“Sàn giao dịch” cần sa trên mạng: Thâm nhập “sàn” VNS 420

Trên mạng xã hội Facebook, một “sàn giao dịch” cần sa sôi động đang thu hút sự tham gia của trên 2.400 thành viên. Phóng viên NTNN đã thâm nhập, tìm ra quy luật giao dịch của chợ mạng bất hợp pháp, bán loại ma túy này.

Tháng 9.2014, một Nhóm Đóng (Closed Group) mang tên VNS 420 đã được thành lập trên mạng xã hội Facebook với mục đích ban đầu làm nơi “giao lưu”, trao đổi cần sa và các thành phẩm liên quan của dân chơi món ma túy này. Không lâu sau, nơi đây biến thành một cái chợ mạng mua bán cần sa thật sự.

Chủ vườn có hàng dồi dào

Biết rõ hành vi sử dụng, mua bán cần sa là phạm pháp nên những quản trị nhóm (admin) rất cảnh giác khi kết nạp thành viên mới. Phải mất rất nhiều thời gian và công sức, PV mới được một admin trong VNS 420 chấp thuận làm thành viên. Từ đây, PV dần phát hiện ra cách thức giao dịch, mua bán cần sa, rồi vận chuyển hàng đến nhiều địa phương trong cả nước.

 

Theo tìm hiểu của PV, ban đầu nhóm chỉ gồm vài chục thành viên được coi là sành sỏi và biết chơi cần sa trên cả nước tụ hội về để giao lưu với nhau. Phương châm ban đầu của VNS 420 là chỉ đồng ý mua bán, trao đổi cần sa và các thứ liên quan đến nó giữa những người đã quen biết, hiểu rõ tung tích và nơi ở của nhau. Nhưng đến nay, nhóm này đã quy tụ hơn 2.430 thành viên và trở thành một cái chợ thật sự.

 

Trong VNS 420, các admin được coi là những người “quyền lực” khi có thể đánh giá các thành viên ai là “dân chơi” thực sự. Đồng thời, họ cũng được quảng cáo là những chủ vườn với nguồn “hàng” dồi dào và cực kỳ đảm bảo.

 

Nhóm admin chính của VNS 420 gồm 4 tài khoản ảo là: Sine Super, Linh Hoàng, Chuyên Cần, Sine AD và Cậu Bé Cần Sa đều được giới thiệu là những chủ vườn cần sa ở khu vực miền Nam. Nhóm này được các thành viên biết đến là người tự trồng, thu hoạch và phân phối “hàng chuẩn” tới khắp các vùng miền trên cả nước.

 

Mở rộng giao dịch phạm pháp

Giao dịch mua bán cần sa được tiến hành dựa trên sự tin tưởng và “uy tín” của nhóm admin. Khách hàng chỉ cần gửi tiền vào tài khoản và chờ ngày nhận hàng như đã giao hẹn mà không cần phải suy tính gì cả. Để tăng thêm mức “tín nhiệm” của người cấp hàng, có tài khoản đã đề nghị những thành viên đã mua hàng của mình đăng trả lời xác nhận chất lượng, thời gian giao hàng sau mỗi giao dịch.

 

 

Một khách hàng giới thiệu nguồn “hàng” chất lượng cho những thành viên trong VNS 420 (ảnh chụp màn hình). Ảnh: Tiến Linh

 

Trong nhóm admin, “Cậu Bé Cần Sa” và “Chuyên Cần” được cho là hai tài khoản hoạt động mạnh mẽ nhất trong chợ. Nhiều thành viên đánh giá hàng của hai admin này đa dạng nhất, chuẩn nhất, đúng hẹn nhất và luôn có những “chương trình khuyến mại” đi kèm. Khi thì giảm giá hay khuyến mại nếu mua theo nhiều loại hoặc miễn phí vận chuyển.

Thậm chí, nhóm này còn biết lúc nào nên rút để đảm bảo độ an toàn của bản thân cũng như những “chiến hữu”.

Theo thời gian, hoạt động phạm pháp này đã được mở rộng ra khu vực phía Bắc. Nguyên nhân do “dân chơi cần” miền Bắc thiếu hụt nguồn hàng, thường phải dùng hàng kém chất lượng. VNS 420 đã lập tức kết nối được những chủ vườn miền Nam với những tay chạy hàng cần sa tại miền Bắc.

Tại Hà Nội, hai tài khoản NL và LO nổi lên như là các tay buôn cần có tiếng. NL thường giao dịch cần sa tại xung quanh khu vực Trung Văn - Hà Đông, còn địa bàn Đường Láng – Ngã Tư Sở thuộc về LO. Khách hàng muốn mua cần sa của hai đối tượng này, thường phải đến tận nơi mà chúng đã giao hẹn trước để đưa tiền và nhận “hàng”.

Nhìn chung, cần sa của NL và LO được toàn bộ các thành viên trong VNS 420 tại Hà Nội sử dụng và thường trong tình trạng “cháy hàng”...

Theo Dân việt

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD