Chúng tôi sẽ đi về đâu?

 “Chúng tôi sẽ đi về đâu, sẽ trở lại hòa nhập với cộng đồng thế nào khi sự kỳ thị của xã hội với chúng tôi còn quá lớn. Hai năm trong trung tâm chúng tôi hoàn toàn mù tịt những thông tin về bên ngoài, sau khi trở về, chúng tôi sẽ về đâu” - đó là tâm sự đến đắng lòng của học viên N.V.T (Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội số VI (TTCBGDLDXH) trong buổi giao lưu với tác giả Nẻo về - Lê Trung Tuấn. 

 

Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Tâm lý cho Người nghiện ma túy (PSD) đã tổ chức chương trình “Nâng cao kỹ năng phòng chống tái nghiện” cho 2000 học viên tại TTCBGDLDXH số III và số VI (Sóc Sơn-Hà Nội).  

 

Rụt rè đứng dậy trong buổi giao lưu học viên N.H. N (Ninh Bình) tại Trung tâm số VI (Sóc Sơn, Hà Nội) tâm sự: “Từ khi tôi vào đây,  gia đình thay đổi hoàn toàn thái độ với tôi. Tôi bị xa lánh bởi chính những người anh em trong chính gia đình của mình. Thực sự khi trở về chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu và làm gì. Khi sự kỳ thị của xã hội với người nghiện ma túy vẫn còn là quá lớn. Bây giờ trở về nhà bạn bè tốt thì đã xa rời tôi, bạn bè xấu vẫn tiếp tục chơi cùng….”.

 

Phút giây lắng xuống, ngậm ngùi....

 

Hối hận muộn màng

 

Với người nghiện ma túy, sự kỳ thị của xã hội vẫn là rào cản lớn nhất trong hành trình tìm một nẻo về cho bản thân họ. Những ánh nhìn xét nét từ người quen, bạn bè, những cái lắc đầu từ chối trong quá trình nộp hồ sơ xin việc… nếu cả xã hội quay lưng, thờ ơ với họ thì hơn 180.000 người nghiện trên cả nước sẽ về đâu? Đó là một câu hỏi lớn, nhức nhối lòng người.

 

Tuổi xuân như mây đưa...

 

Vẫn còn một tương lai đợi chờ phía trước

 

Không chỉ với xã hội, người quen mà chính gia đình của người nghiện phải có trách nhiệm với con, em của mình. Học viên  M.V.H, 24 tuổi (Thái Nguyên) chia sẻ: “em đến với ma túy vì em thấy cô đơn, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Gia đình em cả hai bố mẹ cùng đi tù, không một ai đặt bàn tay vào vai em. Em cần một thứ gì đó để dựa vào, dù thứ đó là hư ảo sẽ dẫn em đến con đường tội lỗi. Giá như ngày đó có ai đặt bàn tay vào vai em…”.

 

Sẽ  đi về đâu, sẽ hòa nhập lại với cộng đồng như thế nào là nỗi lòng của 600 học viên ở đây, đó cũng chính là trăn trở của toàn thể cán bộ, nhân viên của PSD.

 

"Tôi xin chia sẻ cùng anh Tuấn và mọi người..."

 

Sẻ chia tại buổi giao lưu, ông Lê Trung Tuấn - Giám đốc PSD khẳng định:“nghiện ma túy là một căn bệnh mãn tính không thể chữa ngày một ngày hai. Các bạn hãy biến ma túy từ đam mê thành hận thù. PSD sẽ song hành và ở bên các bạn sau khi các bạn bước chân ra khỏi đây để hòa nhập với cộng đồng”. 

 

Sóc Sơn 30/3/2014

 

 

 

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD