YẾU TỐ NGÔN NGỮ TÌNH CẢM TRONG PHƯƠNG PHÁP CHỐNG TÁI NGHIỆN (TIẾP THEO)

Kết quả là cảm giác thoải mái đạt được nhờ sử dụng ma túy về bản chất là nỗ lực tạm thời làm giảm xâm chiếm của hiện thực xung quanh, trở thành một dạng hành vi của người nghiện.

2.3 Yếu tố ngôn ngữ tình cảm trong phương pháp chống tái nghiện "Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm".

 

Phản xạ là sự đáp ứng của cơ thể đối với sự kích thích vào các thụ cảm thể và được thực hiện với sự tham gia của hệ thần kinh trung ương. Nhờ có hoạt động phản xạ mà cơ thể có thể phản ứng nhanh chóng đối với những biến đổi của môi trường sống và có thể thích ứng được với những biến đổi đó[1].

 

 Các phản xạ không điều kiện là các phản xạ bẩm sinh, được di truyền, mang tính chất của loài, tương đối ổn định trong suốt đời sống của cá thể, là phản xạ phát sinh khi có kích thích thích ứng tác động lên các trường thụ cảm thể nhất định. Các phản xạ có điều kiện là các phản xạ tập nhiễm được trong đời sống của cá thể, có thể bị mất đi khi điều kiện tạo ra nó không còn nữa, là phản xạ có thể được hình thành với các loại kích thích khác nhau tác động lên các trường thụ cảm khác nhau[2].

 

Pavlov gọi tiếng nói là hệ thống tín hiệu thứ hai trong hoạt động thần kinh cấp cao và chỉ có ở con người. Do đó, trong não bộ, ngoài sự tác động qua lại giữa các kích thích tự nhiên (đó là các kích thích lý, hóa, sinh - hệ thống tín hiệu thứ nhất), còn có sự tác động qua lại giữa tiếng nói và các kích thích tự nhiên. Tiếng nói có thể ức chế, tăng cường hoặc thay đổi tác dụng của các kích thích không điều kiện.

 

Tiếng nói có khả năng thay thế các kích thích cụ thể. Tiếng nói gây được tác dụng này vì nó có mối liên hệ chặt chẽ với các đối tượng, hiện tượng nhất định. Các dấu vết của tiếng nói và dấu vết của các sự vật cụ thể được biểu thị bởi tiếng nói liên kết với nhau trong vỏ não thành một cấu trúc động hình. Do đó, cũng như kích thích cụ thể, tiếng nói có khả năng gây hưng phấn trong cấu trúc động hình này. Nhờ khả năng thay thế tác dụng của các kích thích cụ thể của tiếng nói mà sự phản ảnh hiện thực khách quan trong não được thực hiện không chỉ bằng con đường vận dụng các cảm giác trực tiếp, mà còn bằng cách vận dụng tiếng nói nữa.

 

Chính nhờ khả năng này mà trong não người có được khả năng tách rời các sự vật, hiện tượng khỏi thực tiễn, nghĩa là tạo ra cho con người khả năng tư duy trừu tượng [3]Với vai trò là một kích thích có điều kiện và khả năng thay thế các kích thích cụ thể (mùi, hình ảnh) liên quan đến ma túy trong thực tế, việc nhắc đến hoặc gọi tên chúng là một cách thức khơi gợi lại các cơn thèm nhớ ma túy. Như thế người lệ thuộc ma túy được kích hoạt ham muốn sử dụng lại ma túy trong một môi trường không đáp ứng. Hơn nữa, tiếng nói còn có thể tăng cường, ức chế, thay đổi tác dụng của kích thích cụ thể.

 

Dựa trên điều này, chúng tôi có thể sử dụng ngôn ngữ để tăng cường hoặc ức chế tác dụng của các yếu tố kích thích làm kích hoạt ham muốn sử dụng ma túy. Chẳng hạn, qua lời kể của người nghiện ma túy về sự tác động của hình ảnh đôi mắt của bạn nghiện là nguyên nhân kích hoạt cơn thèm nhớ ma túy của người đó, thì dưới tác động ngôn ngữ, mức độ ảnh hưởng từ hình ảnh đôi mắt bạn nghiện đó sẽ được giảm dần.

 

Như đã trình bày, nghiện ma túy như bất kì sự phụ thuộc nào trong đa số các trường hợp đều có mâu thuẫn với hiện thực xung quanh, những vấn đề được ngụy trang cẩn thận và kìm nén dưới dạng tiềm thức có liên quan đến căng thẳng. Người nghiện ma túy có thói quen để vượt qua và làm giảm tình trạng xung đột bằng cách sử dụng ma túy. Kết quả là cảm giác thoải mái đạt được nhờ sử dụng ma túy về bản chất là nỗ lực tạm thời làm giảm xâm chiếm của hiện thực xung quanh, trở thành một dạng hành vi của người nghiện. Phương pháp “Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm” sẽ phục hồi cho người nghiện ma túy bằng cách tái tổ chức hoạt động cảm xúc thông qua ngôn ngữ tình cảm. Đây là phương pháp mang tính chất đào tạo hoàn toàn không có sự can thiệp của thuốc, không có sự cưỡng bức về tâm lý, không cách ly người nghiện; có hiệu quả với những người nghiện muốn thoát khỏi tình trạng lệ thuộc.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Trên cơ sở các lý giải khoa học về cơ chế nghiện và tái nghiện dưới góc nhìn sinh lý thần kinh cấp cao, chúng tôi xây dựng một phương pháp đặc biệt (bao gồm cả việc “đào tạo” hay thiết lập trạng thái thoải mái cho học viên) nhờ các tác động bằng ngôn ngữ tình cảm được xây dựng và hướng dẫn trên nguyên tắc củng cố những hình ảnh, cảm xúc, trạng thái “tích cực” mà học viên đạt được sẽ hình thành những khuôn mẫu tình cảm tích cực mới.

Khuôn mẫu tình cảm mới được hình thành này đi kèm với cơ chế được củng cố liên tục bằng luyện tập đạt tới trạng thái “tự động” sẽ hình thành các mối liên kết mới giữa các noron trong cấu trúc chất nhận kết quả hành động. Những mối liên kết mới này sẽ là mô hình cho kết quả hoạt động trong tương lai. Từ đó tổ chức thay đổi hoạt động của ADN, hình thành nên trạng thái tích cực của cơ thể và từ đó sẽ hình thành hành vi mới[4].

Trung tâm PSD

(Còn tiếp)

 

 

 


[1] Trịnh Hữu Hằng & Đỗ Công Huỳnh, Sinh lý học người và động vật, NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, 2001, tr. 359.

[2] Trịnh Hữu Hằng & Đỗ Công Huỳnh, Sinh lý học người và động vật, NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, 2001, tr. 359

[3] Trịnh Hữu Hằng & Đỗ Công Huỳnh, Sinh lý học người và động vật, NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, 2001,tr.  383

[4] Klimenko T.V., Kuzichev I.A., Nhikolaev A.B., Phục hồi người nghiện ma túy thông qua phương pháp chuyển đổi khuôn mẫu chức năng mang tính bệnh lí bằng ngôn ngữ, Tài liệu dịch từ tiếng Nga, tr. 3.

 

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD