Hút nhiều cần sa sẽ bị ngộ độc với các biểu hiện như: tim đập nhanh, hồi hộp, lo sợ, trầm cảm, hoang tưởng, sống trong ảo giác dễ dẫn đến gây mất an ninh trật tự...
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, tình trạng tái trồng cây chứa chất ma tuý ở nước ta đang có diễn biến phức tạp bởi hiện nay tình trạng này không chỉ ở miền núi mà còn diễn ra ngay cả khu vực đồng bằng, thậm chí ở các thành phố lớn.
|
Những chậu cần sa được trồng trong các phòng kín bị công an thành phố Hải Phòng phát hiện và thu giữ tháng 3/2014. |
Trong năm 2013, diện tích cây có chứa chất ma túy được phát hiện và phá bỏ là 25,8ha, nằm trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố. Trong 6 tháng đầu năm nay, công an tỉnh Bình Phước, An Giang, Bắc Giang, Thái Bình, Hải Phòng, Bình Thuận, Quảng Ninh…đã triệt phá nhiều vụ trồng cần sa trái phép, phá bỏ hàng nghìn cây cần sa, thu giữ và tiêu hủy tổng cộng 296,4kg cần sa tươi mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ lợi nhuận.
Trong đó có những vụ việc mà các đối tượng trồng cây cần sa với một quy mô khép kín, phương thức xảo quyệt hơn. Các đối tượng bắt đầu biết sử dụng những công nghệ tiên tiến để áp dụng trồng cây cần sa, từ gieo hạt, cây nhỏ, cây to rồi khai thác, chế biến luôn để đưa ra thị trường.
Theo nhận định của cơ quan công an, phần lớn các trường hợp trồng cần sa ở thành phố, giữa khu dân cư là đối tượng nghiện ma túy, hoặc có liên quan tới việc kinh doanh và chế biến ma túy. Bên cạnh đó, một số ít người trồng cần sa vì mục đích chữa bệnh khi dựa vào những căn cứ thiếu khoa học về tác dụng “thần kỳ” của loại cây này.
Tại Hà Nội và một số thành phố lớn, nhiều thanh niên coi việc hút cần sa là một thú chơi thể hiện sự sành điệu, đẳng cấp, thoát ly khỏi thực tại. Đặc biệt hiện nay lượng khách nước ngoài đến Việt Nam là rất lớn. Nhiều người trong số này có thói quen hút cần sa nên cũng góp phần vào việc thúc đẩy loại tội phạm này phát triển.
C47, Bộ Công An cho biết, hiện nay, chế tài xử lý đối với hành vi trồng cây có chứa chất ma tuý nói chung và cây cần sa nói riêng còn nhẹ. Nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.
Theo Điều 192 BLHS năm 1999 quy định: “Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”, việc quy định điều kiện để xử lý hình sự như vậy là không phù hợp với hiện nay, không đủ sức răn đe vì hầu hết những đối tượng chủ mưu, cầm đầu không hẳn khó khăn về kinh tế mà có cuộc sống sung túc nhưng vì động cơ làm giàu bất chính mà họ thực hiện hành vi phạm tội.
Để phát hiện và ngăn chặn loại hình tội phạm này, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành. Nhiệm vụ quan trọng là phải triệt tiêu được nguồn hạt giống trôi nổi trên thị trường, đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc phát hiện, tố giác các đối tượng trồng cần sa.
Cần sa có tên khoa học là: Cannabis – Satina L. Nó còn có tên khác là: Cây gai dầu, cây lanh mèo, cây lanh mán, cây gai mèo, cây đại ma, cây hoả ma, cây bồ đà. Cần sa có chứa 400 hóa chất độc và khi hút, 160 chất sẽ theo khói vào cơ thể. Chất gây nghiện chủ yếu của loại ma túy này là tétrahydro-cannabinol (THC) qua phổi, vào máu và lên não rất nhanh. Hút nhiều cần sa sẽ bị ngộ độc với các biểu hiện như: tim đập nhanh, hồi hộp, lo sợ, trầm cảm, hoang tưởng, sống trong ảo giác dễ dẫn đến gây mất an ninh trật tự... |
Theo Tiengchuong,vn
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD