Công cuộc PCMT vô cùng gay go, phức tạp trên tất cả các lĩnh vực liên quan. Tâm lý học ít nhất có thể góp phần trực tiếp trên các lĩnh vực: Kiểm soát nguồn cung ma túy; Truyền thông PCMT trong cộng đồng, xã hội; Trị liệu cho những người nghiện ma túy; Giúp những người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; Đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực PCMT; Nghiên cứu về PCMT trên tất cả các lĩnh vực trên.
Công cuộc PCMT vô cùng gay go, phức tạp trên tất cả các lĩnh vực liên quan. Tâm lý học ít nhất có thể góp phần trực tiếp trên các lĩnh vực: Kiểm soát nguồn cung ma túy; Truyền thông PCMT trong cộng đồng, xã hội; Trị liệu cho những người nghiện ma túy; Giúp những người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; Đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực PCMT; Nghiên cứu về PCMT trên tất cả các lĩnh vực trên.
1. Hiểm họa ma túy…
Theo Báo cáo tình hình ma túy thế giới năm 2016 của Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), tỉ lệ người sử dụng ma túy trên toàn thế giới vẫn không giảm. “Theo ước tính, cứ 20 người lớn thì có 01 người, hay nói cách khác là trên thế giới có khoảng 250 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 64 có sử dụng ma túy ít nhất 1 lần trong năm 2014”.(1)
Ngày 19/4/2016, tại trụ sở Liên Hợp Quốc, New York, đã diễn ra cuộc họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS). Tham dự kỳ họp có trên 1.000 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các vùng lãnh thổ, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ. Hội nghị đã cho thấy PCMT (phòng chống ma túy) đang và sẽ vẫn là vấn nạn toàn cầu. Hội nghị đã đề cập nhiều vấn đề cấp thiết về PCMT một cách toàn diện, từ kiểm soát nguồn cung, đẩy mạnh truyền thông trong xã hội đến đổi mới quan niệm và cách tổ chức điều trị nghiện đến vấn đề tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện…(2)
Ở nước ta, ngày 14/4/2016, tại buổi tổng kết về phòng chống ma tuý giai đoạn 2011-2015, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, năm 2010, số người nghiện có hồ sơ quản lý là hơn 143.000 người, song đến năm 2014 đã hơn 200.000 người (tăng khoảng 12.000 người nghiện mỗi năm). Mục tiêu kéo giảm số người nghiện và địa phương có tệ nạn ma tuý được đề ra, đã không đạt. "Đây là vấn đề đáng báo động. Ngoài số người nghiện tăng nhanh thì thành phần chất ma tuý và người nghiện cũng trở nên đa dạng. Trong đó có cả học sinh, sinh viên, người mẫu, vận động viên…".(3)
Cần nhận thức rằng, đối với nước ta, nghiện ma túy không phải là một tệ nạn xã hội như mại dâm hay HIV; các loại ma túy tổng hợp xuất hiện hàng trăm loại, ngày càng vô cùng đa dạng, tinh vi, nguy hiểm, khó kiểm soát, dễ dàng lôi kéo, hấp dẫn lứa tuổi thanh thiếu niên, ở khắp các hang cùng ngõ hẻm. “Cho nên phải coi ma túy là hiểm họa của dân tộc; nếu không kiểm soát được, nó sẽ thành thảm họa, và rồi lúc đó mới xử lý, sẽ dễ thành thảm kịch, như cách “diệt trừ tệ nạn ma túy” năm 2016 của tổng thống Philippine Duterte”.(4)
2. Tâm lý học góp phần vào công cuộc phòng chống ma túy
Công cuộc PCMT vô cùng gay go, phức tạp trên tất cả các lĩnh vực liên quan. Tâm lý học ít nhất có thể góp phần trực tiếp trên 06 lĩnh vực: Kiểm soát nguồn cung ma túy; Truyền thông PCMT trong cộng đồng, xã hội; Trị liệu cho những người nghiện ma túy; Giúp những người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; Đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực PCMT; Nghiên cứu về PCMT trên tất cả các lĩnh vực trên.
2.1. Tâm lý học với các hoạt động kiểm soát nguồn cung ma túy
Trong lĩnh vực này, có vấn đề vận động người dân không trồng các loại cây là nguồn cung cấp nguyên liệu cho ma túy sao cho hiệu quả bền vững. Giải quyết vấn đề này liên quan đến hiểu đặc điểm tâm lý của người dân các vùng miền khác nhau, nhất là các dân tộc thiểu số đã từng trồng cây anh túc, cần sa…; Có vấn đề tâm lý học tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử… liên quan đến tội phạm ma túy, một loại tội phạm vô cùng phức tạp và nguy hiểm …
Trong lĩnh vực xét xử, xuất hiện khái niệm “Tòa án ma túy” trong đó người sử dụng ma túy mà có các hành vi vi phạm pháp luật hình sự, nếu tự nguyện tham gia Tòa ma túy sẽ không bị xử tù về hành vi vi phạm pháp luật hình sự cũng như không bị ghi án tích… “Qua hơn hai thập kỷ phát triển, Tòa ma túy đã được đánh giá là "sáng kiến tư pháp có ý nghĩa nhất" tại Hoa Kỳ trong thế kỷ 20 (NDCI, 2005)”. Phương thức “Tòa án ma túy” đã giúp điều trị hơn 1,3 triệu người nghiện tại Hoa kỳ và đang được áp dụng ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mô hình “Tòa án ma túy” nên được áp dụng ở Việt Nam như thế nào, cần được nghiên cứu vận dụng cả lĩnh vực pháp lý, tâm lý, xã hội …(5).
2.2. Tâm lý học với hoạt động truyền thông PCMT
Xưa nay ở nước ta quen làm tuyên truyền về PCMT. Tuyên truyền (propaganda) thường mang tính chủ quan, áp đặt một chiều của chủ thể tuyên truyền đối với khách thể, nhằm mục đích thu phục, lôi cuốn họ tin theo những gì mà chủ thể tuyên truyền muốn truyền đạt. Cách tuyên truyền như vậy có thể cũng thu hút được một số khách thể tin theo, nhưng mang tính thụ động; số đông thường bàng quan, vì hình thức nhàm chán, ít tác động đến suy nghĩ, tình cảm của họ; số khác có thể phản ứng tiêu cực, nhưng không có cơ hội lộ rõ…
Truyền thông (Communication) trong PCMT phải mang bản chất tâm lý, có tính trao đổi thông tin, chia sẻ tâm tình, tương tác lẫn nhau giữa chủ thể truyền thông và chủ thể tiếp nhận truyền thông dưới nhiều hình thức. Người tiếp nhận truyền thông với tư cách là chủ thể tích cực tương tác để lĩnh hội tri thức, thay đổi thái độ, tự thể hiện hành vi của bản thân…
Đối với việc PCMT, truyền thông sâu rộng trong các tầng lớp xã hội có ý nghĩa quyết định. Để tổ chức chiến lược truyền thông PCMT có hiệu quả, cần quan tâm đến một loạt vấn đề của Tâm lý học:
- Đó là cần nghiên cứu, hiểu rõ đặc điểm tâm lý của từng nhóm khách thể khác nhau trong cộng đồng xã hội để truyền thông sát hợp, mang lại hiệu quả tối ưu. Các nhóm xã hội chủ yếu là: Các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn hệ thống chính trị, xã hội của các tổ chức Chính phủ và phi chính phủ; các nhóm học sinh, sinh viên, giáo viên, cha mẹ học sinh; những người đang sử dụng ma túy và gia đình họ; các nhóm xã hội công nhân, nông dân, quân đội; các vùng dân tộc thiểu số, các tôn giáo…
- Từ việc hiểu rõ đặc điểm tâm lý các nhóm khách thể truyền thông mới xây dựng các nội dung, lựa chọn cách tổ chức, tìm kiếm các hình thức, phương pháp phù hợp với từng nhóm khách thể. Hiện tại Viện nghiên cứu tâm lý người sử dung ma túy (PSD) đã nghiên cứu, biên soạn 9 loại tài liệu truyền thông sát hợp với 9 nhóm khách thể và xây dựng phương thức truyền thông tổng hợp (tích hợp), đảm bảo sự tương tác tích cực của khách thể truyền thông, tạo điều kiện cho họ thành chủ thể chủ động trao đổi, chia sẻ, thể hiện quan điểm của bản thân, qua đó tự lĩnh hội tri thức, điều chỉnh thái độ, hành vi. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, nhất là đánh giá tác động của truyền thông, để từ đó hoàn thiện thêm phương thức truyền thông.
2.3. Tâm lý học trong việc điều trị nghiện ma túy
Theo tài liệu Tổng quan của Viện PSD thì hiện nay trên thế giới và ở nước ta thường áp dụng một số phương pháp cơ bản trong điều trị nghiện ma túy: cai khô, sử dụng giảm dần, phẫu thuật thùy trán, thụy miên, dùng các thuốc hướng tâm thần, dung thuốc Đông y, dùng thuốc đối kháng, dùng chất thay thế, điện châm, liệu pháp tâm lý… Nhưng trong thực tế, bất cứ phương pháp nào muốn đạt kết quả cũng đều cần hiểu tâm lý người nghiện, hiểu cơ chế sinh lý – tâm lý của hiện tượng nghiện, tái nghiện và cơ chế giải tỏa, dập tắt đến xóa bỏ sự thèm nhớ ma túy, xóa bỏ tái sự dụng ma túy. Kết quả nghiên cứu, trị liệu thành công bước đầu của Viện PSD đã được thể hiện trong đề tài: “Chống tái sử dụng ma túy bằng liệu pháp tâm lý”(6) . Kết quả nghiên cứu đã cho thấy dùng thuốc và mọi biện pháp cắt cơn nghiện chỉ là bước đầu tiên, tạm thời; cai nghiện ở các trại tập trung, dù mấy năm, cai đi, cai lại mấy lần, thì số tái nghiện cũng vẫn đến trên 95%! (7).
Vấn đề cơ bản cần hiểu là, nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy chủ yếu từ con đường tâm lý: giải sầu, cô đơn, bế tắc, tò mò, đi tìm khoái cảm, tìm sức mạnh, tạo hưng phấn, a dua theo nhóm…Khi đã nghiện, cơ chế xuất hiện “cơn thèm nhớ ma túy” (tâm lý) dẫn đến “Hội chứng cai” (biểu hiện sinh lý); các phương pháp chủ yếu lại nhằm xử lý Hội chứng cai, trong khi Cơn thèm nhớ ma túy mới gây nên trạng thái căng thẳng, thôi thúc người nghiện tìm kiếm ma túy bằng mọi cách nhằm thỏa mãn nhu cầu thèm nhớ ma túy.... Kết quả bước đầu, “Chống tái sử dụng ma túy bằng liệu pháp tâm lý” của Viện PSD cho thấy muốn cai nghiện ma túy thành công bền vững, nhất thiết phải dựa trên nền tảng tâm lý học. Đó là:
- Phải giúp người nghiện hiểu rằng, không có thuốc nào, không ai cứu được mình thoát khỏi lệ thuộc vào vào ma túy; chỉ có bản thân mình cứu được mình; sự giúp đỡ bên ngoài chỉ là hỗ trợ cho người cai nghiện tự vượt lên chính mình;
- Phải giúp họ (và người thân của họ) có niềm tin chắc chắn rằng, cai nghiện được, cốt bản thân kiên trì, quyết tâm, tin tưởng làm theo sự chỉ dẫn (nhất là được chia sẻ với những tấm gương sống đã cai nghiện thành công);
- Giúp họ có kỹ năng (kỹ thuật) tự mình vượt qua được Cơn thèm nhớ ma túy. Lần đầu rất cơ cực; lần thứ 2 bớt căng thẳng hơn; lần thứ 3 dễ dàng hơn… Mỗi lần vượt qua, nhích lên một bước là mỗi lần phải củng cố, chốt lại ở họ ý chí, quyết tâm, niềm tin vào bản thân… Sau nhiều lần tự vượt qua cơn thèm nhớ ma túy, tự thư giãn, đến khi nhìn thấy chất ma túy, cầm những dụng cụ sử dụng ma túy, gặp bạn rủ rê SDMT… họ vẫn dửng dưng, không còn lên Cơn thèm nhớ ma túy nữa, coi như cơ bản thành công…
Mấy điều gợi ra ở trên mới chỉ là bước đầu xới lên những vấn đề cấp thiết của Tâm lý học cần đi sâu nghiên cứu đề xác định rõ cơ chế và các phương pháp, biện pháp tâm lý trong điều trị nghiện ma túy nói chung. Với mỗi trường hợp, phụ thuộc vào đặc điểm cá thể, quá trình nghiện, các loại ma túy đã sử dụng, hoàn cảnh sống… lại phải chẩn đoán và vạch ra phác đồ, phương pháp điều trị phù hợp. Rất nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình trị liệu, như: nhiều trường hợp đang điều trị hoặc đã thành công bước đầu, lại tái SDMT, thì xử lý ra sao, điều trị tiếp cách nào? Phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu trường hợp, nghiên cứu lâm sàng trong quá trình cai nghiện bằng liệu pháp tâm lý? v.v…
2.4. Tâm lý học với việc giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng
Người nghiện ma túy thường lâm vào khủng hoảng trầm trọng: Thể chất suy yếu, tổn thương não; tâm lý rối nhiễu, mất niềm tin vào bản thân, hành vi lệch chuẩn; đời sống tình cảm gia đình, các quan hệ xã hội bị phá vỡ, hủy hoại… Nhân cách từng bước bị tha hóa… Cho nên quá trình cai nghiện thực chất là quá trình phục hồi thể chất và nhân cách; xây dựng lại các quan hệ trong gia đình, trong cộng đồng, xã hội của người sau cai nghiện. Nếu cai nghiện thành công, người nghiện ma túy vẫn bị kỳ thị, cô đơn, buồn chán, không có công ăn việc làm… thì lại dễ dàng tái nghiện. Vấn đề cấp thiết của tâm lý học nhân cách, tâm lý học xã hội (cùng với các ngành khoa học liên quan) là nghiên cứu nguyện vọng và khả năng của người sau cai nghiện, chỉ ra các công việc, giải pháp giúp người sau cai nghiện có việc làm, có đời sống ổn định mới giúp họ tái hóa nhập xã hội thành công. Như vậy việc cai nghiện mới đem lại kết quả bền vững. Hiện nay Viện PSD đã xây dựng Câu lạc bộ của những người cai nghiện thành công và tạo ra một số mô hình lao động giúp người sau cai nghiện được học nghề, có việc làm đủ sống trong môi trường xã hội được tôn trọng, bình đẳng, thân thiện giúp họ tìm lại giá trị làm người, khẳng định nhân cách của mình… Nhưng tất cả mới là bước đầu, gợi ra rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết ở tầm xã hội rộng lớn.
2.5. Tâm lý học với việc đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực PCMT
Hiện nay, trong mọi lĩnh vực chuyên môn của PCMT đều rất thiếu các nhân lực có trình độ chuyên sâu, thực sự tâm huyết, gắn bó lâu dài với công việc. Trong quá trình triển khai các hoạt động của Viện PSD, chúng tôi rất khó khăn trong việc tìm kiếm các chuyên gia, các chuyên viên am hiểu lĩnh vực PCMT, nhất là chuyên viên Tư vấn, Truyền thông, Trị liệu, Công tác xã hội… hiểu biết sâu về tâm lý người nghiện ma túy, có lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong việc hỗ trợ tâm lý người nghiện ma túy. Đặc biệt, các chuyên viên trị liệu tâm lý cho người nghiện sau giai đoạn cắt cơn, phục hồi thể chất, tâm lý bước đầu. Viện PSD đang nỗ lực tự đào tạo và hy vọng sẽ phối hợp, liên kết với các khoa Tâm lý học, khoa Công tác xã hội của Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm; khoa Tâm thần học của Đại học Y,… giới thiệu những sinh viên có hứng thú và năng lực trong lĩnh vực PCMT đến Viện PSD để thực hành, thực tập, đi sâu vào một số chuyên ngành đang rất cấp thiết…
2.6. Tâm lý học với các đề tài nghiên cứu liên quan đến PCMT
Hiện nay, ở nước ta quá thiếu vắng các đề tài Tâm lý học nghiên cứu sâu về lĩnh vực PCMT, ít nhất là liên quan đến tất cả 5 mục đã phân tích ở trên. Bước đầu vừa tìm hiểu vừa vận dụng vào các hoạt động thực tiễn tại Viện PSD, chúng tôi thấy hàng loạt vấn đề Tâm lý học đặt ra cần nghiên cứu:
- Những nguyên nhân tâm lý dẫn con người đến nghiện ma túy; cơ chế tâm lý của quá trình nghiện, cai nghiện, tái nghiện ma túy …;
- Mối quan hệ giữa Tâm lý, sinh hóa, sinh lý thần kinh… của người nghiện ma túy, từ đó xác lập cơ sở lý thuyết cho các hoạt động PCMT và nhất là trị liệu;
- Chẩn đoán, xác định những đặc điểm cá thể, tâm lý, hoàn cảnh cá nhân của mỗi người nghiện ma túy để vạch ra chiến lược, phương pháp trị liệu phù hợp;
- Các lý thuyết Tâm lý học vận dụng vào việc lý giải cơ chế nghiện, cơ chế cai nghiện và trị liệu…;
- Các vấn đề Tâm lý học xã hội (cá nhân – nhóm – cộng đồng – xã hội) của việc phòng ngừa hiểm họa ma túy; của hiện tượng nghiện ma túy; của quá trình cai nghiên và tái hòa nhập xã hội của người sau cai nghiện…
- Điều kiện tâm lý và sức khỏe tâm thần của người làm việc trong lĩnh vực PCMT, nhất là trong tư vấn, trị liệu cho người nghiện ma túy…
Trên đây mới là những vấn đề đang đặt ra cấp thiết cần nghiên cứu, đáp ứng các hoạt động hiện nay của Viện PSD. Đối với toàn bộ ngành Tâm lý học, Tâm thần học, còn nhiều vấn đề sâu, rộng hơn nhiều.
3. Tóm lại, bài viết đặt vấn đề, gợi ra một số lĩnh vực Tâm lý học cần quan tâm nghiên cứu, vận dụng, nhằm góp phần vào công cuộc PCMT đang diễn ra rất gay gắt, cấp thiết trên thế giới và đặc biệt tại Việt Nam. Để Tâm lý học có thể góp phần thiết thực, hiệu quả vào công cuộc PCMT, các tổ chức và cá nhân làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, trị liệu tâm lý cùng các ngành khoa học liên quan cần có sự hợp tác, liên kết với nhau vì công cuộc PCMT, một sự nghiệp có ý nghĩa lớn lao: Ngăn chặn hiểm họa ma túy đối với thế hệ trẻ và cứu giúp hàng chục vạn người nghiện cùng gia đình họ thoát khỏi sự khốn cùng về thể chất, tâm lý, xã hội.
PGS.TS. Mạc Văn Trang - Nguyên Viện trưởng Viện PSD
Tài liệu tham khảo
1. World Drug Report (2016), UNITED NATIONS OFFICE ON DRUGS AND CRIME (UNODC), Viennam.
2. Báo Công an Nhân dân (20/04/2016) Khai mạc Kỳ họp đặc biệt của Đại Hội đồng LHQ về vấn đề ma túy toàn cầu.
3. Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác PCMT 2011 – 2015, của Bộ Công an, VNExpress, 14/4/2015.
4. Phát biểu của ông Nguyễn Thành Hạo, UV Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre trong buổi làm việc với Viện PSD, ngày 28/12/2016, về việc Viện PSD phối hợp cùng tỉnh Bến Tre triển khai chiến lược PCMT.(Philippines: Gần 6.000 người bị giết trong chiến dịch chống ma túy, Báo Thanh niên, 13/12/2016).
5. Nguyễn Thị Vân (2016). Toà ma tuý tại Hoa Kỳ và những khuyến nghị cho việc áp dụng mô hình tại Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (ISSN 1859-2953). Số 9 (313), trang 56-59.
6. Đề tài: "Chống tái sử dụng ma túy bằng liệu pháp tâm lý" của Viện PSD, được bảo vệ tháng 9/2016 tại Hội đồng khoa học, Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội.
7. Tỷ lệ tái nghiện ma túy tại Hà Nội sau 3 năm cai nghiện vẫn gần 100% (xem http://vietbao.vn/amp/Doi-song-Gia-dinh/Ty-le-tai-nghien-ma-tuy-tai-Ha-Noi-sau-3-nam-cai-nghien-van-gan-100/410013542/111).
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD