Quảng Ngãi: Tập huấn tuyên truyền phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm bằng hình thức trực tuyến
Từ ngày 24/12- 28/12 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD (Viện PSD) tổ chức chương trình tuyên truyền phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho Cán bộ Quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh bằng hình thức trực tuyến.
Từ ngày 24/12- 28/12 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD (Viện PSD) tổ chức chương trình tuyên truyền phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho Cán bộ Quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh bằng hình thức trực tuyến.
Tình hình sử dụng ma túy phức tạp
Mặc dù năm 2020 và năm 2021, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tình hình ma tuý không giảm mà thậm chí gia tăng và khó kiểm soát hơn. Theo thống kê, hiện nay cả nước có 246.648 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 11.636 người nghiện (tăng 4,7%) so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại của ma túy tổng hợp, nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.
Số người nghiện tăng bình quân khoảng hơn 10.000 người/năm, số vụ việc liên quan tới người sử dụng ma túy trái phép như trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, tự sát, giết người... gia tăng về cả số vụ và tính chất nghiêm trọng.
Tính đến tháng 6/2021, lực lượng Khoa học hình sự đã phát hiện thêm 8 chất có tính năng, tác dụng tương tự như ma túy nhưng chưa có tên trong danh mục Nghị định 60/2020/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành.
PGS.TS Mai Văn Hưng, Phó Viện trưởng điều hành Viện PSD cho biết: “Hiện nay, điều rất đáng lo ngại là ở trong nước xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, đa dạng, chủ yếu là các loại ma túy kích thích thần kinh, gây ảo giác, hoang tưởng, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thần kinh. Quá trình điều trị để phục hồi là rất khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian, có những em sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy thì việc phục hồi càng khó khăn hơn”.
Theo Viện PSD, chỉ có 4,5% số học sinh được khảo sát cho rằng mình có những kiến thức đầy đủ về các chất ma túy; trong khi đó có tới 42,2% số người cho biết không hiểu biết về nội dung này. Về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và các kỹ năng phòng chống ma túy, có tới 44% học sinh cho rằng mình không hiểu biết gì, gần 40% khẳng định mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy.
Nhận thức được tình trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Viện PSD tổ chức tập huấn kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm cho Cán bộ Quản lý, cha mẹ học sinh và học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bằng hình thức trực tuyến.
Quảng Ngãi tập huấn trực tuyến công phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi chương trình được tổ chức nhằm triển khai thực hiện kế hoạch số 599/KH-BGDĐT của Bộ giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện 05 nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021. Quảng Ngãi là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện các nhiệm vụ này.
Do tình hình dịch Covid-19 nên chương trình tuyên truyền được thực hiện bằng hình thực trực tuyến, đã thu hút sự tham gia của hơn 600 giáo viên, cán bộ quản lý; 600 cha mẹ học sinh và khoảng 6000 học sinh trường THPT, THCS, Trung tâm GDNN-GDT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Tại chương trình các chuyên gia của Viện PSD đã trình bày bài bản, khoa học những nội dung nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng phòng chống HIV/AIDS, mại dâm, tệ nạn xã hội: Thực trạng, tình hình phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021; Kiến thức cơ bản về ma túy và can thiệp dự phòng sử dụng ma túy; Cơ chế gây nghiện, tái nghiện ma túy và kỹ năng phòng chống ma túy; Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh.
Chia sẻ sau khóa tập huấn, Ông Nguyễn Văn Hoằng - Giáo viên trường THCS Phổ Thuận: “Sau buổi tập huấn hôm nay tôi thấy rằng để có thể phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội một cách hiệu quả thì nhà trường, thầy cô và các phụ huynh nên kết nối chặt chẽ với nhau. Chương trình hôm nay rất ý nghĩa, bổ ích và cần phải phát huy mạnh hơn, tổ chức nhiều chương trình như thế này.”
Đặc biệt đối với bài giảng dành cho học sinh, các em ngoài được trang bị thêm kiến thức về ma túy còn được trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ của chuyên viên Viện PSD, là những người đã từng lầm lỡ sử dụng ma túy, đã cai nghiện ma túy thành công và trở thành những chuyên gia của Viện PSD, góp sức mình trong công cuộc phòng chống ma túy.
Em Nguyễn Đặng Hoàng- Học sinh trường THCS Bình Hòa: “Đây là một buổi học tuyệt vời, qua đây em biết thêm được nhiều kiến thức về ma túy cũng như kỹ năng phòng chống ma túy. Em hy vọng sau này có thể trở thành một tuyên truyền viên phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội.”
Chương trình tập huấn mang ý nghĩa thiết thực trong việc bổ sung, cập nhật kiến thức nhận biết các loại ma túy mới, kỹ năng phòng tránh cho Giáo viên, Cán bộ Quản lý, cha mẹ học sinh và học sinh trên địa bản tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của chính những đối tượng trên về mục đích, ý nghĩa của công tác phòng chống ma túy tại trường học.
Để hạn chế tình trạng ngày càng nhiều thanh thiếu niên sa vào tệ nạn ma túy và trở thành tội phạm ma túy cần đến sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài việc giúp học sinh tự nhận biết và phòng tránh những tác hại của loại hình ma tuý trong nhà trường, phụ huynh cũng cần phối hợp với thầy cô trong việc quản lý, giám sát học sinh và chú ý đến tâm lý, biểu hiện của các em để có biện pháp can thiệp kịp thời nếu có vấn đề bất thường xảy ra.
Đồng thời, nhà trường cần phối hợp với cơ quan chức năng liên quan có các khóa tập huấn, đào tạo thường xuyên cho các thầy cô giáo, nhận diện sự thay đổi liên tục những hình thức ma túy trá hình, dấu hiện nhận biết, cách xử lý khi nghi ngờ học sinh nghiện ma túy.