Kỳ thị thành “bản án” thứ hai

 Nhưng ngày bà nội đưa bé đến trường, rất nhiều người nhìn hai bà cháu với ánh mắt ghẻ lạnh, xa lánh và họ phản đối không cho Tính vào học.

Không ít những con người từng một thời lầm lỡ, nay muốn quay về nẻo thiện, lại gặp lắm gập ghềnh. Nhiều người không may là nạn nhân của trò đùa số phận cũng câm nín mang theo cuộc đời mình nỗi đau mang tên “kỳ thị”.

 

Ẩn khuất sau những số phận, những cuộc đời là tiếng kêu cứu không lời của chính họ. Bởi nếu vấp phải rào cản của người đời kỳ thị, thì họ như một lần nữa chơi vơi chẳng biết cuộc đời sẽ trôi về đâu.

 

“Án tử” đến từ người thân

 

Sự kỳ thị bao giờ cũng là động thái tiêu cực khiến cho những người trong hoàn cảnh đó bị tổn thương nghiêm trọng, đẩy họ vào bế tắc. Thậm chí, kỳ thị còn được xem là “bản án thứ hai” dành cho người trót lầm đường, lạc lối.

 

Có trường hợp không phải là lỗi của nạn nhân. Đặc biệt đối với những nạn nhân nhiễm HIV nói riêng, không chỉ đợi bị kỳ thị, ngay tại thời điểm những người khi mới phát hiện mình nhiễm loại virút này, cũng đã làm họ như chết đứng. Một cảm giác đau đớn, sợ hãi đến tột cùng bao phủ lên cuộc đời họ. Đó là những gì khủng khiếp nhất, mà chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận được.

 

Chị N. đau xót kể lại cuộc đời bất hạnh của mình khi bị chính những người thân kỳ thị
 

"Bản án kỳ thị" không chỉ đến từ xã hội

 

Trường hợp của chị Nguyễn Thị N (SN 1984) ở Bắc Giang là một ví dụ minh chứng. Chị bị nhiễm HIV từ chồng. Điều đau đớn nhất với vợ chồng chị N là “bản án kỳ thị” lại đến không chỉ từ xã hội mà đến từ chính bố mẹ đẻ của anh T. Trước sự kỳ thị của gia đình, cộng với sự sợ hãi lo âu kéo dài và không đi khám để điều trị kịp thời, anh T mòn mỏi và đã chết vì HIV, khi cậu con trai vừa tròn 5 tuổi.

 

Từ ngày chồng mất, chị N sống trong nhà chồng lặng lẽ như một cái bóng. Chị N nói trong đau xót: “Sau khi chồng tôi mất, gia đình nhà chồng chính thức đuổi tôi ra khỏi nhà khi vành khăn trắng vẫn còn trên đầu tôi và tuyên bố: “Không cho tôi nuôi con, kể cả không cho đến thăm cháu bé (vì xét nghiệm cháu không bị nhiễm HIV). Bởi họ lo tôi sẽ lây nhiễm sang cháu, tôi đành phải quay về nhà bố mẹ đẻ để sinh sống cùng với nỗi tuyệt vọng và nhớ con đến quặn lòng”.

 

Về mặt luật pháp và cả đạo đức, đáng nhẽ trong hoàn cảnh như vậy, gia đình chị N phải chia sẻ động viên chị, bởi lỗi không phải do chị gây nên. Tiếc rằng, chị N không nhận được sự chia sẻ cảm thông từ phía gia đình nhà chồng, trái lại còn bị kỳ thị, xa lánh.

 

Thực tế lâu nay vẫn còn rất nhiều người do hiểu biết có hạn, nên họ xem người bị nhiễm HIV như “quái vật” hoặc thậm chí như những tên “tội phạm” đáng sợ. Nhiều người luôn né tránh, không dám đến gần người có HIV. Người bệnh phải đối diện với cuộc sống bị cô lập và đơn độc, họ không chỉ bị xã hội kỳ thị, mà còn bị chính người thân hắt hủi, né tránh. Họ không chết vì virút HIV, mà họ chết bởi chính sự kỳ thị của cộng đồng và sự ghẻ lạnh của chính người thân.

 

Tương tự trường hợp của bé Phạm Thị Tính (đã được đổi tên), ở Vĩnh Phúc, cháu bị nhiễm HIV nên không được đi học, do bị những người dân xung quanh kỳ thị. Tính bị HIV do lây từ bố mẹ. Mẹ Tính cũng do suy sụp tinh thần mà đã qua đời.

 

Năm lên 3 tuổi, gia đình cho Tính đi học mẫu giáo. Nhưng sau đó, nhiều phụ huynh học sinh đã đề nghị nhà trường không cho em đi học vì sợ lây bệnh sang con em họ. Thương cháu, bà nội thường ngắt hoa và gấp thuyền giấy hay tìm cho cháu những con búp bê cũ nát mà người ta vứt ngoài đường về cho cháu chơi. Thấy bé Tính khao khát được đến trường, gia đình xin cho bé Tính đi học lại. Nhưng ngày bà nội đưa bé đến trường, rất nhiều người nhìn hai bà cháu với ánh mắt ghẻ lạnh, xa lánh và họ phản đối không cho Tính vào học.

 

Ở độ tuổi như bé Tính, dù chưa nhận thức được mình đang mang trong người bệnh tật, nhưng với những cái nhìn soi mói của hàng xóm láng giềng, sự ngăn cản không cho em đến trường… đã và đang làm cho cuộc sống của em trở nên u ám, buồn tủi và không thấy tương lai.

 

Hàng ngày, Tính chỉ một mình làm bạn với ti vi hoặc ngồi trước cửa nhà, mắt nhìn xa xăm, bé chỉ mong ước được đi học, có thầy cô và được chơi với bạn bè. Em vô tội, nhưng thương thay em cũng lại là một nạn nhân của thói kỳ thị khiến lòng người trăn trở..

 

Áp lực vô hình từ kỳ thị

 

Theo tìm hiểu của PV, nhiều biểu hiện của sự kỳ thị diễn ra trong cộng đồng dưới nhiều hình thức khác nhau: Sự cáu gắt, ánh mắt coi thường, lảng tránh, phân biệt đồ dùng, không nhận được thái độ tin tưởng, đối với những đối tượng từng thuộc vào nhóm tệ nạn xã hội. Không ai muốn tiếp xúc hay nói chuyện, họ luôn phải đối mặt với những áp lực vô hình rất lớn từ thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng. Sự kỳ thị như là nỗi ám ảnh, như “bóng ma” bao trùm tất cả khiến cho họ đau đớn mà không thể hét lên tiếng cầu xin: Đừng kỳ thị tôi!

 

Sự kỳ thị không chỉ đẩy một con người đến chỗ tuyệt vọng mà sự kỳ thị thực sự đã góp phần “giết chết” nhiều người. Việc một cô gái bị hiếp dâm dẫn đến nhiễm HIV, khi đến trường học, lại bị nhà trường từ chối. Đó là Nguyễn Thị Thanh B. ở Hưng Yên.

 

Mặc dù B rất muốn được tới trường, được học hành vui chơi như bao bạn khác. Bản thân B không phải là người xấu, B chỉ là nạn nhân, đáng nhẽ B phải được giúp đỡ, được sẻ chia từ phía cộng đồng. Trái lại B lại bị phân biệt đối xử, cộng với cuộc sống gia đình khó khăn, cha mắc bệnh tim, mẹ bị tâm thần, trong trạng thái quá bức bách, bị dồn vào ngõ cụt cuối cùng B đã hận đời mà thành gái bán dâm.

 

Khi mà con người ta bị dồn đến bước đường cùng, khi không còn có thể níu kéo cuộc sống bình thuờng, điều phát sinh sau những chất chứa trong lòng là sự hận thù khủng khiếp. Bởi họ nghĩ không còn gì để mất. Và những suy nghĩ tiêu cực luôn bủa vây, bám chặt lấy họ khiến họ không thể “trở về” trên con đường hoàn lương.

 

Nếu chúng ta biết đón nhận, động viên, chia sẻ cùng họ, tạo cho họ cơ hội được hòa nhập cộng đồng, thì những người nhiễm HIV, những người nghiện, hay những phạm nhân, họ có cơ hội được làm việc, và không quay ra “trả thù đời”. Bởi trên hết là họ cần được yêu thương, tin tưởng và đùm bọc của chính người thân trong gia đình. Họ cần sự cảm thông, sẻ chia của cộng đồng xã hội. Có thế họ mới không nghĩ quẩn mà trở lại con đường tội lỗi.

 

Theo Pháp luật đời sống

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD