Đổi mới giải pháp phòng ngừa lạm dụng ma túy trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Bài 2: Đổi mới công tác phòng ngừa trong bối cảnh hòa nhập quốc tế.

TS. Nguyễn Thị Vân

 

Bài 2: Đổi mới công tác phòng ngừa trong bối cảnh hòa nhập quốc tế.

TS. Nguyễn Thị Vân

Các chương trình phòng ngừa ma tuý ngoài các chương trình phổ quát cần có các chương trình chọn lọc, chương trình chỉ định được thiết kế cho từng nhóm đối tượng theo các độ tuổi. Cụ thể:

  • Ở giai đoạn trẻ còn trong bụng mẹ và sơ sinh: Phòng ngừa ma tuý thông qua các can thiệp có chọn lọc với các bà mẹ mang thai và sử dụng ma tuý: cung cấp các kỹ năng làm mẹ cơ bản, tư vấn về việc sử dụng ma tuý, điều trị các bệnh đồng diễn, hỗ trợ giải quyết các nhu cầu về nhà ở, pháp lý, việc làm ở người mẹ…

  • Ở độ tuổi thơ ấu: Giáo dục sớm cho trẻ để hỗ trợ phát triển xã hội và nhận thức của trẻ ở độ tuổi thơ ấu, trước khi tới trường (2 – 5 tuổi) trong các cộng đồng có khó khăn. Đây là một loại hình can thiệp có chọn lọc và được đánh giá là giúp giảm nguy cơ sử dụng thuốc lá, cần sa và các loại ma tuý khác ở trẻ khi trưởng thành. Giáo dục sớm cho trẻ ở các cộng đồng có nhiều bất lợi cũng giúp dự phòng các hành vi nguy cơ khác, các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, hỗ trợ thành công trong học tập và hoà nhập xã hội ở các giai đoạn sau này.

  • Ở độ tuổi trung ấu (độ tuổi nhi đồng, tiểu học): Ở độ tuổi này trẻ sẽ giảm dần thời gian ở cùng gia đình, thay vào đó là dành thời gian tại trường học và với bạn bè cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, ở độ tuổi này gia đình vẫn là tác nhân xã hội vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, phòng ngừa ma tuý cho trẻ ở thời kỳ trung ấu cần phải có các chương giúp dạy kỹ năng làm cha mẹ. Đây vừa là chương trình phổ quát, đồng thời có thể là chương trình chọn lọc giúp cha mẹ có được các kỹ năng để đưa ra các quyết định đúng đắn và trở thành tấm gương cho con cái. Đây là một trong những yếu tố bảo vệ quan trọng nhất với lạm dụng chất và các hành vi nguy cơ khác ở trẻ. Các chương trình này cũng có thể áp dụng cho cha mẹ có con ở giai đoạn đầu tuổi vị thành niên.

Ở độ tuổi trung ấu, vai trò của nhà trẻ, trường học và các nhóm bạn bè bắt đầu lớn dần, các yếu tố như các chuẩn mực xã hội, văn hóa trường học và chất lượng giáo dục ngày càng trở nên quan trọng cho sự phát triển an toàn và lành mạnh về mặt cảm xúc, nhận thức và xã hội. Chính vì vậy các chương trình dự phòng cần bao gồm cả dạy kỹ năng cá nhân và xã hội cho trẻ, giúp trẻ có các kỹ năng ứng phó với các tình huống khó khăn trong cuộc sống hằng ngày bằng cách an toàn và lành mạnh.

Các chương trình phổ quát nhằm cải thiện môi trường lớp học, tăng cường khả năng quản lý lớp học của thầy cô và giúp trẻ trở thành các học sinh tốt hơn, giảm các hành vi gây rối và hung hăng thông qua tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, ngoại khoá cho trẻ cũng rất quan trọng. Các chính sách khuyến khích trẻ tới trường, khuyến khích các gia đình cho con đi học cũng giúp cho trẻ có được một môi trường học tập, vui chơi hoà đồng với các bạn, là một yếu tố bảo vệ quan trọng.

  • Ở giai đoạn đầu tuổi vị thành niên: Đây là thời điểm để “thử” vai trò và trách nhiệm làm người lớn. Mong muốn được “làm người lớn’ và tự chủ hơn khi đang có các thay đổi quan trọng diễn ra trong não bộ của trẻ vị thành niên cũng tạo ra thời điểm cơ hội cho các quyết định “bốc đồng” và các hành vi nguy cơ tiềm ẩn, như các hành vi tình dục nguy cơ, hút thuốc và uống rượu, hành vi lái xe không an toàn và sử dụng ma túy. Chính vì vậy ở giai đoạn ngày các hoạt động phòng ngừa cần bao gồm các chương trình giáo dục dự phòng dựa trên các kỹ năng bản thân và xã hội và các ảnh hưởng xã hội. Các chương trình này giúp tăng cường kỹ năng từ chối rủ rê sử dụng chất ở bạn bè cũng như ứng phó với các sức ép xã hội về sử dụng ma tuý và ứng phó với các vấn đề khác trong cuộc sống theo cách lành mạnh.

Các chương trình can thiệp cho thanh thiếu niên ở độ tuổi này cũng cần giúp các em có hiểu biết đầy đủ hơn về các chất ma tuý và hậu quả của việc lạm dụng các chất ma tuý, các kỳ vọng tích cực và tiêu cực liên quan tới sử dụng các chất gây nghiện, biểu hiện của việc bị lệ thuộc các chất ma tuý khác nhau (ví dụ người nghiện chất kích thích dạng amphetamine, ví dụ “hàng đá” thường sẽ không có các biểu hiện về hội chứng cai như người nghiện chất dạng thuốc phiện, vì vậy nhiều người chủ quan vẫn nghĩ mình không nghiện). Các chương trình dự phòng can thiệp nâng cao kỹ năng làm cha mẹ hay cải thiện môi trường lớp học… vẫn rất quan trọng ở giai đoạn này. Ngoài ra, cần có các can thiệp chỉ định được thiết kế dành riêng cho những thanh thiếu niên (cả ở độ tuổi đầu vị thành niên và độ tuổi vị thành niên) có các đặc điểm tính cách có nguy cơ cao như bốc đồng, hay lo lắng, tuyệt vọng, thích tìm kiếm khoái cảm… Các can thiệp này giúp các em có các kỹ năng ứng phó một cách tích cực với các cảm xúc xuất phát từ tính cách của mình thay vì tìm đến với rượu hay ma tuý.

  • Ở tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành:

Khi thanh thiếu niên lớn lên, bên cạnh các can thiệp và chính sách tại trường học tương tự nhự cho trẻ ở giai đoạn đầu tuổi vị thành niên (như cải thiện môi trường lớp học, truyền thông nâng cao nhận thức về rượu bia và các chất ma tuý, cac chương trình tư vấn, kèm cặp hỗ trợ ứng phó với các cảm xúc tiêu cực…) cần chú trọng tới các hoạt động phòng ngừa ở những môi trường ngoài gia đình và trường học, như tại nơi làm việc, địa điểm vui chơi và cộng đồng...

Việc phòng ngừa ma tuý ở độ tuổi vị thành niên rất quan trọng. Như đã đề cập, việc sử dụng ma túy sớm làm tăng khả năng bị nghiện của một người. Vì vậy, việc ngăn ngừa sớm việc sử dụng ma túy có thể giúp giảm thiểu những nguy cơ nghiện ma tuý và những hậu quả nghiêm trọng theo sau đó. Nguy cơ sử dụng ma túy tăng lên rất nhiều trong thời gian chuyển tiếp. Đối với một người trưởng thành, ly hôn hoặc mất việc làm có thể làm tăng nguy cơ sử dụng ma túy. Đối với một thanh thiếu  niên, những thời điểm rủi ro bao gồm chuyển nhà, cha mẹ ly dị hoặc chuyển trường.[1] Việc chấp nhận rủi ro ở mức độ nhất định là bình thường trong quá trình phát triển của thanh thiếu niên. Tìm kiếm những cái mới, những thử thách và thể hiện sự độc lập là mong muốn lành mạnh nhưng nó cũng có thể làm tăng nguy cơ thử nghiệm ma túy ở thanh thiếu niên. Sự phát triển chưa đầy đủ của não, nhất là ở khả năng phán đoán và ra quyết định, đã hạn chế khả năng đánh giá chính xác rủi ro của việc thử nghiệm ma túy ở thanh thiếu niên và khiến thanh thiếu niên dễ bị áp lực từ bạn bè hơn.[2]

Hoạt động dự phòng có thể bao gồm các can thiệp ngắn, thông qua các buổi tư vấn cá nhân hướng tới những người đã bắt đầu sử dụng ma tuý. Các can thiệp này có thể được thực hiện bởi các nhân viên công tác xã hội hay nhân viên y tế đã qua đào tạo ở các cơ sở y tế ban đầu, trường học hoặc nơi làm việc. Các can thiệp này thường chỉ kéo dài 5 - 15 phút, bắt đầu bằng việc xác định liệu có vấn đề lạm dụng chất và cung cấp tư vấn cơ bản phù hợp ngay lập tức và/hoặc chuyển gửi tới điều trị nếu xác định đối tượng đã có thể nghiện ma tuý.

Với những trẻ vị thành niên hay người trưởng thành đang lạm dụng ma tuý, các phiên can thiệp tâm lý xã hội sử dụng phương pháp phỏng vấn tạo động lực cũng có thể được thực hiện để giúp đối tượng nhận diện vấn đề đang gặp phải, đưa ra các quyết định và mục tiêu giải quyết tình trạng lạm dụng ma tuý của mình.

Các can thiệp dự phòng tại nơi làm việc rất quan trọng với người trưởng thành bởi phần lớn tình trạng lạm dụng chất xảy ra ở người lớn đã đi làm. Những căng thẳng tại nơi làm việc có thể làm gia tăng đáng kể nguy cơ lệ thuộc ma tuý (nghiện) trong nhóm thanh niên hoặc người trưởng thành có sử dụng ma tuý. Người lao động lạm dụng ma tuý thường có tỷ lệ vắng mặt cao hơn, hiệu quả làm việc kém hơn, thường dễ gây tai nạn, có chi phí chăm sóc sức khỏe và nghỉ việc cao hơn. Các chương trình dự phòng tại nơi làm việc có thể bao gồm các yếu tố và chính sách dự phòng, cũng như tư vấn và chuyển gửi điều trị.

Tại cấp cộng đồng, hoạt động dự phòng có thể bao gồm các nỗ lực huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp các kỹ thuật và tài chính để nâng cao năng lực cho cộng động, giúp cộng đồng đương đầu với vấn đề lạm dụng ma tuý. Cuối cùng, các chiến dịch truyền thông phòng chống ma tuý là hoạt động không thể bỏ qua bởi khả năng tiếp cận nhiều người một cách dễ dàng.


 

[1] Hatsukami DK, Fischman MW. Crack cocaine and cocaine hydrochloride: Are the differences myth or reality. JAMA 276:1580-1588, 1996.

[2] Krohn MD, Lizotte AJ, Perez CM. The interrelationship between substance use and precocious transitions to adult statuses. J Health Soc Behav 38(1):87-103, 1997 .

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD