Từ vụ bắt cựu cảnh sát Hàn Quốc, cảnh báo thủ đoạn giấu ma túy "qua mặt" máy soi

Vụ phát hiện 40 kg ma túy cất giấu trong đá granite chuẩn bị xuất sang Hàn Quốc vừa qua đã cho thấy một thủ đoạn hết sức tinh vi của tội phạm ma tuý để vận chuyển ma túy qua đường biển.

Vụ phát hiện 40 kg ma túy cất giấu trong đá granite chuẩn bị xuất sang Hàn Quốc vừa qua đã cho thấy một thủ đoạn hết sức tinh vi của tội phạm ma tuý để vận chuyển ma túy qua đường biển.

 Các khối đá chứa ma túy "qua mặt" được máy soi, chuẩn bị xuống tàu xuất khẩu đi nước ngoài

Theo đó, các nghi phạm mua các khối đá xẻ có kích thước 20x20 cm, dài 1 m, rồi xếp thành khối lớn có kích thước 2x2 m.

Ở lớp thứ ba từ dưới lên, chúng tạo khoảng trống ở giữa, xung quanh gắn silicon rồi nhét 8-12 gói ma túy bên trong (mỗi gói khoảng 1 kg), sau đó tiếp tục xếp các khối đá khác lên trên. Mỗi khối đá nặng khoảng 2,7 tấn.

Theo cơ quan chức năng, với thủ đoạn này, máy soi chiếu không thể phát hiện ra ma túy bên trong.

Đây là lần đầu tiên có một chuyên án mà người Hàn Quốc và người Trung Quốc câu kết với nhau và cũng là lần đầu tiên các đối tượng dùng đá xây dựng để giấu ma túy. Nếu không bị phát hiện, số ma túy sẽ được chuyển sang Hàn Quốc, một thị trường mà từ trước đến nay chưa phát hiện.

Đầu tháng 7/2020, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (BĐBP) nhận thông tin có đường dây vận chuyển ma túy từ TPHCM đi Hàn Quốc. Cầm đầu là 1 đối tượng người Hàn Quốc sống lâu năm ở TPHCM, đối tượng thành lập công ty xuất khẩu hàng sang Hàn Quốc, có kho xưởng gia công để giấu ma túy vào đá tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TPHCM.

Ban Chuyên án đã theo dõi đường dây tội phạm từ trước nên phát hiện được việc các đối tượng tạo khoảng trống ở giữa các khối đá để cất giấu ma túy

Kim Soon Sik (sinh năm 1960, quốc tịch Hàn Quốc) cùng vợ "hờ" là Huỳnh Thị Hoa Trân (sinh năm 1980, trú tại thành phố Hồ Chí Minh), có cuộc sống dư dả với công ty xuất khẩu đá granit từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Kim Soon Sik trước đây từng 20 năm làm cảnh sát ở Hàn Quốc.

Để đấu tranh với đường dây vận chuyển ma túy này, ban chuyên án gồm rất nhiều lực lượng liên quan như Cục Phòng, chống tội phạm và ma túy (Bộ đội biên phòng - BĐBP), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP TPHCM, Hải quan TPHCM, Công an TPHCM...

Giữa tháng 7/2020, Ban chuyên án nhận được tin Kim Soon Sik mở tờ khai hải quan để chuẩn bị xuất khẩu 30 tấn đá sang Hàn Quốc. Chuyến hàng lần này, Kim Soon Sik cùng vợ và những chân tay thân tín trực tiếp xuống kho hàng để làm việc.

Nhận thấy thời cơ phá án, khoảng 22h, ngày 18/7, container chở 30 tấn đá của Kim Soon Sik rời kho chứa hàng của công ty đi cảng Cát Lái để làm thủ tục hải quan xuất khẩu sang Hàn Quốc. 23 giờ, chiếc xe từ từ tiến vào cảng, khu soi chiếu bình thường như các xe hàng khác.

23h40' cùng ngày, khi container đá của Kim Soon Sik chuẩn bị được đưa xuống tàu để đi tới cảng Incheon (Hàn Quốc), bất ngờ lực lượng Biên phòng, Công an xuất hiện khống chế lái xe, đọc lệnh khám xét khẩn cấp của Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an. Trong container, lực lượng làm nhiệm vụ đã phát hiện 40kg bột màu trắng, nghi là ma túy tổng hợp dạng đá được cất giấu tinh vi trong các khối đá granit.

Cùng thời điểm đó, Ban chuyên án ra lệnh đồng loạt khám xét khẩn cấp tại 5 điểm trên địa bàn TPHCM. Đến nay ban chuyên án đã bắt tạm giữ 7 nghi phạm, trong đó có 4 nghi phạm là người Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo ban chuyên án, đây là đường dây vận chuyển ma túy lớn, liên quan đến nhiều người, nhiều địa bàn và nhiều quốc gia. Những đối tượng này đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi chủ yếu liên lạc qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, trong thời gian qua, trong khi lực lượng chức năng đánh mạnh ở đường bộ, đường hàng không thì tội phạm chuyển hướng lựa chọn cung đường khác an toàn hơn là đường biển và vận chuyển với số lượng lớn. Đáng chú ý, nhiều đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy đã kết hợp khéo léo cả 3 cung đường để vận chuyển ma túy.

Trên tuyến biển, tội phạm ma túy tiếp tục lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container đi đường biển để vận chuyển ma túy. Các đối tượng chủ hàng không trực tiếp đứng ra làm thủ tục xuất nhập khẩu mà làm hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu hàng hóa lòng vòng qua nhiều công ty khác nhau, thậm chí sử dụng công ty “ma” không có trong thực tế để thực hiện xuất nhập khẩu các container có cất giấu ma túy đi và đến Việt Nam.

Tội phạm ma túy qua tuyến đường biển ở Việt Nam có sự chỉ đạo, cấu kết với các đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy quốc tế. Thủ đoạn cất giấu hết sức tinh vi, khi bọn chúng giấu các túi ma túy trong container hàng sắt thép phế thải, thức ăn chăn nuôi, hạt nhựa, đưa vào khoang rỗng của trục rulo máy ép bao bì, cất giấu trong các loa thùng, đế giày dép… Các đối tượng nhập ma túy “đá”, heroin từ vùng Tam giác vàng; cocain từ các nước Nam Mỹ về Việt Nam rồi đi nước khác. Sau đó, tuyến xuất từ Việt Nam – Philippines; Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc); Việt Nam - Australia.

Đặc biệt, ma túy được trung chuyển qua nhiều nước để tới điểm đích, điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng các nước trong việc điều tra, xác định các đường dây và các đối tượng cầm đầu. 

Theo Tiếng chuông

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD