Viết từ bệnh viện

Thần chết hình như cũng không muốn nhận họ ngay mà cứ để họ chết dần chết mòn mới thật đáng sợ...

 

Mặc dù đã nằm trên bàn mổ, bệnh nhân Vũ Văn Đ. vẫn luôn miệng cầu xin chúng tôi cố gắng cứu sống mình. Anh nói anh cần phải sống vì còn hai đứa con nhỏ, một đứa mới học lớp năm, đứa khác học lớp ba. Bằng một giọng đều đều trong lúc chờ đợi gây mê, anh kể rằng năm nay 37 tuổi và anh đã nghiện 6 năm, mỗi ngày chích khoảng 6 cữ với đủ loại thuốc trên đời.

 

Lúc đầu còn chích được vào các tĩnh mạch, càng về sau các tĩnh mạch bị xơ chai và anh chích trực tiếp vào động mạch cánh tay, "dễ nhất, thưa bác sĩ là động mạch đùi ở ngay nếp bẹn". Ngày qua ngày, đến cả động mạch đùi cũng trở nên khó chích, được bạn bè cùng hội cùng thuyền cố vấn anh tự làm tổn thương động mạch đùi để tạo thành "túi phình giả". Với "túi phình" này việc tiêm ma túy trở nên dễ dàng hơn, chỉ việc đâm kim vào "túi phình" là máu xịt ra và cứ thế bơm thuốc vào để đi mây về gió. Có vài lần "túi phình" muốn vỡ ra và máu chảy ra xối xả, anh lại vào bệnh viện, băng ép tiêm thuốc cầm máu van vỉ các bác sĩ cứu mạng; đến khi ra viện rồi đâu lại vào đó.

 

Lần này, máu chảy quá nhiều băng ép không hiệu quả và anh phải bất đắc dĩ gặp chúng tôi. Cuộc phẫu thuật được tiến hành. Trong khi mổ, chúng tôi để ý thấy hầu như toàn bộ các mạch máu ngoại vi của anh đều bị tổn thương, nếu không muốn nói bị hư hỏng nặng, các tĩnh mạch nông, máu tắc nghẽn không thể lưu thông được, thành động mạch bị dày lên. Trong khi mổ, phòng xét nghiệm thông báo bệnh nhân có khả năng bị nhiễm HIV, test nhanh dương tính.

 

Sáng hôm sau, gặp lại bệnh nhân ở buồng bệnh, anh xin chúng tôi một mũi thuốc ngủ vì không thể chịu đựng nổi cảm giác kiến bò trong xương của cơn thèm thuốc. Chúng tôi biết, với những bệnh nhân này đau đớn của cuộc mổ không bằng một phần của cảm giác thiếu thuốc. Anh đã từng cai nghiện đến hơn chục lần rồi. Kết quả đâu lại vào đấy, chỉ cần về lại nhà đi ngang qua khu phố cũ, gặp lại những người bạn cũ là cảm giác thèm thuốc lại nổi lên và hầu như không ai có thể cưỡng lại được. Anh tâm sự với tôi, nhiều khi thấy mình quá tội lỗi và muốn chết đi nhưng lúc này tìm đến cái chết với anh không phải là dễ. Thần chết hình như cũng không muốn nhận họ ngay mà cứ để chết dần chết mòn mới thật đáng sợ.

 

 

Một bệnh nhân khác, em Trần Văn H., nằm trong khu vực điều trị của tôi còn rất trẻ, mới có 18 tuổi, bị tràn khí màng phổi tự phát. Nét mặt em rất buồn, hầu như luôn ở trong trạng thái trầm cảm. Nhìn lướt qua các xét nghiệm tiền phẫu, chúng tôi thấy xét nghiệm HIV dương tính. Khi trao đổi với gia đình, chúng tôi được biết bệnh nhân đã sử dụng ma túy từ năm 15 tuổi và bây giờ gia đình đành phó mặc cho số phận. Những người thân đều nghĩ rằng, nhiều khi cái chết chính là sự giải thoát cho cả hai bên, bệnh nhân và họ khỏi phải chịu đựng một nỗi khổ đau triền miên. Và đúng như vậy, bệnh nhân đã chết hai tháng sau đó trong bệnh cảnh bùng phát của bệnh AIDS. Họ đã được giải thoát.

 

Cũng như chúng tôi, rất nhiều đồng nghiệp đã chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng của những người mà trong đời có giây phút nào đó họ đã đánh liều kết bạn với thần chết. Tuy nhiên trong số những người đó còn có nhiều nạn nhân đã không kịp đến bệnh viện, bao nhiêu gia đình tan vỡ, bao nhiêu vầng khăn tang trên đầu của những người còn sống…

 

Hàng đêm trong những phiên trực, trái tim của người thầy thuốc lại đập liên hồi khi nghe thấy tiếng còi xe cứu thương hú từng đợt dài như xé tan màn đêm. Không biết con người nghĩ gì khi mà mỗi ngày tìm đến những mũi thuốc độc, những cơn say mất hết nhân tính, những lưỡi dao oan nghiệt và những tự ái nhỏ nhặt trong đời thường là nguyên nhân cướp đi bao nhiêu mạng sống của chính mình và của đồng loại?

 

Trích “chuyện kể từ bệnh viện”

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD