"Từ hội thảo và hoạt động nghiên cứu trên, thiết nghĩ ở Việt Nam còn nổi cộm một vấn đề liên quan: Tỉ lệ học sinh vướng vào tệ nạn xã hội và nghiện chất cũng đang ngày một gia tăng. Trong đó, việc định hướng và giáo dục những kỹ năng giúp học sinh phòng, tránh ma túy phải là một nhiệm vụ trọng yếu không thể chần chừ hơn được nữa."
Những hình ảnh nữ sinh đánh bạn ngay tại lớp học, các nhóm học sinh nam hành xử với nhau như băng nhóm xã hội đen, các vi phạm liên quan đến đạo đức, pháp luật và tệ nạn xã hội của thanh thiếu niên… đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo. Đến nỗi người ta còn cảm thấy gần như đó là “lẽ thường” trong nhịp sống xã hội vốn đã xô bồ và không ít nhộn nhạo hiện nay.
Trong bối cảnh xã hội có quá nhiều tác động xấu ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của học sinh, nếu làm tốt công tác tư vấn tâm lý sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa nguy cơ học sinh bị lôi kéo, bị sa vào những hành vi tiêu cực, sống ích kỷ và dễ bị phát triển lệch lạc về nhân cách, không xác định được phương hướng cuộc sống cho chính mình...
Vừa qua, hội thảo quốc tế về Tâm lý học học đường lần thứ IV đã diễn ra tại ĐHQG Hà Nội. Các kết quả điều tra, những số liệu phân tích một lần nữa nhắc lại thực trạng trên và rõ ràng đang cần sự quan tâm thiết thực hơn nữa.
Theo đó, nghiên cứu gần đây nhất của Đặng Hoàng Minh, Bahr Weiss và Nguyễn Cao Minh (2013) đã điều tra dịch tễ trên 1.314 trẻ em từ 6 – 16 tuổi ở 10 tỉnh, thành phố Việt Nam cho thấy 9,6% trẻ có các vấn đề hướng nội ở mức lâm sàng. Trong đó, lo âu/ trầm cảm chiếm 1,8%, thu mình chiếm 2,1%, than phiền cơ thể chiếm 4,1%. Tỉ lệ này ở mức ranh giới là 18,3%.
Bên cạnh đó, tỉ lệ trẻ em từ 6 - 16 tuổi có các bất thường về tình cảm là 16,29%, ở mức ranh giới là 11,59%.
Như vậy, thống kê chưa đầy đủ nêu trên đã cho thấy một xu hướng tương đối rõ rệt, là tỉ lệ học sinh gặp vấn đề về cảm xúc ngày càng gia tăng và là loại rối nhiễu chiếm tỉ lệ cao nhất trong các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở học sinh phổ thông.
Một buổi tập huấn kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh phổ thông
tại Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý người nghiện ma túy - PSD (ảnh: PSD)
Điều này cho thấy việc thực hành Tâm lý học đường ở trường học thôi chưa đủ. Với các nước, tâm lý học đường đã rất phát triển nhưng ở Việt Nam, ngành này mới bắt đầu được quan tâm vài năm gần đây. Tâm lý học đường (hay còn gọi là Tâm lý trường học - School Psychology) là một chuyên ngành Tâm lý ứng dụng nhằm thực hiện công tác phát hiện sớm, phòng ngừa và can thiệp cho trẻ em - thanh thiếu niên trong các lĩnh vực nhận thức, học tập, hành vi, cảm xúc hoặc xã hội không chỉ ở môi trường học đường, mà những môi trường cần thiết không kém là gia đình và cộng đồng, như các nhà văn hóa, các trung tâm dịch vụ đào tạo cộng đồng hay những chương trình truyền hình dành cho trẻ em…
Từ hội thảo và hoạt động nghiên cứu trên, thiết nghĩ ở Việt Nam còn nổi cộm một vấn đề liên quan: Tỉ lệ học sinh vướng vào tệ nạn xã hội và nghiện chất cũng đang ngày một gia tăng. Trong đó, việc định hướng và giáo dục những kỹ năng giúp học sinh phòng, tránh ma túy phải là một nhiệm vụ trọng yếu không thể chần chừ hơn được nữa. Sự biến đổi và tác hại nguy hiểm, khó lường của ma túy đang tăng nhanh tại khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam thuộc diện “cảnh báo”. Tâm lý học ứng dụng chính là vũ khí bén nhọn trong công tác vận động, tuyên truyền, nằm trong định hướng giáo dục tâm lý học đường và truyền thông lâu dài.
Xây dựng các tiêu chí quy chuẩn chất lượng cho các chương trình đào tạo về Tâm lý học đường tại Việt Nam và các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo là nhiệm vụ chính của Việt Nam vào thời gian tới. Trong đó, kiến thức và kỹ năng của các chuyên viên Tâm lý học đường đang cần được quy chuẩn sớm đồng thời có những tiêu chí hoạt động cho các cơ sở thực hành như trường đại học, trung học, các chương trình truyền thông hay các trung tâm dịch vụ cộng đồng...
Tiếp theo là việc tuyên truyền và vận động chính sách về đào tạo các nhân viên Tâm lý học học đường làm việc trong các cơ sở giáo dục; Tăng cường sự hợp tác và phối hợp giữa các nhà nhiên cứu, các nhà thực hành cũng như những người làm chính sách ở Việt Nam.
Tuyên truyền, vận động đề cao tính khoa học và ứng dụng tâm lý cho cộng đồng, cho phụ huynh và học sinh cũng là một hoạt động cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu của hội thảo. Làm được điều này, Việt Nam cần thêm những tổ chức khoa học, các trung tâm dịch vụ cộng đồng… chứ không thể chỉ là công việc “đơn phương” của riêng ngành Giáo dục & Đào tạo.
PSD (tổng hợp)
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD