Một câu chuyện khiến chúng ta không khỏi chua xót, nghĩ đến những người còn rất trẻ nhưng cuộc đời họ đang trôi đi trong lặng lẽ tủi buồn. Thậm chí, không ít trường hợp do hoàn cảnh khó khăn, bế tắc đã đẩy đưa họ vào con đường phạm tội một cách nhanh chóng.
Nhân vật chính của bài viết từng là một sinh viên triển vọng, chỉ vì quá nặng lòng với chữ “tình” đã khiến anh sa ngã, trở thành kẻ buôn bán ma túy khá chuyên nghiệp…
Tuổi thơ buồn
Ngày đầu tiên bị bắt, Phạm Huy Hợi, sinh năm 1983, quê gốc ở Nga Sơn, Thanh Hóa, (đang tạm trú tại xóm 19B, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) cứ ngồi cúi gằm trên ghế đương sự tại trụ sở Công an huyện Từ Liêm. Khi điều tra viên tiến hành lấy lời khai, trong đôi mắt buồn bã của Hợi lăn những giọt nước mắt hiếm hoi. Một điều tra viên điều tra vụ án này chia sẻ rằng, tìm hiểu kỹ về nhân thân đối tượng, đồng thời nghe những lời khai của anh ta mới biết, Hợi có hoàn cảnh rất éo le.
Anh điều tra viên còn bật mí rằng, chữ viết của Hợi rất đẹp. Trong bản kiểm điểm và bản tường trình anh ta viết tại cơ quan điều tra, mấy trang giấy Hợi viết rất nắn nót, nét chữ rõ ràng, nghiêm ngắn, không hề sai một lỗi chính tả, quy củ từ dấu chấm, dấu phẩy. Điều đó thể hiện trình độ học vấn cũng như tư duy lô gíc của Hợi rất tốt. Ngay cả khi khai với điều tra viên, Hợi cũng khai rất mạch lạc, không quanh co, không có ý định đổ tội hay chối tội, có thể nói, Hợi là một trong số những đối tượng trí thức nhất trong nhóm đối tượng bị bắt lần đó.
Anh ta kể với các cán bộ điều tra rằng, anh ta sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thanh Hóa, mảnh đất khó khăn quanh năm lụt bão khiến bao gia đình hằng ngày không đủ miếng cơm để ăn, manh áo để mặc, trong đó có gia đình Hợi. Bố mẹ Hợi quanh năm đi làm thuê làm mướn nhưng vẫn không đủ tiền nuôi đàn con lít nhít. Bí bách quá, một ngày bố mẹ Hợi đành gạt nước mắt cho đứa con lớn là Hợi đi làm con nuôi một gia đình họ hàng xa ở một huyện khác của tỉnh Thanh Hóa.
Trong thân phận là đứa con bị gán đi, suốt quãng thời gian sinh sống với bố mẹ nuôi, mặc dù được bố mẹ quan tâm, yêu thương chăm sóc, nhưng Hợi luôn thấy tủi thân, tự ti.
Cay độc nhất là những trò đùa kinh khủng của bọn trẻ con cùng khu hồi bé, bất kể lúc ở nhà hay khi đến lớp, hễ thấy Hợi là chúng lại réo rắt: “Đồ con nuôi…”. Ấm ức bỏ qua đi thì thôi, nhưng nhiều lúc không chịu đựng được, Hợi sửng cồ chửi lại hoặc giơ nắm đấm lên dọa, lập tức lại một cuộc ẩu đả xảy ra. Hôm nào về đến nhà, Hợi cũng tơi tả, bầm tím mặt mày. Lâu dần, sự tự ti đã ăn vào bản tính, Hợi chẳng dám chia sẻ với ai, gặp ai cũng lùi lũi tránh đường, chỉ cần ai nói gì Hợi cũng nhạy cảm tưởng nói mình nên vội xù lông nhím…
Dù vậy, Hợi lại học rất giỏi. Càng bị cô lập, Hợi càng chú tâm vào học. Suốt 12 năm trời Hợi luôn khiến mọi người phải thán phục vì thành tích học tập của mình. Bố mẹ nuôi của Hợi từng rất tự hào về con, vậy nên khi Hợi thi đậu Đại học Kiến trúc Hà Nội, bố mẹ đã mở một cuộc liên hoan rất rôm rả, mời tất cả người thân trong gia đình ruột thịt của Hợi cùng tham dự. Bởi ở vùng quê nghèo Thanh Hóa, việc một cậu học sinh thi đậu vào một trường đại học danh giá ở Hà Nội quả là một kỳ tích và rất đáng tự hào. Ai cũng tưởng rằng, với bước khởi đầu tuyệt vời đó, chắc chắn Hợi sẽ ngày càng trưởng thành và thăng tiến. Nhưng chẳng ngờ, cũng chỉ vì quá tự ti, quá yếu mềm vì chữ “tình” mà Hợi đã đánh mất tất cả.
Kẻ luôn đuổi theo tình yêu
Ngày đầu mới ra Hà Nội, hành trang đem theo của cậu sinh viên nghèo chỉ là vài bộ quần áo, mấy quyển sách và chút tiền lẻ. Ở thành phố lớn, được tiếp xúc với đủ những vật chất phù hoa, Hợi lại càng thêm tự ti và buồn chán vì thân phận của mình. Trải qua năm đầu tiên của đời sinh viên khốn khổ, Hợi đem lòng yêu một cô bạn học trên 2 khóa người Quảng Ninh.
Với Hợi, tình yêu thực sự là cứu tinh giúp cậu ta thoát khỏi những cơn trầm cảm nặng nề. Hợi si tình và nặng tình, vì luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm, nên khi đã yêu ai và được người đó yêu thì Hợi có thể làm tất cả, thậm chí hy sinh bản thân để bảo vệ tình yêu đó. Tình yêu đang xuôi chèo mát mái thì người yêu Hợi ra trường rồi về Quảng Ninh lập nghiệp. Đối với Hợi, đây thực sự là cú sốc, bởi cậu ta không hề muốn xa người yêu. Chính bởi vậy, sau nhiều lần “thương thuyết” người yêu ở lại Hà Nội mà không được, Hợi quyết định bỏ học để theo người yêu về Quảng Ninh. Thời điểm đó Hợi đang học năm thứ 2 đại học. Ngay cả đến bây giờ, khi nghĩ lại quyết định thời điểm đó, Hợi vẫn cho rằng đó là quyết định đúng và chưa bao giờ cậu ta thấy hối hận. Hợi luôn bảo rằng, được hy sinh vì người mình yêu thì cũng thật xứng đáng…
Tuy nhiên, dù Hợi có hy sinh nhiều như thế nào thì tình yêu của cậu ta cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Khi về Quảng Ninh, người yêu của Hợi đã tìm được công việc ổn định, trong khi đó Hợi vô cùng vất vả trong việc tìm kiếm việc làm, vì cậu ta chẳng có bằng cấp gì. Không chỉ thế, dần dà giữa hai người ngày càng có nhiều khoảng cách đẩy họ ra xa hơn. Rồi người yêu Hợi đi lấy chồng. Sau 2 năm bỏ bê tất cả để chạy theo tiếng gọi tình yêu, đến lúc đó Hợi hoàn toàn trắng tay. Chẳng còn gì níu kéo ở mảnh đất đó, Hợi lại quay về Hà Nội…
Lần thứ hai trở lại Hà Nội với vết thương lòng hằn sâu, khiến suốt một thời gian dài sau đó Hợi như kẻ mất hồn. Loay hoay mãi, cuối cùng Hợi lại lao đầu vào học để tiếp tục thi đại học lần nữa. Vốn là người thông minh, học giỏi, nên chỉ mất thời gian ngắn ôn luyện, kỳ thi đại học năm đó Hợi đã thi đậu trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Một kẻ lụy tình!
Và cũng mới vào học được gần 2 năm thì một lần nữa tình yêu lại khiến con tim chàng sinh viên này đập loạn nhịp. Lần này Hợi yêu một cô gái đồng hương Thanh Hóa, chưa có công việc ổn định. Tình yêu này bị gia đình Hợi ngăn cản quyết liệt, bởi họ cho rằng nếu yêu và lấy cô ấy thì sự nghiệp và cuộc sống của Hợi sẽ chẳng ra gì. Hợi là người sống tình cảm nhưng cũng rất cực đoan, cậu nghĩ rằng, mình đã từng quá đau khổ vì tình yêu nên không muốn đổ gãy thêm nữa.
Chính bởi vậy, càng bị gia đình ngăn cấm thì Hợi càng lao vào yêu như thách thức. Yêu một thời gian thì Hợi đưa cô này về xin phép hai bên gia đình cho tổ chức cưới. Nhưng lần này không chỉ phía nhà Hợi phản đối, mà ngay cả nhà cô người yêu cũng ra sức cấm cản vì không thích con gái mình lấy chồng nghèo. Thế là chẳng cần sự đồng ý của ai, cũng chẳng cần cưới hỏi, Hợi đưa người yêu ra Hà Nội thuê nhà sống chung như vợ chồng.
Kết cục đau lòng
Rồi cuộc sống chung chẳng đơn giản như và bình yên như những ngày yêu nhau, đặc biệt là chi phí để chi tiêu hằng ngày không có khi Hợi vẫn đang trông vào tiền trợ cấp đi học của gia đình, cô người yêu thì chẳng có việc làm, nên chuyện cãi cọ, xích mích thường xuyên xảy ra. Đến khi cô người yêu có bầu và sinh một đứa bé đỏ hỏn, cuộc sống khó khăn của cặp đôi ngày càng chồng chất. Chẳng thể tiếp tục dùi mài kinh sử khi gia đình chẳng có tiền để sống, thế là Hợi lại quyết định bỏ học, nhoai ra ngoài xã hội làm ăn.
Học giỏi, nhưng không có kinh nghiệm làm ăn nên suốt một thời gian dài loay hoay tìm việc làm mà vẫn chẳng biết làm gì để có đủ tiền mua sữa cho con và nuôi cô người yêu thất nghiệp. Và rồi qua những mối quan hệ, Hợi đã “bắt mối” với một số đối tượng buôn bán ma túy. Thoạt đầu là “đánh lẻ”, về sau thấy việc làm ăn này thu nhập rất cao, thế là Hợi lóa mắt và ngày càng lấn sâu.
Để che mắt thiên hạ và bảo vệ danh tính của mình, Hợi thuê một đối tượng là cậu bạn đồng hương lười lao động tên là Nguyễn Mạnh Linh, sinh năm 1990, chuyên đi giao hàng giúp mình. Linh lúc đó đang là sinh viên năm thứ 3 một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Cũng thuộc dạng đua đòi, thích xài sang nên Linh nợ nần tứ tung. Đang lúc là chúa Chổm thì Linh gặp Hợi, được người anh đồng hương dẫn dắt, giúp đỡ bằng cách bao ăn, ở và trả nợ cho, thế là Linh làm tất cả những gì mà Hợi sai bảo. Hợi giao cho Linh nhiệm vụ đi đưa “hàng trắng” cho khách, mỗi lần đi lại được nhận 100.000 đồng tiền công. Thấy công việc chả vất vả gì mà lại rất khó bị phát hiện, Linh vui vẻ nhận lời. Nhưng cả Hợi và Linh không hề hay biết rằng, tụ điểm bán lẻ ma túy nhức nhối có chúng tham gia đã lọt vào tầm ngắm của các trinh sát Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an huyện Từ Liêm.
Kết quả là Phạm Huy Hợi và Nguyễn Mạnh Linh đã lần lượt bị bắt giữ. Khi nói về hai trường hợp này, hầu hết mọi người đều thấy tiếc cho họ. Nếu cả hai biết vận dụng kiến thức để làm tốt hơn cho cuộc sống của mình, nếu Hợi và Linh tập trung vào chuyện học hành, thì chắc giờ họ không phải rơi nước mắt vì hối tiếc và ân hận như bây giờ.
Đường về cho hai con người trẻ tuổi có còn quá xa?
Theo thông tin từ CAND
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD