Không gục ngã

(Chuyện đời tôi, kỳ II)

Câu chuyện sắp được kể sau đây khiến cho các bạn độc giả lần đầu tiên đọc sẽ phải đặt ra nhiều câu hỏi: Làm gì có người như thế? Anh ta là ai?... Chắc chỉ là một bài viết được tác giả hư cấu thêm cho hay mà thôi?!... Các bạn sẽ tự tìm được đáp án cho riêng mình khi đọc xong câu chuyện.

 

Ở Thủ Đức được chừng 4 ngày, vì nhớ nhà và thiếu tiền nên Nghĩa xin Ngọc tiền đi xe ôm về thăm nhà. Thấy Nghĩa về, ông nội mừng ra mặt và liền gọi điện thoại cho bố và mẹ kế sống ở Tân Phú về gặp Nghĩa. Gặp lại Nghĩa, cả nhà ai cũng vui mừng và động viên Nghĩa an tâm ở nhà để tiếp tục đi học. Riêng bố thì nói với Nghĩa rằng: "Con hãy giữ gìn sức khỏe để muốn đi học lại ở trường nào thì bố sẽ xin cho vào trường đó, chứ đừng bỏ nhà đi nữa”. Nghe bố nói vậy, Nghĩa thấy cũng yên tâm. Nhưng đến tối, khi đang ngồi chơi với đứa em họ tên Long thì Nghĩa lên cơn vật vã. Cố không để lộ ra sự nghiện ngập, Nghĩa nói nhanh với người em họ là em ngồi chơi, anh đi ra đây một lát rồi về, nhưng Nghĩa đã ra đường Hoàng Văn Thụ bắt xe ôm đi thẳng xuống Thủ Đức luôn.

 

Phần vì đợi lâu không thấy Nghĩa quay về, phần vì thấy Nghĩa có thái độ không bình thường, Long sinh nghi nên đã báo cho bố và mẹ kế của Nghĩa biết. Thực tình, ở giai đoạn này Nghĩa đã nghiện rất nặng, mỗi ngày phải có từ 6 - 7 cữ, nên bản thân Nghĩa dù có quyết tâm đến vạn lần cũng không dứt ra được nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài. Người lái xe ôm ở gần nhà Nghĩa, khi được hỏi đã tự nguyện chở bố Nghĩa đến tận nơi Nghĩa và nhóm bạn ở trọ. Hai cha con gặp nhau, bằng tình cảm của người cha và và sự cảm nhận nhạy bén của đứa con có lỗi, Nghĩa đã theo bố về nhà trong đêm hôm đó và sáng hôm sau được đưa vào cai nghiện dịch vụ tại Trung tâm tư vấn cai nghiện Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh (nay là Trung tâm cai nghiện Bình Triệu II). Để cai nghiện cho Nghĩa, bố Nghĩa đã nộp cho trung tâm 1.550.000 đồng. Được 10 ngày, Nghĩa đã cắt được cơn nên trung tâm cho gia đình đón về.

 

Đến tháng 4 năm 1999, trong khi Nghĩa rất muốn xin học lại tại Trường Trương Vĩnh Ký thì bố lại đăng ký cho Nghĩa học tại Trường Tân Bình, không đúng như lời hứa trước đó nên Nghĩa không tin vào bố nữa và lại tái nghiện. Từ đó, Nghĩa càng dấn sâu vào việc hút hít và phải trải qua thêm 2 lần cai nghiện rồi lại tái nghiện. Đáng nhớ nhất là lần cai nghiện ở Trung tâm Phú Văn (Bình Phước). Theo hợp đồng cai nghiện dịch vụ thời hạn là 6 tháng, nhưng khi sắp hết hạn thì có quyết định gia hạn thành 24 tháng. Chưa hết hạn 24 tháng lại phải thực hiện đề án “Sau cai” nhằm tạo việc làm và đào tạo nghề tại Trung tâm.

 

Tuy vậy, do Nghĩa rất tự giác trong học tập và cai nghiện nên được cán bộ quản giáo rất tin tưởng và đã xét thưởng phép cho Nghĩa 2 lần. Đến ngày 5 tháng 12 năm 2006, Nghĩa cai nghiện thành công và được hồi gia. Cứ tưởng như thế là đã trả xong mối “duyên nợ” với ma túy, Nghĩa có ngờ đâu ở ngoài đời cạm bẫy ma túy giăng ra ở khắp nơi và khi Nghĩa mới chân ướt, chân ráo từ Trung tâm trở về, những cái bẫy độc ác đó đã chờ sẵn. Một lần nữa Nghĩa lại tái nghiện, vào tháng 5 năm 2007. Tháng 9 năm 2007, trong một đợt truy quét của lực lượng chức năng, Nghĩa đã bị bắt rồi được đưa vào Trung tâm cai nghiện Nơ Trang Long, sau đó chuyển lên Trung tâm Phú Đức, rồi lại chuyển về Phú Văn. Tháng 10 năm 2010, Nghĩa lại cai nghiện thành công và được hồi gia.

