Như chúng ta đã biết, khi cá nhân sử dụng ma túy thường xuyên, liên tục trong một thời gian dài thì cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng lệ thuộc vào ma túy (hay còn gọi là nghiện). Tình trạng lệ thuộc này được thể hiện qua sự lệ thuộc về mặt thể chất và sự lệ thuộc về mặt tâm lý.
Như chúng ta đã biết, khi cá nhân sử dụng ma túy thường xuyên, liên tục trong một thời gian dài thì cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng lệ thuộc vào ma túy (hay còn gọi là nghiện). Tình trạng lệ thuộc này được thể hiện qua sự lệ thuộc về mặt thể chất và sự lệ thuộc về mặt tâm lý.
Phần lớn người nghiện có sự biển đổi về nhân cách do sự lệ thuộc vào ma túy về mặt tâm thần hoặc về mặt cơ thể hoặc bị lệ thuộc cả hai. Điều đó thể hiện ở việc khi người nghiện có đủ ma túy để dùng thì họ cảm thấy thoải mái, sảng khoái. Khi không có ma túy, tâm trạng họ sẽ trở nên tiêu cực: cau có, bực bội hoặc cô độc, u sầu.
Do các chất ma túy thường tạo nên khoái cảm, sảng khoái giả tạo nên người nghiện thường bị giảm hứng thú với cuộc sống bên ngoài, nhân cách bị thu hẹp, cách cư xử cũng trở nên thô lỗ hơn. Bằng chứng là đa số người nghiện thường ít chú ý đến người thân, thờ ở với công việc, với những vui buồn trong cuộc sống. Hậu quả của điều đó là rất nhiều gia đình đã tan nát, của cải vật chất thiếu thốn, suy tồi về tinh thần, đạo đức dẫn đến các hành vi phạm pháp…
Tùy vào từng loại ma túy mà ảnh hưởng của chúng đến tâm sinh lý người nghiện sẽ khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung ở người nghiện ma tuý như bi quan, chán nản, thấy cuộc đời đen tối; dễ kích động, lo lắng, phủ nhận thực tế; họ luôn hồi tưởng về những ngày sử dụng ma túy; buồn phiền, lo lắng, kích động; thích lẻ loi, cô độc, không muốn tham gia các hoạt động
Đặc điểm tâm lý người sử dụng ma tuý sẽ được thể hiện rõ qua 3 giai đoạn: Trước giai đoạn cắt cơn; trong giai đoạn cắt cơn; sau giai đoạn cắt cơn.
Giai đoạn trước cắt cơn là giai đoạn người sử dụng ma tuý (NSDMT) đang sử dụng ma túy hàng ngày, trong họ xuất hiện hai mâu thuẫn lớn. Một mặt họ mặc cảm về sự khó khăn, sự sai lệch của mình trong những hành vi liên quan tới quá trình sử dụng ma túy và muốn từ bỏ ma túy. Nhưng một mặt người nghiện không thể từ bỏ được ma túy vì ngoài sự lệ thuộc về thể chất, họ còn gặp vô số những khó khăn về mặt tâm lý, như: bế tắc về công việc, cuộc sống, tương lai…Càng bế tắc họ càng nghĩ đến ma túy, lúc này chỉ có ma túy mới giúp họ quên tất cả phiền muộn và lấy lại trạng thái cân bằng. Bởi lẽ đó, NSDMT không thoát khỏi guồng quay của ma túy.
Từ đó, người nghiện xuất hiện trạng thái tâm lý:
Tóm lại, trước giai đoạn cắt cơn người nghiện trong trạng thái tâm lý bất ổn, tư duy không tập trung, dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý. Từ đó, người nghiện càng không thoát ra được tình trạng lệ thuộc vào ma túy cả về thể chất và tâm lý.
Như vậy, đối với thân nhân khi hỗ trợ NSDMT cần:
- Cung cấp những thông tin về tác hại loại ma túy mà họ đang sử dụng: Những ảnh hưởng của ma túy tới bản thân, gia đình và xã hội
- Trao đổi và chia sẻ để xác định nguyện vọng, mong muốn của NSDMT. Nếu NSDMT chưa muốn đi cai nghiện vì nhiều lý do thì thân nhân sẽ cung cấp cho họ những thông tin, biện pháp giảm hại trong quá trình sử dụng ma túy như: Không sử dụng chung bơm kim tiêm; không trộn hay sử dụng nhiều loại ma túy cùng một lúc; cung cấp bao cao su miễn phí cho NSDMT; cung cấp những tờ rơi về tác hại và hậu quả của việc sử dụng ma túy thường xuyên và trong thời gian dài cho họ. Nếu NSDMT mong muốn được đi cắt cơn thì thân nhân cung cấp cho họ những địa chỉ cai nghiện ma túy tin cậy; cùng họ trao đổi về những khó khăn mà NSDMT có thể gặp phải trong quá trình cai nghiên như: tiền bạc, thời gian, tâm lý…để cho quá trình cai nghiện đạt hiệu quả cao nhất.
- Đối với NSDMT chưa có định hướng rõ ràng, mạch lạc trong cuộc sống, thân nhân trò chuyện, thu thập thông tin tạo động lực, niềm tin để người thân của mình có quyết tâm cai nghiện trong thời gian sớm nhất có thể.
NSDMT ngừng dung nạp ma túy vào cơ thể họ phải đối mặt với những hội chứng cai và cơn thèm nhớ ma túy đến đỉnh điểm
Giai đoạn này gồm 5 giai đoạn nhỏ:
2.1 Giai đoạn cắt cơn (từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 10):
Đây là giai đoạn đầu NSDMT bắt đầu ngừng sử dụng ma túy, họ có những đặc điểm sau:
Xuất hiện hội chứng cai (rối loạn sinh học) như: người mệt mỏi, ngáp chảy nước mắt, nước mũi, nổi da ga, vã mồ hôi, thèm ma túy, mất ngủ, dị cảm, đau mỏi cơ khớp buồn bực chân tay, chuột rút cơ, dãn đồng tử, tăng thân nhiệt… Trong đó người nghiện sợ nhất là triệu chứng dị cảm và mất ngủ. NNMT có thời gian nghiện lâu và sử dụng nhiều lần trong ngày thì các triệu chứng cai càng nặng.
Những đặc điểm tâm lý: chán nản, tính khí thay đổi thất thường: khó chịu, cáu gắt. Lúc đầu họ sẵn sàng phối hợp với cán bộ để tham gia điều trị, sau họ lại thay đổi ý kiến không muốn cai nữa; uể oải, không tự chủ được bản thân, nhiều khi họ đi lại lung tung, nói năng thô tục bừa bãi.
Do những đặc điểm này, người nghiện dễ bỏ dở điều trị hoặc bỏ trốn khỏi nơi cai nghiện. Vì vậy, giai đoạn này cần có biện pháp tư vấn để họ yên tâm điều trị.
2.2. Giai đoạn lạc quan tếu (từ ngày thứ 10 đến ngày thứ 45):
Sau khi người nghiện vượt qua giai đoạn cắt, hội chứng cai giảm đáng kể, sức khoẻ bắt đầu hồi phục, họ có thể lên cân. Người nghiện thường lầm tưởng đã chiến thắng và dễ dàng bỏ được ma túy, ở họ xuất hiện những đặc điểm tâm lý sau:
Cảm giác lâng lâng như đi trên mây, hưng phấn, nói cười rất nhiều hay bộc lộ những lỗi lầm trong quá khứ, khẳng định không bao giờ nhắc lại những quá khứ đó.
Cảm giác phấn khích mạnh mẽ, lạc quan quá đáng, họ lúc nào cũng nói rằng họ đã bỏ được ma túy, chủ động trong việc sử dụng ma túy (thích thì dùng không dùng nữa thì thôi được ngay, không nghiện như người khác… Hình ảnh NNMT phát biểu rất hay, hứa từ nay đoạn tuyệt với ma túy… tại các lễ tổng kết lớp “Cai nghiện” có rất nhiều, nhưng ngay ngày hôm sau họ lại quay lại sử dụng ma túy. Những đặc điểm tâm lý giai đoạn này đã đánh lừa nhiều cán bộ điều trị, họ tưởng đã cai nghiện cho một người thành công do tâm lý ngộ nhận về mình. Giai đoạn này họ cho là không ai bằng họ, việc gì họ cũng có thể làm được, nhưng thực chất họ không làm được việc gì cả.
2.3 Giai đoạn bế tắc (từ ngày thứ 46 đến ngày thứ 120):
Đây là giai đoạn người nghiện có những tâm lý xấu ảnh hưởng đến công tác điều trị phục hồi với một số tâm lý sau: buồn chán, lười nhác, cáu kỉnh; thiếu tự tin, không thật thà; hay cô đơn; bi quan, chán nản, thấy cuộc đời đen tối, dễ kích động đánh nhau hoặc doạ tự sát; lo lắng, phủ nhận thực tế; hồi tưởng lại những hình ảnh, âm thanh… về những ngày qua họ sử dụng ma túy; không có khoái cảm tình dục; dễ bị bạn bè rủ rê hoặc muốn sử dụng lại ma túy; dễ bỏ dở điều trị, có nguy cơ tái nghiện; thiếu lòng tự trọng.
Những đặc điểm tâm sinh lý phổ biến: một số sinh lý bắt đầu ổn định như các triệu chứng của hội chứng cai dần dần hết, thường chỉ còn lại triệu chứng mất ngủ, đau nhức trong xương; tâm lý người nghiện muốn có thêm nhiều bạn mới; khả năng suy nghĩ rõ ràng hơn, họ có thể suy nghĩ theo chiều hướng tốt, cũng có thể theo chiều hướng xấu.
Do đó, cán bộ điều trị phục hồi phải nắm bắt được những đặc điểm tâm lý của họ để định hướng phục hồi, sửa đổi hành vi, đưa họ tham gia các chương trình hoạt động nhóm, hoạt động tập thể để họ tiếp xúc với gương tốt, học hỏi kinh nghiệm những người nghiện tiến bộ.
2.4. Giai đoạn tự điều chỉnh (từ ngày thứ 121 đến ngày thứ 180):
Giai đoạn này người nghiện đang được phục hồi, họ sẽ xuất hiện một số hành vi phổ biến và các đặc điểm tâm lý sau:
Một số hành vi phổ biến: hiện tượng buồn chán giảm, tích cực tham gia cai nghiện; có thể trở lại trạng thái nguy cơ cao, có hành vi muốn sử dụng lại ma túy nếu nguyên nhân về sang chấn tâm lý “stress” trước kia chưa được giải quyết, hoặc trong quá trình cai nghiện, phục hồi họ gặp phải những thái độ không tốt của người phục vụ (gia đình, cán bộ điều trị…).
Một số đặc điểm về nhận thức: mức độ thèm ma túy giảm; nhận thức được tác hại của ma túy và suy nghĩ đặt thành vấn đề cần phải giải quyết như thế nào.
Một số biểu hiện về tình cảm: buồn phiền giảm; lo lắng giảm, cáu kỉnh giảm; người nghiện thích lẻ loi, cô độc, không muốn tham gia các hoạt động.
Do những đặc điểm tâm lý trên, cán bộ điều trị và người thân phải giám sát những hành vi của đối tượng chặt chẽ hơn đồng thời phải tăng cường tư vấn về tâm lý nhóm, tâm lý cá nhân, làm việc nhiều và tư vấn cho gia đình họ giải quyết tận gốc những sang chấn tâm lý, lôi kéo họ tham gia vào các hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động xã hội, hoạt động nhóm…
2.5. Giai đoạn bắt đầu phục hồi tâm sinh lý (trên 180 ngày):
Người nghiện đã trải qua một quá trình điều trị, đã tham gia sửa đổi những hành vi sai lệch, học tập được nhiều điều trong cuộc sống kể cả những điều hay, điều dở. Do đó, họ xuất hiện một số hành vi, nhận thức sau:
Một số hành vi thông thường: hay đánh bạc, uống rượu, tham gia làm việc tốt, việc không tốt, hay muốn quan hệ tình dục.
Biểu hiện tình cảm: trong họ xuất hiện sự mâu thuẫn, một bên thực hiện nhiều nguyên tắc, quy định trong quá trình cai nghiện phục hồi, những nguyên tắc xây dựng môi trường điều trị, cơ cấu điều trị… và một bên là những nhu cầu quan hệ xã hội của đối tượng như nhu cầu thích tự do, thích uống rượu, đánh bạc… Nếu người nghiện được điều trị, phục hồi với thời gian liên tục trên 6 tháng, cung cấp các dịch vụ điều trị đầy đủ, họ sẽ ít có khả năng quay lại sử dụng ma túy.
Tóm lại, trong giai đoạn cắt cơn thân nhân cần động viên và kiểm soát những hành vi không tự chủ được của họ; đảm bảo sự chăm sóc cả về vật chất và tinh thần, tìm kiếm các giải pháp tăng cường sức khỏe và nâng cao nghị lực, quyết tâm cai nghiện cho NSDMT.
Sau khi cắt cơn NSDMT được phục hồi đáng kể về cả thể chất và tâm lý:
- Thể chất: Họ khỏe mạnh hơn, không còn những cơn đau hành hạ; Họ ăn nhiều hơn và tăng cân đáng kể.
- Tâm lý: Họ vui vẻ, lạc quan hơn, thể hiện quyết tâm không tái nghiện và định hướng cho mình một tương lai không ma túy, muốn tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu cùng mọi người, làm việc và học tập như những người bình thường.
- Tuy nhiên trong quá trình sử dụng ma túy trước đó họ sống thu mình, ngại giao tiếp hoặc có những hành vi không chuẩn mực đạo đức nên thời điểm này NSDMT có nhiều mâu thuẫn trong chính bản thân họ: Một mặt người nghiện mong muốn hòa nhập với cộng đồng, muốn phát triển kinh tế nhưng mặt khác lại trở nên mặc cảm, tự ti, sống thu mình.
- Đặc biệt một số NSDMT tạo sự lạc quan giả để xây dựng lòng tin với người thân, từ đó đưa ra những yêu sách về công việc hay chế độ chăm sóc bản thân.
Tóm lại, đây là giai đoạn người nghiện dễ tái nghiện nhất, cảm xúc cũng thay đổi trong từng hoàn cảnh bởi suy nghĩ chủ quan, sự lạc quan duy ý chí cho rằng bản thân đã chiến thắng được sự lôi kéo của ma túy.
Thân nhân trong giai đoạn này đó một vai trò rất lớn để giúp NSDMT tái hòa nhập cộng đồng duy trì tình trạng không ma túy. Liên hệ với những cơ sở tạo việc làm cho người đã cắt cơn trong một thời gian nhất định; Giúp họ tham gia vào các hoạt động đoàn hội ở cơ sở để họ hòa nhập với cộng đồng; Trợ giúp những kỹ năng sống đã thiếu hụt trong một thời gian dài nghiện ma túy cô lập với xã hội; Tạo điều kiện giúp đỡ họ cả về vật chất và tinh thần để NSDMT có thể làm mô hình kinh tế cải thiện cuộc sống.
Hiểu tâm lý của người nghiện ma tuý là việc làm rất quan trọng trong việc trợ giúp họ cai nghiện tốt hơn. Đặc điểm tâm lý ở mỗi người nghiện trong từng giai đoạn hoàn toàn khác nhau. Khi làm việc, tiếp xúc với những NSDMT, thân nhân và những người trợ giúp cần quan tâm, động viên, chú ý đến những sự thay đổi của người nghiện để hỗ trợ họ vượt qua ma túy một cách bền vững.
Lê Kim Tuân – chuyên gia tư vấn trị liệu Viện PSD
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD