Cậu ấm, cô chiêu đi “du học cai nghiện”

Nhiều gia đình quá chán nản với những cậu ấm, cô chiêu quậy phá, nghịch ngợm nên đã tìm mọi cách… tống con đi du học nước ngoài càng nhanh càng tốt, đặc biệt là sau đợt thi tốt nghiệp THPT.

 

Học dốt, quậy phá nên… đi du học



Ỷ gia đình có điều kiện kinh tế, Dũng (Hà Đông, Hà Nội) không chỉ đốt hàng đống tiền của gia đình mà còn khiến bố mẹ xấu hổ với họ hàng, làng xóm với những “chiến tích” ăn chơi, phá phách.



Mới học cấp 3 nhưng Dũng đã nổi tiếng là “ông trời con” vì thành tích ăn chơi, cờ bạc. Bố mẹ Dũng rất nhiều lần được giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu trường con “mời” đến để “tố” việc cậu bỏ học, bỏ thi, đánh nhau trong trường… Không chỉ vậy, bố mẹ Dũng còn là “người quen” của các đồn công an trong vô số lần đi chuộc xe của cậu bị công an giữ vì tội lạng lách, vượt đèn đỏ hay ký giấy bảo lãnh cho con sau những đợt đua xe.

 

(ảnh minh họa)



Đua xe, cờ bạc, đánh lộn… là thú vui của Dũng thay vì học hành, tu dưỡng bản thân. Mỗi khi hết tiền để đi bar hay lô đề, Dũng thường đặt xe, điện thoại… để lấy tiền rồi gọi bố mẹ ra chuộc về. Đỉnh điểm là việc cậu thuê người về phá két sắt của bố mẹ để có tiền ăn chơi, đàn đúm.



Bố mẹ Dũng chỉ biết kiếm tiền, không có thời gian chăm sóc, bảo ban con từ ngày con học cấp 1, nên mỗi khi con gây họa, hai người chỉ biết cắn răng xử lý “hậu quả”.

 

Du học… cai nghiện


Chơi bời, cờ bạc, đua xe… thì bố mẹ Khánh còn chịu được, nhưng khi biết tin cậu con quý tử nghiện ma túy thì hai vị phụ huynh không thể khoanh tay đứng nhìn được nữa. Cách ly con ở nhà, cắt các khoản tiền tiêu vặt, giám sát con đi học, đi chơi… là những cách bố mẹ Khánh tách con trai khỏi ma túy, thế nhưng nghiện vẫn hoàn nghiện.

Là một quan chức đầu tỉnh, sợ ảnh hưởng đến uy tín và con đường thăng tiến nên bố mẹ Tuấn không dám gửi con đi đến trại cai nghiện mà bàn tính đến chuyện đưa con ra nước ngoài để du học, nhưng mục đích chính là để cai nghiện và tách khỏi lũ bạn hư hỏng.



Vốn có điều kiện kinh tế, bố mẹ Khánh tính toán cho con trai sang Anh du học ngay sau khi kì thi tốt nghiệp THPT kết thúc, vừa được tiếng oai cho gia đình, họ hàng lại vừa cai nghiện, tránh xa tầm mắt của làng xóm. Lo lắng con đi du học vất vả, khổ sở nên thay vì ở nhà người quen, bố mẹ Khánh liên hệ thuê cho Khánh một căn hộ rộng rãi để con trai tập trung học tập và cai nghiện.



Vừa thi tốt nghiệp xong, Khánh đã xách vali sang Anh du học. Nhưng thay vì chú tâm học ngoại ngữ, Khánh lại bắt bạn với những người nghiện tại địa phương một cách nhanh chóng. Khánh chia sẻ: “Ông bà già không quản lý thì cứ việc hút thôi, tiền hết thì lại gọi phụ huynh rót sang. Ở Việt Nam hay bị để ý, săm soi nhưng đi du học thì chẳng ai quan tâm cả, thoải mái đi”.



Theo nhiều du học sinh, việc phụ huynh đẩy con sang nước ngoài để cai nghiện không hiếm, nhưng thường không có hiệu quả, bởi con nghiện ở đâu cũng tìm được nhau vì nó có ngôn ngữ riêng để phân biệt, để chỉ người nghiện mới biết mà tìm đến nhau. Rất nhiều du học sinh chỉ sang nước ngoài được 3 – 4 tháng đã bị trục xuất vì sử dụng các chất ma túy cùng nhau hoặc cùng các người nghiện tại địa phương.



Nói về phong trào du học tràn lan hiện nay, bà Vũ Thanh Vân – Chuyên viên tư vấn của một trung tâm du học trên đường Cát Linh (Hà Nội) cho rằng, nhiều phụ huynh nghĩ cho con đi du học là một lối thoát tốt khi con cái họ quá quậy phá hoặc cho con đi cai nghiện. Thế nhưng, nếu du học chỉ để giải quyết những mục đích khác ngoài chuyện học lấy kiến thức thì hệ luỵ của nó là chuyện nhãn tiền và hậu quả thực sự đau lòng.

 

Theo Dân trí

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD