Mới đây, thông tin trên Facebook của một bạn trẻ cho biết bản thân đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt kết hợp rải nấm thức thần (hay còn gọi là nấm ma thuật, golden teacher). Câu chuyện trên khiến nhiều người vô cùng lo lắng, nhất là khi đã biết rõ tác hại từ loại nấm độc này.
Mới đây, thông tin trên Facebook của một bạn trẻ cho biết bản thân đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt kết hợp rải nấm thức thần (hay còn gọi là nấm ma thuật, golden teacher). Câu chuyện trên khiến nhiều người vô cùng lo lắng, nhất là khi đã biết rõ tác hại từ loại nấm độc này.
Hình ảnh rải nấm thức thần trên mạng xã hội những ngày qua đang gây xôn xao cộng đồng mạng
Dẫn dụ bạn bè, người thân cùng sử dụng
Nấm thức thần có mặt ở Việt Nam chưa lâu, khoảng năm 2015, giới trẻ Việt mới bắt đầu biết đến loại nấm này nhưng với những lời quảng cáo kiểu như “Bạn muốn thông minh hơn. Bạn muốn hiểu sâu rộng hơn về những vấn đề đã biết? Bạn muốn đầu óc bừng sáng những ý tưởng về các vấn đề mới? Nấm thức thần - không hề tốn kém tài chính - là một gợi ý dành cho bạn” xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội và đã thu hút rất đông người trẻ lùng tìm loại nấm trên để dùng thử.
Liên hệ với một tài khoản có tên là Đoàn Tuệ L. để tìm mua nấm thức thần, người bán cho biết, nếu mua số lượng trên 20gram sẽ có giá 50.000 đồng/gram, còn mua số lượng ít thì bán theo gói 3gram có giá 400.000 đồng. Cách giao hàng cũng vô cùng thoải mái, có thể giao qua dịch vụ chuyển hàng hoặc qua đường bưu điện. Khi được hỏi liệu các giao hàng hàng này có an toàn không thì người bán tự tin: “Yên tâm, hàng được ngụy trang kỹ lắm, đố mà biết được.
Trần Văn Mạnh (ngụ huyện Bình Chánh) khoe trong bình luận của một trang quảng cáo về công dụng của nấm thức thần: “Năm trước nghe danh nấm này, sẵn thấy ở bãi đất trống gần nhà mọc nhiều nên dùng thử, quả là phê thật. Mình đã tranh thủ phơi khô, bỏ hộp một ít để dùng dần”. Nguyễn Văn Long (sống ở TP Vinh) cũng khẳng định, bản thân không nhớ nổi đã bao nhiêu lần dùng loại nấm này và còn “dẫn dắt” đám bạn cùng mấy đứa em trong gia đình ăn thử.
Tự giới thiệu bản thân dùng nấm thức thần từ khi giới trẻ Việt chưa biết nhiều về loại nấm này, nickname BachTu cho biết, ăn nấm tiếng lóng là “trip”, nếu hên thì người dùng sẽ có chuyến “good trip” với những ảo giác lâng lâng khó tả, còn xui thì “bad trip”, rơi vào trạng thái hoang mang, lúc đó sẽ mất ý thức trước hành vi của bản thân. BachTu còn cho biết thêm: “Dù trải qua chuyến “good trip” nhưng sau khoảnh khắc đó, người dùng nấm vẫn có thể gặp phải cảm giác không đếm nổi giờ giấc, cười nói vô thức, bối rối, hành động ngược với suy nghĩ…”.
Bất chấp cảnh báo
Hiện tại, việc sử dụng nấm thức thần ở dạng tự nhiên và nuôi trồng nấm vẫn chưa bị cấm hoàn toàn như cây anh túc. Trên thị trường hiện nay, chất gây ảo giác phổ biến lại là những chế phẩm, thuốc được chiết xuất từ nấm thức thần ở nhiều dạng khác nhau. Và những sản phẩm, dược liệu gây ảo giác khi sử dụng nếu bị phát hiện, cơ quan chức năng phải mang đi xét nghiệm để có kết quả định lượng chất gây nghiện mới có cơ sở xử lý. Trong khi đó, khi dùng với những định lượng khác nhau, thuốc và nấm sẽ gây ra những tác dụng khác nhau. Với liều cao hơn thường gây ra sự méo mó cơ bản của nhận thức cảm giác, như gây mê, thay đổi về kích thước không gian hoặc thời gian và sự hôn mê tạm thời.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, hiện có đến 200 loại nấm khác nhau thuộc họ này. Nấm thức thần có chứa chất Psilocybin nên khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành psilocin tác động lên não bộ và gây ảo giác (ảo thị, hoang tưởng bị hại). Người sử dụng loại nấm này vì vậy mà dễ tấn công người khác do nghĩ mình bị hại. Khi sử dụng nấm thức thần quá liều, chất psilocin còn tác động trên hệ thần kinh thực vật, gây tăng/giảm nhịp tim, tăng/giảm huyết áp, giãn đồng tử, tăng thân nhiệt, đổ mồ hôi, nôn ói… có thể dẫn đến tử vong. Psilocin là chất gây nghiện có trong danh mục chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP. Bác sĩ Hiển cũng cho biết thêm, những năm gần đây, ông đã cảnh báo rất nhiều về loại nấm này trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng giới trẻ vẫn rất tò mò về loại nấm này và chủ quan về tác hại của nó đối với sức khỏe.
Trên trang mạng xã hội truyền bá về nấm thức thần với hơn 10.000 lượt theo dõi, chủ trang đã chia sẻ về cách trồng nấm, “săn” nấm ở đâu, cách phân biệt các loại nấm công khai như một diễn đàn về nông nghiệp. Thậm chí tại đây còn tặng miễn phí các phôi nấm và hướng dẫn tận tình cách canh tác. Trước những nguy cơ mà nấm thức thần có thể gây ra cho sức khỏe người sử dụng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh, ngăn chặn.
Theo báo SGGP
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD