Cuộc chiến toàn cầu sau 50 năm Công ước Quốc tế của Liên hợp quốc về phòng chống ma túy đã thất bại với những hậu quả nặng nề cho con người và xã hội trên toàn thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn; đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội từ học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức đến người lao động. Trong đó, đại đa số người nghiện ở độ tuổi lao động.
Cuộc chiến toàn cầu sau 50 năm Công ước Quốc tế của Liên hợp quốc về phòng chống ma túy đã thất bại với những hậu quả nặng nề cho con người và xã hội trên toàn thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn; đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội từ học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức đến người lao động. Trong đó, đại đa số người nghiện ở độ tuổi lao động.
Ngày 19/4/2016 tại Trụ sở Liên hợp quốc đã diễn ra cuộc họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS) năm 2016. Tham dự kỳ họp có trên 1.000 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các vùng lãnh thổ, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ. Hội nghị đã đề cập rất nhiều vấn đề, trong đó có việc thay đổi quan niệm về người sử dụng ma túy, gắn liền với vấn đề Sức khỏe, Nhân quyền, Cộng đồng…, tìm ra các giải pháp mềm dẻo và đảm bảo tính bền vững trong cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, trên thực tế quan điểm về người nghiện ma túy, cơ chế nghiện ma túy và phương pháp, chính sách điều trị nghiện ma túy đã có những thay đổi từ nhiều thập kỷ qua do các nhà khoa học đã tìm ra những căn cứ, bằng chứng sinh lí thần kinh xác đáng về cơ chế tác động của ma túy lên não bộ người nghiện.
Hiện nay theo quan điểm y học, nghiện ma túy được coi là bệnh mạn tính do rối loạn của não bộ. Điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội nhằm làm thay đổi nhận thức, cảm xúc, hành vi tiến tới giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Trong khi đó, trước đây do thiếu các bằng chứng khoa học về cơ chế tác động của ma túy lên người nghiện và do nhận thức nghiện ma túy gắn liền với nguy cơ vi phạm pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức và quan hệ xã hội, người ta cho rằng để chữa trị, cai nghiện, giải pháp đơn giản là tách người nghiện ra khỏi môi trường có ma túy một thời gian thì họ sẽ hết nghiện, dẫn đến nhiều nước đã áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở khép kín. Nói cách khác, nghiện ma túy từng được xem là hành vi phạm pháp và là một trong các tệ nạn xã hội cần được hạn chế, loại bỏ và hoạt động cai nghiện được thực hiện bằng các chính sách kiểm soát.
Trên thế giới và ở Việt Nam, mặc dù đã có những lý giải về cơ chế nghiện, tái nghiện cũng như nhiều phương pháp cai nghiện ma túy đã được áp dụng như phương pháp cai khô, phương pháp dùng thuốc đối kháng, phương pháp điều trị bằng chất thay thế, sử dụng thuốc đông y, kết hợp cả liệu pháp tâm lý với thuốc hướng thần, hay kết hợp tư vấn tâm lý… nhưng tỉ lệ tái nghiện vẫn cao. Tại Việt Nam, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, công tác cai nghiện ma túy và hỗ trợ sau cai nghiện hiện chưa thực sự hiệu quả. Nhiều báo cáo cáo cho biết tỉ lệ tái nghiện sau cai hiện nay vẫn lên đến trên 90%. Vì vậy, chống tái nghiện ma túy vẫn là vấn đề nan giải nhất trong quá trình điều trị nghiện ma túy.
Trong bối cảnh đó, sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu cả trên lý thuyết và thực tế, Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy đã xây dựng và đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện “Phương pháp chống tái sử dụng ma túy bằng liệu pháp tâm lý” mang tính đột phá, hứa hẹn sẽ đem lại kết quả điều trị nghiện thành công và mang tính bền vững.
Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (tên tiếng Anh: Institute of Psychological studies and Support to drug users), nguyên là Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (tên tiếng Anh: Center for Psychological Studies and Support to Drug Users) được thành lập năm 2013 và nâng cấp thành Viện vào cuối năm 2015. Viện PSD được ra đời từ ý tưởng của một người đã từng nghiện ma túy, tự cai nghiện thành công, sau đó muốn giúp đỡ những người nghiện khác thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Đó là ông Lê Trung Tuấn (sinh năm 1977) - một người đã từng nghiện heroin trong 6 năm, nhiều lần cai nghiện tại gia đình cũng như trong các trại cai nghiện tập trung của Nhà nước nhưng không thành công. Trong bước đường cùng, ông đã đoạn tuyệt được với ma túy bằng ý chí, nghị lực của bản thân cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người thân. Sau hơn 15 năm, ông đã trở thành doanh nhân khá thành đạt và mong muốn tìm cách giúp những người nghiện tìm được “nẻo về tươi sáng”. Từ đó, Lê Trung Tuấn vận dụng kinh nghiệm trực tiếp giúp đỡ một số trường hợp cai nghiện thành công.
Với ý định đi sâu nghiên cứu, Lê Trung Tuấn thành lập Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy. Đến nay, Lê Trung Tuấn cùng với các cộng sự đã từng bước xây dựng và cho ra đời một phương pháp chống tái nghiện ma túy mới. Khi mới thành lập, nhóm chuyên viên nghiên cứu gồm 3 người, trong đó, Lê Trung Tuấn đóng vai trò vừa là người sáng lập vừa là Chủ tịch Hội đồng quản lý cũng đồng thời là người đưa ra các ý tưởng khoa học và chủ trì nghiên cứu. Dần dần nhóm nghiên cứu được tăng thêm số lượng thành viên và nhận được ngày càng nhiều thêm sự cố vấn của các nhà khoa học.
Phương pháp chống tái nghiện ma túy do Lê Trung Tuấn và các cộng sự xây dựng ban đầu có tên là “Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm” và lần đầu tiên được giới thiệu tới các nhà chuyên môn, các nhà quản lý và cộng đồng xã hội trong Hội thảo “Một số nghiên cứu mới trong lĩnh vực phòng ngừa và chống tái nghiện ma túy” do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (nay là Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy) phối hợp với Tạp chí Trí thức và Phát triển - Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức ngày 26/11/2014.
Sau Hội thảo, nhằm tạo cơ sở nền tảng vững chắc hơn cho sự ra đời của phương pháp, Lê Trung Tuấn và cộng sự tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu nguyên nhân tái sử dụng, tái nghiện ở người cai nghiện ma túy” với sự cố vấn của Hội đồng Khoa học Viện và đã được Hội đồng nghiệm thu của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đánh giá xuất sắc ngày 29/12/2015.
Tiếp đó, trên cơ sở các kết quả thu được, năm 2016, Lê Trung Tuấn và cộng sự thực hiện đề tài “Chống tái nghiện ma túy bằng liệu pháp tâm lý” và một lần nữa được Hội đồng nghiệm thu của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đánh giá xuất sắc ngày 08/8/2016. Có thể nói, đề tài này là sự tổng kết và kế thừa những kết quả nghiên cứu từ trước tới nay. Từ đó, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu chuyên sâu ở giai đoạn tiếp theo.
Tựu trung lại, phương pháp chống tái nghiện ma túy của Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy ra đời từ những trải nghiệm nghiện và cai nghiện thực tế của bản thân người sáng lập, từ kinh nghiệm giúp đỡ những người nghiện ma túy khác cai nghiện thành công của bản thân người sáng lập và sau này là của đội ngũ cộng sự, chuyên viên trị liệu của Viện PSD, cùng với việc tham khảo các công trình nghiên cứu khác. Ban đầu phương pháp chống tái nghiện ma túy của Viện có tên là “Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm”; được sự phản biện, tư vấn của các nhà khoa học đã được đổi tên thành “Phương pháp chống tái sử dụng ma túy bằng liệu pháp tâm lý” để chính xác hóa về mặt khoa học. Điểm đáng lưu ý trong sự ra đời của phương pháp này là luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận khoa học với các vấn đề thực tiễn sinh động của những người nghiện ma túy, mà ban đầu đó chính là quá trình tham chiếu các luận điểm khoa học vào trải nghiệm thực tế của người sáng lập. Sau này, đó là quá trình vận dụng, kiểm chứng các luận điểm khoa học này vào thực tế can thiệp, hỗ trợ cai nghiện ma túy tại Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy. Điều này giúp cho “Phương pháp chống tái sử dụng ma túy bằng liệu pháp tâm lý” của Viện luôn được hoàn thiện cả về cơ sở lý luận lẫn cơ sở thực tiễn.
Phương pháp được thực hiện trên quan điểm nền tảng, rằng người nghiện không nên bị kỳ thị, dán nhãn “mắc căn bệnh không bao giờ chữa được”, “không thể tin họ cho đến hết cuộc đời”… Chỉ với điều kiện người nghiện ma túy mong muốn thoát ra khỏi tình trạng nghiện, phương pháp “chống tái sử dụng ma túy bằng liệu pháp tâm lý” của PSD sẽ là công cụ hữu hiệu giúp họ đạt được khát vọng thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy và hơn thế giúp họ khẳng định bản thân một cách lành mạnh, bền vững trong cuộc sống tái hòa nhập xã hội.
Mục tiêu của phương pháp này nhằm giúp người nghiện xóa bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc vào ma túy (đặc biệt là sự lệ thuộc tâm lý) thông qua việc được hướng dẫn giải tỏa căng thẳng tâm lý dẫn tới xuất hiện cơn thèm nhớ ma túy - nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng lệ thuộc vào ma túy (duy trì hành vi sử dụng ma túy thường xuyên, liên tục) và thông qua việc hỗ trợ, hướng dẫn người cai nghiện ma túy hình thành các kỹ năng sống mới, lành mạnh hơn để nói không với ma túy.
Nói cách khác, việc phục hồi người nghiện ma túy không chỉ nhằm giải quyết sự lệ thuộc về mặt thể chất, mà đặc biệt phải giải quyết sự lệ thuộc tâm lý, phục hồi các chức năng tâm lý và tái rèn luyện các kỹ năng sống tích cực một cách ổn định. Các nhiệm vụ phục hồi cụ thể bao gồm:
Thứ nhất: Hình thành niềm tin và ý chí quyết tâm cai nghiện cho học viên.
Thức hai: Giải quyết các rối loạn thể chất và rối loạn tâm lý do sử dụng ma túy.
Thứ ba: Huấn luyện các kĩ thuật để tự vượt qua các tình huống căng thẳng dẫn đến tái sử dụng ma túy, giảm sức hút ma túy trong trí nhớ.
Thứ tư: Phục hồi cảm xúc, hình hành kỹ năng phân biệt những cảm xúc tích cực và tiêu cực giúp HV biết tự điều chỉnh cảm xúc khi xử lý các vấn đề cá nhân và xã hội.
Thứ năm: Xác định rõ công việc, nghề nghiệp đồng thời khôi phục các mối liên hệ xã hội tích cực.
Thứ sáu: Khôi phục, đào tạo các kỹ năng lao động và học tập.
Thứ bảy: Rèn luyện ý thức trách nhiệm với bản thân và hành vi xã hội đúng đắn.
Một điểm nhấn khác trong phương pháp của PSD là việc lựa chọn hình thức trị liệu ngoại trú. Đây là một hình thức can thiệp đang được kỳ vọng về tính hiệu quả trong bối cảnh các khó khăn hiện nay của công tác cai nghiện và chống tái nghiện. HV là những người đã được cắt cơn, giải độc ma túy và phục hồi thể chất từ 1-3 tháng sẽ được làm việc riêng với chuyên gia 2 - 3 lần/tuần, mỗi lần 1,5 - 2 giờ, thời gian trung bình là từ 2,5 đến 3 tháng, hoặc cũng có thể dài hơn, tùy thuộc vào đặc điểm cá nhân ảnh hưởng đến tiến trình trợ giúp như động cơ tham gia tiến trình, trình độ nhận thức, khả năng ghi nhớ và lĩnh hội kiến thức, thói quen mới… Sau mỗi buổi làm việc, HV lại trở về với môi trường sống thực tế của mình, nơi họ tự thực hiện các chỉ dẫn của chuyên gia, gắn những kỹ năng đạt được vào tình huống cuộc sống thực tế. Bằng cách này mà củng cố một loạt các hành vi mới lành mạnh, loại bỏ hành vi sử dụng ma túy. Tuy nhiên, với những HV có mức độ nghiện nặng hoặc động cơ cai nghiện chưa mạnh mẽ thì họ có thể cần phải tham gia trị liệu tâm lý chống tái nghiện ma túy nội trú trong khoảng 1-2 tháng đầu tiên trước khi thực hiện trị liệu ngoại trú.
(Trích trong cuốn PHƯƠNG PHÁP CHỐNG TÁI SỬ DỤNG MA TÚY BẰNG LIỆU PHÁP TÂM LÝ do PGS. TS Mạc Văn Trang và Lê Trung Tuấn chủ biên cùng sự tham gia của các chuyên viên Nghiên cứu và trị liệu của PSD: Hạ Thị Kim Cúc, Vũ Thị Bền, Đàm Thị Dư, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Thơm, Phan Thị Mai Thương).
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD