ANTĐ - Dưới tác động lớn từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc, ngành khai thác ngọc thạch tại Myanmar đang phát triển mạnh mẽ, tạo nguồn thu lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn số ngọc thạch được khai thác bị tuồn vào chợ đen, khiến Chính phủ Myanmar thất thoát hàng tỷ USD mỗi năm. Và bi kịch lớn hơn cả là tệ nạn ma túy tràn lan khi không ít công nhân nhờ có ma túy mới có thể hoàn thành được khối lượng công việc nặng nề mà các ông chủ Myanmar và Trung Quốc giao cho.
Sự đánh đổi đau đớn
Năm 16 tuổi, Sang Aung Bau Hkum quyết liều đến Myitkyina – thủ phủ bang Kachin, mỏ đá quý lớn nhất của Myanmar để tìm kiếm vận may. Nhưng chỉ một tháng sau, Hkum đã bị đẩy vào con đường nghiện ngập. Trong khu rừng “khỉ ho cò gáy” nằm ở phía Bắc Myanmar, phải tìm bới ngọc trong những chiếc hố sâu hoắm, “phu ngọc” như Hkum chỉ còn biết tìm đến “liều tăng lực” heroin.
3 năm sau, Hkum cuối cùng cũng tìm thấy thứ mà cậu hằng mơ ước: một viên ngọc thạch xanh như màu lá. Hkum đã bán viên ngọc bích này cho một lái buôn Trung Quốc với giá 6.000 USD. Với số tiền này, Hkum sắm một chiếc xe máy, một điện thoại di động và “nướng” vào bài bạc. “Số tiền còn lại đều chảy vào tĩnh mạch của tôi hết rồi” - Hkum vỗ vào bắp tay trái chi chít vết tiêm chích của mình nói. Cũng giống như Hkum, nhiều công nhân khác cần có ma túy mới hoàn thành được khối lượng công việc nặng nề mà các ông chủ Myanmar và Trung Quốc giao cho. “Ngày nào cũng cầm cuốc đào mỏ, chỉ ma túy mới giúp tôi có đủ sức làm việc liên tục cả ngày”, Bum Hkrang - 24 tuổi, người từng bỏ học đại học để đeo đuổi giấc mơ giàu có nhanh từ những viên ngọc bích thú nhận.
Mấy chục năm về trước, ma túy còn là thứ hàng hiếm thấy tại Kachin. Nhưng khi ngành khai thác ngọc thạch tăng không ngừng, hàng ngàn người lao động kéo đến các mỏ tìm cách thoát ra khỏi đói nghèo, lượng công nhân ở đây sử dụng ma túy tăng đột biến.
“Ma túy ở đây sẵn chẳng khác gì rau ngoài chợ. Một số kẻ bán heroin sẵn sàng nhận ngọc bích để đổi lấy thuốc” - Ze Hkaung Lazum, một công nhân 27 tuổi cho biết. Giá mỗi liều ma túy dao động từ 4 - 8 USD. Công nhân ngồi chích ma túy ngay bên vệ đường, bên cạnh là hàng đống đầu kim tiêm cũ. Bản thân Lazum chỉ trong vòng vài tháng đi “phu ngọc” đã trở thành khách hàng thường xuyên của ma túy và gái mại dâm.
Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 30% người chích ma túy tại Myitkyina nhiễm HIV. Còn các tổ chức phi chính phủ tại đây ước đoán, 75% thanh niên Kachin mắc nghiện ma túy.
Bàn tay của lái buôn Trung Quốc
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng khai thác ngọc bích lậu và số người nghiện ma túy ở Myanmar, nhưng nguyên nhân hàng đầu là những thương nhân Trung Quốc. “Các thương nhân Trung Quốc đã đặt lòng tham lên trên số phận người dân địa phương” - David Mathieson, nghiên cứu viên cao cấp của Tổ chức quan sát nhân quyền ở Myanmar bình luận.
Từ hàng ngàn năm qua, ngọc được coi là thứ vật chất linh thiêng với người Trung Quốc. Người Trung Quốc có câu “Vàng có giá trị nhưng ngọc là vô giá”. Theo tính toán của Hiệp hội ngọc và đá quý trang sức Trung Quốc, tổng lượng tiêu thu ngọc của nước này một năm lên tới 5 tỷ USD, hơn một nửa trong số đó là ngọc thạch Myanmar.
Đáp ứng nhu cầu ngọc thạch tăng cao tại Trung Quốc, ngành khai thác đá quý này tại
Myanmar cũng phát triển mạnh mẽ. Đây vốn được cho là nguồn thu lớn cho kinh tế Myanmar nhưng sự thực là phần lớn nguồn thu này chảy vào túi của số ít người, trong đó có giới buôn lậu trong nước và các lái buôn Trung Quốc.
Theo công bố chính thức của Chính phủ Myanmar thì xuất khẩu ngọc bích giai đoạn 2011 - 2014 cho doanh thu 1,3 tỷ USD, nhưng theo ước tính của Trung tâm ASH (một tổ chức hàng đầu về nghiên cứu và thúc đẩy hoạt động đổi mới trong chính phủ và lãnh đạo công) thuộc Đại học Harvard, chỉ tính riêng năm 2011, tổng doanh số bán ngọc - bao gồm cả thông qua các kênh không chính thức của
Myanmar đã đạt 8 tỷ USD.
Lịch sử cho thấy, cùng với sự cất cánh của nền kinh tế Trung Quốc những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, thị trường ngọc thạch Myanmar phát triển mạnh mẽ nhờ dòng tiền đầu tư của các thương nhân Trung Quốc. Ông Yang Houlan - Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar thừa nhận rằng một số người Trung Quốc đã vi phạm luật pháp nước sở tại và Bắc Kinh cũng đang nỗ lực giải quyết tình trạng này.
“Một số thương nhân đã có những hoạt động phạm pháp, vượt biên để khai thác và buôn lậu ngọc thạch” - ông Yang Houlan cho biết. “Hai nước đã tăng cường hợp tác trong quản lý biên giới và điều tra nạn rửa tiền nhưng những hoạt động thương mại phi pháp này cũng giống như ma túy, khó có thể trừ tận gốc” - ông nói thêm.
Theo anninhthudo.vn
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD