CA sẽ tiến hành kiểm tra người nào không có giấy tờ tùy thân, sẽ đưa về trụ sở công an để làm việc, xác minh lý lịch và thử ma túy.
Đưa người lang thang về trụ sở công an để sàng lọc. Ảnh: P.B
Chỉ trong 5 ngày ra quân, hơn 1.800 đối tượng nghiện ma túy và sống lang thang đã bị đưa vào các trung tâm tại TPHCM. Sở dĩ TPHCM quyết liệt đến vậy là do số người nghiện năm 2014 đã tăng 33% so với cùng kỳ năm 2013.
Đồng loạt ra quân
Chiều 9.12, nguồn tin CA TPHCM, thực hiện triển khai kết luận chỉ đạo của Thường trực Thành ủy TPHCM tại thông báo số 626, từ ngày 5-9.12, CA 24 quận - huyện đã triển khai cao điểm thực hiện Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định và những người sống lang thang, đối tượng nghi phạm hình sự.
Hơn 1.800 người đã được tập trung về các trung tâm, cơ sở để sàng lọc. Trong đó, hơn 700 người nghiện ma túy và hơn 1.000 người sống lang thang, nghi phạm hình sự… đã được đưa vào các trung tâm, cơ sở cai nghiện bắt buộc và trung tâm bảo trợ xã hội. Riêng trong đêm đầu tiên ra quân cao điểm, công an 24 quận - huyện đã tập trung 1.177 người, qua test kiểm tra phát hiện 642 trường hợp nghiện ma túy sống lang thang.
Cũng theo CA TPHCM, đợt cao điểm sẽ tiến hành liên tục, kiểm tra hành chính ở những địa bàn trọng điểm tại các công viên, chợ, nơi công cộng, trong đó các điểm “nóng” được chú trọng là công viên 23/9 (quận 1), công viên Phú Lâm (quận 6), chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức), chợ Bình Điền (huyện Bình Chánh), đại lộ Võ Văn Kiệt (từ quận 1 đến huyện Bình Chánh)…
CA sẽ tiến hành kiểm tra người nào không có giấy tờ tùy thân, sẽ đưa về trụ sở công an để làm việc, xác minh lý lịch và thử ma túy. Đối với người nhân thân không rõ ràng, cơ quan chức năng đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Còn trường hợp người có kết quả dương tính với ma tuý, sẽ được đưa đến các trung tâm để cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý… Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, các quận - huyện đồng loạt ra quân đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội Bình Triệu và Nhị Xuân trước ngày 8.2.2015.
Theo thống kê ban đầu, các đối tượng nghiện ma túy và sống lang thang bị phát hiện nhiều nhất tại các địa bàn quận 8, quận 12, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Chủ tịch UBND phường, quận sẽ chịu trách nhiệm
Ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ Tịch UBND TP.HCM - cho biết: Sau 5 ngày triển khai đề án, mọi việc đều tốt đẹp, các cấp quận, huyện chấp hành nghiêm túc chỉ đạo.
Ông Thuận cho biết, số người nghiện tại TPHCM khoảng 19.000, và con số này sẽ tăng lên từ 50 - 70%. Chính số phát sinh như vậy nên phải quyết liệt hơn nữa. Nếu để xảy ra 1 người nghiện trên địa bàn, chủ tịch UBND phường phải chịu sự xử lý của Chủ tịch UBND quận. Nếu trên địa bàn quận còn bóng dáng ma túy, Chủ tịch UBND quận phải chịu sự xử lý của UBND TP.
Hiện TPHCM có thể tiếp nhận khoảng 20.000 người nghiện vào các cơ sở bắt buộc. Ngoài ra còn có 4 trung tâm của tư nhân, có thực hiện dịch vụ tự nguyện cai nghiện, nhưng các trung tâm không có quá trình bắt đầu cắt cơn giải độc, thế nên những người vào trung tâm này cũng phải cắt cơn ở các cơ sở xã hội. Ngoài ra, TP cũng đã đấu thầu thuốc Metadon. Năm 2015, TP sẽ thực hiện cai nghiện tại cộng đồng ở 22 quận, huyện cho khoảng 8.000 người nghiện.
Theo quy trình, cai nghiện bắt buộc 12 - 24 tháng, các bệnh nhân ma túy này được hướng dẫn lao động trước khi về cộng đồng được đào tạo nghề, các địa phương hỗ trợ họ tránh tái nghiện…
Theo Laodong.com.vn
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: phongchongmatuy.vn@gmail.com | Facebook: Viện PSD