Đề tài nghiên cứu: Nhận thức của học sinh, sinh viên về ma túy và các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy trong trường học.
1. Lý do nghiên cứu
Ma túy luôn là một vấn đề nhức nhối được cả xã hội quan tâm hàng đầu bởi lẽ nó không chỉ để lại những hệ lụy đau đớn đối với bản thân, gia đình người sử dụng mà còn trở thành hiểm hoạ đối với toàn xã hội, đe doạ sự phát triển bền vững của đất nước. Theo số liệu thống kê của Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, trong năm 2013, cả nước có gần 180.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 8.259 người, tương đương 4,8% so với năm 2012. Và một điều chắc chắn, con số này không chỉ dừng lại ở đây mà vẫn tiếp tục gia tăng hàng ngày, hàng giờ. Điều đáng lo ngại hơn cả là ma túy đang tấn công ngày càng mạnh vào môi trường học đường; hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Cụm từ “Ma túy học đường” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, phần nào cho thấy tình trạng đáng báo động về việc học sinh lạm dụng chất gây nghiện ở trường học hiện nay. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn; các em học sinh, sinh viên không được bảo vệ kịp thời trước sự đe dọa của “cái chết trắng” thì chúng ta thật khó có thể tưởng tượng được những hậu quả kinh hoàng nào sẽ xảy đến.
Một trong những biện pháp được sử dụng để góp phần làm giảm số người tìm đến với ma túy, giảm những nỗi ám ảnh do ma túy gây ra là truyền thông tới cộng đồng về ma túy và tác hại của nó. Và nhóm cộng đồng cần được tuyên truyền nhất chính là lứa tuổi học sinh, sinh viên bởi những rủi ro, những nguy cơ khiến các em có hành vi sử dụng ma túy và dẫn đến nghiện là rất cao. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, trong nhiều năm nay, hoạt động truyền thông trong phòng chống ma túy ở tất cả các cấp học, bậc học trở thành vấn đề được nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm. Hàng năm, các cuộc thi tìm hiểu về ma túy, các buổi mít tinh, diễu hành, các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy vẫn được tổ chức thường xuyên tại nhiều trường học. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của toàn xã hội nhằm ngăn chặn sự bùng phát của tệ nạn này; tình hình học sinh, sinh viên sử dụng và có liên quan đến ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp với số lượng ngày càng gia tăng. Vậy hiệu quả của các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy được thực hiện trong các trường học hiện đang ở mức nào? Đó vẫn đang là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng ma túy ở học sinh, sinh viên; tuy nhiên có thể khẳng định rằng, một trong số những nguyên nhân hàng đầu, đó chính là do sự nhận thức của các em về ma túy và tác hại của nó còn thấp và chưa đầy đủ. Vì thế nên việc đánh giá được thực trạng nhận thức của học sinh, sinh viên về ma túy hiện nay như thế nào; từ đó tập trung bổ sung những kiến thức còn thiếu cho các em cũng như những kỹ năng cần thiết để các em có thể tự bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy học đường là điều vô cùng cần thiết.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu “Nhận thức của học sinh, sinh viên về ma túy và các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy trong trường học” để phần nào đánh giá được thực trạng nhận thức của học sinh, sinh viên về ma túy hiện nay cũng như mong muốn chỉ ra được những mặt tích cực và những mặt còn hạn chế của các hoạt động truyền thông trong trường học. Từ đó có được những hướng giải pháp mới nhằm bổ sung nâng cao hiểu biết, kỹ năng liên quan đến ma túy cho các em học sinh sinh viên; cũng như có những đề xuất giúp cho hoạt động truyền thông trong trường học đạt được hiệu quả cao nhất.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Với đề tài nghiên cứu này, chúng tôi hi vọng sẽ đưa đến được cái nhìn bao quát hơn, khách quan hơn về sự hiểu biết của học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội về ma túy nói chung. Đánh giá được mức độ nhận thức này là điều rất cần thiết vì nhận thức có mối liên hệ chặt chẽ với thái độ, cảm xúc và hành vi. Vì vậy, việc học sinh, sinh viên được trang bị những kiến thức đầy đủ về ma túy không chỉ giúp các em hiểu rõ về những tác hại của nó, biết cách bảo vệ mình và người thân trước hiểm họa ma túy; mà còn giúp các em có những thái độ, hành vi đúng đắn, tích cực khi tham gia các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy ở trường học nói riêng và ở cộng đồng nói chung.
Đồng thời, thông qua các kết quả nghiên cứu, chúng tôi cũng đưa ra được những đánh giá bước đầu về thực trạng triển khai và tính hiệu quả của các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy tại trường học trong việc nâng cao nhận thức về ma túy của đối tượng học sinh, sinh viên; từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm giúp các hoạt động truyền thông trở nên phù hợp hơn với tâm sinh lý của học sinh, sinh viên; đặc biệt góp phần làm tăng hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của các em về ma túy, giúp cho môi trường học đường trở nên trong sạch hơn, lành mạnh hơn.
3. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Nhận thức của học sinh, sinh viên về ma túy và các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy trong trường học.
3.2 Phương pháp nghiên cứu
a. Nghiên cứu tài liệu
-Với đề tài này, chúng tôi nghiên cứu những tài liệu liên quan đến các hoạt động truyền thông được sử dụng phổ biến trong việc tuyên truyền phòng, chống ma túy ở trường học hiện nay và những tài liệu liên quan đến ma túy cũng như những hậu quả, tác hại do nó gây ra.
-Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu các đặc điểm tâm lý của học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và sinh viên Đại học. Đồng thời, chúng tôi tìm hiểu hệ thống cơ sở lí luận về nhận thức và các thang đo nhằm đánh giá được mức độ nhận thức của khách thể về ma túy thông qua việc tiếp xúc với truyền thông phòng, chống ma túy trong môi trường học đường.
b. Phương pháp nghiên cứu định lượng
Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng nhằm thu thập thông tin, đánh giá mức độ nhận thức của các em học sinh sinh viên về ma túy và tác hại của nó cũng như việc triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy trong trường học.
c. Phương pháp nghiên cứu định tính
Áp dụng phương pháp phỏng vấn sâu nhằm tìm hiểu rõ hơn mức độ nhận thức về ma túy của học sinh, sinh viên hiện nay như thế nào; những kiến thức và hiểu biết đó các em có được từ đâu và những hoạt động truyền thông phòng chống ma túy nào trong trường học các em được tiếp cận. Từ đó, chúng tôi có thể hiểu được một cách khá toàn diện những tác động của các hoạt động truyền thông đến nhận thức của các bạn học sinh; các hoạt động đó góp phần nâng cao nhận thức của các bạn về ma túy ở mức nào? Việc tiếp xúc với nhiều thông tin có được từ việc tham gia các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy ở trường học có bao giờ khiến các em nảy sinh sự tò mò, ham muốn đối với ma túy hay không?
Ngoài ra, việc áp dụng phương pháp phỏng vấn sâu cũng giúp chúng tôi tìm hiểu rõ hơn những mong muốn, nguyện vọng, đề xuất của các bạn học sinh, sinh viên đối với các hoạt động truyền thông; từ đó có được những định hướng mới giúp cho việc nâng cao hiệu quả của các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy trong trường học.
d. Phương pháp chọn mẫu
Nghiên cứu đã khảo sát trên 1.100 mẫu là các em học sinh, sinh viên tại 5 quận nội thành Hà Nội: Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và quận Hà Đông với số lượng học sinh THCS là 400 mẫu, học sinh THPT là 300 mẫu, và 400 mẫu là sinh viên Đại học.
4. Thời gian thực hiện
- Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6/2014 đến tháng 9 năm 2014.
- Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trong cuộc hội thảo tháng 10/2014
Trung tâm PSD
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD