Cảnh giác với loại ma túy mới “Snapchat”

Theo ghi nhận của cảnh sát và người dân xung quanh, 4 người đàn ông này được cấp cứu trong tình trạng có nhiều hành vi hung hăng, cuồng loạn và hoang tưởng.

Được đặt theo tên của ứng dụng chia sẻ thông tin, hình ảnh, video trên chiếc điện thoại thông minh, làm giả logo “con ma vui vẻ” của mạng xã hội Snapchat, những viên thuốc “Snapchat” hiện có 2 màu hồng và xanh thực ra là một loại ma túy mới có nhiều độc tố. “Snapchat” khiến người sử dụng có những hành vi bất thường có tính chất bạo lực rất nguy hiểm.

 

 

Lên cơn cuồng loạn chỉ sau 1 phút

 

Theo ABC News, trung tuần tháng 6 vừa qua, 4 người đàn ông ở TP.Darwin (Australia) phải nhập viện khẩn cấp sau khi chơi một loại ma túy mới gọi là Snapchat. Theo ghi nhận của cảnh sát và người dân xung quanh, 4 người đàn ông này được cấp cứu trong tình trạng có nhiều hành vi hung hăng, cuồng loạn và hoang tưởng. 

 

Kênh NT News đã có cuộc phỏng vấn ngắn với 1 trong 4 người đàn ông trên sau ngày được xuất viện. Đó là một chàng thanh niên 18 tuổi (giấu tên). Anh ta không thể nhớ mình đã quậy trong Bệnh viện Royal Darwin vào tối hôm nhập viện như thế nào. Nhưng anh ta có thể nhớ những khoảnh khắc sau khi cùng 3 người bạn chia 1 viên Snapchat màu hồng có giá 35 USD trong một ngôi nhà ở Palmerston. Chỉ trong vòng 1 phút sau khi dùng một phần viên thuốc đó, anh ta đã bắt đầu có cảm giác rất muốn đánh nhau. Nhận thấy có điều chẳng lành sắp xảy ra, anh ta vội chạy ra ngoài sân, nhờ hàng xóm gọi xe cấp cứu. “Trong lúc chờ xe cứu thương đến, một sự việc khủng khiếp đã xảy ra. 4 người chúng tôi lúc này như những gã cuồng bạo lực. Mới chỉ cách đây ít phút vẫn còn là bạn bè thân thiết của nhau, vậy mà giờ chúng tôi lao vào nhau đánh đấm hỗn loạn trong tình trạng dường như vô ý thức. Tôi lao tới đấm túi bụi vào một người bạn trên bãi cỏ phía trước nhà. Còn hai người bạn khác cũng xông tới đấm, đá tôi…” - anh này hồi tưởng giây phút cả 4 người như điên loạn.

 

“Tôi không biết cuộc “hỗn chiến” ấy kéo dài bao lâu, nhưng sau đó tôi đã ngã xuống sân. Cảnh sát đến, tôi vẫn cuồng loạn, giơ chân giơ tay đấm họ… Tôi tỉnh dậy 3 lần trong xe cứu thương. Tôi không nhớ làm thế nào mình ở đó, nhưng tôi nhớ còn đấm cả các nhân viên y tế… Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy cánh tay và chân của tôi bị trói chặt vào thành giường. Chỉ khi ấy, tôi mới biết mình vẫn còn sống” - anh này nói.

 

Theo anh này thì đây là một cú sốc sợ hãi nhất trong cuộc sống 18 năm qua của mình. May mắn thoát chết lần này, anh này hứa đoạn tuyệt với viên Snapchat, đồng thời gửi lời xin lỗi tới các bạn, nhân viên cảnh sát và nhân viên y tế về những hành động bạo lực của mình trong lúc bị ma túy điều khiển.

 

Cũng như nhiều loại ma túy tổng hợp mới khác, các chuyên gia phải mất thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu trước khi có những kết luận chính xác về loại thuốc này. Hiện Snapchat mới được biết là những viên thuốc hiện tại có 2 màu hồng và xanh và mang logo “con ma vui vẻ” của Snapchat. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn không có liên hệ gì với chương trình Snapchat ứng dụng trên chiếc điện thoại thông minh.

 

Các chuyên gia tin rằng, những viên Snapchat có chứa các thành phần nguy hiểm tương tự như các loại ma túy tổng hợp khác, có chung gốc hóa học từ một loại hợp chất thường được gọi là “muối tắm”, hết sức nguy hại cho sức khỏe con người. Giám đốc Y tế Steven Skov của Northern Territory cho biết: Các thành phần của loại thuốc này làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, làm tăng thân nhiệt dẫn đến tổn hại hệ thần kinh.

 

Xác định thành phần chất ma túy tổng hợp

 

Trên thực tế, ma túy từng bước gắn với những tên gọi mỹ miều trước khi bị lên án và loại ra khỏi đời sống xã hội. Khi muốn thay thế một chất ma túy bằng một chất mới thì dường như chất mới đó lại mang đến nhiều phiền toái hơn. Trong khi đó có thể đưa ra những thông tin chính xác về loại ma túy mới này (như về thành phần, tác hại…) thì các nhà nghiên cứu mất khá nhiều thời gian và công sức. Đây có thể là một trong những kẽ hở chính để các loại ma túy mới mỗi khi xuất hiện ở giai đoạn đầu rất khó kiểm soát, gây hậu quả khó lường.

 

Với nỗ lực muốn sớm nhận ra thành phần của hóa chất nguy hiểm, mới đây, theo Đài Tiếng nói nước Nga, các nhà khoa học từ Đại học Ural tại thành phố Yekaterinburg đã tìm cách nhận biết thông qua sử dụng phương pháp khối phổ (Mass Spectrometry-MS). MS là phương pháp nghiên cứu các chất bằng cách đo, phân tích chính xác khối lượng phân tử của chất đó dựa trên sự chuyển động của các ion nguyên tử hay ion phân tử trong một điện trường hoặc từ trường nhất định.

 

Thử nghiệm trên loại ma túy Spice cho thấy, Spice là hỗn hợp các loại thảo mộc khô với các hợp chất tổng hợp hoặc hóa học là nguyên nhân gây nghiện, rối loạn tâm thần và nhiễm độc nặng. Đồng thời, các chất nguy hiểm này thường được bán trong gói khá hấp dẫn, được mô tả như các loại thảo mộc kỳ lạ. Thành phần của thuốc này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Sau khi các nhà khoa học phát hiện ra rằng, Spice có chứa những hỗn hợp cần sa tổng hợp, thậm chí nguy hiểm hơn cần sa tự nhiên, thì ngành sản xuất ma túy đã trở nên sáng tạo hơn, thường xuyên tìm kiếm những chất gây nghiện mới và cung cấp cho người tiêu dùng những hóa chất mới với những biến đổi trong cấu trúc và do đó không nằm trong danh mục bị cấm.

 

Chuyên viên Oleg El’tsov từ khoa Công nghệ Tổng hợp hữu cơ của Đại học Ural tin chắc rằng, những kẻ tạo ra những loại ma túy mới sẽ không thể vượt qua chiếc bẫy này. 

 

Theo An Ninh Thủ Đô

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD