Bộ trưởng LĐTBXH: 90% tái nghiện sau cai nghiện, đa phần là thanh niên

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện chất lượng hiệu quả cai nghiện rất thấp. Cố gắng bằng mọi biện pháp không để thanh niên vào con đường nghiện.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an sáng 4/6, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, 3 mục đích khắc phục vấn nạn ma tuý là giảm cung, giảm cầu, giảm tác tại. Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ giải pháp nào để xử lý những yêu cầu này? Hiện nay, số vị thành niên đủ 12 đến dưới 18 tuổi đưa đi cai nghiện bắt buộc thì áp dụng biện pháp nào?

“Trước diễn đàn của Quốc hội, Bộ trưởng có cảnh báo gì đối với các thanh thiếu niên là đối tượng hiện nay đang vướng vào ma túy rất nhiều, gia đình họ đang đứng trước thảm họa của ma túy”- đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn.

Bộ trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung tham gia trả lời chất vấn của ĐBQH tại phiên chất vấn sáng 4/6.

Tham gia trả lời chất vấn cùng Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện cả nước có 120 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 105 cơ sở thuộc hệ thống công lập. Đến điểm này, có khoảng 40.000 người nghiện đang ở các cơ sở ma tuý. Theo Bộ trưởng, thời gian qua, các cơ sở cai nghiện đã được quản lý tốt hơn, nhất là trong việc tiếp nhận, phân loại đối tượng, cắt cơn, điều trị theo phác đồ cũng như lao động trị liệu, đào tạo việc làm, tạo môi trường thân thiện, hỗ trợ sau cai nghiện.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là hầu hết các cơ sở đều quá tải, trung bình gấp 2 lần, có nơi cao hơn 4 lần. Bên cạnh đó, 43% số người nghiện này có tiền án, tiền sự, nhất là các tỉnh phía Nam (90% là người sử dụng ma túy đá). Hơn nữa, các cơ sở cai nghiện đều thiếu phác đồ điều trị mà mỗi đối tượng lại cần có phác đồ khác nhau. Bộ trưởng cho rằng, hiện nay tại các cơ sở cai nghiện còn khó khăn về bác sĩ, số người có chuyên môn sâu về y tế. Hiện Bộ LĐTB-XH đang phối hợp với Bộ Y tế để khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc phối hợp này chưa thực sự tốt.

“Một số nơi thực sự là quá tải, do đó dẫn đến tình trạng học viên phá trại, phá cơ sở, bằng mọi lý do khác nhau sẵn sàng gây ra xung đột nhất định. Việc phối hợp với các ngành chức năng có tiến bộ nhưng ở một số địa phương, do có chủ trương trong sạch địa bàn nên bằng mọi giá đưa hết người nghiện kể cả người bắt đầu sử dụng, không phân loại. Vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo để chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở cai nghiện bước đầu”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện chất lượng hiệu quả cai nghiện rất thấp, tới 90% tái nghiện là con số thực tế, càng khó hơn khi số tái nghiện đa phần là thanh niên. Thời gian tới, việc giảm cung, giảm cầu ma tuý là biện pháp đầu tiên, sau đó mới giảm tác hại. Đồng thời việc quan trọng là phải tiến hành quản lý giáo dục tại gia đình, giao cộng đồng, xã hội quản lý chặt chẽ. “Cố gắng bằng mọi biện pháp không để thanh niên vào con đường nghiện. Vì đã nghiện thì tình trạng tái nghiện rất cao. Đồng thời thực hiện đồng bộ cả 3 loại mô hình cai nghiện: gia đình, cộng đồng, cai nghiện tổng hợp và cai nghiện bắt buộc. Cai nghiện bắt buộc là con đường bắt buộc, nếu cai nghiện cộng đồng, gia đình không được thì mới đưa vào cai nghiện bắt buộc”- Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết.

Về việc đưa trẻ em 12-16 tuổi đến cơ sở cai nghiện bắt buộc, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã rà soát và thấy pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc này, cần tiếp tục bổ sung. Hiện tại có 6 cơ quan có thẩm quyền đề nghị toà án quyết định về việc đưa đối tượng này đi cai nghiện bắt buộc./.

Theo VOV.VN

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD