Thay vì trừng phạt, hãy tăng cường các hoạt động mang tính chia sẻ để giúp người nghiện tự nguyện tham gia điều trị.
Ma túy đã và đang trở thành hiểm họa của nhân loại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế- xã hội, làm tổn hại đến cộng đồng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc, Việt Nam lấy tháng 6 hằng năm làm “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”. Việc làm ấy nhằm huy động sự chung tay của xã hội đối với công tác phòng, chống ma túy, hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng không còn ma túy.
Thế giới có trên 315 triệu người nghiện ma túy. Ở Việt Nam, số người nghiện ma túy đang trẻ hóa với trên 170.000 đối tượng được thống kê. Ma túy đã và đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của xã hội, có thể quật ngã bất cứ ai, nếu trong một khoảng khắc nào đó lơ là mất cảnh giác. Không chỉ làm tiêu tốn hàng chục tỉ USD trên toàn thế giới và khoảng 3.500 tỉ đồng với Việt Nam mỗi năm, ma túy còn là nguyên nhân của rất nhiều loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, khoảng 70% số vụ phạm tội mỗi năm do người nghiện ma tuý gây ra hoặc có liên quan đến ma túy. Không ít vụ án mạng chỉ vì một phút không kiểm soát được hành vi, con nghiện đã ra tay giết chết người thân của mình. Ma túy còn là con đường ngắn nhất làm lây lan đại dịch HIV/AIDS.
Hơn hai mươi năm qua, được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ công tác phòng chống ma túy với việc hình thành và đưa vào hoạt động các trung tâm cai nghiện ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, hiệu quả cai nghiện thời gian qua không cao, tỉ lệ tái nghiện còn trên 90%, mà nguyên nhân được cho là vì sự nhìn nhận chưa đúng về người nghiện ma túy. Trong một thời gian dài, họ bị coi là đối tượng tệ nạn xã hội, thậm chí là như tội phạm. Vì vậy, việc cai nghiện được thực hiện bắt buộc trong các trung tâm với chế độ sinh hoạt, giáo dục được quản lý nghiêm ngặt. Việc cai nghiện cũng chỉ tập trung điều trị cắt cơn, cách ly học viên mà chưa quan tâm đúng mức đến sự đào tạo kỹ năng cho gia đình để hỗ trợ tâm lý, giúp người nghiện tái hòa nhập với cộng đồng sau cai.
Sự sai lầm về nhận thức vô tình đã làm người nghiện ma túy mất đi niềm tin vào cuộc sống, cảm thấy xa lạ với cộng đồng vì mặc cảm bị kỳ thị, xa lánh. Thực tế cho thấy, nghiện ma túy là một căn bệnh mãn tính, người bệnh cần được điều trị trong một thời gian dài và được đối xử như những bệnh nhân bình thường. Cùng với điều trị bằng thuốc, cần thiết phải khuyến khích cơ chế tự điều trị bằng chính ý thức vượt qua sai lầm của người bệnh.
Thay vì trừng phạt, hãy tăng cường các hoạt động mang tính chia sẻ để giúp người nghiện tự nguyện tham gia điều trị. Đó chính là mục tiêu mà Đề án đổi mới công tác cai nghiện của Chính phủ hướng tới, nhằm giảm dần việc điều trị bắt buộc ở các trung tâm, tăng cường điều trị tự nguyện tại cộng đồng; nâng cao vai trò của gia đình và xã hội trong chức năng tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe cũng như hướng dẫn kỹ năng sống, hỗ trợ nghề nghiệp giúp người nghiện ma túy tái hòa nhập sau cai.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy một khi coi tình trạng lạm dụng ma túy là một vấn đề y tế công cộng, là rối loạn sức khỏe thì xã hội sẽ có cách can thiệp khoa học và nhân ái hơn, người bệnh sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn, họ sẽ tự tin hơn vào bản thân và cuộc sống.
Tình trạng lạm dụng ma túy và các chất gây nghiện đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vì vậy, sẽ không có mô hình cai nghiện nào là duy nhất, không có phác đồ điều trị nào là đúng cho tất cả mọi người. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác cai nghiện với nhiều mô hình ở cộng đồng, để không chỉ là nơi chữa bệnh, những mô hình này còn là nơi sẻ chia của gia đình và xã hội trên tinh thần nhân ái, bao dung. Có như vậy thì những người vấp ngã mới tự tin đứng lên làm người có ích./.
Theo VOV online
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD