênh mang Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm kỳ vĩ bi tráng, về với Đắk Tô - Tân Cảnh lẫy lừng…, để mọi người cùng được thắp nén hương tri ân với những người nằm xuống. Trong số nhân viên của công ty, tôi đã mạnh dạn “dung nạp” nhiều người đã từng có những quá khứ lầm lỗi, đã từng có những sai lầm của tuổi trẻ, từng bị ma túy dụ đi trên những cung đường tội lỗi… như tôi. Tạo công ăn việc làm cho anh em, tri âm tri kỷ, trân trọng giúp họ đoạn tuyệt thật sự với ma túy, là một trong những nỗi trăn trở lớn của tôi.

Thế là đã mười mấy năm tôi phấn đấu không ngừng nghỉ. Trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng xuôi cheo mát mái, thương trường đối với tôi đã có những lúc còn hơn cả một cuộc chiến. Cơn bão suy thoái kinh tế đã tràn qua Việt Nam, công ty Về Nguồn cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng.Lại những lúc khó khăn, lại có thêm nhiều đêm mất ngủ, đã có lúc tôi nản lòng và chỉ muốn kết thúc, đã có những phương án được đặt ra, những suy nghĩ được hình thành trong đầu tiến lên hay là chết. Nếu lựa chọn cuộc sống cho tôi, các con và gia đình đây có lẽ là điều đơn giản nhất. nhưng còn mọi người, những người đã theo tôi sát cánh trong vòng nhiều năm, còn anh chị em trong chính gia đình tôi nữa, còn những người đã một thời lầm lỗi, họ cũng khó khăn như tôi trong nẻo đời hoàn lương. Không lẽ một lần nữa đấy họ quay trở lại vào con đường  mà họ đã đi qua? Những nhân viên có tiền sử nghiện ma túy tôi đã từng cưu mang, nếu tôi giải thể công ty, không lẽ tôi sẽ đây họ trở lại nẻo nghiện, để cuộc đời phải chứng kiến trở lại bi kịch của hàng chục thằng “Tuấn Văn Điển” nữa ư? Xã hội lại có thêm những người nghiện và tái nghiện nữa ư? Sẽ có thêm những bản án lẽ ra không nên có.

 

Có những hôm cả tuân tôi chỉ ngủ được hai ba giờ đồng hồ; suy nghĩ, trăn trở,rồi quyết định điều hệ trọng nhất, tôi lại chấp nhận lao tâm khổ tứ cùng mọi người để chèo lái con thuyền giữa cơn bão suy thoái.Niềm tin, sự hy vọng của cán bộ, công nhân viên trong công ty vào tôi và ban lãnh đạo đã không uổng phí, khó khăn rồi cũng qua như các cụ nói: ở hiền rồi cũng gặp lành. Chúng tôi lại từng bước đi lên và vượt qua những khó khăn đó. 

 

Nếu để sống cho mình thì đơn giản quá, nhưng để trả ơn cuộc đời, trả ơn những người đã nằm xuống, cho những người đã trở về sau chiến tranh mang trong mình đủ mọi loại bệnh tật... mới là điều khó. Tôi luôn dạy con tôi, làm người cần có lòng vị tha, sự trung thực, biết giúp đỡ những kẻ nghèo hèn, đừng miệt thị những người lầm lỗi, cần có một trái tim biết yêu thương, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh. Tôi đã quyết định mỗi năm một lần vào dịp các con nghỉ hè tôi sẽ đưa chúng đi du lịch về nguồn ở các nghĩa trang liệt sĩ, để chúng hiểu hơn về những cống hiến và hy sinh vĩ đại của thế hệ trước. Họ đã sống, chiến đấu trong những năm tháng kiêu hùng của dân tộc. Rồi các con tôi có ngày sẽ hỏi: “Bố ơi, ông Khánh nằm đâu?” Tôi sẽ trả lời: “Ông đang nằm đây, đang ở trong trái tim bố và trái tim các con, ông nằm trên mọi nẻo đường của đất nước này. Ông sẽ không bao giờ chết, ông sống mãi trong trái tim tất cả chúng ta”.

 

Rồi, sau những cố gắng nỗ lực phấn đấu và khát khao được sống tốt và cống hiến cho xã hội, thì cái ngày tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến. Ngày kết nạp Đảng, nhận phần thưởng mà gần 20 năm phấn đấu, với những lần xét đi xét lại, tôi thấy tự hào vô cùng. Đó là những phần thưởng vô cùng quý giá và to lớn đối với sự đóng góp của tôi. Cái ngày chìm trong thuốc phiện và heroin kia, thú thật, tôi không dám nghĩ, mình sẽ sống sót qua lầm lỡ, qua các cơn sốc thuốc và các sang chấn u uất tâm hồn để… “trở lại làm người” được. Lúc hy vọng nhiều nhất, bấy giờ tôi chỉ muốn được ngày nào cũng tỉnh táo, không mê lú đi vì heroin, rồi dém màn cho mẹ già hằng đêm. Rồi có một cô vợ thôn dã, vợ cấy hái ngoài đồng, tôi thì cóp tiền mua được cái xe máy cũ chạy xe ôm ở thị trấn Hòa Mạc.

 

Bỏ được ma túy, đối với tôi đã là một kỳ tích. Những gì tôi làm được thời gian qua, với tư cách là một gã từng nhiều năm mắc nghiện “không thuốc chữa”, “nghiện hết cỡ” như tôi, phải nói là tôi rất tự hào. Tôi muốn dành toàn bộ phần đời của mình để tri ân Cuộc Đời, bạn bè, người thân. Chỉ có tình yêu thương, niềm tin tưởng, sự chăm sóc chí tình chí nghĩa, thì một con nghiện như tôi mới “trở lại làm người” được. Đó cũng là lý do mà tôi viết những dòng tự truyện này. Viết không phải để khoe về mình. Mà toàn viết chuyện mình lừa lọc, nghiện hút, trộm cắp, đâm chém, lầm lạc của mình, có gì mà sợ mang tiếng là khoe?! Tôi viết cuốn sách này với tâm nguyện dành tặng bạn bè, người thân, đặc biệt là tặng những phạm nhân ở các trại giam cả nước, các trung tâm giáo dục lao động xã hội (cai nghiện ma túy) trên cả nước. Cuốn tự truyện này của tôi, từ khi nằm bẹp tai trong nhà trọ hút thuốc phiện, khi gấu mèo gấu biển cầm đầu nhóm phá phách trong trại cai nghiện, tôi đã nghĩ mình cần phải viết nó. Viết để tôi được trò chuyện với những người cùng cảnh ngộ như tôi hồi đó. Ma túy đã dẫn chúng tôi đến một ngả rẽ đặc biệt, kinh sợ, ám ảnh, điên loạn, ma mị nhất. Xã hội cần hiểu những bệnh nhân đặc biệt này hơn, để có sự cảm thông, chia sẻ, quản lý chặt, cứng rắn mà thương yêu nhất, giúp họ từ bỏ được con đường đen tối để đến với nẻo về tươi sáng hơn. Giúp người nghiện, người lầm lỡ làm được điều đó, cũng chính là Chúng ta đã giúp Chúng ta tránh được một cuộc sống với sự hiện diện, tác yêu tác quái không phải là ít của các Con Nghiện.

 

Vẫn biết là khó lắm, khó đến mức tôi phải làm điều đó nhiều lần. Trắng tay chưa đủ, mất vợ chưa đủ, tự tử chưa đủ, nằm chết bẹp ngoài nghĩa địa hoang tàn chưa đủ. Khó hơn tất cả mọi khó khăn. Đáng sợ hơn cả cái chết. Ma túy, tốt nhất nên tránh xa nó ra. Nhưng với những người trót nghiện, dù khó, tôi nghĩ là nếu còn giữ được nhân cách, nếu quyết tâm thật sự, đối tượng hoàn toàn có thể cai được. Liệu câu chuyện đời đầy nước mắt của tôi, có giúp gì được cho những người bạn “cùng hội cùng thuyền” với tôi độ ấy? Xin đừng cười tôi, bạn hãy tin là tôi rất chân thành, rất tha thiết muốn câu chuyện của tôi mang một điều gì đó tốt đẹp hơn cho bạn. Được như vậy, thì tôi cũng thấy mãn nguyện rồi.

Hết.

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: phongchongmatuy.vn@gmail.com | Facebook: Viện PSD