Lý giải cơ chế gây tội của kẻ "ngáo đá"

Người nghiện "đá" có thể có các biểu hiện suy kiệt, mắc bệnh kết hợp, lú lẫn, hoang tưởng, cáu gắt, trầm cảm và loạn thần. Họ không cần ngủ, không cần ăn, không có một niềm vui gì ngoài ma túy "đá". 

 

Tác hại của ma túy "đá" khiến nhiều kẻ giết người man rợ, "yêu râu xanh" cuồng dâm hay thích thú trò chơi hành xác tăng đột biến.

 

Ma túy tổng hợp dạng "đá" xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2006, được giới trẻ truyền tai nhau như một loại chất kích thích tạo cảm giác sảng khoái, mới mẻ nhưng lại không bị nghiện hoặc nếu "thèm" cũng không phải vật vã đau đớn như nghiện heroin. Nhưng thực tế cho thấy ma túy "đá" đã tạo ra những kẻ giết người man rợ, "yêu râu xanh" cuồng dâm, những kẻ thích thú trò chơi hành xác.

 

Hiện tỷ lệ người sử dụng ma túy bào chế dạng tổng hợp như ketamin, ma túy "đá" (Methamphetanim), thuốc lắc (Ecstasy)… đang có chiều hướng tăng mạnh. Trước đây tỷ lệ nghiện ma túy tổng hợp chỉ khoảng 1% số người nghiện thì nay là 10%.

 

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội, 72% người sử dụng ma túy tổng hợp là giới trẻ ở độ tuổi 18-30, độ tuổi trên 30 chiếm 26%, riêng độ tuổi dưới 18 ở mức 2% nhưng có xu hướng gia tăng.

 

Nguyễn Tiến Hiếu (20 tuổi, ở phố Thọ Môn, Đình Bảng, Bắc Ninh) giết chết bố bằng nhiều nhát dao sau khi ông không chịu mở cửa cho đứa con "ngáo đá" vào nhà. Còn tại Hà Nội, Đặng Tiến Dũng (27 tuổi, ở quận Đống Đa) vừa bị tuyên án chung thân do giết con riêng 6 tháng tuổi của vợ trong khi đang phê ma túy "đá". Đứng trước vành móng ngựa, gã vừa lắc đầu vô thức vừa nghiến răng ken két đúng như vẻ mặt đặc trưng của người nghiện "đá".

 

Một thanh niên "ngáo đá" dọa tự sát.

 

Qua những vụ án mà thủ phạm bị "ngáo đá" cho thấy chúng bị mất kiểm soát hành vi, bộc lộ tính cách bạo lực, hung hãn và man rợ trái ngược hẳn với bản chất trước kia.

 

Theo nghiên cứu, chất methamphetamine có trong ma túy tổng hợp đi vào một phần của não, nơi làm phát sinh bệnh tâm thần phân liệt và làm bật nó lên như một ánh sáng chết chóc. Sau đó, nó nhanh chóng bị "ngắt công tắc" và ném người bệnh vào một hồ nước gần đó nên không ai có thể tắt đi được. Người nghiện "đá" có thể có các biểu hiện suy kiệt, mắc bệnh kết hợp, lú lẫn, hoang tưởng, cáu gắt, trầm cảm và loạn thần. Họ không cần ngủ, không cần ăn, không có một niềm vui gì ngoài ma túy "đá". Gương mặt hầu như không còn biết thể hiện cảm xúc, không nói hoặc nói nhiều không dừng lại được.

 

Ma túy "đá" cũng khó từ bỏ như các loại chất gây nghiện khác như heroin, cần sa, hay cả rượu…

 

Người "ngáo đá" trong xế hộp.

 

Kể về một bệnh nhân từng điều trị từ những năm đầu tiên sau khi ma túy "đá" xuất hiện, PGS Cao Tiến Đức (Trưởng Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện 103 -  nơi đào tạo về chuyên môn Tâm thần, Tâm lý học cho các bác sĩ phụ trách cơ sở cai nghiện) thở phào rằng đã chữa trị kịp thời cho nam bệnh nhân này trước khi anh ta bộc lộ hành vi tồi tệ hơn việc tự cào cấu, hành xác bản thân.

 

Bệnh nhân là con của một gia đình danh giá, công việc và học thức dường như là vỏ bọc vững chắc cho cuộc sống sa đọa của thanh niên trẻ này. Không biết anh ta sử dụng ma túy "đá", ban đầu bác sĩ Đức dự đoán bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt dựa trên những triệu chứng như ảo giác, mệt mỏi, lo sợ, không ăn uống, ảo thanh, luôn hốt hoảng lo sợ có người thủ tiêu mình…

 

Suốt quá trình điều trị bệnh nhân vừa dùng thuốc của bác sĩ, vừa tiếp tục sử dụng ma túy "đá". Sau khi dùng thuốc chữa tâm thần phân liệt bệnh nhân ăn ngủ lại được nhưng các ảo giác lại tăng lên nhiều hơn, bác sĩ Đức nghi ngờ anh ta sử dụng chất kích thích. Hỏi ra mới biết người này chơi ma túy "đá" đã được gần một năm.

 

Đại tá Đức cho biết, ma túy "đá" nhanh chóng chiếm đoạt thể xác con người, làm cho tàn tạ, rồi lấy đi tâm hồn họ. Thanh niên trẻ tuổi kia cũng từng có ý nghĩ đến việc tự sát, sau thời gian điều trị thành công, trở lại với cuộc sống bình thường. Nhưng bác sĩ Đức khẳng định khi đã có tổn thương thần kinh, các triệu chứng có thể bùng phát lại, gây ra rối loạn. Điều trị cho các bệnh nhân bị tâm thần do ma túy "đá" gây nên lại là quá trình phức tạp khác sau khi cắt cơn cho họ.

 

Hiện chưa có thuốc đặc trị cho nghiện ma túy "đá" nên quá trình điều trị đang gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều công trình nghiên cứu các phương pháp cai nghiện cả đông y và tây y, nhưng theo lời khuyên của bác sĩ Đức thì hiệu quả nhất vẫn là phương pháp Tây y uống thuốc theo đơn, kết hợp với điều trị tâm lý bằng cách tư vấn điều trị cai nghiện từ bác sĩ có kinh nghiệm.

Theo Cảnh sát toàn cầu

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD