“Kiểm soát và loại bỏ được các cảm xúc tiêu cực” - Giải pháp hiệu quả trong trợ giúp người sau cai hoà nhập cộng đồng

Người nghiện ma tuý sau khi ngừng sử dụng ma tuý bên cạnh những cải thiện tích cực về sức khoẻ thể chất thì họ cũng có những thay đổi về sức khoẻ tinh thần và đời sống tình cảm. Họ bắt đầu mong muốn và tích cực tham gia các hoạt động xã hội hơn để chứng minh sự thay đổi tích cực của mình, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. 

Người nghiện ma tuý sau khi ngừng sử dụng ma tuý bên cạnh những cải thiện tích cực về sức khoẻ thể chất thì họ cũng có những thay đổi về sức khoẻ tinh thần và đời sống tình cảm. Họ bắt đầu mong muốn và tích cực tham gia các hoạt động xã hội hơn để chứng minh sự thay đổi tích cực của mình, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Tuy nhiên do những hành vi trước đó của họ liên quan đến ma tuý và những tổn thương chưa được phục hồi hoàn toàn nên người sau cai vẫn có những khó khăn về tâm lý, tình cảm nhất định. Điều này làm ảnh hưởng lớn tới quá trình cai nghiện ma tuý thành công của người nghiện.

Ảnh minh hoạ.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra, đời sống xúc cảm, tình cảm của người sau cai vẫn chưa thực sự ổn định và cân bằng giữa các cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc…với các nhóm nhóm cảm xúc tiêu cực như: lo lắng, buồn bã, sợ hãi…Các dạng cảm xúc này là một trong những dạng tác nhân kích thích có điều kiện làm nảy sinh phản xạ tìm và sử dụng ma tuý. Khi tác nhân kích thích là cảm xúc xuất hiện, đặc biệt làm cảm xúc tiêu cực người nghiện sẽ nảy sinh nhu cầu giải toả căng thẳng bằng việc tìm, sử dụng/tái sử dụng ma tuý ngay sau đó. Ở người sau cai nghiện ma tuý thường xuất hiện nhiều nhóm cảm xúc khác nhau, bên cạnh một số ít cảm xúc tích cực thì họ có nhiều dạng cảm xúc tiêu cực khác nhau.

Một số dạng cảm xúc đặc trưng tồn tại ở người sau cai nghiện.

Mặc cảm tội lỗi và sự xấu hổ: sau quá trình ngừng sử dụng ma tuý, cơ thể được phục hồi, các mối quan hệ gia đình, bạn bè được củng cố và thay đổi tích cực. Họ nhận thấy những mối quan hệ lành mạnh mà họ đã làm rạn nứt hoặc bỏ quên trước đây, đồng thời họ cũng nhận ra những thiếu sót, khuyết điểm của mình. Họ nhận ra trách nhiệm, thiếu sót của mình mà làm nhiều người khác đặc biệt là những người quan tâm, yêu thương họ (bố mẹ, vợ con, anh chị em, …) phải chịu đựng những tổn thương, đau đớn, khổ cực và tủi nhục. Vì vậy, khi tái hòa nhập lại với cuộc sống bình thường, họ cảm thấy có lỗi với người thân, mặc cảm tội lỗi sự xấu hổ khi phải đối diện với những người xung quanh nhất là người thân và cộng đồng.

Cảm giác bị kỳ thị: người nghiện sau cai không chỉ bị kỳ thị bởi cộng đồng, xã hội, những người xa lạ, đôi khi họ bị kỳ thị ngay bởi chính người thân, người mà họ tin tưởng và có một số người còn tự kỳ thị chính mình. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho việc hoà nhập lại với gia đình, cộng đồng. Họ nhận về nhiều thái độ tiêu cực như bị lên án, gán nhãn, coi thường…chính vì vậy đã đem lại cho họ nhiều cảm xúc tiêu cực dẫn đến việc tái sử dụng, tái nghiện ở người nghiện sau cai.

Cảm giác buồn chán: cảm giác tiêu cực này kéo dài trong suốt thời gian họ sử dụng ma tuý đến khi cai nghiện. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến xuất hiện cảm giác này là do cuộc sống sau cai của họ có nhiều thay đổi từ đang sử dụng ma tuý sang không sử dụng ma tuý. Họ phải thích nghi với việc không sử dụng ma tuý cộng với việc cuộc sống như mới bắt đầu với nhiều khó khăn mà họ không biết bắt đầu từ đâu. Những người thân, cộng đồng chưa thực sự tin tưởng và hỗ trợ họ để họ có môi trường thuận lợi giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Họ không tim ra được những công việc, những niềm vui trong cuộc sống và đặc biệt họ thiếu động lực để duy trì hành vi không tái sử dụng lại. Nên đây là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến tái nghiện ở người sau cai.

Ngoài các dạng cảm xúc trên, người sau cai còn có nhiều loại cảm xúc khác như cảm xúc cô đơn, cô lập; cảm xúc tự tin một cách thái quá, sợ không thành công, cảm thấy bị xúc phạm, không được tôn trọng…đây đều là những nhóm cảm xúc tiêu cực dễ ảnh hưởng tới quyết định tái sử dụng ma tuý của họ.

Vậy để vượt qua các cảm xúc tiêu cực này, người sau cai cần làm gì?

Đầu tiên, người sau cai cần được tư vấn, tham vấn và trang bị kỹ năng kiểm soát và loại bỏ ham muốn sử dụng đến từ những cảm xúc tiêu cực của chính bản thân họ.

Họ cần học cách chấp nhận rằng cảm xúc tiêu cực xảy đôi khi không thể tránh khỏi. Chấp nhận không có nghĩa là chạy theo cảm xúc ấy mà tìm cách vượt qua nó. Bên cạnh đó cần tìm hiểu các nguyên nhân gây ra cảm xúc tiêu cực đến từ đâu và hậu quả nếu họ không kiên định, vượt qua thì họ rất dễ bị tái nghiện.  

Họ nên chia sẻ, trò truyện, tâm sự với những người thân trong gia đình như vợ/chồng, cha/mẹ hoặc anh chị em một cách nghiêm túc về những khó khăn của mình và nhờ sự giúp đỡ. Hãy lưu ý rằng nên tâm sự với người mà mình tin tưởng nhất và đồng cảm với mình nhất, không nên chia sẻ với những người luôn có thái độ không tốt, không tin tưởng và không hiểu về vấn đề của mình. Và nhất là với anh/em học viên đã qua giai đoạn Hỗ trợ phục hồi tâm lý tại Viện PSD có thể liên lạc và chia sẻ với chuyên gia trị liệu đã, đang đồng hành với mình để vượt qua những cảm xúc tiêu cực này một cách hiệu quả.  

Người sau cai cần tích cực, chủ động tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp để có thể đảm bảo cho bản thân về cuộc sống vật chất, tránh những áp lực từ gia đình, cộng đồng và nguy cơ từ việc không có việc làm, không làm ra thu nhập thì nguy cơ tái nghiện của họ sẽ còn rất cao. Đây đã, đang là thách thức không chỉ với người sau cai mà với cả gia đình, cộng đồng để hỗ trợ và góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện thành cộng.

Một điểm đáng lưu ý với người sau cai là cần tránh chủ động liên lạc lại với người bạn nghiện, người bán ma túy cho mình và tránh tiếp xúc,  tham gia vào các hoạt động không lành mạnh, các tụ điểm dễ gây sự mất kiểm soát cảm xúc như quán bar, vũ trường…Hãy lựa chọn cho mình các loại hình giải trí lành mạnh như nghe nhạc, xem phim, nấu ăn, trồng cây, chăn nuôi, dành thời gian cho gia đình, người thân và các hoạt động vì cộng đồng … Các hoạt động này cần thực hiện hàng ngày để tạo ra thói quen tốt.

Cuối cùng, khi cảm xúc tiêu cực xảy ra thường xuyên, cá nhân không thể giải quyết thì cần liên hệ với những người có chuyên môn như bác sĩ, các nhà tư vấn, trị liệu nhất là những nhà chuyên môn trong lĩnh vực điều trị nghiện…để có sự trợ giúp kịp thời và hiệu quả.

Việc người sau cai tái hoà nhập với cộng đồng sẽ không tránh khỏi việc phải đối mặt với những khó khăn, thử thách nhất là sự xuất hiện của các cảm xúc tiêu cực. Nên ngoài việc bản thân họ cần có kỹ năng, có quyết tâm, kiên trì để giải quyết khó khăn đó còn cần sự thấu hiểu, sẻ chia từ chính người thân, bạn bè và cộng động. Từ đó giúp họ tăng cường thêm các yêu tố bảo vệ giúp họ phòng tránh nguy cơ tái sử dụng ma túy một cách hiệu quả và bền vững.

Thạc sĩ Ninh Tùng - Chuyên gia tư vấn Viện PSD

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD