GIỚI THIỆU PHƯƠNG PHÁP CHỐNG TÁI NGHIỆN MA TÚY (tiếp theo)

Chỉ với điều kiện người nghiện mong muốn thoát ra khỏi tình trạng nghiện, phương pháp “Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm” của PSD sẽ là công cụ hữu hiệu giúp họ đạt được khát vọng độc lập với vấn đề ma túy, và hơn thế nữa, giúp họ khẳng định bản thân mình một cách lành mạnh trong cuộc sống mới.

1.     ĐẶT VẤN ĐỀ

 

Cuộc chiến toàn cầu chống ma túy sau 50 năm Công ước Quốc tế của Liên hợp Quốc về phòng chống Ma túy đã thất bại với những hậu quả nặng nề đối với con người và xã hội trên toàn thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, chiến lược xóa bỏ hoàn toàn ma túy vào năm 2015 mà chính phủ các nước này đã ký cam kết đến nay có thể thấy rằng không thể thực hiện được. Cuộc chiến chống lại ma túy cho thấy sự cam go trên phạm vi toàn cầu cũng như trong khu vực Đông Nam Á [1].

 

Trong vòng xoáy lốc đó, Việt Nam cũng đang chịu tác động lớn từ ma túy. Đến cuối tháng 9 năm 2014 cả nước có 204.377 người nghiện; số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm kể từ năm 1994 đến nay (năm 1994 là 55.445 người). Trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 7.000 người nghiện ma túy. Đây thực sự là một thực trạng đáng báo động!

 

Hiện người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn; đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội từ học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, đại đa số (74%) ở độ tuổi 18-35 (độ tuổi lao động) và có 1% dưới 18 tuổi. Người nghiện sử dụng heroin là 72% và có xu hướng giảm dần, trong khi tỷ lệ người sử dụng các chất dạng Amphetamine (ATS), thường gọi là ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng (14.5 % ở thời điểm tháng 9 năm 2014 so với 2.5% năm 2005). Báo cáo của Chính phủ cho biết với một người cai nghiện bắt buộc, ngân sách phải chi tới 9.440.000 đồng/năm, đối tượng chính sách là 14.840.000 đồng/năm[2]. Ma túy và những hệ lụy của nó thực sự trở thành nỗi trăn trở của toàn xã hội. 

 

Methamphetamine dạng tinh thể rắn (ảnh: minh họa)

 

Theo quan điểm Y học, nghiện ma túy hiện được coi là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ. Điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm cầu ma túy trong nhân dân. Tuy nhiên, theo Bộ LĐTB&XH, công tác cai nghiện ma túy, hỗ trợ người sau cai hiện chưa thực sự hiệu quả. Theo nhiều báo cáo, tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện lên đến 90% [3]. Trên thực tế, những khó khăn trong công tác điều trị và hỗ trợ sau cai nghiện không chỉ là thách thức của riêng Việt Nam mà nó đang là vấn đề mang tính toàn cầu.

 

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều phương pháp cai nghiện trong đó có hai nhóm cơ bản là  nhóm gồm các liệu pháp dùng thuốc và nhóm các liệu pháp không dùng thuốc. Các liệu pháp dùng thuốc có thể kể đến như: Phương pháp giảm dần, hay giảm liều (giảm liều lượng ma túy ngày một ít đi  trong thời gian từ 13 - 30 ngày để cho người nghiện thích nghi dần dần với việc giảm liều và tiến tới không sử dụng ma túy nữa); Điều trị bằng các chất thay thế (sử dụng các chất dạng thuốc phiện như Methadone, Buprennophine, LAAM để thay thế thuốc phiện); Dùng thuốc hướng thần (dùng các thuốc giải lo âu, an thần kinh, thuốc chống trầm cảm cắt cơn  trong vòng từ 7 - 10 ngày); Dùng thuốc đối kháng (dùng thuốc Naltrexone, Danapha - natrex 50, Albernil để điều trị duy trì chống tái nghiện các chất dạng thuốc phiện); Thuốc Đông y (là các thuốc có nguồn gốc thảo dược, tính an toàn cao không gây độc có hiệu lực trong hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy và ở Việt Nam có thuốc Bông Sen, Cedemex).

 

Các liệu pháp không dùng thuốc có thể kể đến như: Phương pháp cai khô (cô lập bệnh nhân hoàn toàn không cho tiếp xúc với môi trường bên ngoài, ngừng hoàn toàn việc sử dụng ma túy ở người nghiện, cơn nghiện sẽ giảm sau 7 - 10 ngày); Phương pháp phẫu thuật thùy trán (nhằm phá hủy một số điểm ở thùy trán của não có liên quan đến sự thèm muốn ma túy của người nghiện); Phương pháp thụy miên (cho bệnh nhân ngủ giấc nhân tạo từ 3 - 7 ngày, khi tỉnh dậy sẽ không có cơn nghiện); Phương pháp điện châm (dùng điện châm mỗi khi người bệnh xuất hiện cơn nghiện ma túy để cắt đứt cơn); Phương pháp thanh tẩy - giải độc (thực hiện trên phạm vi rộng thông qua việc tập thể dục, tắm hơi theo chỉ dẫn, ăn uống đầy đủ để giữ cân bằng nước - muối khoáng cho cơ thể); Liệu pháp tâm lý (trị liệu nhận thức - hành vi, trị liệu gia đình, giáo dục trị liệu, lao động trị liệu…. nhằm thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi của người nghiện dẫn tới việc từ bỏ ma túy).

 

Phẫu thuật não là phương pháp còn gây nhiều tranh cãi (ảnh minh họa: Internet)

 

Có thể thấy khá nhiều các liệu pháp điều trị nghiện ma túy đã được nghiên cứu và ứng dụng tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Do vậy, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng nhằm hoàn thiện tiến trình trợ giúp nói chung, trợ giúp tâm lý nói riêng cho người nghiện ma túy có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện đại và đối với nhu cầu được trở lại cuộc sống của những người sa chân vào con đường nghiện ma túy.

 

 

Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, tham khảo cả trên lý thuyết và thực tế, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (Tên viết tắt: PSD) đã hoàn thiện phương pháp chống tái nghiện ma túy mang tính đột phá: “Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm”. Phương pháp được thực hiện trên quan điểm nền tảng rằng người nghiện không bị dán nhãn “mắc căn bệnh không bao giờ chữa được”, không bị kỳ thị rằng “không thể tin họ cho đến hết cuộc đời”. Chỉ với điều kiện người nghiện mong muốn thoát ra khỏi tình trạng nghiện, phương pháp “Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm” của PSD sẽ là công cụ hữu hiệu giúp họ đạt được khát vọng độc lập với vấn đề ma túy, và hơn thế nữa, giúp họ khẳng định bản thân mình một cách lành mạnh trong cuộc sống mới.

Trung tâm PSD

 

 

 

 


[1] Chung Á, Việt Nam với cuộc chiến chống ma túy, http://tiengchuong.vn/Nghien-cuu-Chuyen-de/Viet-Nam-voi-cuoc-chien-chong-ma-tuy/10594.vgp, Truy cập ngày 15/10/2014.

[2] Anh Phương, Trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 7.000 người nghiện ma túy, http://www.giaoduc.edu.vn/news/xa-hoi-659/trung-binh-moi-nam-viet-nam-co-them-khoang-7000-nguoi-nghien-ma-tuy-236246.aspx, Truy cập ngày 27/10/2014.

[3]Trần Việt, Nghiện, cai nghiện, tái nghiện, http://www.anninhthudo.vn/xa-hoi/nghien-cai-nghien-tai-nghien/422494.antd, Truy cập ngày 15/10/2014.

 

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD