Nẻo về: Kỳ 2

Tôi chìm vào thuốc phiện, rồi lại đánh đu đời mình với heroin. Lúc đầu là hút, sau là hít, sau nữa là bơm ma túy thẳng vào tĩnh mạch. Tôi thấm thía lắm, ma túy là thứ mà đã dính vào rồi thì thành nô lệ của nó.

Lớp trưởng bị “trời hành”

Học đến năm cuối cấp hai ở quê, được bố mẹ và anh chị động viên, hay nói đúng hơn là họ hơi nuông chiều tôi quá, tôi khăn gói quả mướp lên nhà anh chị trên Hà Nội. Từ đó, bắt đầu những năm tháng xa quê. Chị gái và anh rể tốt với tôi lắm, tốt đến mức khi tôi đã là anh rể của người khác, không bao giờ tôi lại nghĩ mình có thể hy sinh vì em vợ mình nhiều như anh rể tôi đã lặng thầm chăm lo cho tôi suốt bao năm. Tôi đã tha hóa, đã tự đưa đời mình vào một cái rọ nhục nhằn nhất. Tôi đã phụ công anh chị, để Đời đưa tôi vào một cuộc sống “bảy nổi ba chìm”, nhiều lúc đau đớn tủi nhục không thể tưởng tượng nổi. Và vì thế chị gái với anh rể lại càng thêm khổ sở vì đứa em rách trời rơi xuống ấy.

 

Năm 1991, cháu gái tôi (con của chị gái và anh rể) ra đời được anh chị đặt tên là Hải Hà, như bắt đầu của hai quê hương Hà Nam và Hải Phòng. Cháu rất xinh xắn và tôi thường bế nó mỗi khi đi học về. Tôi học trên trường Quang Trung ở thị xã Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) với ngày hai buổi đi và về, mỗi chặng dài 6km. Thị xã nhỏ bé xinh đẹp, cuộc sống bấy giờ còn êm đềm tỉnh lẻ lắm, dù từ Cầu Hà Đông ra Bờ Hồ Hoàn Kiếm của thủ đô chỉ độ chục cây số đường nhựa êm ru. Sương khói mơ màng bên dòng sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc lách cách tiếng thoi đưa. Những buổi tối học thêm trong bảng lảng mưa xuân, chúng tôi ghé vỉa hè ăn bánh rán, các cô cậu học trò mới lớn nhìn nhau đã chớm thẹn thùng. Ký ức tuổi học trò, nó vốn đã đẹp kiểu “quê hương mỗi người chỉ một”. Nhưng, với anh chàng sớm bị ma túy đưa lối vào địa ngục tăm tối như tôi, ký ức ấy còn đẹp lung linh hơn trong… nuối tiếc. Tôi đã viết vào nhật ký của mình, rằng, cảnh ăn bánh rán ở thị xã Hà Đông nhỏ bé, trong làn sương mơ màng dưới ánh đèn đường vàng vọt ven bờ sông Nhuệ đó “có lẽ suốt cuộc đời không bao giờ tôi có thể quên được”. “Nó là một phần thiêng liêng, nó như quê hương Duy Tiên thơ ấu của tôi, như dây neo vững chắc nhất để tôi kiếm một nẻo về giữa bão giông cuộc đời”.

 

Thời gian đầu phải chuyển lên ở cùng với anh chị ngoài “Chiêu đãi sở” của Binh đoàn ấy (thực ra nó là một dãy nhà tập thể thì đúng hơn), ngày hai buổi tôi từ Ba La Bông Đỏ lên Hà Đông rồi lại đi về, trông cháu. Có những buổi trưa tôi trốn không ngủ, trèo ra ngồi trên cây xà cừ để rình hai con cá chuối ăn bóng thung thăng. Chúng bơi qua bơi lại, cứ chập chờn mờ ảo, như có như không. Đôi lúc tôi đã nghĩ, hay nó là một bóng ma, một vị tiên phật nào đó đang chơi đùa với tuổi thơ tôi. Phải nói rằng đôi cá chuối đó rất khôn, nó đang rình cá con để đớp ở ngoài mương tiêu thoát nước. Cứ thấy tiếng chân người bước là nó lại bơi vào trong ao, lặn mất tăm. Tôi đã nghĩ đủ mưu kế, trổ hết tài lẻ của một gã trai miền chiêm trũng, từng trồi thụt trên bùn trên ruộng đến suýt chết để bắt cua cá về nấu cơm đãi thợ hồi nọ. Trổ hết ngón nghề, vẫn không làm cách nào bắt được nó, chả là trong ao ăn thông ra ngoài mương tiêu nước bằng một đoạn “ngòi”. Đó là một rãnh nhỏ người ta đã đào ra, để lấy nước vào ao, đường kính chỉ khoảng 30cm. Hết kế trong cuộc đấu trí với đôi cá chuối to bự, tôi quay ra chơi cùn, dùng… vai u thịt bắp của mình, cứ là tát nước bắt cá thẳng băng. Chứ đấu trí làm gì. Tuy nhiên, cũng cần “bài vở” lắm chứ chẳng chơi. Tôi ngắm đoạn ngòi nhỏ, rồi dùng kế nhử mồi, đoạn hậu, truy bắt đôi cá.

 

Tôi đội mũ cối của anh rể, lượn khắp khu ao đầm, giữa trưa vác rổ, vác xô đi tát cá ở ngoài ruộng lúa. Cứ đi tát cá ở những chỗ nông, chỗ hang cua ruộng nước; tôi bắt những con cá nhỏ thả vào mương tiêu, trưa nắng nước nóng lên, một số con cá nhỏ chui qua rãnh nước để vào ao cho mát mẻ. Và thế là hai con cá chuối mắc bẫy, một con rất to, một con nhỏ hơn - nhưng cũng khoảng hơn một ký lô chứ có bé bỏng gì. Tôi bấm bụng tính, con bé hơn, chắc là con đực. Cá quả phàm ăn, dữ tính. Đang cơn đói, thấy đàn cá lạ ngẩn ngơ bơi ngược vào trong ao, chúng thay nhau đuổi chí chết. Bắt được vài con chắc vẫn chưa đủ với cái dạ dày lép kẹp, chúng liền lao qua rãnh (ngòi) nước ra ngoài mương để bắt cá. Thế là tôi cầm cái rổ bịt đường về của chúng, bình tĩnh tôi đi lấy rong và bèo tây cùng với đất thịt chắc nịch xắn từ ao lên, tôi đắp bờ đê ngăn đường về của cặp uyên ương cá chuối. Con đê to như một ụ pháo. Hết đường quay trở lại ao nhé. Tôi bắt đầu hì hục một mình tát đoạn ngòi. Đôi cá cuồng quẫn khi thấy nước cạn dần, mà đường về hang ổ trong cái ao đen kịt, sâu hoắm, lúp xúp bờ cỏ bí ẩn kia thì đã bị một cái ụ pháo khổng lồ ngăn cản. Chúng sục bùn, vật vã đòi lên bờ chạy trốn. Đuổi lõm bõm ngoài mương, cuối cùng tôi cũng bắt được chúng.

Tự hào với thành quả của mình sau mấy hôm nghĩ mưu tìm kế. Bỗng dưng tôi nhớ tới những buổi trưa nắng đi câu trong ao của Binh đoàn, cá nhiều vô kể, có những hôm đi câu một lúc cũng được vài cân. Những con cá yếu ớt, vừa lên bờ đã chết trắng bụng, đã tanh lợm kia sao mà kém cỏi trước đôi cá chuối tinh ranh này thế. Đôi cá đã cho tôi một cuộc chiến đấu đầy kiêu hãnh, đầy nắng nỏ và hào hứng. Ngay từ bấy giờ, trong cảm giác hân hoan cầm đôi cá to bự, cứng quèo, trơn bóng với những cái giãy mình vạm vỡ, tôi đã hiểu, những kỷ niệm đồng quê như thế này sẽ theo mình suốt đời suốt kiếp. Biết bao giờ mới ngọt ngào được như thế này đây! Suy nghĩ đó cứ trở đi trở lại, dường như là một điềm báo, một cái “gở” (theo quan niệm của những người như mẹ tôi!), để rồi sau này chìm trong ma túy, trong lầm lạc, trong hư đốn, tôi mới càng hiểu giá trị của những kỷ niệm ấy.

 

Người ta bảo, trước 14 tuổi, nhân cách của con người ta đã cơ bản hình thành. Rồi nhân cách ấy, kỷ niệm ấu thơ ấy, trải nghiệm tuổi mới lớn ấy, nó quyết định suy nghĩ hành động của con người ta mãi mãi. Tôi luôn tin, vì có tuổi thơ ngọt ngào ấy, vì đồng quê thân thương với cỏ hoa, chim cá, với xóm mạc hiền hòa và tình người thắm đượm ấy, mà sau này, tôi đã ngừng tay lại khi vào cuộc đâm chém, bảo kê, giết chóc; tôi đã đứng tim sám hối khi nhìn thấy ánh mắt van xin, hoảng hốt của bé gái hơn chục tuổi đầu đang bị tôi khống chế, sắp thực hiện hành vi cướp sợi dây chuyền vàng… Dường như Nẻo thiện kia đã đợi tôi từ hồi tôi còn là cậu bé, nó vẫn chờ đợi tôi ngay cả khi tôi đang vận chuyển vũ khí thuê, bảo kê cờ bạc, đâm chém trộm cắp như một kẻ mạt hạng “đầu đường xó chợ” nhất.

 

Hồi ấy, được gia đình chiều chuộng, lại thêm vẻ “xinh trai” hoạt bát, học giỏi, chịu khó đọc sách Đông Tây kim cổ, nên tôi được rất nhiều người quý mến. Ở thị xã Hà Đông bé nhỏ, bên dòng sông Nhuệ nên thơ, trường tổ chức thi học sinh thanh lịch, tôi đã “ẵm giải” vào đến tận vòng chót nhất nhì ba. Nhớ mãi, khi tôi xuất hiện, các bạn vỗ tay rào rào. Họ mê tiếng hát, tiếng đàn và sự quảng giao hào hiệp của tôi - chắc thế.

 

Tôi lên được một năm thì Binh đoàn cấp đất cho anh chị tại Kim Giang, quận Đống Đa, Hà Nội. Tôi lại đi theo đến ở cái xóm nhà binh đạm bạc mà tử tế hết mực ấy. Rồi căn nhà khang trang cũng được xây dựng trên mảnh đất đó, sau những năm tháng anh chị tôi tiết kiệm chi tiêu, dè sẻn từng đồng lương công chức. Đó là một căn nhà mái bằng vừa đủ lớn, mà cũng vừa đủ xinh xắn. Hồi đó tôi rất thân với hai cậu bạn tên là Chính và Phương. Nhà Chính ở tận trên chỗ Đài phát thanh của khu Mễ Trì. Chỗ ấy vẫn còn hoang hóa lắm. Chính có bốn anh chị em, nó là thứ hai nhưng lại là con trai trưởng, cu cậu rất chịu khó học hành, ăn nói luôn đĩnh đạc. Còn Phương ở tận dưới Hà Đông, nhà cũng có bốn anh chị em. Phương là con út. Bấy giờ, bố Phương làm Chủ tịch UBND phường Q. của thị xã Hà Đông. Gia đình cậu rất gia giáo nên các anh chị em răm rắp nghe lời cha mẹ. Phương ngoan, hiền chứ không ngỗ nghịch như tôi.

Có hôm trời mưa, chúng tôi rủ nhau trốn học về nhà Chính, tôi và nó bì bõm đánh cá bằng lưới, bắt được một ít cá diếc bé con con, chúng tôi trêu nhau, “chắc là bọn cá này mới đi học vỡ lòng đã bị tóm cổ”. Rồi hai thằng rán ròn lên, vừa ăn vừa nhìn nhau cười khúc khích. Trong lớp tôi bấy giờ có một bạn gái tên là Lan, bố mẹ dạy ở trường Cao đẳng Kiểm sát. Không hiểu sao tôi rất mến Lan, Lan có vẻ cũng quan tâm đến tôi. Lại thêm mọi người cứ gán ghép chúng tôi với nhau, có lẽ bởi vì hai đứa đều hay cười, răng trắng, da trắng… giông giống nhau. Với sự hồn nhiên vô tư của tuổi học trò, có lần tôi đạp xe chở Lan về nhà. Trời chợt mưa. Đường trơn và thế là chúng tôi bị ngã, lồm cồm bò dậy, cả hai cùng hoảng hốt níu áo nhau, cùng hỏi một câu đầy lo lắng “cậu có làm sao không?”. Không ai trả lời, nhưng cái níu áo, cái việc bò lổm ngổm lo lắng cho nhau trong mưa ướt cũng đủ khiến cho hai gương mặt mới lớn ửng đỏ. Mặt tôi ra sao thì tôi không rõ. Nhưng mặt Lan thì đỏ như hai quả bồ quân. Cuộc chia tay đó của chúng tôi với những rung động đầu đời và nụ hôn vội vàng trên gò má ướt mưa…

 

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Ngày ra trường cả lớp ôm nhau khóc, ba năm tuổi học trò “vừa là người lớn vừa là trẻ con” với biết bao kỷ niệm, buồn vui lẫn lộn. Tốt nghiệp rồi, mỗi đứa một phương, như cánh chim bay vào bầu trời xanh thẳm cùng những ước mơ của riêng mình, với biết bao khát khao của tuổi trẻ, mỗi người mỗi phận, có người “lên voi”, có người bị cuộc sống vùi dập với những nỗi đau khôn cùng. Bấy giờ, tuổi mới lớn, xúc cảm bồng bột non nớt, tôi chỉ biết khóc vì chia ly, tiếc thương tuổi học trò với cánh phượng hồng bay bay sân trường trong câu hát sáo mòn. Nào đã biết có ngày đời mình bập vào bao nhiêu sai lầm đau xót. Nhưng bấy giờ tôi đã chịu khó đọc sách lắm. Càng đọc, càng học, tôi lại càng suy nghĩ nhiều về người cậu đã hy sinh trong chiến tranh của mình. Tôi càng thấy thương cậu, càng hiểu hơn nữa sự hi sinh mất mát của thế hệ cha ông đi trước, nó lớn như thế nào để có được ngày hòa bình thơ thới hôm nay.

Rồi cuộc sống cứ cuốn đi như nó vốn vẫn thường như thế.

 

Tốt nghiệp cấp ba, tôi thi đỗ Trường Cao đẳng Quản trị Kinh doanh, cuộc sống xa bố mẹ, xa anh chị vẫn nâng niu chăm sóc mình, tôi hiện nguyên hình là một chàng công tử bột quá mộng mơ. Tôi kiêu hãnh bởi được bạn bè và cô giáo chủ nhiệm bầu làm lớp trưởng. Nhà trường còn cho tôi học cảm tình Đảng, chuẩn bị tôi được đứng trong hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Chắc bởi tôi ăn nói được, cũng “xinh trai”, trắng trẻo, nhã nhặn, lại hoạt bát trong một số hoạt động xã hội.

Xa nhà, gã trai mới lớn, con nhà khá giả, được nuông chiều ấy chìm vào những buổi tối túm năm tụm ba uống rượu đến suốt đêm, hát karaoke đến mỏi mồm. Đi thêm một bước chân nữa, tôi sa đời mình vào vũng bùn ô uế của ma túy. Chỉ một bước chân, rồi cả đời lấm bùn. Bây giờ thì tôi hiểu, nếu trên thế gian này thật sự có ma, thì con ma đáng sợ nhất mà nhân loại biết được, đáng sợ hơn cả ma cà rồng (nếu ma cà rồng có thật), thì con ma ấy, là Ma Túy. Lúc phê thuốc, tôi như gã điên rồ, có thể ngẫu hứng khóc và cười. Có lần, tôi đi xe máy phân khối lớn, kẹp 4 thằng rú ga chạy ào ào. Qua cổng bảo vệ không thèm xuống dắt xe, tôi còn rú ga, vê côn, lượn như con rắn trúng đòn để trêu tức các chú bảo vệ. Tình cờ hôm đó, ông hiệu trưởng đi qua, thầy đã ra lệnh kỷ luật tôi rất nặng. Trưởng phòng đào tạo nhà trường là chỗ quen biết của ông anh rể nhà báo có uy tín của tôi. Ông đã gọi cho anh, cho bố mẹ tôi nói rằng, có dấu hiệu, có nhiều lời đồn cho rằng tôi đã nghiện ma túy. Tôi ăn chơi bất cần, hình ảnh anh chàng lớp trưởng năng nổ đang học cảm tình Đảng đã trở nên… thê thảm. Khi bằng chứng về sự hư hỏng của tôi đã rõ ràng, nhà trường yêu cầu tôi phải nghỉ học, tự thu xếp nghỉ học, thay vì có một cái “án” tống cổ khỏi môi trường sư phạm đó.

 

Tôi chìm vào thuốc phiện, rồi lại đánh đu đời mình với heroin. Lúc đầu là hút, sau là hít, sau nữa là bơm ma túy thẳng vào tĩnh mạch. Tôi thấm thía lắm, ma túy là thứ mà đã dính vào rồi thì thành nô lệ của nó. Nó xỏ mũi mình, xách mình đi như con vật, mình cũng phải chịu. Biết là mình biến thành con vật với các hành động điên rồ, bạo ngược, mà vẫn làm; làm rồi lại ân hận, biết vậy vẫn cứ làm. Đã dùng liều nhỏ, thì sớm muộn cũng phải dùng liều lớn hơn, chỉ có thể lớn hơn, chứ không bao giờ nhỏ đi. Các cụ đã cay đắng dạy “Ma túy ăn lên. Củ mài ăn xuống” là vì như vậy. Cơn nghiện lên, tôi đã chửi cả bà mẹ vô cùng kính yêu của mình, rằng bà keo kiệt, bà đừng lừa tôi, bà có tiền bà giắt ở cạp quần, bà không cho tôi chứ gì. Tôi giằng tiền của mẹ, tôi đeo cả sợi xích sắt đang xích ở chân mình, đi mua ma túy. Phê xong. Tôi trở về lại giày vò xin lỗi mẹ. Tôi quỳ xuống chân thành. Tôi đã tự tử chân thành vì tủi nhục (dù ở cuộc đời này, mấy ai còn tin vào nhân cách của kẻ nghiện!); vì bất lực trước sự hủy hoại của ma túy trong cơ thể mình, trong tâm hồn, trong nhân cách của mình…

 

Kỳ tiếp: Những ngày đầu chơi với “ma” 

 

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: phongchongmatuy.vn@gmail.com | Facebook: Viện PSD