Nhân dịp Xuân Tân Sửu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã có những chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về tình hình tội phạm ma túy, thực trạng một số cán bộ biến chất, tiếp tay cho tội phạm cũng như các giải pháp huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng chống ma túy.
Nhân dịp Xuân Tân Sửu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã có những chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về tình hình tội phạm ma túy, thực trạng một số cán bộ biến chất, tiếp tay cho tội phạm cũng như các giải pháp huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng chống ma túy.
Trước diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội, chính trị-ngoại giao, an ninh trật tự của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tình hình tội phạm ma túy không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng về cả số vụ và số đối tượng.
Năm 2020, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã trực tiếp, chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 24.548 vụ, 36.404 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ hơn 738 kg heroin; 3,4 tấn cùng hơn 2 triệu viên ma túy tổng hợp; khoảng 255 kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 12,85% số vụ (vượt hơn 9% so với chỉ tiêu Chương trình công tác năm 2020 đề ra), tăng 9,15% số đối tượng.
Ma túy qua đường biển phức tạp hơn do tác động của COVID-19
Vừa qua lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh triệt phá nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy trên tuyến đường biển, điển hình như vụ bắt giữ đường dây của cựu Cảnh sát Hàn Quốc vào tháng 7/2020. Thiếu tướng có thể phân tích rõ hơn tình hình này?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Có thể nói, thời gian qua, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua tuyến đường biển diễn biến phức tạp. Đây là tuyến đường tội phạm ma túy quốc tế thường xuyên lợi dụng để vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, đường hàng không đi các nước bị gián đoạn, đường bộ bị kiểm soát chặt chẽ để phòng chống dịch, do vậy tình hình mua bán, vận chuyển ma túy trên tuyến đường biển càng trở nên phức tạp hơn.
Các đối tượng vận chuyển ma túy trên tuyến đường biển thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, cầm đầu là các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), các đối tượng gốc Phi dưới sự điều hành của các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế, cấu kết với các đối tượng ở các trung tâm ma túy “Tam giác vàng”, “Lưỡi liềm vàng” hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy về Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Các đối tượng chủ mưu cầm đầu không trực tiếp vận chuyển ma túy mà điều hành, phân chia các công đoạn khác nhau để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Chúng thành lập các công ty xuất nhập khẩu bình phong, thuê các kho hàng tại các tỉnh miền Trung, miền Nam để tập kết ma túy, thủ đoạn cất giấu tinh vi lẫn trong các loại hàng hóa thông thường như hạt nhựa, thiết bị điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ, sau đó ủy thác “lòng vòng” cho các công ty logistic làm thủ tục xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy đi các nước. Do đó, việc đấu tranh khai thác mở rộng, bắt giữ các đối tượng chủ mưu cầm đầu là người nước ngoài rất khó khăn.
Để ngăn chặn tội phạm ma túy trên tuyến đường biển, chúng tôi đang tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp, người dân thấy rõ phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, cảnh giác không tham gia, tiếp tay và tố giác tội phạm với cơ quan chức năng.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với các lực lượng thuộc Hải quan, Biên phòng và Cảnh sát Biển làm tốt công tác nắm tình hình, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xác minh, thu thập tài liệu về các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy xuyên quốc gia vận chuyển qua tuyến đường biển, xác lập chuyên án, đấu tranh triệt để.
Mặt khác, thông qua công tác hợp tác quốc tế, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các quốc gia trong khu vực để chia sẻ thông tin và hợp tác đấu tranh các chuyên án chung.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an)
Kiến nghị bổ sung tội danh sử dụng trái phép chất ma túy
Trong nội địa, dường như tình hình sử dụng ma túy tại các quán bar, vũ trường, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn… có chiều hướng gia tăng. Chúng ta có giải pháp căn cơ nào để ngăn chặn tình trạng này không, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Những năm gần đây, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm như vũ trường, quán bar, khách sạn, nhà nghỉ... diễn biến rất phức tạp.
Công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sau khi Bộ luật Hình sự bỏ Điều 199, không coi người sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm, mà chỉ coi là người bệnh, từ đó dẫn đến các khó khăn trong công tác quản lý, phòng ngừa, răn đe đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Mặt khác, các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thường thuê các căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp có cách âm tốt, chủ cho thuê không quan tâm khách thuê để làm gì, các đối tượng thuê khi tổ chức bay lắc thường khóa kín cửa, với nhiều lớp cửa khác nhau nên rất khó phát hiện và việc bắt quả tang gặp khó khăn.
Trong khi đó, một số văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực này còn thiếu, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được cụ thể hóa, chưa sửa đổi và bổ sung kịp thời. Chế tài xử lý đối với chủ cơ sở khi để xảy ra vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe…
Để ngăn chặn tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang tập trung nghiên cứu, xây dựng báo cáo Bộ Công an đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, trong đó kiến nghị bổ sung tội danh sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý và đưa người đi cai nghiện...
Cùng với đó, Công an các địa phương phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của ma túy; siết chặt công tác quản lý, tổ chức cho các cơ sở kinh doanh viết cam kết, hợp tác với cơ quan chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về ma túy. Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện và có kế hoạch đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, nhất là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm.
Đặc biệt, phải xem xét trách nhiệm của đơn vị, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu đối với những nơi để xảy ra tình trạng tội phạm và tệ nạn ma túy diễn ra phức tạp, công khai, kéo dài gây nhức nhối trong nhân dân.
Bên cạnh sự hy sinh thầm lặng của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, vẫn còn xuất hiện tình trạng một số cán bộ, chiến sĩ bị bắt, khởi tố do phạm tội về ma túy hay bị tước danh hiệu Công an nhân dân vì sử dụng trái phép chất ma túy… Điều này đặt ra vấn đề gì trong công tác xây dựng lực lượng, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy luôn phải chiến đấu trong môi trường khó khăn, gian khổ, địa bàn chiến đấu là vùng rừng núi hiểm trở. Tội phạm ma túy lại ngày càng manh động, khi bị phát hiện thì tìm cách chống trả quyết liệt. Chính vì thế, chưa có lực lượng nào, sự đổ máu, hy sinh trong thời bình nhiều như lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Đến nay 26 cán bộ, chiến sĩ và người dân đã hy sinh trong cuộc chiến này.
Trong suốt 24 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy không có cán bộ vi phạm kỷ luật liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, thời gian qua có một số cán bộ công tác trong lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ở Công an địa phương dung túng, bảo kê, bao che, tiếp tay cho tội phạm ma túy. Điều này không những tạo cơ hội cho tội phạm ma túy lộng hành, mà còn làm xói mòn niềm tin của dân với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an nhân dân. Những cá nhân vi phạm nói trên, ngoài bị tước danh hiệu Công an nhân dân, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để xây dựng lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thực sự trong sạch, dũng cảm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, chấp nhận hy sinh, có bản lĩnh thép, không dễ dàng bị sa ngã, mua chuộc, lôi kéo của tội phạm, tôi cho rằng cần phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, thường xuyên học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy về “Tư cách người Công an cách mệnh”, coi đây là những nội dung quan trọng hàng đầu và có tính xuyên suốt trong quá trình xây dựng lực lượng.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng cán bộ, chiến sỹ để kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ khi có biểu hiện sai phạm dù là nhỏ nhất, từ đó có biện pháp giáo dục, nhắc nhở và xử lý nghiêm khắc, kiên quyết không để các vi phạm xảy ra trong thời gian dài. Đồng thời, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống ma túy.
Tránh tình trạng khoán trắng cho lực lượng Công an
Chúng ta cần làm gì để huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng chống ma túy một cách liên tục, quyết liệt và hiệu quả, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống ma túy là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị khẳng định rất rõ trong Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chất ma túy.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma túy, chúng tôi xác định phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống ma túy là cội nguồn tạo nên thế trận nhân dân, góp phần ngăn chặn, kìm hãm sự gia tăng tội phạm, tệ nạn ma túy ở nước ta.
Để làm được điều đó, đầu tiên đó là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nghiêm túc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội… tránh tình trạng khoán, coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành Công an.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm tới nhân dân phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Chú trọng đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy phù hợp với địa bàn, khu vực, đối tượng tuyên truyền nhất là học sinh, sinh viên, công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số…
Phát huy vai trò gương mẫu của các lực lượng nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở (Bí thư, già làng, trưởng bản, những người làm kinh tế giỏi…) trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy; giúp đỡ người cai nghiện tại cơ sở và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện.
Ngoài ra, tổ chức phổ biến kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm ma túy ở các địa phương. Kịp thời biểu dương, khen ngợi các cá nhân, tập thể, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm ma túy.
Tiếp tục củng cố, xây dựng lực lượng Công an các cấp chính quy, tinh nhuệ, hết lòng vì nhân dân phục vụ, được nhân dân tin tưởng, yêu quý, sẵn sàng giúp đỡ trong công tác Công an nói chung và phòng, chống ma túy nói riêng.
Theo Chinhphu.vn
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD