Lời người hiệu chỉnh Nẻo về

Tôi hơi bất ngờ khi một người bạn cứ quyết liệt gọi điện, xin tôi “ngắt” cái sự ngày càng bận bịu đến vô tâm của mình ra để thu xếp gặp gỡ một con người mà anh ta coi là “rất kỳ lạ”. “Nhà báo sẽ thích nhân vật này ngay”.

 

Thận trọng ngồi xuống ghế trong mù mịt khói thuốc lá, tôi dò xét người bạn: có gì thì trình bày đi, “con người kỳ lạ” mà bạn nói là như thế nào? Kẻ lặn dưới đáy đại dương tìm hải vị, kẻ săn hổ săn gấu giữa hoang vu tìm sơn hào, kẻ sang Nam Phi buôn sừng tê giác, kẻ nghiện oặt giết cả người thân vùi xuống ao sâu, các vị đạo sư ẩn mình trên đỉnh tuyết sơn vĩnh cửu của nóc nhà thế giới Tây Tạng…, tớ đều đã gặp mặt và không còn coi là kỳ lạ nữa đâu đấy nhé - hơi hài hước và châmchọc, tôi nói với anh bạn. Người bạn ấy vẫn không nói gì, chỉ đưa mắt nhìn ra cửa quán: “Cậu này luôn đúng hẹn tới từng giây. Cậu ấy thường bảo tớ: Bí quyết thành công của một ông chủ tập đoàn nổi tiếng Nhật Bản, là gì cậu biết không? Là vặn đồng hồ nhanh 5 phút!”.

 

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

 

Vị khách được giới thiệu là “kỳ lạ” xuất hiện. Nụ cười tươi. Có vẻ chất phác. Anh ta hơi béo một chút so với người lái xe gầy gò của mình. Chiếc Camry cáu cạnh vù đi, trả lại vỉa hè chật hẹp cho chủ quán cà phê cau có. “Chào anh! Em tên là Lê Trung Tuấn”. Sinh năm 1977, Tuấn từng trải hơn so với cái tuổi 36 của mình rất nhiều. Tuấn bảo, em cũng sợ mùi thuốc lá phả một cách bất chấp sự lịch sự tối thiểu ở nơi công cộng như thế này.

 

“Đó là một nhà ngoại cảm có tiếng, từng được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng bằng khen, từng tâm huyết đưa ra chiến lược hành động và đã làm việc hết mình để tìm mộ liệt sĩ. Nhưng chuyện đó ta sẽ nói vào một dịp khác, nếu anh muốn nghe. Cái tôi muốn giới thiệu với anh, đó là chân dung của một kẻ nghiện ma túy đến “phê lòi”, đến “bẹp tai”. Anh ta đã phá phách, lừa lọc, trộm cắp, theo các băng nhóm giang hồ làm không ít điều bạo ngược, khiến người thân và xã hội đau đầu. Từng nhiều lần làm đầu gấu, đại bàng trong trung tâm cai nghiện, từng bị tống vào đồn công an giam giữ, từng tổ chức vượt biên, từng bảo kê cờ bạc, đâm thuê chém mướn. Nhưng rồi, sau những lần chết lâm sàng vì sốc heroin, anh ta đã dường như chuyển sang một “cảnh giới” khác. Phát lộ khả năng đặc biệt. Loại trừ vĩnh viễn khỏi ma túy. Đăm đắm tìm một “nẻo về” với cõi thiện, trở thành Đảng viên, thành một doanh nhân với số tài sản khổng lồ, với vài trăm công nhân lao động. Anh ta làm từ thiện, giúp đời, như một cách để chuộc lỗi với Đời. Mô-típ tướng cướp, con nghiện, ca ve hoàn lương chắc không mới với giới nhà báo các anh, nhưng tôi tin, Lê Trung Tuấn là một con người rất lạ. Lạ đến mức, tôi tin, những người nghiện ma túy, những người lầm lỡ, sẽ gặp ở đây một tấm gương thú vị để soi mình mà cảnh tỉnh. Cả người “tỉnh”, cũng có thêm một cơ hội để hiểu hơn, để quản lý giáo dục tốt hơn những… con nghiện”, người bạn tôi bấy giờ mới lên tiếng.

 

Lúc ấy tôi mới nhìn kỹ Lê Trung Tuấn, cái sự béo tốt của Tuấn thì dân gian vẫn gọi là “hơi phúc hậu quá” một cách mến mến, vui vui. Tuy nhiên, sự trắng trẻo, nụ cười thân thiện, gương mặt và thân hình “mũm mĩm” của anh ta đúng là không có dấu tích nào của một người từng nghiện ma túy “hết cỡ”. Tuấn bảo, ngày không thể nào quên ấy, ngày chết đi sống lại theo đúng nghĩa đen ấy, ngày 23/2/2001: sau nỗi đau quá lớn, em đã bỏ gần hai triệu đồng ra mua ma túy, tiêm tất cả heroin đó vào tĩnh mạch của mình, lên cơn “phê” kịch phát rồi bất tỉnh nhân sự suốt 6 tiếng đồng hồ. Ngày đó, là ngày cuối cùng em dùng ma túy. Tuyệt nhiên không bao giờ em còn dùng “nó” thêm một lần nào nữa. Chứ lúc còn ngập trong thuốc phiện, rồi heroin, rồi vật vã “lấy đêm làm ngày lấy ngày làm đêm”, rồi lang thang bờ bụi, giang hồ đâm chém, em chỉ nặng chưa đầy 40kg. Mắt trắng dã, môi thâm xì, dặt dẹo đến mức… bất kỳ ai cũng biết em là con nghiện.

“Chuyện đời em dài lắm”, đó là câu nói vừa vô tư, vừa như tiếng thở dài, vừa như… tự hào của Tuấn, sau mỗi lần trò chuyện với tôi. Tuấn thấm thía lẽ đời và có xúc cảm cuộc sống với góc nhìn khá văn chương, lời lẽ chứa nhiều triết lý thú vị. Có lúc rất đời, có lúc cũng hàn lâm của một người từng chịu học, chịu đọc. Có được điều đó, bởi vì Tuấn sinh ra ở một gia đình gia giáo, bố xung phong đi bộ đội, trải qua đánh Thực dân Pháp rồi đuổi Đế quốc Mỹ. Ông công tác ở Ban Cơ yếu Chính phủ đến khi nghỉ hưu. Mẹ Tuấn là cán bộ y tế có tâm, có năng lực. Bà đã cả đời cống hiến ở bệnh viện huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (bà nhiều năm làm trưởng khoa sản). Bản thân Tuấn được ăn học tử tế. Năm 1995, lúc vào học Trường Cao đẳng Quản trị Kinh doanh (của Ban vật giá Trung ương) ở dưới Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên, Tuấn đẹp trai, dễ mến, hát hay đàn giỏi, học hành chăm ngoan, còn được bầu làm lớp trưởng. Rồi cuộc đời đằng đẵng của một kẻ nghiện không thể “oặt” hơn đã đem cho Tuấn thêm những trăn trở, đau đớn, những vật vã sám hối rồi lại vật vã… đi hoang, phá phách, phạm tội. Bao nhiêu mất mát, đau thương, tưởng như lối về bị mình tự đem bít hết, cả Tuấn và vợ (một ca sỹ Sao Mai điểm hẹn có tiếng!) đã nhiều lần tìm cách tự tử, máu từng lênh láng, cái chết từng đến trong vài giờ, cả gia đình, cả làng cả nước đều biết điều đó…

Những mất mát ấy, thăng trầm xót xa ấy chẳng ai muốn; nhưng khi nó đã trót đến với bao nhiêu nước mắt tủi hờn rồi, thì nó cũng vô tình đem đến cho Tuấn những trải nghiệm kiểu “gừng già, gừng rụi, gừng cay”. Tuấn thấm thía lẽ đời hơn, thấy rõ cái giá của sự lương thiện, tính nhân văn, tình nhân ái hơn. Trân trọng từng giây phút tử tế của Đời hơn. Sau những sám hối, Tuấn lại lao vào ma túy “ma túy ăn lên, củ mài ăn xuống”, càng ngày càng nghiện nặng, càng ngày nhà càng nghèo, người thân càng bị “bóc lột” đến kiệt quệ, Tuấn càng dấn sâu vào lầm lạc, xã hội đen. Và, mỗi lần khát vọng hoàn lương bị dìm trong khói heroin, bị đâm chết bởi mũi xi lanh, Tuấn lại càng đau đớn trong tuyệt vọng.

Có lẽ bởi như thế, mà câu chuyện của Tuấn với tôi, thi thoảng lại có những cụm từ lặp lại, dường như Tuấn cố níu mình để không bật khóc “đó là kỷ niệm mà em không thể nào quên được”, “chắc là những hình ảnh đó cứ theo em suốt cuộc đời”, “em luôn ao ước trở về trả ơn, trở về hàn huyên với con người ấy”. Tuấn đa cảm hơn những gì người ta có thể biết về một người từng nhiều năm chìm đắm trong ma túy và lầm lạc đáng xấu hổ. Từng đối mặt với sự Trắng Tay về mọi nhẽ, từng cảm nhận sâu sắc rằng có lẽ đời mình không còn gì mà mất, không có gì để mà phấn đấu nữa, nên suy nghĩ của Tuấn thường có chiều dài bằng một kiếp phận người. Nó cứ dài từ cõi sống đến cõi chết, từ lúc sinh ra cho đến ngày nằm xuống vĩnh viễn, từ lúc mình phá đời mình, gia đình mình và xã hội đến lúc mình phải làm gì để tri ân, để hối lỗi. Gần như, thời gian nghiện ma túy là quãng đời Tuấn không sống bằng cuộc sống thường nhật của những người không nghiện khác. Tuấn tách mình ra để đối diện với những chiều kích lạ lùng của cảm xúc, sự tủi hờn, tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm; nỗi “hân hoan” khi có thuốc và nỗi đau đớn khi không làm sao giữ được mình sau những ngày tháng cai nghiện đều… lên đến đỉnh. Những cái “đỉnh” đó, là cơ sở để Tuấn quyết tâm tìm “nẻo về” để rồi luôn nghĩ đến sự báo đáp công ơn với Cuộc Đời.

Tôi bảo với Tuấn: “Tớ thận trọng lắm. Bao năm làm báo là bấy nhiêu năm tớ sống với đủ loại người, sự thận trọng trong thông tin là sống còn của nghề nghiệp, và hơn thế, sự không đáng tin cũng là bản chất của nhiều loại người trong xã hội hiện nay mà”. Chưa kịp để tôi nói hết ý của mình, Tuấn đã mỉm cười: “Đừng nghe ca- ve kể chuyện, chớ nghe con nghiện trình bày. Ý anh nói là như vậy, đúng không? Em đã từ bỏ hoàn toàn ma túy. Em không có lý do gì để gặp anh, để rồi nói dối anh. Anh có thể kiểm tra thông tin qua công an nơi em sinh sống, từ trưởng công an thị trấn cho đến lãnh đạo đội ma túy công an huyện, đến những người từng gặp em, đã và đang sống cùng nhà, cùng xóm mạc, cùng cơ quan với em. Nhưng, em đồng ý gặp anh để làm gì nhỉ? Chỉ vì một lý do duy nhất. Em muốn câu chuyện của mình trở thành bài học đích thực cho những người từng lầm lỡ như em. Từ trong sâu thẳm, từ những ngày chìm trong ma túy, em đã nghĩ đến điều này: giá mà có ai hiểu hơn tâm sự của những người nghiện, những người phạm tội. Cần hiểu họ hơn nữa. Không phải chỉ nhốt, xích, đánh con nghiện, vứt vào đó vài viên thuốc cắt cơn, rồi cho ăn cho uống qua loa, thế là họ Cai được. Không dễ gì mà một phiên tòa với nhà giam là hoàn lương được một con người. Mà ta phải hiểu tâm tư sâu thẳm của họ. Trong những lúc tủi nhục nhất với ma túy, em đã ước ao đến một ngày em từ bỏ Con Ma (ma túy) này, ai đó sẽ ngồi bên em, hiểu em đang nghĩ gì, biên tập lại những gì em viết và kể để in ra thành cuốn sách, thành những bài báo tặng cho tất cả những người “bạn nghiện” của em trên dải đất này. Bao năm, em không nghĩ mình bỏ được ma túy, lúc bỏ được rồi em vẫn không dám tin. Đơn giản, bởi em đã phải chết đi sống lại để từ bỏ nó… nhiều lần. Lúc tin là mình không rũ bỏ tất cả để đi tìm ma túy nữa, em càng không dám tin mình có thể có được một cái xe máy rách, làm nghề xe ôm kiếm ăn lần hồi được. Những tưởng ước mơ đó mãi mãi chỉ là ước mơ. Có lúc, em đã thở dài, tại sao cái lý do em trượt dài với ma túy và tội lỗi kia, cái lý do em từ bỏ được ma túy và tội lỗi kia nữa, tại sao những điều đó không quay trở lại giúp ích cho những người “cùng khổ” vì con ma đáng sợ nhất trên thế gian này - ma túy!? Em đã nghĩ rằng mình tìm được bí quyết cai nghiện ma túy, nếu thế, tại sao em không trao truyền nó cho những người cùng khổ như em độ ấy? Bí quyết đó là gì, chính em cũng chưa thể nói rành rọt được, nhưng rõ ràng em đã nắm được nó và đã thành công. Để chiến thắng ma túy, người nghiện phải dũng cảm đối diện với nỗi đau, phải đi xuyên qua nó. Đừng lẩn tránh nó, đừng bị dư luận, sự kỳ thị của ai đó đánh gục. Phải có niềm tin, sự tri ân với lòng tốt, với thế hệ trước. Luôn tin là mình có thể từ bỏ ma túy trong một ngày nào đó…”.

Nói xong, Tuấn vuốt mồ hôi trên khuôn mặt trắng trẻo. Thân hình đẫy đà của Tuấn khiến anh ta hay cảm thấy nóng nực, đổ mồ hôi hột ngay cả khi đang ngồi trong căn phòng có gắn điều hòa; hay anh ta đang sợ hãitrong ký ức thảm sầu về ma túy? Tuấn giở điện thoại Iphone của mình ra, đọc cho tôi nghe một đoạn trên face book của Tuấn, “em mới viết đêm qua, lại một đêm không thể nào ngủ nổi vì những ám ảnh sợ hãi với ma túy ngày trước, cũng như sự trăn trở khi nghĩ về không ít các bạn trẻ bây giờ… Có lẽ, dạo này hay ngồi với anh kể chuyện cũ, nỗi đau nó lại giày vò”. Tuấn đọc những điều mình viết rất văn chương, khá sinh động và đầy khát vọng hướng thiện cho “bạn nghiện” ở đâu đó. Rằng đám bạn hư cầm xi lanh, thứ nước heroin trắng đục lờ đờ ấy cứ phun vào tĩnh mạch Tuấn, ven vỡ hết, chúng nó lấy ven ở tít trên háng của Tuấn. Bọn chúng lột truồng Tuấn ra. Tuấn gào lên, hãy tha cho tôi, tôi còn bố mẹ già, còn vợ trẻ và những giấc mơ không tủi hổ. Chúng nó vẫn xông tới. Cần phải lôi Tuấn vào nẻo nghiện, thì chúng nó mới có tiền phung phí thác loạn. Rồi Tuấn nằm chết ở nghĩa trang, rồi vợ Tuấn, cô ca sỹ xinh đẹp kia rời màn hình tivi về đứng trên mố cầu trước nhà để tự tử. Rồi máu cô ấy tràn lênh láng sau nhà sau lần dùng dao lam cắt tĩnh mạch quyên sinh”.

Sau mỗi lần Tuấn rơi vào hoảng loạn vì những giấc mơ đau như thế, tôi và Tuấn lại ngồi bàn về một cuốn sách, cùng viết bằng tinh thần thiện nguyện, bằng giấc mơ về lòng tử tế của Tuấn. Sách ấy sẽ đem tặng các trại giam, các trung tâm cai nghiện, với mong muốn tha thiết, góp một tiếng nói chia sẻ, động viên, muốn một sự thấu hiểu cần thiết với tâm trạng, với khát khao ít người biết tới của tất cả những bệnh nhân đặc biệt, những người đang vật vã, đau đáu, rớt nước mắt, nhọc nhằn tìm về nẻo thiện.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: phongchongmatuy.vn@gmail.com | Facebook: Viện PSD