Rất nhiều người dân trên địa bàn thành phố cho rằng, nếu vận dụng hợp lý, hiệu quả, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để giải bài toán "biết mà không thể làm gì" đối với các con nghiện thời gian qua..
Trong những ngày đầu tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, Ðoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Quốc hội cho phép TP Hồ Chí Minh áp dụng cơ chế quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội (thay cho các tổ chức xã hội) trong khi chờ Tòa án lập hồ sơ ban hành quyết định đưa đi cai nghiện tập trung.
Rất nhiều người dân trên địa bàn thành phố cho rằng, nếu vận dụng hợp lý, hiệu quả, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để giải bài toán "biết mà không thể làm gì" đối với các con nghiện thời gian qua...
Người dân bất an
Với số lượng người nghiện ở mức báo động, lại không có đơn vị chức năng nào quản lý, thời gian qua, nhiều vụ án nghiêm trọng đã xảy ra có liên quan đến người nghiện, khiến người dân hết sức bất an.
Hồi tháng 6 vừa qua, Lê Thanh Tâm (27 tuổi, ngụ quận Thủ Ðức) thiếu tiền mua thuốc đã liều lĩnh xông vào trụ sở UBND phường Linh Tây (quận Thủ Ðức) cướp thùng tiền gây quỹ. Tô Minh Nhật Hải (33 tuổi, ngụ quận 10) bị nghiện ma túy nặng đã dùng dao đâm chết mẹ ruột của mình. Ðặng Văn Tuấn (ngụ quận 1) giết người rồi chặt xác phi tang xảy ra cuối tháng 9 vừa qua, Tuấn cũng là một người nghiện ma túy.
Với nhiều người nghiện đang sống vật vờ, lang thang tại nhiều khu dân cư, những ẩn họa tương tự có thể ập xuống đầu người dân bất cứ lúc nào. Nhức nhối nhất là nhiều thời điểm, một số công viên trên địa bàn thành phố đã bị các con nghiện biến thành "cứ điểm" xin đểu, chích thuốc.
Học viên trong một buổi tập huấn kỹ năng phòng, chống tái nghiện (ảnh: PSD)
Tại Công viên 23-9 (quận 1) nằm ngay khu vực trung tâm của thành phố, khi sử dụng ma túy xong, các con nghiện vứt kim tiêm bừa bãi rồi "phê" luôn trên ghế đá. Chị Lê Thị Na, sinh viên ngành Xã hội học, ở trọ tại ký túc xá Trần Hưng Ðạo, quận 1 vẫn chưa hết sợ hãi nhớ lại: "Một lần, nhóm em ra công viên này để làm bài tập nhóm, vừa ngồi được khoảng 30 phút thì hai thanh niên thất thểu bước tới xin đểu, tay cầm kim tiêm. Bọn em không còn cách nào khác là đưa tiền cho họ rồi ôm sách vở bỏ chạy".
Tình trạng tương tự diễn ra tại công viên Hòa Bình, đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5. Theo phản ánh của người dân, con nghiện "chiếm giữ" công viên đã làm cho việc nghỉ ngơi, tập thể dục của bà con cũng không được thoải mái như trước. Thậm chí, các con nghiện ngang nhiên dùng thuốc cũng không bị lực lượng chức năng trấn áp thường xuyên. Trong các khu dân cư, "điểm nóng" về chích hút như khu Ðồng Tiến - Mã Lạng thuộc quận 1; cầu vượt An Sương; đường Phan Văn Hớn, quận 12; đường Ðoàn Văn Bơ, quận 4,... cũng khiến người dân và lực lượng chức năng hết sức "đau đầu".
Cần cơ chế đặc thù
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, hiện nay có đến hơn 75% số người nghiện không có việc làm, hoặc việc làm không ổn định. Trong khi đó, số người cai nghiện từ các trung tâm trở về ngày một đông càng khiến cho tình hình thêm phức tạp.
Theo quy định mới, công tác cai nghiện ma túy tập trung hiện chỉ duy trì khoảng 9.000 người tại mỗi trung tâm, thay vì 30.000 người như trước đây; các địa phương cũng đang đẩy mạnh cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (theo Nghị định 94/2010). Tuy nhiên, việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí, số tái nghiện luôn ở mức cao. Rõ ràng đây là vấn đề nan giải cho cơ quan chức năng.
TP Hồ Chí Minh đang rất "sốt ruột" khi thời gian qua, số người nghiện tăng lên nhanh (tăng 7.000 người so với năm 2013), tình trạng mất an ninh trật tự ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do TAND cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp nhiều bất cập về chính sách, thủ tục. Theo quy định, trước khi đưa đi cai nghiện tập trung, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương từ ba đến sáu tháng; nếu không thành công thì mới giao cho các tổ chức xã hội xét nghiệm dương tính với chất gây nghiện và giao cho Tòa án quyết định... Quy định là thế nhưng thực tế tại địa phương có tới 65% số con nghiện là dân ngoại tỉnh, việc tìm được địa chỉ để xác minh sẽ vô cùng khó khăn. Về "tổ chức xã hội", Nghị định cũng không nêu rõ là tổ chức nào, nên để đưa được người nghiện vào cai nghiện tập trung phải mất rất nhiều thời gian, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Trần Quang Quý (Báo Nhân dân)
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD