Bi kịch gia đình có 8 người con nhiễm HIV

Có cả thảy 10 người con (cả con trai, con dâu) thì có tới 8 người mắc căn bệnh thế kỷ HIV. Bốn người đã qua đời, bốn người còn sống cũng chỉ chờ ngày lĩnh án tử. Ông Tiến, Bà Vân (Xuân Bái, Thọ Xuân, Thanh Hóa) hàng ngày ôm bạo bệnh, gặm nhấm đau đớn sống lay lắt qua từng ngày khốn khó. “Có lẽ chẳng ai bất hạnh hơn vợ chồng tôi nữa. Nhớ con, thương cháu, khóc cho bản thân cũng đủ để vợ chồng tôi chết dần…” – Bà Vân nức nở.

Vãn con vì bệnh “Ết”

 

Chuyện người chết vì nhiễm HIV ở ngôi làng nhỏ ấy nhiều năm nay chẳng có gì là đặc biệt. Thế nhưng một gia đình có tới 8 người lĩnh “án tử” vì căn bệnh thế kỷ này thì quả là điều kinh khủng. Chúng tôi đến nhà bà Vân, ông Tiến vào một ngày mưa tầm tã. Căn nhà vốn siêu vẹo nay lại càng trống trải, lạnh lẽo trước những đợt gió thốc dồn dập. Bà Vân bấm bụng, nén cơn đau của vết mổ lần ra phía cuối giường che chiếc hộp đựng ảnh và kỷ vật của các con.

 

Ông Tiến thấy vậy nói mà như mắng: “Đã đau rồi, cố làm cái gì. Mưa ướt thì thôi”. Dứt lời ông lại đưa ánh mắt buồn rười rượi về phía chúng tôi: “Ai cũng bảo chúng tôi sướng, có con là có của. Sinh được 5 thằng con trai như chông như mác vậy mà có thằng nào ở cùng đâu. Hai thằng chết vì “Ết”, ba thằng còn thì lang bạt mãi tận trong Nam làm ăn. Chúng nó đi vì buồn, vì tủi, vì điều ra tiếng vào. Bà nhà tôi thương con, quý những kỷ vật của chúng nó lắm. Thỉnh thoảng lại lôi mớ ảnh ra ngắm rồi lại khóc”.

 

Chẳng ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh người mẹ mang đầy bệnh tật cứ vật vã nhớ những đứa con đã mất, thương những đứa đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Bà Vân vừa xuất viện chưa được một tuần, bà mang trong mình cơ man nào là bệnh. Nào là sơ gan đầu đinh, thoái hóa ruột già, lao phổi… Thân hình còm cõi ấy đã 2 lần phải lên bàn mổ. Lần thì mổ để đưa hậu môn lên mạng sườn, lần sau lại hạ hậu môn xuống. “Bác sĩ bảo tôi bị máu lỏng nên máu cứ chảy ra hoài không thôi”. Nghĩ đến con, đến bệnh của mình thân bà xác xơ như tàu lá chuối khô vậy. Nhiều lần định bụng uống thuốc chuột để giải thoát cuộc đời bất hạnh nhưng vì thương chồng, thương mấy đứa cháu bà lại cắn răng mà sống. Bà Vân nức nở: “Tôi chết đi ông ấy lại một thân một mình, rồi còn các cháu nữa chứ. Con cái đã thế rồi…”.

 

Bà Vân lóe lên nụ cười hiếm hoi khi lần lượt kể cho chúng nghe về những ngày hạnh phúc của từng người con của mình. Bà còn nhớ như in cái ngày các con lập gia đình, rồi sinh cháu cho bà. Niềm vui như vụt tắt trong giây lát, đưa bàn tay khô héo gạt bụi từ tấm ảnh của người con cả bà kể: “Đây thằng Tân (sinh năm 1975 - PV), năm nay là giỗ thứ hai của nó rồi. Hắn hiền lành lắm, nghiện ngập nhưng chịu khó, tuyệt đối không trộm cắp của ai cái gì. Vợ hắn yếu hơn nên chết trước vào năm 2006 rồi. Sáu năm sau hắn mới đi theo vợ”. Nói đến đây người mẹ già không kìm được nước mắt: “Còn đây là vợ chồng thằng Ân, chúng nó lây bệnh của nhau rồi cũng bỏ vợ chồng tôi đi cả rồi. Thằng Dân nữa, nó lang bạt tận Campuchia làm thuê cho người ta. Vợ nó cũng bị “Ết” mất năm 2010. Không nói nhưng hắn ngại bà con chòm xóm, bỏ đi biền biệt có mấy khi về nhà đâu”.

 

 
Nhớ con, bà Vân lại mang ảnh chúng ra ngắm

Ông Tiến chẳng thể quên cái ngày cùng vợ lặn lội vào tận Nam nhận xác thằng Ân. Khi thấy con héo khô chỉ còn da bọc xương ông như ngất lịm, đau đớn. “Ân nó mất vào năm 2012, lúc biết mình sắp chết nó đã gỡ tấm ảnh con gái treo trên tường cho vào ví. Hắn có dặn lại là không muốn để con gái nơi đất khách quê người”. Lo mồ yên mả đẹp cho Ân thì đến người con cả là anh Tân cũng đổ bệnh. Chẳng phải nói thì ai cũng biết những người nghiện ma túy, bị HIV giai đoạn cuối khủng khiếp thế nào. Hai tháng ròng rã, Tân không ăn, toàn thân lở loét, chỉ kêu gào khóc thảm. Người đàn ấy ông đã kinh qua thời kỳ khốc liệt nhất của chiến tranh, tưởng chừng chẳng làm gì ông gục ngã. Vậy mà giờ đây khi nhắc lại đến cuộc sống gia đình mình ông lại khóc như một đứa trẻ. Ông thương con, thương cháu! Khóc cho phận đời bạc bẽo. “Nhìn đứa con dứt ruột đẻ ra đau đớn, quằn quại chống chọi với cái chết tôi không sao chịu được. Lo tuần 49 ngày cho thằng Ân thì lo luôn ma cho thằng Tân. Chẳng có nhà nào lại bất hạnh như nhà tôi! Hai tháng mất luôn hai đứa con”- Ông Tiến khóc.

Khoảng đầu những năm 2000, người ta ví von ở Xuân Bái đã bị cơn bão ma túy đi qua. Thời điểm nhức nhối nhất có tới ngót 200 người nghiện. Không riêng gì gia đình ông Tiến, có nhiều gia đình cũng có đến vài người con nghiện ngập. “Chúng nó mắc sai lầm thì phải chịu thôi. Sống trên đời thiếu bản lĩnh là chết. Thấy anh hút thì em cũng hút. Ban đầu dùng kim riêng nhưng sau khó khăn dùng chung tất cả, HIV nó ngấm vào người khi nào cũng chẳng biết. Điều đặc biệt con cái tôi tuyệt nhiên không đứa nào trộm cắp, cướp của để mua thuốc cả. Chính vì thế khi chúng nó mất bà con chòm xóm ai cũng đến lo việc, đưa tang” - Ông Tiến chia sẻ.

Bi kịch còn chờ đợi

 

Trời đã nhập nhoạng tối, trận mưa rào xối xả cũng đã tan, đó cũng là lúc những đứa cháu nội trở về nhà. Bà Vân vội vã vét từng đấu gạo cuối cùng lo bữa chiều cho cháu. Bà kể: “Hôm nay chúng nó về cả đây ăn cơm. Tôi là tôi lo nhất cho mấy đứa nhỏ. Bố mẹ chúng nó mất cả chỉ còn biết nương tựa vào ông bà. Hoàn cảnh quá khó khăn có đứa đã phải nghỉ học. Không biết các cháu sẽ sống ra sao khi vợ chồng tôi chết”.

 

Lo cho những đứa con đang bị treo trên đầu “án tử”, lo cho đàn cháu nội nay mai không nơi nương tựa, mấy năm nay bà chưa có một đêm ngon giấc. Đêm nào cũng lục tục dậy thắp hương khấn vái tổ tiên, che chở cho những người còn sống. Dẫu biết 3 người con còn lại chẳng còn được sống bao lâu nhưng có lẽ với bà lúc này đó là niềm an ủi lớn nhất. Chẳng nói chúng tôi cũng hiểu ba người con của bà sợ điều tiếng không dám về quê. Họ sống lang bạt mỗi người một nơi. Người thì dạt sang tận Campuchia trông xe thuê, người thì sống tại Đắk Mil, người lại mãi tận miền Tây. “Thằng Ái nó mới điện cho tôi, nó khóc nấc mãi không nói được 1 câu. Nó bảo vợ hắn sắp sinh con, bác sĩ nói hắn cũng bị nhiễm H. Sinh con rồi nhưng không cho con bú. Không biết là cháu tôi có bị H. không nữa”.

 

Hung tin cứ thế dồn dập báo về với hai vợ hai vợ chồng già, thằng con út- hy vọng cuối cùng báo liền 2 tin sốc. Bà Vân kể trong nước mắt: “Hắn cưới vợ, hắn bị HIV, vợ hắn cũng biết nhưng vẫn quyết tâm lấy nhau. Tôi chỉ thương cho con dâu thôi. Chỉ sợ nó cũng sẽ nhiễm bệnh rồi lại khổ con chúng nó”.

 

Trong số những người con dâu của bà Vân, duy có cô con dâu cả là không lây HIV của chồng. Bởi khi hai vợ chồng còn sống với nhau, sau lần cãi vã, Tân đánh vợ thừa sống thiếu chết, người vợ đã bỏ đi. Nhưng giờ người phụ nữ ấy không còn là con dâu của bà Vân vì đã ly dị chồng. “Vợ chồng chúng nó mỗi đứa đều chỉ có 1 con. Con của thằng cả và thằng 3 hiện đang sống với ông bà ngoại. Đứa con gái của thằng Ân (cháu Ly) nếu được đi học chắc giờ lên lớp 8 rồi. Nó là đứa thiệt thòi nhất vì ở với ông bà nội. Chúng tôi cơm chẳng có mà ăn lấy đâu ra tiền mà cho cháu đi học”. Ôm Ly vào lòng bà Vân khóc như mưa: “Nó mồ côi cả bố lẫn mẹ, lại không được đến trường. Thương lắm nhưng chúng tôi bất lực thôi. Từ khi bố mẹ chết, nó chẳng nói gì. Cứ lặng lẽ như vậy đó”.

 

Ngồi trong căn nhà dột nát xây bằng đất nện của ông Tiến như thể ngoài sân, nền nhà ẩm ướt vì nước mưa, quần áo cũ vắt vẻo khắp nơi nồng lên vì mùi hôi, mùi người ốm. Bà Vân chỉ tay lên mái nhà nói: “Cứ mưa xuống là ướt hết. Cũ quá rồi không có tiền sửa. Mỗi đêm có mưa là bà cháu ôm nhau, chạy hết chỗ này sang chỗ khác”. Ông Tiến được coi là lao động chính, là trụ cột trong gia đình thì nay cũng chẳng còn nhiều sức. Từ ngày các con chết, rồi mắc bệnh ông suy nghĩ quá nhiều nên giờ thần kinh cũng chẳng được ổn định. Thỉnh thoảng đầu đau như búa bổ, người ngơ ngẩn rồi làm những việc chẳng giống ai. Bà Vân lắc đầu ngán ngẩm: “Chẳng ai trên cuộc đời này lại bất hạnh như vợ chồng tôi. Ông trời đày đọa phải sống thế này thì đành phải chịu. Hy vọng duy nhất là còn đứa con gái. Không có nó chắc chúng tôi chết hết cả rồi”.

Theo CAND

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD