Lam lũ, tằn tiện vậy, nhưng so với vùng đất chiêm khê mùa thối quê mình, tôi cũng đã sớm thấy rõ mình còn sung sướng hơn một số bạn bè cùng quê, cùng trang lứa.
Tuổi thơ êm đềm và kiêu hãnh
Thuở đó, mẹ tôi là y sỹ, bố là sĩ quan quân đội. Người đàn bà tảo tần nhất mà tôi thấy trong cuộc đời này, mãi mãi, chắc chắn vẫn chính là mẹ đẻ của tôi, bà Lương Thị Vân. Cuộc đời của mẹ là hơn ba mươi năm vò võ, đợi chờ, nhớ thương chồng trong nước mắt. Bố tôi tên là Lê Văn Thùy, năm nay ngoài 80 tuổi, cuộc đời mồ côi cả bố lẫn mẹ từ lúc lên 3. Ông đã phải ở đợ, mồ côi, rồi xung phong đi đánh Pháp, tiếp tục đi đánh Mỹ, đi suốt tuổi thanh xuân ngoài bom đạn. Mẹ ở nhà nuôi ba đứa con khôn lớn trưởng thành. Mình mẹ.
Tôi vẫn bị ám ảnh bởi những đêm mưa bão, trời đất cùng vần vũ, nhà cửa thông thống mong manh. Mẹ ngồi trong bóng tối, ôm bầy con, cầu trời đất cho “nhà chúng con” đừng đổ, đừng tốc mái để chúng con còn có chỗ trú nắng mưa. Quê gốc của tôi ở Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, tôi sinh ra lớn lên ở tỉnh Hà Nam - miền chiêm trũng của châu thổ Bắc Bộ, như người ta nói, sống ngâm da, chết ngâm xương. Mỗi lúc mưa bão về là một nỗi kinh hoàng. Sau này, chiến tranh chấm dứt rồi, bố vẫn đi công tác, vẫn ở ngành quân đội, thi thoảng thức giấc nửa đêm, tôi vẫn thấy mẹ thắp nhang, đứng trước ban thờ, lầm rầm cúng khấn mong cho bố công tác tốt, được bình an trở về đoàn tụ gia đình.
Bố tôi, hơn ba mươi năm quân ngũ. Thế hệ ấy, họ đau đáu một lòng vì quê hương đất nước mà không màng tới một quyền lợi riêng tư nào. Trải qua hai cuộc chiến tranh với hai đời thực dân, đế quốc, ngày về của bố là những tấm huân chương chói lọi trên ngực, với những vết thương trong cơ thể tái phát mỗi khi trái gió trở trời. Ông trở về với niềm kính trọng của bà con làng xóm về người lính “bách chiến bách thắng”, sẵn sàng hy sinh tất cả vì đất nước, quê hương.
Bố mẹ nuông chiều, lại thêm tình thương yêu đặc biệt của người chị ruột tảo tần, tôi đã có một tuổi thơ tràn ngập hạnh phúc. Chị tôi hơn tôi 14 tuổi, chị càng sớm biết lo toan chăm sóc gia đình hơn khi cha vắng nhà biền biệt. Những đêm mẹ đi trực ở bệnh viện vắng nhà, đặc biệt là khi có những ca đẻ khó, một mình chị trông các em.
Năm 1971, mẹ tôi hay phải đi trực ở bệnh viện. Chị Thúy lúc đó mới có 8 tuổi đầu. Có bữa chị cùng anh chị em, bạn bè ở khu tập thể đi bắt con trai ở ao. Chiến lợi phẩm là một chậu thau trai béo mẫm. Chị tôi sướng lắm, cùng chúng bạn khệ nệ khênh về khoe với mẹ. Mẹ tôi mừng, rối rít khen con gái giỏi. Bấy giờ mẹ khen chị giỏi, hoạt bát, biết thương yêu mẹ và mặn mà với đồng quê là một nhẽ, nhẽ nữa là thực phẩm khan hiếm, chậu trai đó sẽ là món ngon trong mâm cơm chiều nay của nếp nhà neo đơn mà trụ cột gia đình trong quân ngũ biền biệt. Hí hửng ngồi rửa, cùng mẹ luộc trai xong, chị tôi tắm rửa xin phép mẹ đi chơi. Trong lúc nô đùa chị đã bị ngã gãy tay. Vết gãy ở gần khuỷu tay nên rất khó chữa, dù mẹ tôi là một y sỹ có kinh nghiệm sơ cứu và trị bệnh cứu người lâu năm. Mẹ đưa chị đi về thị xã Phủ Lý chữa cũng không ổn, vết thương vẫn cứ rỉ máu và chị thì rên khóc vì nhức buốt. Có nguy cơ nhiễm trùng nặng. Mẹ tôi phải đưa chị lên tận Bệnh viện Việt Đức trên Hà Nội chữa trị suốt mấy tháng, cơ thể chị tôi teo tóp, tâm trạng rất nặng nề và bi thảm. Mẹ khóc rất nhiều. Mẹ gọi điện cho đơn vị, xin thông báo với bố tình trạng của vợ và đàn con ông ở các bệnh viện Hà Nam và Hà Nội, rất tiếc, lúc đó vì nhiệm vụ cấp bách của quân đội, bố không thể về được. Chỉ đến khi các bác sỹ ở bệnh viện Việt Đức lắc đầu nói: sau khi bó bột, giả dụ thành công và an toàn thì cánh tay trái của chị Thúy tôi cũng sẽ bị cong queo, tàn tật vĩnh viễn. Mẹ tôi khóc ngất đi, vì nghĩ đến tương lai của cô con gái bé bỏng xinh đẹp. Mẹ lại gọi điện lên đơn vị xin gặp bố. Bố lo lắm, ông bảo, ông không thể về được. Bố mẹ bàn nhau đưa chị lên chỗ bố đóng quân để chữa trị. Bệnh viện Quân y 9 đón gia đình tôi rất ân cần.
Nằm trên cáng với thân hình xanh xao, gặp được bố, mẹ và chị cùng khóc, nước mắt lưng tròng, hờn tủi, nhớ thương, buồn giận đan xen. Nhưng rồi, cả nhà đều hiểu tất cả là do chiến tranh. Mãi sau này tôi mới hiểu hết về tình thương yêu mênh mông của bố dành cho gia đình, trong ánh mắt và mỗi cử chỉ ân cần chậm rãi của ông - một chiến binh lão luyện từng vào sinh ra tử nơi chiến trường khắc nghiệt, đánh thắng bao kẻ thù hung ác nhất.
Rồi, nối tiếp nghiệp người cha vô cùng kính yêu, chị tôi cũng lên đường nhập ngũ, học ở trường Cơ yếu mãi tận tỉnh Bình Định xa xôi. Chị viết thư về: mỗi khi nghe tin bão về chị lại khóc vì thương mẹ, thương các em còn nhỏ không biết ở nhà có bị làm sao không. Anh Kiên (con nuôi của bố mẹ tôi) và tôi, người sinh năm 1976, đứa sinh năm 1977 như trứng gà, trứng vịt, tuổi thơ của chúng tôi sinh ra sau chiến tranh, với những năm tháng yên bình khi đất nước đổi mới, chúng tôi lớn lên với những cánh cò bay lả, bay la từ cánh đồng đến lời ru ầu ơ của mẹ; với những buổi đuổi dế ngoài cánh đồng xa tít tắp, thành quả của những buổi trốn học trưa hè là những con cào cào đậu ngơ ngác trong lòng tay nóng bỏng. Mùa thu heo may nắng như trải thảm, dát vàng, rủ nhau đi tát ròn trên cánh đồng nứt nẻ chân chim. Có khi, dãi nắng cả ngày, trở về chỉ được vài ba con cá với những gương mặt lấm lem bùn đất. Quê hương, vẻ đẹp của đồng lúa, của không gian châu thổ sông Hồng, của tình làng nghĩa xóm, từ những buổi lội đồng đuổi dế, bắt chim đã vĩnh viễn hằn sâu trong ký ức của tôi. Sau này chìm trong ma túy và lầm lạc, tôi luôn được vẻ đẹp thiên nhiên và tình người ấy níu mình lại, để không tàn độc quá trong những khúc giang hồ, để luôn thấy mắc nợ cho một nẻo về trong sáng ấu thơ…
Ngày bố về trên một chiếc xe Uoát, cả nhà ra đón mừng vui hớn hở. Tôi, một cậu bé thơ ngây, đi đâu cũng tỏ ra hãnh diện về bố.
Chúng tôi đi học trường làng cách nhà hai cây số đi bộ, có những buổi tan học phải đi 11 giờ trưa đến 14 giờ chiều mới đến nhà, vì còn mải chơi bắn bùm. Lớn hơn, đến khi 13 tuổi, bố mẹ cóp nhóp tiền nâng cấp nhà cấp bốn, xây nhà đổ mái bằng. Có hôm, anh Kiên mải đi chơi khăng, đánh đáo với chúng bạn làng bên. Mẹ thì đi trực ngoài bệnh viện với tinh thần “cứu người như cứu hỏa”. Buổi chiều, tôi cạy cục chạy ngược xuôi nấu cơm cho thợ. Mẹ bận mổ cấp cứu ở bệnh viện không về được. Cơm nấu xong, rau muống luộc xanh rền. Không có thức ăn, mà cơm thợ thì phải ngon, vừa là để họ làm tốt cho ngôi nhà của mình, vừa là để làm mát mặt cha mẹ trước dân làng đến làm giúp. Tôi nhớ mãi cảm giác của mình hôm đó. Thương mẹ, tôi mang tuổi 13 nhỏ bé thơ ngây của mình đi tát ròn, bắt được ít cá mang về vừa rán vừa kho cho các chú, các bác thợ ăn tối. Đường về, ruộng đầm lầy thụt, tôi đã bị rơi xuống một hố bùn, bùn nước dấp dính cứ như hút thân tôi xuống mãi… âm ty địa ngục. Tôi đã nghĩ đến cái chết. Cảm giác tôi đã sờ thấy được cái chết. Thứ bùn nhão ấy, tôi thì thơ ngây, càng cụ cựa, vùng vẫy, nó càng lút sâu. Bỗng có một bàn tay vững chãi lôi tôi lên, như lôi một con nhái ra khỏi ao làng. Đến giờ tôi không còn nhớ ân nhân đã cứu mạng mình ấy nữa, chỉ nhớ rõ cảm giác mình vẫn khư khư xách túi cá bé liu riu chạy khỏi vũng bùn suýt biến thành nấm mồ mềm mụp của mình đó. Vừa chạy tôi vừa khóc. Bữa cơm chiều trong dịp bố mẹ xây nhà mái bằng đó, suýt nữa trở thành bữa cơm định mệnh. Tôi trở về, bùn nhuộm từ đỉnh đầu đến gót chân, mẹ nhìn tôi âu yếm, bà cười nhẹ nhàng và bí ẩn, bà khen tôi ngoan rồi lặng lẽ quay đi. Bấy giờ tôi không làm sao đoán biết được rằng mẹ mình đang nghĩ gì. Chỉ đơn giản là, mang cua tôm cá về, được được mẹ khen tôi lấy làm hãnh diện lắm. Chuyện đó mãi sau này tôi mới dám kể với mẹ, đơn giản là tôi chưa bao giờ hết hãi hùng khi nghĩ đến.
Có kỷ niệm không thể nào quên, cũng vào loại chuyện “sẽ theo tôi đến hết đời”, ấy là một bữa ăn chuối cật lực, ăn đến kinh sợ. Hồi đó, chị gái tôi đang công tác trong lực lượng quân đội ở Hà Nội về quê nghỉ để sinh cháu gái. Nhà có buồng chuối bị gió bão làm gãy đổ. Cả nhà ăn không hết, sợ để đến mai nó nẫu hỏng, tôi đang tuổi ngộ nghĩnh học cấp 2. Chị chơi đùa với cậu em nhỏ, rồi động viên cậu “tuổi ăn tuổi lớn” cố ăn hết mấy nải chuối kẻo phí. Chị nhìn tôi cười âu yếm, chị bảo, ăn rồi chị cho tiền đi mua kem mút. Tôi nai lưng ra ăn, ăn được một lúc chị bảo không ăn nữa kẻo “vỡ bụng”. Tôi vẫn lén ăn, thứ nhất vì thích ăn, thứ hai vì nghịch ngợm và vì thèm… kem mút. Ăn xong tôi không đứng dậy được, lăn ra ngủ miệt mài đến gần tối, bụng ninh ních khó chịu. Cả nhà sợ quá phải đưa tôi ra bệnh viện huyện cấp cứu. Cậu bé ăn chuối suýt… ngất xỉu trở thành câu chuyện dễ thương ở khu tập thể suốt bao năm. Còn tôi, đến tận khi gần bốn mươi tuổi đầu, qua bao nhiêu bão giông cuộc đời, bây giờ ngồi viết những dòng này, tôi vẫn ám ảnh khi nghĩ đến… nải chuối. Không bao giờ tôi dám ăn chuối nữa, cũng bắt đầu từ phi vụ “một bữa no” thuở ấu thơ đó…
Lên học cấp hai với những bài học lịch sử về chiến tranh dựng nước và giữ nước của biết bao vị anh hùng dân tộc, của cả một dân tộc quật cường, điều đó đã giúp tôi dần hiểu ra được cái giá của cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Làm nên kỳ tích đó, có công sức, sự oai dũng sẵn sàng “vị quốc vong thân” của Cha tôi và Cậu tôi. Họ thậm chí đã phải hi sinh xương máu cho niềm vui của đất nước hôm nay. Chính vì thế nên tôi chịu khó học lắm. Và tôi cũng học kha khá. Càng học tôi càng hiểu, để giành được độc lập tự do và xây dựng hạnh phúc hôm nay, chỉ riêng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, non sông Việt Nam chúng ta đã phải hi sinh hàng triệu người con ưu tú, họ ra đi mãi mãi giữa tuổi thanh xuân, trong đó có cậu tôi. Mỗi lần nhắc tới cậu, mẹ tôi lại khóc, nghe mẹ kể ngày xưa bà ngoại sinh được tám người con: sáu trai, hai gái. Cậu sinh sau mẹ ít năm thôi. Mười lăm tuổi, cậu khỏe nhất làng, một mình cậu bê được cả cái cối xay to đùng chạy băng băng trong sự thán phục của bà con. Cậu thương mẹ, thương chị. Nhà đông em, đất nước bấy giờ còn tràn ngập khó khăn, nên cậu đã nai lưng đi vác đất cho xã để đổi lấy gạo về nấu cơm cho các em ăn bớt đói. Nhà đông người, mẹ toàn phải ngồi đầu nồi để phân chia từng bát cơm, bát độn khoai sắn cho “công bằng”. Xới cơm cho các cậu, mẹ bao giờ cũng bấm bụng nhịn đói để đưa cho mỗi người một bát thật đầy, thật ít thứ khoai sắn ăn độn. Cậu rất thích chơi chọi gà, những buổi chiều mang gà đi “chọi” đến tối mịt mới về nên bà hay mắng cậu. Mẹ thương cậu lắm, đủ lớn để biết bà thương cậu nên bà mới mắng, mẹ cứ lặng thinh nhìn cậu “ăn đến thủng nồi trôi rế” với sức vóc đương trai.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thế rồi chiến tranh ác liệt. Chiến tranh không có mùa, không đợi một ai, không một tấm hình, không một dòng chữ để lại làm kỉ niệm, cậu nằng nặc xin bà tôi cho đi nhập ngũ. Bà thương và lo lắng lắm. Bà mắng sa sả, mắng yêu theo lối của những phụ nữ nông thôn thời bấy giờ:
- Mày đi đánh giặc. Mày to xác, cao lênh khênh như thế này, thằng Mỹ nó nhìn thấy nó bắn mày chết!
Cậu khóc vì thương bà, thương mẹ. Nhưng rồi cậu vẫn quyết tâm đi bộ đội. Đi vì tấm lòng của người trai anh hùng khi sơn hà nguy biến. Lúc đi, cậu nghĩ biết đâu sẽ bớt thêm một gánh nặng cho mẹ, thông qua việc có một suất ăn dôi ra. Cơm ấy dành cho các em ăn. Đã bao lần tôi ứa nước mắt khi nghe kể những chi tiết giản dị đến xót xa đó của cậu mình. Ngày cậu lên đường nhập ngũ, cậu thứ hai tiễn cậu lên xe rồi, cậu vẫn còn quay lại dặn dò:
- Anh đi rồi em ở nhà thay anh trông mẹ, trông các em. Chiến tranh, biết thế nào mà tính được, em nhé!
Và thế là cậu đi. Theo tiếng gọi của non sông gấm vóc trước cơn nguy biến của bè lũ xâm lăng. Cậu đi như hàng hàng vạn người trai trẻ khác trong thời binh lửa ấy. Họ sẵn sàng ra đi mãi mãi. Họ ngã xuống “cho Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.
Mẹ kể, sau khi cậu đi rồi, ở nơi quê nghèo ấy, hàng đêm bà tôi vẫn thắp hương cầu Trời, khấn Phật mong cậu được bình yên trở về. Hai năm qua đi, mỗi lần nhìn thấy bộ đội hành quân qua làng, rồi những đồng đội của cậu bị thương trở về, nhưng vẫn không nhận được tin tức gì của cậu, bà thắc thỏm đứng ngồi không yên. Lòng mẹ tôi cũng như có lửa đốt. Nhưng rồi sự thật không ai muốn kia rồi cũng đến, dù sớm dù muộn. Với bà, với mẹ, tin dữ như ngọn lửa thiêu đốt cháy ào lên từ địa ngục. Năm 1968, bất ngờ, gia đình tôi nhận được tin dữ. Hôm đó, ông đi họp trên huyện vừa về thì được cán bộ xã mời ra sân kho hợp tác để… làm lễ truy điệu. Cầm trên tay tờ giấy báo tử của cậu, bà ngất lên ngất xuống. Đau đến xé lòng, đau hơn cả ngày bà sinh ra cậu.
Nhưng rồi cuộc đời vẫn thế, như hết mưa rồi nắng. Hết bão giông cõi thế lại yên bình, phần vì nhà đông con, phần vì không có điều kiện, bà như hàng triệu người mẹ khác trên đất nước này vẫn phải nén nỗi đau tột cùng tự đáy lòng. Vì chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Hàng vạn người trẻ vẫn tiếp tục xông pha ra ngoài bom lửa, rồi nhiều người vẫn ngã xuống và những cuộc truy điệu vẫn được tổ chức vội vàng lúc nửa đêm ở nhiều cái sân kho hợp tác xã khác nữa. Nỗi đau nào của riêng ai, bom đạn có chừa ai đâu. Chết vì phẩm cách của quê hương xứ sở, là cái chết vinh quang, cậu ạ!
Hàng năm cứ đến ngày giỗ của cậu, bà vẫn làm cơm và thắp hương. Nhưng còn nắm xương tàn của cậu ở nơi đâu, chốn đèo heo hút gió hay giữa đô thành mà bây giờ đường sá nhà cửa đã chồng lấn lên trên? Có trời mà đoán định được. Đi tìm di cốt của cậu, thì biết tìm ở đâu trong mênh mông chiến trường? Nơi đâu chẳng có người nằm xuống, suốt từ Vĩnh Linh đất lửa hay đến tận rừng U Minh xa xôi, biết tìm chỗ nào được? Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, nhưng trong trái tim bà, trong trái tim các anh chị em của cậu, vẫn còn ủ một nỗi đau dai dẳng. Càng ngày ngọn lửa càng thiêu đốt, muốn bùng lên, vỡ òa. Nỗi đau cứ thổn thức mỗi khi có ai nhắc đến tên cậu. Cả nhà, suốt bao năm, cứ khát khao đến tột cùng, rằng sẽ được đón cậu tôi trở về. Trong giấc mơ, bà và mẹ vẫn hằng đêm gọi tên cậu, với tất cả những niềm nhớ thương khắc khoải… Cứ như cậu từng bằng xương bằng thịt, từng hiện hữu trên thế gian này cùng với tôi, từ lâu lắm rồi. Và cứ thế, hình ảnh người cậu ấy đã từ nỗi nhớ thương của mẹ, đã ám ảnh tôi, ảnh hưởng tích cực đến cuộc đời tôi rất nhiều.
Đang dở câu chuyện về tuổi thơ tôi, gia đình tôi và hình bóng của người cậu đã “vị quốc vong thân”, đã hòa xương thịt vào đất nước ông bà. Bấy giờ, vào học cấp hai, cấp ba, tôi dù có mải chơi hơn, nhưng vẫn được tiếng là đứa ham học. Mỗi lần xem ti vi, đến mục Nhắn tìm đồng đội tôi đều khóc, mượn được tờ báo Quân đội nhân dân, tôi liên xem mục Nhắn tìm đồng đội đầu tiên. Rồi tôi lại buồn, nỗi buồn cứ mênh mang sâu thăm thẳm, đôi lúc nhói buốt, tím tái trong lòng. Nỗi buồn đó, có lẽ mẹ đã truyền vào tôi, qua những câu chuyện bà kể, những day dứt khóc thương em trai của bà nhiều đêm. Tôi rất muốn, rất muốn giúp mẹ đi tìm cậu. Nhưng bấy giờ, cậu bé mười mấy tuổi đầu như tôi làm sao biết được phải tìm người cậu đã hy sinh từ năm 1966 kia ở đâu, khi mà chỉ đơn giản thế này: trong giấy báo tử ngoài dòng chữ “Hy sinh ở mặt trận phía Nam, đơn vị E66- KT” thì không còn thông tin gì nữa cả!
(kỳ sau: Lớp trưởng bị trời hành )
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: phongchongmatuy.vn@gmail.com | Facebook: Viện PSD