 

Như vậy, Nghĩa đã qua 3 lần vào các trung tâm cai nghiện, và bằng ý chí của mình, lần này Nghĩa đã đoạn tuyệt được với ma túy để về sống với đời thường. Để nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, Nghĩa đã tự đi xin việc làm tại một công ty tư nhân ở quận Gò Vấp, rồi sau đó chuyển sang làm nhân viên tạp vụ tại quận Bình Thạnh. Quá khứ buồn đã dần dần khép lại, Nghĩa đã tìm thấy niềm vui trong công việc hàng ngày. Tuy nhiên, điều bất hạnh nhất đã đến với Nghĩa. Đó là việc phát hiện ra căn bệnh thế kỷ trong cơ thể Nghĩa khi đi xét nghiệm sau cai tại một trung tâm y tế dự phòng. Cầm tờ kết quả xét nghiệm trên tay, Nghĩa cảm thấy cuộc đời mình coi như chấm hết, mọi dự định coi như sụp đổ và không thể nào cứu vãn được nữa. Nhiều lần Nghĩa định buông xuôi rồi ra sao thì ra…

 

Đang ê chề trong buồn chán và thất vọng, Nghĩa may mắn có dịp gặp lại các thầy mà Nghĩa từng quen biết trong các trung tâm cai nghiện. Biết được tâm tư của Nghĩa, các thầy đã tư vấn và giới thiệu Nghĩa vào hoạt động tại Trung tâm y tế dự phòng Quận 11. Tại đây, Nghĩa được giao nhiệm vụ làm tuyên truyền viên đồng đẳng với công việc cụ thể là hàng ngày ra điểm tiếp xúc với người nghiện để tuyên truyền, tư vấn cho họ về phương pháp cai nghiện và cách tiếp xúc với các trung tâm dịch vụ y tế để xét nghiệm, thử máu…

 

Ở môi trường công tác này, Nghĩa đã chứng kiến được nhiều cảnh đời thậm chí còn éo le và đáng thương hơn cả mình. Họ đang ngày đêm quằn quại với những cơn vật vã mỗi khi đói thuốc, và Nghĩa hiểu rằng việc cần thiết nhất lúc này là mình phải làm một điều gì đó để giúp họ, những đồng đẳng của mình giảm dần những cơn vật vã ấy. Thế là Nghĩa tự nguyện gắn bó với công việc này từ tháng 4 năm 2012, hoạt động một cách đầy tâm huyết.

 

Cho đến nay Nghĩa đã tư vấn, vận động được gần chục người đi cai nghiện và xét nghiệm thử máu. Qua công việc, Nghĩa đã tìm lại niềm tin vào cuộc sống và tự cảm thấy cánh cửa cuộc đời của mình vẫn còn rộng mở. Điều khiến Nghĩa lạc quan nhất là, sau một thời gian tích cực điều trị và tự giác rèn luyện, đến nay sức khỏe của Nghĩa đã hồi phục rất tốt và mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường. “Nghĩa đã đứng thẳng dậy từ vũng bùn nhơ nhớp mà ở đó không ít người đã phải gục ngã”.

 

 

Thật vậy, Nghĩa đã không gục ngã, quá khứ đau thương sẽ là dĩ vãng không bao giờ quay trở lại với Nghĩa nữa. Nghĩa sẽ hết lòng với đồng đẳng, đó vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của Nghĩa vì một xã hội trong sạch, không có ma túy. Và qua câu chuyện, Nghĩa muốn nhắn gửi rằng: “Những ai chưa nghiện, xin hãy xa rời ma túy. Những ai đã nghiện thì hãy tin rằng, không ai có thể giúp đỡ được mình bằng chính bản thân mình. Nếu bạn có niềm tin thì bạn sẽ vượt qua được mọi khổ ải, kể cả cái chết”. Xin lấy tên bài thơ của nhà thơ Ernie Carwile làm chủ đề cho bài viết này.

 

Không gục ngã

 

Nếu đã từng tổn thương, hãy can đảm hàn gắn

Nếu đã tùng gục ngã, hãy vững lòng đứng lên

Nếu đã từng phải khóc, hãy trải hết lòng mình

Nếu đã từng được cười, hãy trân trọng niềm vui

Nếu đã từng yêu thương, hãy từ bỏ hận thù

Nếu đã từng ân oán, hãy rộng lòng thứ tha

Nếu đã từng được nhận, hãy tìm cách sẻ chia

Nếu đã từng được sống, hãy trân trọng cuộc đời.

 

Khi bạn…

 

Khi bạn nghèo khó, hãy giúp đỡ mọi người

Khi bạn giàu sang, hãy san sẻ nhiều hơn

Khi bạn sẩy chân, hãy tin có người trợ giúp

Khi tình bạn thăng hoa, hãy trân trọng điều đó

Khi đã từng cố gắng, hãy tin bạn có thể

Khi nghĩ mình có thể, rồi bạn sẽ thành công.

 

(Ernie Carwile)

 

Lê Trung Nghĩa

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD