Châu Âu với công tác phòng ngừa lạm dụng ma túy

Bài 1: Những thay đổi. Alexey Portnow, Biên tập viên y tế (Hồng Minh trích lược).

 

Bài 1: Những thay đổi

 Tại các nước châu Âu, công tác phòng ngừa lạm dụng ma túy và chất gây nghiện có nhiều thay đổi. Nhiều nghiên cứu khoa học đã được tiến hành nhằm xây dựng cơ sở các phương pháp phòng ngừa nghiện ma tuý, nghiện rượu ở bậc tiểu học, trung học cơ sở.

Việc lạm dụng ma tuý và chất gây nghiện ở trẻ em, thanh thiếu niên đang là vấn đề nan giải tại Nga và nhiều nước. Các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ đã và đang tích cực nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp. Nhờ nỗ lực này, xã hội hiện đại đã thay đổi thái độ từ tình trạng công khai tuyên bố về nhu cầu hoạt động dự phòng đã chuyển sang hoạt động tích cực; phát triển các giải pháp chính trên cơ sở nghiên cứu, thực hiện các chương trình, hành động khác nhau…

Xây dựng nền tảng của công tác phòng ngừa lạm dụng ma túy, một cách bài bản, có hệ thống từ cấp tiểu học, trung học, đại học, phân biệt rõ ràng với các hoạt động tuyên truyền PCMT và vấn đề khác thuộc nghiệp vụ sư phạm - tâm lý học trị liệu.

Sự phát triển về y tế và ngành tâm lý học đã giúp nâng cao sự thích nghi của mỗi cá nhân, tìm ra cách thức giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Ngành xã hội học và sư phạm cũng góp phần trong nghiên cứu, cung cấp các thông tin chính xác, tạo điều kiện phát triển lối sống lành mạnh, hình thành nên một hệ thống hỗ trợ xã hội.

Trên cơ sở các nghiên cứu lý thuyết, các chương trình phòng ngừa đã được xây dựng cho trẻ em, thiếu niên, thanh niên các độ tuổi khác nhau, đồng thời, quan tâm tới đối tượng cha mẹ phụ huynh và giáo viên. Các chương trình kiểm tra, giới thiệu trong các trường học và trung tâm y tế công cộng, phòng trị liệu tâm lý tại các thành phố, khu vực khác nhau của Nga. Bộ chương trình hoàn chỉnh nhất đang được trình bày và thử nghiệm hoạt động trong vài năm và hiệu quả của nó đã được xác định.

Các chuyên gia ở nhiều quốc gia, lưu ý đến tính đa ngành của việc phòng ngừa, phát triển rộng rãi các hoạt động liên ngành, tích cực tham gia vào các dự án nghiên cứu khác nhau, thực hiện nghiên cứu khoa học trên thực tế và trong việc xây dựng hệ thống phòng ngừa. Ví dụ điển hình là tại Nga có một hội đồng liên ngành gồm các chuyên gia về vấn đề phòng ngừa, được thành lập dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục Nga.

Ở Châu Âu, nhiều quốc gia tham gia vào cuộc chiến chống lạm dụng ma túy và buôn lậu bất hợp pháp thông qua các hoạt động của một nhóm đa ngành được gọi là nhóm Pompidou, thành lập bởi Hội đồng Châu Âu. Thành viên của nhóm Pompidou là các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách, mục đích là để phát triển một chiến lược toàn diện về việc ngăn ngừa sử dụng ma túy tổng hợp, nhằm thúc đẩy việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm, theo dõi tín hiệu tiêu cực, hoạt động thực tiễn, liên kết với các chính trị gia, học viên và chuyên gia nghiên cứu. Các ưu tiên trong công việc của nhóm Pompidou: phòng ngừa và điều trị nghiện ma tuý, phát triển nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phòng ngừa, điều trị cai nghiện ma túy. Ngoài ra, công việc của nhóm cũng bao gồm các lĩnh vực liên quan đến các vấn đề về xã hội, giáo dục, công lý, thi hành luật và giáo dục vị thành niên, thanh, thiếu niên.

Theo định hướng công tác dự phòng, nhiều chiến lược hoạt động đã được xây dựng cho các nhóm dân cư và thanh thiếu niên khác nhau.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các giải pháp phòng ngừa đơn thuần nhiều khi có thể chưa có hiệu quả. Các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực phòng chống lạm dụng ma túy tại các quốc gia khác nhau quan tâm đến việc tìm kiếm và phát triển phương pháp và công nghệ mới có hiệu quả hơn cho công tác phòng ngừa. Phòng chống nghiện ma tuý hiện nay đòi hỏi những giải pháp chiến thuật mới.

Các chuyên gia từ nước ngoài công nhận những phương pháp ưu tiên làm tăng tính hiệu quả của hoạt động phòng ngừa:

  • Sự tham gia của giới trẻ trong công tác dự phòng;

  • Việc tiến hành các diễn đàn thanh niên tại châu Âu về phòng chống tình trạng nghiện ma tuý;

  • Sử dụng công nghệ bưu chính viễn thông, internet để phòng ngừa sự phụ thuộc vào ma túy và các chất gây nghiện.

 

Ảnh: Người đàn ông Sneem nhận giải thưởng châu Âu cho dự án phòng chống ma túy vì vai trò của họ trong việc phát triển một ứng dụng di động giảm thiểu tác hại có tên là TripApp.

Sự tham gia của thanh thiếu niên trong các hoạt động dự phòng nghiện ma tuý.

Tại các nước phát triển nói chung, và ở Nga nói riêng, xã hội bắt đầu có những nhìn nhận và đánh giá về tầm quan trọng của lực lượng thanh niên trong công tác phòng ngừa sử dụng ma túy và chất gây nghiện. Những người trẻ tuổi phản đối chế độ độc đoán của người lớn, đôi khi không tìm thấy tiếng nói chung. Trong khi đó, thanh niên là một lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng, đem lại những lợi ích tích cực và lâu dài. Việc hợp tác với giới trẻ, xây dựng mối quan hệ đối tác là điều kiện cần thiết để đạt được mục tiêu của chương trình giúp phòng ngừa sự phụ thuộc vào ma túy và chất gây nghiện. Những người trẻ tuổi thường dễ chia sẻ, lắng nghe nhau. Họ đồng thời là những người truyền cảm hứng có hiệu quả, có thể thuyết phục các đồng nghiệp, bạn học… của mình rằng việc phòng ngừa nghiện ma túy là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến giới trẻ. Họ có thể tự đánh giá tính hiệu quả của các phương pháp phòng ngừa. Có rất nhiều ví dụ về các chương trình dự phòng được khởi xướng và phát triển bởi thanh niên tại các quốc gia Châu Âu. Trong một số chương trình, người lớn tuổi cũng có trong thành phần tham dự, và nhiệm vụ của họ là hỗ trợ thanh thiếu niên và cũng là nơi chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của họ với lớp trẻ.

Ví dụ, một nhóm thanh niên từ Bun-ga-ri đã lập một trang web để nâng cao mức độ nhận thức của giới trẻ về ma túy, việc lạm dụng ma túy và phòng chống lạm dụng ma túy theo cách mới. Trợ lý ảo tên “anh hùng” của trang web tiếp nhận trả lời câu hỏi, chia sẻ kiến thức, giúp đỡ tìm cách để giải quyết vấn đề. Các “anh hùng" ảo được tạo ra từ kinh nghiệm của các thành viên. Những nhân vật này được xây dựng từ hình tượng thanh niên hiện đại (tính cách, hành vi, ngôn ngữ…). Diễn đàn trên mạng liên tục mở rộng đối tượng, cập nhật thông tin về tất cả các vấn đề giới trẻ quan tâm. Ngoài ra, tất cả mọi người có thể tham gia vào việc đóng góp cho sự phát triển của "anh hùng” ảo.

Trong một chương trình đào tạo phòng chống ma túy tại Hy Lạp, tận dụng sở thích của thanh thiếu niên là khiêu vũ và âm nhạc, các thanh niên đã xây dựng kịch bản phim kèm các vũ điệu, nội dung về các ảnh hưởng, cảm giác thực tế khi sử dụng thuốc và chất gây nghiện. Mục đích của cuốn phim là làm cho khán giả trải qua cảm giác của chính nhân vật trong bộ phim. Từ chương trình này, chúng ta thấy được hiệu quả khi thanh thiếu niên chủ động tham gia các hoạt động dự phòng, và bác bỏ khuôn mẫu rằng khiêu vũ và âm nhạc không có tác dụng trong việc dự phòng chống lạm dụng ma túy, thậm chí còn kích thích việc sử dụng thêm chất gây nghiện là quan điểm sai lầm.

Trong một chương trình đào tạo phòng chống ma túy tại Ba Lan, các nhóm thanh niên đã tổ chức các gian hàng đặc biệt trong vui chơi giải trí, nơi tập trung đông người. Tại đây, các bạn trẻ không chỉ nhận được các tài liệu về ma túy, tác hại của việc lạm dụng ma túy, chất kích thích,… mà còn được nói chuyện với các tình nguyện viên về các vấn đề thú vị, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ về cai nghiện một cách nhanh chóng.

Chương trình truyền hình nổi tiếng "Danger Zone" đang phát sóng tại Nga, nơi các bạn trẻ có thể dễ dàng tiếp cận vấn đề liên quan đến việc sử dụng ma túy, chất kích thích và rượu…

Các chương trình vận động được triển khai nhằm tạo sự chú ý của thanh thiếu niên đối với vấn đề về phòng, chống lạm dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện, cơ hội chia sẻ thông tin và tổ chức tập huấn về các vấn đề trọng tâm.

Alexey Portnov, Biên tập viên y tế (Hồng Minh trích lược)

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD