Lâu nay tôi thường mắc một cái thói quen xấu là không thích xem phim hình sự, không thích đọc sách về các chuyện hình sự, tội ác, tệ nạn, trong đó có tệ mại dâm, ma túy. Đơn giản vì trong các motip ấy thường chứa đựng sự dễ dãi, đơn điệu, lập trình, thiếu nỗi niềm, thiếu số phận, đọc đoạn đầu đã biết đoạn kết, sự kiện nhấn chìm tâm lý, đọc xong, gấp sách lại là xong, chẳng đọng lại một cảm xúc sâu lắng, bâng khuâng nào gọi là.
Vậy mà ở NẺO VỀ, ta tạm gọi tên sách là vậy, mặc dù tôi không mấy thích cái tựa đề có phần đơn giản này, lại hoàn toàn ngược lại. Tính đọc vài trang cho biết, cần thì đọc thêm dăm trang ở giữa, ở cuối sách nữa là thôi, cuộc đời còn có biết bao bộn bề phải dọp dẹp, hơi sức đâu mà cứ chúi đầu vào những điều mình đã biết, đã hiểu và cũng đã từng viết.
Nhưng kỳ quái chưa, trong cái nóng hầm hập không chịu nổi của một Hà Nội trước cơn bão sắp vào, tôi đã giương mục kỉnh đọc liền một mạch cả gần 300 trang chữ nhỏ. Đọc xong bỗng thấy người oải ra rất lạ. Oải không phải vì khoảng thời gian vô bổ đã vô cớ bỏ phí mà oải vì chính nội dung cuốn truyện. Một cái oải lâng lâng, buồn buồn, thao thiết mà thường chỉ thấy xuất hiện khi người ta may mắn chạm được vào một vùng khoái cảm thẩm mỹ nhất định.
NẺO VỀ đúng là đã cho người đọc, dù khó tính nhất, được sống trong một từ trường khoái cảm lành sạch sau những trang viết giằng xé, thậm chí nặng nề, rất nặng. Cái khoái cảm đó không hẳn chỉ toát ra từ cách viết lối kể, từ cốt truyện, từ những con chữ nổi mần nổi cục, dù trong ấy có cả, mà nó được chiết ra từ chính nỗi đau tận cùng của chính người kể mà nếu ai đó dẫu tài hoa, bút lực thâm hậu đến mấy cũng không thể kể thay được.
Thì ra cuộc sống nhiều khi còn đa dạng, phì nhiêu, màu mỡ hơn cả sự hư cấu, tưởng tượng. Phải chăng vì thế mà nó mặc nhiên tôn vinh thể loại tự truyện, một thể loại gần đây đã gặt hái được không ít những thành công như các trang nhật ký đầy xúc động của liệt sĩ, của người lính và của các vị danh tướng. Tất nhiên ở đây tôi chưa muốn bàn đến các dòng tự truyện đượm mùi than thân trách phận, ái tình trắc trở, hằn học cá nhân, cáu kỉnh thiên hạ, rủa xả tung tóe, nghĩ gì nói đấy, chạm đâu cũng mặc đang bỗng trở thành thời thượng, thành Mode, thành ăn khách gần đây.
Cuốn tự truyện này là một hoài niệm thâm trầm, tử tế, nó hoàn toàn không nhằm mục đích đề cao cá nhân, quảng bá thân phận hay mang tính vụ lợi gì khác ngoài dùng chính quãng đời đau đớn, rớm máu và đầy nước mắt của mình để báo động, để cảnh tỉnh những ai đó sắp bước vào hoặc đã bước vào cái chết trắng khủng khiếp. Một cuộc đời không bịa được, bởi thế cho nên nó thật đến trần trụi, thật không thể thật hơn được nữa. Như thể mỗi con chữ, mỗi trang viết tác giả đều cắt xẻo thịt da, gân tủy của mình ướp vào đó.
NẺO VỀ là một cuộc chiến không cân sức, không khoan nhượng giữa NGƯỜI và MA, con ma có tên Heroin, giữa hai con người trong một con người, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa đêm và ngày, giữa phần Người và Con. Có lúc Người thắng, có lúc Con thắng. Cả cuốn sách là sự giằng giật quyết liệt đến ngạt thở mà người đọc yếu đuối sẽ không dám giở tiếp những phần sau. Bởi nó ghê rợn quá, hiểm ác quá, đau buồn quá.
Tức là cuốn sách thỏa mãn người tiếp cận với nó trên cả hai phương diện: dữ dội và lắng chìm.
Thử hỏi có cuộc đời một con người nào mà đã trên ba lần tuyệt vọng tìm đến cái chết để trốn chạy khỏi ma túy nhưng không trốn được. Thử hỏi có con người nào đã tự cắn rách lưỡi, tự xăm trổ, tự xích tay chân mình lại, tự đào hào khoét mương sâu hoẳm xung quanh chỗ nằm để mong cầu cách ly khỏi nó nhưng làm sao có thể khi con Ma nó lại nằm ủ kín, ăn sâu ngay trong mạch máu, cơ thể người.
Chao ôi, cái hình ảnh khi lên cơn, con người ấy đã dứt tung cả mảng bê tông buộc xích để rồi cứ thế cả người cả bê tông loảng xoảng cuồng điên chạy lên phố huyện đi tìm thuốc mới lạ lùng và khốc liệt làm sao. Và cũng tự hỏi có sự khốn khổ nào mà hàng chục hàng trăm lần tỉnh ngộ, sám hối, khóc lóc hứa hẹn với cuộc đời, với những người thân yêu cốt nhục nhất để rồi liền sau đó lại ngã vào vòng tay mềm mại, nhớt nhầy nhưng rất đỗi đắm đuối, liêu trai của ả Phù dung như con người ấy đã giằng xé trải qua. Cuộc chăn gối nồng nàn và rách rưới với con Ma nữ có làn da mang màu trắng khăn sô đó đã khiến cho anh mụ mị lao vào đủ các thói tật xấu xa, nhếch nhác, hèn hạ mà lúc tỉnh thì chỉ mới nghĩ đến thôi đã không tài nào chịu nổi: cướp trộm, lừa đảo, vượt biên, buôn vũ khí, bảo kê, ăn cắp vặt, trấn lột, xin xỏ, ăn mày ăn nhặt, ra tù vào tội… Và nỗi đời càng trở nên trớ trêu với vẻ đẹp trai khôi ngô, sinh viên có học thứccó tâm hồn, nội tâm phong phú, có duyên nổi duyên chìm, tuy nghiện “bẹp tai” nhưng vẫn có những cô gái, những người đàn bà quyến rũ xinh đẹp đàng hoàng tìm đến chấp nhận làm vợ, làm bạn đời. Để rồi có người đã phải dứt áo ra đi trong nước mắt tủi hờn, người đó đã trải qua hai lần cắt ven lênh loang máu đổ, nhảy cầu tự vẫn, ấy là cô ca sĩ xinh đẹp đã từng lọt vào tốp đầu trong cuộc thi Sao Mai thương hiệu kia.
Một suy nghĩ giật mình: Nếu cuốn truyện chỉ có phần đen đúa, quằn quại không thôi thì cuộc đời, con người, xã hội này sẽ u ám, lam lũ và ngột ngạt biết chừng nào nếu như thiếu đi mảng nhân văn khe khẽ, bình dị thổi vào cuốn tự truyện như một giai điệu, một âm hưởng trầm tích. Bởi lẽ với sự chìm sâu ngợp ngụa, càng giãy đạp càng ngợp ngụa vào ma túy ấy thì một cái kết cục bi thảm chắc chắn sẽ nhỡn tiền xảy ra nếu xung quanh con nghiện đã hết bề cứu chữa không có những con người vị tha, cao thượng, tốt đẹp nhiều khi đến phi phàm, vi diệu luôn bên cạnh để đỡ nâng, để hà hơi tiếp sức. Đó là tấm lòng người mẹ mà đứa con dứt ruột đẻ ra càng sa ngã thì tình yêu thương càng dâng đầy, đó là nước mắt khô đục của người cha đã cầm súng đi qua hai thời kỳ trận mạc mà đêm lạnh lặng thầm ngồi khóc vì con, đó là vợ chồng người chị ruột thương em còn hơn cả sinh mệnh mình với câu nói dứt ruột: “Nếu phải truyền hết máu cho em chị cũng truyền”, đó là tấm tình sâu thẳm đậm chất Đông phương của những người vợ không nỡ bỏ mặc chồng mình chênh chao trên mép vực, là bà mẹ liệt sĩ răng hạt na chẳng một chút đắn đo hơn thiệt sẵn sàng để lại mảnh đất vàng hàng ngàn mét vuông chỉ với giá một nửa tiền cho kẻ cơ nhỡ, là ông chủ bán xăng, ông chủ thuyền cá bằng cả sự vị tha, nghĩa hiệp đã chuyển từ nạn nhân thành đấng cứu rỗi, và đó là hình ảnh của ông cậu ruột, một người lính đã dũng cảm ngã xuống trên chiến trường chưa tìm được xác đã luôn là sự nhắc nhở, gợi thức, che chở, mách bảo mang màu sắc tâm linh, đạo lý cho anh vào những khoảnh khắc tối tăm nhất.
Con nghiện bao giờ cũng là một bi kịch, là cái nợ của gia đình, của dòng họ và của cả xã hội mà mọi thứ giam cầm, đe nẹt, cách bức dù hà khắc đến mấy nhiều khi cũng không treo cổ được con Ma đã nhập hồn nhập cốt. Thử hỏi ở những tháng ngày quá đỗi chênh vênh ấy, nếu bao phủ lên anh ta chỉ có lời chửi mắng, nguyền rủa ác nghiệt của cha mẹ, cô chú, anh chị em, sự khinh bỉ tránh xa như tránh hủi của lối xóm, sự lạnh lùng nhuốm chất thực dụng của người vợ thì chắc chắn con người cô độc ấy sẽ bị con Ma tham lam kia nuốt chửng, nhai sống rồi nhè vào lòng đất rồi.
Chính tình thương vô hạn và đức tin lặng lẽ vào bản thể một con người đã giúp anh gắng gượng vượt lên với những giọt Thiện vẫn còn sót lại le lói trong tầng sâu tâm thức, mặc dù sự gắng gượng đó đã được đổi bằng không ít máu cùng rất nhiều nước mắt.
Kể cả giây phút cuối cùng không gắng gượng được, anh đã quyết định tìm đến cái chết bạo liệt bằng cách nốc cả một vốc ma túy để rồi sau 6 giờ chết lâm sàng, cái bản ngã được chăm bón bằng tình thương trong con người anh đã nảy mầm, vươn dậy, vặn mình trở thành một con người hoàn toàn khác. Khác đến kỳ diệu, đến ngỡ ngàng, khác không chỉ về nhân cách thẳng ngay, chí làm giàu quyết liệt mà còn cả về năng lượng kỳ diệu mở cuộc hành trình đi tìm được hàng ngàn những nấm mộ liệt sĩ.
Con người ấy sống một cuộc đời bằng nhiều cuộc đời gộp lại. Bằng chính cuộc đời kỳ lạ của mình, anh đã vẽ lên giữa trời xanh một thông điệp kiêu hãnh: Phàm đã là CON NGƯỜI thì không có cái gì là không thể.
Một cái kết vỡ òa trong nỗi xúc động sâu xa tưởng như siêu hình mà lại rất thực. Nó đánh thức trong ta rất nhiều góc khuất mà lâu nay do cuộc mưu sinh bươn chải nhọc nhằn đã quên đi, đã dửng dưng đánh tuột ra đằng sau.
Có thật cả điều day dứt này nữa: Giá như mà cuộc đời, xã hội, con người bớt vị kỷ, bớt vô cảm, bớt ác cảm định kiến, bớt lỏng lẻo đi một chút cho cái chết trắng kia không có đất để cong cớn, ngang nhiên hiện diện ở khắp mọi nơi, có thể tìm thấy, sờ thấy trong mọi ngóc ngách thì cuộc hành trình trở về nẻo Thiện sẽ bớt gian nan, đau khổ và chết chóc đi biết chừng nào.
NẺO VỀ bản thân đã chứa sức nặng của một cuốn tiểu thuyết bổ ích mang tính nhân văn, mặc dù nó vẫn còn có nhiều đoạn vụng về, thô ráp, mang tính nghiệp dư nhưng một khi đã tiếp xúc với nó, không ai không cảm thấy có chút giật mình, lo lắng, thậm chí hãi sợ nhưng sau đó là yêu tin con người, yêu tin cuộc đời hơn.
Đó là bản chất của kiếp người. Đó cũng là giá trị đích thực của những con chữ, của một hoài niệm.
Một hoài niệm tử tế được viết ra bằng khổ đau, máu và nước mắt.
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: phongchongmatuy.vn@gmail.com | Facebook: Viện PSD