“Tôi muốn cai nghiện!”

LTS: Những ngày qua, TP.HCM đã tập trung hàng trăm người nghiện để xem xét làm thủ tục đưa đi cai nghiện bắt buộc. Khi quan sát cận cảnh gia đình có người nghiện, chúng tôi mới thực sự thấu hiểu nỗi khổ của những người đang ngập ngụa trong làn khói trắng và người thân họ.

 

 (PL)- Sau ba lần đi cai không thành, hằng ngày phải sống vật vạ vì gia đình không chứa chấp nữa, giờ T. chỉ có một nguyện vọng duy nhất là được ai đó đưa đi cai nghiện bắt buộc. 

 

Hơn 10 năm qua, gia đình chị ĐTN (ngụ hẻm 71 đường Huỳnh Khương An, phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM) hết sức lao đao chỉ vì một người trong gia đình lỡ vướng vào ma túy.

 

Cai ba lần, tái ba lần

 

Một chiều tháng 11, chúng tôi tìm đến nhà chị ĐTN. Tiếp chuyện chúng tôi, chị N. cho hay: “Thằng T. nó đi suốt, tìm nó hơi bị khó đó, kiếm đủ thuốc thì mới chịu về, có khi 4, 5 giờ chiều, có khi đến tận 10 giờ đêm. Nhờ tôi lo cơm nước đủ cả chứ không nó đã chết từ lâu rồi, đã nghiện là dành tiền để chích thôi chứ đâu dám ăn uống. Mỗi ngày nó đi lượm ve chai, bán dặm thêm vé số, xem ai để hớ hênh cái gì thì lấy, đã vậy còn xin tôi thêm mấy chục ngàn”. Hỏi T. nghiện từ bao giờ, chị không còn nhớ mà chỉ buông một câu: “Lâu lắm rồi! Cho nó đi cai ba lần rồi đó mà được tầm hai tháng là nghiện lại. Đợt Nhà nước hết cho cai tập trung, tôi còn gửi nó lên Trung tâm Nhị Xuân cho cai hơn sáu tháng, tốn cả 40 triệu đồng. Nhà đâu còn tiền để cho nó đi cai nữa!” - chị N. than thở.

 

Tuổi thơ khốn khó, học đến lớp 4 là T. phải nghỉ học để mưu sinh. Lớn lên, T. được anh chị giúp đỡ một chiếc xe máy để hành nghề xe ôm. “Không ngờ T. đi theo đám bạn xấu rồi nghiện lúc nào không hay. Ở nhà hở ra cái gì bán được là nó bán đi mua thuốc như nồi niêu, máy xay sinh tố, thang sắt... Tôi bán thịt ngoài chợ bị người ta mắng vốn hoài vì nó đi lấy trộm dao kéo, ghế nhựa” - chị N. kể.
 

Hơn một năm nay, ngày thì T. đi nhặt ve chai để kiếm tiền hút chích, tối đến thì trải bạt ngủ ngoài trời. Ảnh: H.LAN

 

Năm 2008, T. hồi gia và dẫn theo một cô bạn cùng cai ở trại rồi về Cần Thơ mở quán nhậu bán. Khoảng hai tháng sau, chị N. nghe tin T. nghiện lại thì chết đứng. “Bạn gái T. cũng chết vì AIDS không lâu sau đó. Rồi thằng T. tiếp tục bị bắt đi cai ở trại hai năm nữa. Mà mấy người bạn của nó hay thật, vừa biết tin nó về là tìm tới rủ đi chơi. Mấy lần đầu thằng T. còn lánh mặt nhưng rồi không cưỡng lại được. Ngay cả bia, khô mực nó cũng lén lấy bán. Tôi hết dám cho nó ở trong nhà luôn vì tối nào nó cũng lục đục kiếm đồ, hở ra cái gì là mất cái nấy. Giờ chỉ mong sao Nhà nước đưa nó đi cai chứ để ở ngoài nó chích hoài cũng chết hoặc đi lấy trộm bị người ta đánh chết. Cai trong đó vật vã mấy ngày đầu thôi nhưng mà còn sướng hơn ngoài đời”.

 

Và đời như bế tắc

 

Theo lời chị N., chúng tôi tìm đến gặp T. vào một buổi tối. Lúc này anh đang trải bạt ngủ trước cửa nhà anh trai. Ngoài 40 tuổi mà trông T. như một ông cụ, tay chân quắt queo, hình xăm vằn vện. Anh kể về cuộc đời của mình như một cuốn phim quay chậm.

 

Sao anh lại ngủ ngoài đường?

 

+ Để đến nông nỗi ngày hôm nay cũng do tôi gây ra cả, tôi đáng bị như vậy. Giờ tôi nhiễm HIV rồi, tương lai chẳng còn gì nữa, chỉ muốn chết sớm cho rảnh nợ. Mà công nhận tôi sống dai thiệt, bạn bè tôi vướng vào con đường này đều chết cả rồi.

 

Do đâu mà anh vướng vào ma túy?

 

+ Hơn 10 năm trước, tôi thường chạy xe ôm chở gái hành nghề mại dâm ngang qua đường Bạch Đằng, quận Tân Bình. Ở đây, tôi gặp một đám giang hồ từ Hải Phòng vào. Tụi nó rủ đi hát hò rồi rủ hít. Ban đầu tụi nó cho hít miễn phí rồi sau đó mình phải nai lưng ra kiếm tiền mua chơi.

 Nghe nói anh từng có bạn gái và từng quyết tâm làm lại cuộc đời?

 

+ Tôi bị bắt đi cai nghiện ở trại Bình Đức từ năm 2003 đến 2008 rồi gặp cô ấy. Hên là cô ấy cũng nhiễm HIV và chấp nhận yêu tôi. Sau khi ra trại, cả hai về Cần Thơ mở quán thịt chó, quyết tâm sống đàng hoàng. Nhưng cha cô ấy là một kẻ nghiện rượu, suốt ngày lôi quá khứ của tôi và con gái ra chửi mắng nên tôi rất bực bội và gây gổ lại với ông. Hễ bị mặc cảm, người nghiện rất dễ chơi lại để quên đi mọi thứ. Ở dưới đó bán ma túy còn dữ và công khai hơn trên thành phố nữa, có điều mắc quá nên tôi phải lên Sài Gòn kiếm tiền chơi mới đủ đô. Cô ấy bỏ hết quán xá lên kiếm tôi để khuyên nhủ rồi mắc bệnh lao, tôi đưa cô ấy nhập BV Bệnh nhiệt đới chữa trị. Trong vòng có nửa tháng mà tóc tai cô ấy rụng gần hết, hạch nổi cục cục, ngày nào cũng ho ra cả lon máu mà rùng mình. Nếu không buồn vì tôi nghiện lại và gia đình khinh thường thì chắc cô ấy không ra đi nhanh như vậy.

 

 Anh có muốn vào trại cai nghiện lại không?

 

+ Muốn chứ, nghiện khổ muốn chết, luôn bị người ta khinh khi, dè chừng, mới sáng mở mắt ra là phải đi kiếm tiền chơi thuốc. Mỗi ngày tôi phải chơi đến 200.000 đồng. Thú thật, ở ngoài đời tôi cai không nổi, ma túy lúc nào cũng sẵn có cả. Nếu Nhà nước cho tôi đi cai thì tôi sẽ đi liền. Ở trong đó, vật vã chỉ 5-7 ngày là hết.

 

Chia tay T., chúng tôi thầm tiếc cho anh, giá như anh không vướng vào ma túy, giá như anh bản lĩnh hơn. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Chỉ mong anh có thể vào trại cai nghiện để quên đi cơn ma túy đang kiểm soát trước mắt, chực chờ biến anh thành kẻ trộm mỗi ngày.

Theo plo.vn

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD