Tỉnh Long An: tăng cường công tác phòng, chống ma túy học đường.
Sở GD&ĐT tỉnh Long An tiếp tục phối hợp Viện PSD thực hiện tập huấn trực tuyến cho khoảng 160 chuyên viên Phòng GD&ĐT, giáo viên làm tổng phụ trách Đội trường THCS; 90 cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác Đoàn trường THCS&THPT, THPT, Trung tâm GDTX&KTTH.
Long An - Giải pháp để công tác phòng chống ma túy (PCMT) đạt hiệu quả cao là phải tập trung đấu tranh, ngăn chặn nhằm làm giảm nguồn “cung- cầu”. Đây là định hướng căn cơ và chiến lược mà tỉnh Long An đã, đang quyết tâm thực hiện, đạt nhiều thành tựu trong những năm qua.
.jpg)
Ths.BS Tạ Đức Ninh - Phó Viện trưởng Viện PSD - trình bày thực hiện trình bày các chuyên đề về phòng chống ma túy học đường. Ảnh: PSD
Định hướng đúng đắn, chiến lược tập trung, quyết tâm cao độ
Long An có đường biên giới dài gần 133km, đi qua 20 xã biên giới thuộc 6 huyện, thị xã với địa hình tương đối bằng phẳng, trống trải, nhiều đường mòn chạy qua biên giới. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại tội phạm hoạt động, nhất là tội phạm ma túy. Địa bàn trọng điểm mà các đối tượng buôn lậu hoạt động mạnh là khu vực biên giới của huyện Đức Huệ, thị xã Kiến Tường.
Cơ quan chức năng tỉnh Long An liên quan tập trung ngăn chặn việc thẩm lậu ma túy ngay từ biên giới, cụ thể là giáp biên với Campuchia nhằm ngăn chặn nguồn ma túy thẩm lậu vào địa bàn.
Đối với các địa phương giáp biên, lực lượng chức năng chú trọng hợp tác, có quy chế phối hợp với địa bàn như Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang và TP.HCM. Tỉnh cũng xác định tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế về tài chính, kỹ thuật, công nghệ hiện đại phục vụ công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy.
Mặt khác, Long An luôn xác định đang làm tốt và tốt hơn nữa công tác phòng ngừa, tuyên truyền tác hại của ma túy, ma túy tổng hợp, các chất hướng thần; hướng dẫn kỹ năng tự phòng tránh cho cộng đồng, nhất là các nhóm có nguy cơ bị lôi kéo, sử dụng ma túy cũng như có cơ chế hỗ trợ việc làm, đào tạo văn hóa, dạy nghề cho số đối tượng nghiện ma túy sau cai nghiện.
Thực tế trong 10 năm qua, các ngành chức năng của tỉnh đã phát huy sự hiệu quả trong hợp tác, phối hợp các lực lượng, cơ quan chức năng cùng xung kích, quyết tâm đẩy lùi hiểm họa ma túy; đạt được nhiều thành tích xuất sắc.

Tăng cường công tác phòng, chống ma túy học đường
Đặc biệt, công tác PCMT trong trường học được ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Long An hết sức quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sáng kiến hiệu quả.
Ngành đã tích cực phối hợp cơ quan Công an, ngành chức năng nhằm giáo dục kỹ năng PCMT phù hợp với từng nhóm, đối tượng học sinh cụ thể; trong đó chú ý đến tác hại và xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, chất hướng thần và một số chất ma túy mới. Ngành thường xuyên tổ chức mít tinh, tọa đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề, thi sáng tác các tác phẩm, biểu diễn tiểu phẩm nội dung tuyên truyền về PCMT.
Hàng năm, Long An thực hiện đều đặn, thường xuyên các hoạt động với sự phối hợp giữa Tỉnh đoàn, Thành đoàn và Công an, Bộ đội biên phòng, Y tế... nhằm tuyên truyền PCMT học đường. Bên cạnh việc kịp thời tuyên truyền luật pháp về PCMT, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Công an tỉnh thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2018 đến 2020, toàn tỉnh có 100% (376/376) trường học tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thúc, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của ma túy và biện pháp phòng, chống. Toàn ngành đã tổ chức tuyên truyền PCMT được 3.561 cuộc với 89.395 lượt cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên; 835.105 học sinh tham gia.
Năm học 2020-2021, ngành GDĐT Long An giữ vững và phát huy tinh thần quyết liệt phòng chống ma túy học đường. Điển hình là ngành đã phối hợp thực hiện kế hoạch 599/KH-BGDĐT, ngày 24.6.2021 của Bộ GDĐT về triển khai 05 nhiệm vụ phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học năm 2021.
Theo đó, Sở GDĐT tỉnh Long An phối hợp Viện nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD tổ chức “Tập huấn, tuyên truyền kỹ năng phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học năm 2021”.
Tại buổi tập huấn, PGS.TS Mai Văn Hưng - Phó Viện trưởng điều hành Viện PSD và bác sĩ. Ths Tạ Đức Ninh- Phó Viện trưởng Viện PSD đã trình bày thực trạng, tình hình phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021; tập huấn về kiến thức cơ bản về ma túy và can thiệp dự phòng sử dụng ma túy do Cơ chế gây nghiện, tái nghiện ma túy và kỹ năng phòng chống ma túy; Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh.
“Nội dung các chuyên đề thật sự rất bổ ích, nhiều thông tin cần thiết cho cán bộ trường và giáo viên; giúp chúng tôi tiếp cận kiến thức, đồng thời có thêm ý tưởng để thực hành các hoạt động truyền thông không chỉ trong nhà trường mà còn với cộng đồng”- thầy Nguyễn Thái Bình, Trường THCS Kiến Tường, cho biết.
Nhờ sự quan tâm sâu sắc tới tình hình chung và đặc biệt là sự an toàn cho các em HSSV, đảm bảo môi trường học đường trong sạch, theo thông tin từ Sở GDĐT Long An, trong các năm học 2018-2019 và 2019-2020, 100% trường học không để phát sinh tụ điểm phức tạp về ma túy, phát sinh người nghiện; đồng thời, các trường xây dựng cơ chế thống kê, báo cáo thường xuyên theo định kỳ và đột xuất về công tác PCMT, biện pháp xử lý trong trường hợp HSSV liên quan đến ma túy.