Cuộc gặp định mệnh của người đẹp từng làm nô lệ ma túy

 

Vết trượt dài của cô gái đẹp

 

Trong căn nhà treo đầy những bức ảnh ghê rợn về “cái chết trắng”, những bức tranh tuyên truyền cách phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS…, chị Nguyễn Thúy Hằng (sinh năm 1981, trú tại đường Hùng Vương, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) không khỏi xúc động khi kể về quá khứ của mình. Sinh ra trong một gia đình công nhân viên chức có ba chị em, Hằng là người xinh đẹp, thông minh và được bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng nhất. 17 tuổi, Hằng chịu cú sốc đầu đời khi bố bỏ mẹ đi lấy vợ hai.

 

Thất vọng về người cha mẫu mực, tuyệt vọng về cuộc sống, Hằng bắt đầu xao nhãng học hành, lao vào chơi bời. Nhưng vốn thông minh nên tốt nghiệp cấp ba, Hằng vẫn thi đỗ vào Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Học xa gia đình, Hằng càng được tự do trong những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng trong các quán bar, vũ trường. Năm thứ hai sinh viên, Hằng bắt đầu dính vào thuốc lắc. Và chẳng bao lâu sau, Hằng dính vào ma túy.

 

Nguyễn Thúy Hằng cùng đồng nghiệp chia sẻ kinh nghiệm tại Mianma

 

Năm 2002 Hằng bỏ học về quê khi chỉ còn 6 tháng nữa là tốt nghiệp. Để có tiền mua ma túy, Hằng bắt đầu trộm tiền của mẹ, chị gái, bà ngoại… Đến khi không thể trộm cắp được nữa, Hằng bất chấp tủi nhục, ê chề, đi “làm gái” kiếm tiền mua thuốc. Một năm sau, Hằng bị bắt đi cai nghiện tại Ba Vì. Nhưng vừa bước ra khỏi trại cai nghiện, Hằng lại tìm đến thuốc. Suốt ba lần cai rồi tái nghiện như vậy, kết cục Hằng không hút thuốc nữa mà chuyển sang chích.

 

Đến năm 2009, Hằng mắc căn bệnh thế kỷ HIV. Ám ảnh lớn nhất với Hằng lúc đó không phải cái chết mà là sự kì thị của mọi người. Bởi theo Hằng, cái chết là điều tất nhiên, nhưng Hằng chưa bao giờ hình dung được sự kì thị của xã hội lại khủng khiếp đến như vậy. Hằng hồi tưởng: “Tất cả mọi người đều tránh xa tôi. Có những khi cố gắng lắm mẹ mới tìm mua được cho tôi bát phở. Tôi vừa ăn xong, họ cầm chiếc bát đập luôn bởi sợ virus lây lan. Nhưng đó là cái giá tôi phải trả nên không dám trách ai”.

 

Suốt 10 năm, chỉ cần nhắc đến cái tên Hằng, mọi người xung quanh đều muốn tránh xa. Thỉnh thoảng người ta lại thấy Hằng ngồi trong một góc nào đó tiêm chích, rồi liêu xiêu, đầu tóc rũ rượi đi khắp đầu làng, cuối xóm tìm mẹ xin tiền. Hằng cứ sống như một “thây ma” như vậy cho đến ngày tìm thấy một nửa của cuộc đời…

 

Cuộc gặp gỡ định mệnh

 

Lần đầu tiên Hằng gặp anh là khi cô vẫn đang chìm đắm trong những cuộc chơi vô bờ bến cùng các “cô chiêu, cậu ấm” ở Hà Nội. Anh là Phan Hải (sinh năm 1977, trú tại Giáp Bát, Hà Nội), lúc đó cũng là “con nghiện” khét tiếng đất Hà thành. Họ gặp nhau trong một lần hút thuốc “bầy đàn” tại Giáp Bát. Hải thấy lạ vì sao một cô gái có khuôn mặt xinh xắn như vậy lại vướng phải thứ chết người này. Còn Hằng, trong cơn phê thuốc không biết phía đối diện có một đôi mắt đang hướng theo mình.

 

Bẵng đi hai năm, tình cờ họ gặp lại nhau trong một tọa đàm “Phòng chống ma túy và lây nhiễm HIV”. Trước đó, trong khi đang lang thang tìm thuốc ở Hà Nội, Hằng bất ngờ gặp “bạn nghiện” cũ tên Minh, hiện làm việc cho “Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS”. Nhìn bộ dạng thất thểu của Hằng, Minh đã khuyên nhủ Hằng từ bỏ ma túy và tham gia vào dự án, cũng chính là nơi Hải đang làm việc.

 

Hằng đã có một gia đình hạnh phúc sau bao nhiêu nỗ lực, cố gắng

 

Tại buổi tọa đàm, Hằng bất ngờ bắt gặp ánh mắt Hải, thấy quen nhưng không thể nhận ra. Hằng kể: “Lúc ngồi nghe phổ biến, mình lên cơn nghiện, vội vã chui vào nhà vệ sinh. Đang vật lộn với cơn thèm thuốc, toan đập phá mọi thứ thì thấy một vòng tay khỏe mạnh ôm từ đằng sau rồi mặc cho mình cào cấu, cắn xé, anh ta vẫn không buông bỏ. Một hồi lâu sau, mình lịm đi”.

 

Hằng tỉnh tại trong một căn phòng thoáng mát, ngồi bên cạnh là Hải. Hải kể cho Hằng nghe cuộc sống của anh trong suốt hai năm sau ngày gặp Hằng. Anh đã tự cai nghiện. Thay vì đi tìm ma túy, anh ngồi chơi game thâu đêm suốt sáng. Lúc mệt mỏi, buồn ngủ thì hút thuốc lá và nhai kẹo cao su. Có những khi vật vã trong cơn nghiện, anh toan đập chiếc máy tính đi tìm ma túy, nhưng nghĩ đến cảnh châm thuốc “bầy đàn”, anh thấy sợ và tỉnh táo lại.

 

Bất chấp việc Hằng nhiễm HIV, Hải vẫn cầu hôn và muốn được ở bên cô cả đời. Ban đầu Hằng nhất định từ chối bởi sợ sẽ lây HIV sang Hải. Nhưng bằng tình cảm chân thành, Hải đã thuyết phục cô đồng ý. Tháng 9/2010, Hằng chính thức làm việc trong “Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS”. Tháng 1/2011, Hằng được Dự án cử về hoạt động tại địa bàn Vĩnh Phúc quê hương cô. Hải cũng theo về.

 

Hai người trở về căn nhà ở Vĩnh Yên – nơi lưu giữ quá khứ kinh hoàng của Hằng hai năm trước. Hàng ngày, Hằng ở nhà học cách sử dụng máy vi tính và liên hệ với các tổ chức phòng, chống ma túy, lây nhiễm HIV ở địa phương. Còn Hải chạy xe ôm kiếm tiền sinh hoạt và lo chuyện cơm nước cho hai vợ chồng. Vì Hằng bị bệnh, sức khỏe yếu nên Hải chăm sóc Hằng rất chu đáo. Những cơn nghiện thưa dần và cuối cùng dứt hẳn. Cuộc đời Hằng rẽ sang một trang mới.

 

“Nắng cuối trời”

 

Ngày 12/8/2011, Nguyễn Thúy Hằng thành lập nhóm “Nắng cuối trời” với mục đích tuyên truyền về tác hại của ma túy cũng như những cách phòng chống lây nhiễm HIV. Thành lập trong thời điểm sự hiểu biết của người dân ở địa phương về ma túy còn hạn chế, sự kì thị còn nặng nề, những ngày đầu hoạt động, Hằng cùng nhóm đã gặp phải không ít khó khăn. Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng trên đường Hùng Vương trở thành nơi sinh hoạt nhóm, tổ chức các sự kiện truyền thông về ma túy và HIV/AIDS.

 

Chia sẻ về những ngày đầu hoạt động, anh Hải kể: “Thời gian đầu bọn mình hoạt động rất khó khăn. Ngay như việc phát bơm kim tiêm để phòng tránh tác hại cho đến nay vẫn còn bị nghi ngờ là “tiếp tay cho nghiện”. Thậm chí khi vừa dựng tấm biển “Nắng cuối trời” lên, công an đến bắt dỡ xuống vì nghi ngờ là điểm tụ tập của nhóm nghiện”.

 

Sau hai năm kiên trì hoạt động, Hằng và các thành viên trong nhóm đã từng bước mang tới cái nhìn khác cho người dân địa phương về người nghiện ma túy để họ bớt kì thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng. Nhóm cũng đã hỗ trợ tư vấn cho nhiều người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV – một loại thuốc ức chế, giảm sự phát triển của HIV; cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm và thu hồi bơm kim tiêm bẩn; kết nối được với nhiều người nghiện ma túy, nhiễm HIV trong địa bàn, cung cấp được nhiều con số khảo sát, đánh giá cho Chi cục Phòng, chống ma túy và lây nhiễm HIV... Riêng Hằng đã có bề dày thành tích, từng tham gia nhiều hội nghị, tập huấn kiến thức về ma túy, từng sang Mianma để chia sẻ kinh nghiệm.

 

Hiện nay, bên cạnh công việc chính là tham gia hoạt động trong Câu lạc bộ “Nắng cuối trời”, vợ chồng Hằng làm thêm công việc bán hàng qua mạng để đảm bảo cuộc sống. Được điều trị theo phác đồ uống thuốc ARV, sức khỏe của Hằng vẫn đảm bảo và khả năng lây truyền thấp.

 

Tháng 7/2013, đứa con trai đầu lòng của hai vợ chồng chào đời. Càng hạnh phúc hơn nữa khi bé có kết quả xét nghiệm âm tính với HIV. Chị Hương, người hàng xóm của vợ chồng Hằng – Hải chia sẻ: “Hơn 10 năm nay, cái tên Thúy Hằng đã làm cho cả phường này náo động. Ban đầu thì náo động bởi sự ghê sợ, còn bây giờ thì náo động bởi sự nể phục”.

Theo Tường Vi
Pháp luật Việt Nam

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD