Xử Trí Khi Gặp Người Bị Sốc, Ngộ Độc, Quá Liều Ma Túy: Học Sinh Cần Làm Gì?

Sốc ma túy, ngộ độc hay quá liều là những tình trạng vô cùng nguy hiểm, có thể xảy ra bất ngờ và đe dọa tính mạng người sử dụng. Việc hiểu rõ biểu hiện và biết cách xử trí đúng cách có thể giúp cứu sống một mạng người – đặc biệt là trong môi trường học đường, nơi học sinh đôi khi vô tình chứng kiến tình huống này.

Ma túy và những hiểm họa khôn lường

Ma túy không chỉ hủy hoại sức khỏe người sử dụng mà còn là mối hiểm họa cho cả cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, người dùng rơi vào tình trạng sốc, ngộ độc hoặc quá liều – đây là những tai biến nguy kịch, có thể dẫn tới rối loạn tâm thần, tổn thương nội tạng hoặc tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Sốc/Ngộ độc/Quá liều ma túy là hậu quả của việc dùng ma túy vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể, hoặc sử dụng nhiều loại ma túy cùng lúc, đặc biệt khi kết hợp với rượu, bia hoặc thuốc an thần.

 

Nhận diện biểu hiện sốc ma túy theo nhóm chất

1. Nhóm chất dạng thuốc phiện (Opiats): Heroin, morphine,…

Đây là nhóm ma túy có nguy cơ gây sốc cao nhất, nhất là khi tiêm chích hoặc sử dụng với liều cao.

Biểu hiện bên ngoài:

  • Co giật, lơ mơ, hôn mê

  • Đồng tử co nhỏ, da tái xanh, người lạnh

  • Không phản ứng khi gọi hay lay

Tác động bên trong cơ thể:

  • Thần kinh: Ức chế mạnh

  • Hô hấp: Thở chậm, nông, nguy cơ suy hô hấp

  • Tim mạch: Rối loạn nhịp tim, ngừng tim

  • Tiêu hóa: Buồn nôn, giảm nhu động ruột

  • Thận: Nguy cơ suy thận cấp

  • Tuần hoàn: Giảm huyết áp, hạ đường máu

2. Nhóm ma túy tổng hợp (ATS): Ma túy đá, lắc, ke,…

Các chất kích thích tổng hợp gây rối loạn thần kinh mạnh, dễ dẫn đến hành vi nguy hiểm.

Biểu hiện bên ngoài:

  • Tăng hoặc giảm thân nhiệt bất thường

  • Run rẩy, co giật, sùi bọt mép

  • Hung hãn, kích động, hoảng loạn

Tác động bên trong cơ thể:

  • Tim mạch: Nhịp tim nhanh, tăng huyết áp

  • Thần kinh trung ương: Xuất huyết não, hôn mê

  • Hô hấp: Phù phổi cấp, suy hô hấp, viêm phổi

  • Vận động: Giãn đồng tử, co giật, bất thường trong vận động

 

Nguy hiểm rình rập: Hậu quả khi sốc ma túy

Khi bị sốc hoặc ngộ độc ma túy, người sử dụng dễ rơi vào trạng thái:

  • Suy hô hấp, trụy tim

  • Xuất huyết não, đột quỵ

  • Hôn mê, tử vong nếu không cấp cứu kịp thời

Nguy hiểm hơn, người bị sốc ma túy có thể trở nên mất kiểm soát, gây tổn thương cho chính bản thân và người khác.

 

Học sinh cần làm gì khi gặp người sốc ma túy?

Đối với học sinh THCS:

  • Giữ bình tĩnh, không hoảng loạn.

  • Hô hoán để người lớn biết, hoặc chạy đi tìm sự giúp đỡ ngay.

  • Gọi số 115 càng sớm càng tốt – cung cấp địa điểm, tình trạng nạn nhân, biểu hiện nếu có.

  • Tuyệt đối không tự ý lay gọi, tát vào mặt hay dội nước vì có thể khiến tim nạn nhân ngừng đập.

Đối với học sinh THPT:

  • Giữ bình tĩnh, không bỏ mặc nạn nhân.

  • Nhanh chóng gọi cấp cứu 115 và thông báo địa điểm.

  • Tìm người hỗ trợ, gọi thêm sự giúp đỡ từ người lớn.

  • Nới lỏng quần áo, giúp nạn nhân dễ thở.

  • Dọn sạch miệng mũi nạn nhân nếu có vật cản trở đường thở.

  • Nếu được đào tạo sơ cứu, có thể hỗ trợ hô hấp nhân tạo trong khi chờ xe cứu thương.

 

Lời cảnh tỉnh: "Đừng bao giờ thử dù chỉ một lần!"

Ma túy không hề “vui” hay “thử cho biết”. Chỉ một lần dùng thử có thể là khởi đầu cho bi kịch, và cái chết có thể đến bất ngờ nếu bạn hoặc người thân rơi vào tình trạng sốc, ngộ độc hoặc quá liều.

Hãy nói KHÔNG với ma túy – vì chính bạn, vì bạn bè và vì một môi trường học đường an toàn.

Viện PSD

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: phongchongmatuy.vn@gmail.com | Facebook: Viện PSD