Sự sợ hãi của những em bé có bố mẹ bị mắc nghiện

Những em bé lớn lên có cha mẹ nghiện rượu và thuốc gây nghiện đã tiết lộ điều đáng sợ nhất trong suốt thời thơ ấu của mình.

 

Đáng lẽ ngôi nhà phải luôn là nơi an toàn và ẩn náu cho những em bé thì riêng đối với Leanne và John (tên nhân vật đã được thay đổi), ngôi nhà lại gắn liền với sự sợ hãi. Với Leanne là đó cơn ác mộng khi sống cùng một bà mẹ nghiện rượu. Còn với John, sống với người cha nghiện ma túy  khiến cho cuộc đời em chao đảo.

 

Leanne luôn sợ hãi mỗi khi mẹ uống rượu. Cô bé đã chạy trốn khỏi nhà khi mới 11 tuổi

và thích được ngủ ở ngoài đường hơn là  ở trong chính ngôi nhà của mình.

 

Chia sẻ với tờ MailOnline, Leanne cho hay cô là con một và không hay biết gì về cha mình. Cuộc sống của mẹ con cô khi đó khá hỗn loạn khi trong một năm, hai mẹ con đã phải chuyển sống ở 12 nơi khác nhau. Và các ngôi nhà luôn trong tình trạng tồi tệ và bẩn thỉu.

 

Mặt khác, Leanne không nhận được sự quan tâm từ mẹ. Mẹ cô thích uống rượu và mải mê với các người tình của mình hơn là để ý, trông nom tới con gái. Việc mẹ nghiện rượu và những người tình đủ hạng người của mẹ thường xuyên lui tới khiến cô bé Leanne ngày đó thực sự sợ hãi.



Leanne chia sẻ: “Tôi khiếp sợ mẹ tôi mỗi khi bà say bởi không thể đoán trước được bà sẽ làm gì lúc đó. Tôi thực sự khủng hoảng và không thể ngủ được. Tôi không có ai để mà bám víu, chỉ có mẹ, nhưng mẹ lại không chú ý tới tôi. Điều này quá sức chịu đựng của tôi và tôi vô cùng đau khổ vì thế tôi đã bỏ nhà chạy trốn. Tôi chỉ là một cô bé 11 tuổi đi lang thang cả đêm và rất sợ hãi. Trời lạnh giá và tôi hoảng sợ nếu ai đó làm tôi đau. 
Nhưng nó không đáng sợ bằng việc quay lại về nhà”.



Cuộc “tẩu thoát” đó đã đưa Leanne tới tổ chức Childline. Tổ chức này đã cố giúp mẹ con Leanne thiết lập lại mối quan hệ giữa 2 người nhưng không thành công. Cuối cùng họ tìm cho Leanne một nơi ẩn trú và sau đó là một trại trẻ mồ côi cho tới khi Leanne 16 tuổi.

 

Nhiều trẻ đã chứng kiến những hành vi say xỉn của bố mẹ và chịu đựng những cơn bạo hành ở nhà.

 

Còn trường hợp của John thì bi đát hơn. Tuổi thơ cậu gắn liền với một ông bố nghiện thuốc phiện bởi mẹ cậu cũng đang thụ án trong tù vì ma túy.  Không những thế, cậu phải chịu đựng những người bạn nghiện thuốc của bố tới đàn đúm hàng ngày. Và việc một cậu bé 9 tuổi chứng kiến người bạn của bố bị sốc thuốc thực sự khiến cậu sợ hãi và bất an.


Tuy nhiên, phải tới khi đến tuổi tới trường, John mới dần dần nhận ra sự khác biệt của gia đình mình với các gia đình của những người bạn thân. Biết sự phức tạp của gia đình John, cha mẹ bạn bè John luôn cấm tiệt con cái mình lởn vởn quanh đó. Điều này ngày càng khiến John cảm thấy mất mát và cô đơn.



Chàng thanh niên 18 tuổi đến từ Grimsby cho hay: “Tôi nhớ từng tới nhà một người bạn và gia đình cậu ấy ngồi quây quần bên bàn ăn và tôi đã thắc mắc: “Họ đang làm cái gì thế nhỉ?” Tôi chưa từng được ở trong một không gian gồm gia đình mình bên cạnh và dành thời gian với họ.



Ở nhà, cuộc sống của chúng tôi rất tách biệt khi tôi dành nhiều thời gian ở phòng mình tránh xa khỏi bố tôi và những người bạn của ông ấy khi họ đang hít thuốc ở dưới nhà. Ông ấy chưa bao giờ chủ động gần gũi tôi, thay vào đó ông ấy chỉ nằm ườn trên ghế sofa”.



May mắn thay nhờ chương trình NSPCC’s FEDUP (tổ chức giải quyết các vấn đề của các bé có cha mẹ nghiện thuốc hoặc rượu) mà John được đưa tới ChildLine và được tổ chức này giúp đỡ. John bộc bạch: “Lúc đầu tôi hơi căng thẳng khi tôi biết tại sao mình lại được đưa tới đó nhưng tôi không biết điều gì đang chờ đón mình. Tôi đã ngay lập tức phấn chấn khi tổ chức giúp tôi nhận ra tôi không phải là đứa trẻ duy nhất rơi vào hoàn cảnh đó – có rất nhiều người trẻ cũng từng trải qua tình trạng đó giống tôi”.



ChildLine là một tổ chức từ thiện ở Anh chuyên giúp các bé có cha mẹ nghiện ngập. Theo thống kê của tổ chức này thì ngày càng nhiều trẻ liên lạc cầu cứu sự giúp đỡ của họ khi con số này năm nay gấp đôi năm ngoái, trung bình khoảng 15 buổi tư vấn/ngày, tăng từ 2.509 buổi năm ngoái thành 5.323 buổi năm nay.



Ngoài ra hầu hết độ tuổi cầu xin sự trợ giúp là từ 12 tới 15 tuổi, nhưng dù vậy vẫn có 1 trong tổng số 10 em học sinh tiểu học gọi điện tới. ChildLine giải thích sự tăng đột biến này là do các bé đã chứng kiến những hành vi say xỉn và chịu đựng việc bạo hành ở nhà và đã nhận thức được mình có quyền nhận sự trợ giúp nên đã chủ động liên hệ với họ. 



Nhiều em sau đó đã thành thật kể lại mình phải sống trong điều kiện bẩn thỉu và nguy hiểm, thiếu những nhu cầu sống cơ bản vì tiền đã bị bố mẹ dồn vào mua thuốc và rượu. Hơn thế nữa các bé phải sống trong nỗi sợ hãi cơn giận của bố mẹ. Trung bình cứ 6 em thì có 1 em bị bạo hành bởi bố mẹ khi họ lên cơn.

 

Sue Minto, Chủ tịch ChildLine cho biết những con số trên chưa phản ánh đúng tình trạng thực tế hiện này khi người ta ước tính có hơn 250000 trẻ Anh có cha mẹ bị nghiện và 3 trong số 10 trẻ có cha hoặc mẹ hay chè chén say sưa.


Ông cũng bày tỏ lòng xót xa cho những em bé phải chống chọi một mình và không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu.  Mặt khác, ông cho rằng có thể các em bé này lo sợ bị bắt đi khỏi gia đình mình bởi các tổ chức xã hội và để chúng vào các trại trẻ mồ côi. Vì thế nhiều bé im lặng chịu đựng.



Sue chia sẻ: “Nhiều em nói với chúng tôi rằng bố mẹ chúng phải chịu đựng nhiều áp lực và có thể họ dùng rượu và thuốc phiện để giải tỏa lo lắng từ công việc, tiền bạc hay những vấn đề nhà cửa. Nhưng dù lý do ẩn giấu đằng sau là gì, những đứa trẻ đó cũng cần được bảo vệ”.

 

Theo Trí thức trẻ

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD