Những con số cứ tăng lên theo thời gian, một cách không khoan nhượng và ám ảnh; tiếp tục đặt ra cho Việt Nam những bài toán hóc búa về tình hình đại nạn ma túy. Đây mới chỉ là những con số thống kê trong 6 tháng đầu năm 2014.
Những con số tiếp tục gây hoang mang
Theo thống kê, cả nước hiện có 182.799 người nghiện, tăng hơn 1.400 người so với năm 2013. Trong đó số người nghiện đang ở cộng đồng chiếm tỉ lệ 65%, đang cai nghiện trong các cơ sở chữa bệnh - giáo dục- lao động xã hội 24%; số đang ở trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ 11%.
Tại tỉnh Bình Thuận, nếu năm 2011 chỉ có 734 người nghiện ma túy thì đến năm 2012 con số đã là 1.210 và năm 2013 là 2.000. Đây mới chỉ là thống kê những người nghiện ma túy trong diện quản lý. Đáng lo ngại là phần lớn số người nghiện đều là thanh, thiếu niên (chiếm 90%) và tỷ lệ tái nghiện ở mức cao (trên 70%). Tình trạng ma túy gia tăng số người nghiện có nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự đồng bộ và chặt chẽ khi phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và các đoàn thể trong quản lý thanh thiếu niên, học sinh.
Nhiều thanh thiếu niên thích đua đòi tìm cảm giác mạnh, từ đó sa vào tệ nạn xã hội, nghiện ngập ma túy. Mặt khác, thanh thiếu niên bị tác động của văn hóa phẩm đồi trụy, lối sống buông thả, thực dụng dẫn đến không làm chủ được bản thân. Gần đây, quy định mới của pháp luật là nới rộng, không xử lý hình sự đối với người sử dụng ma túy, từ đó đối tượng nghiện ma túy gia tăng và kéo theo nhu cầu về mua bán ma túy tăng theo. Các đối tượng vận chuyển mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy ở các địa phương, các tỉnh lân cận móc nối với nhau tạo thành đường dây đưa chất ma túy vào Bình Thuận để cung cấp cho con nghiện…
Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là điểm nóng, luôn trong tình trạng báo động về tình trạng ma túy và tội phạm ma túy. Trước băn khoăn, lo lắng về tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là đối tượng nghiện ma túy gây án ngày càng manh động, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết: Hiện TP đang quản lý khoảng 8.600 đối tượng nghiện tại các trung tâm, chưa kể 3.200 đối tượng đang được cộng đồng quản lý.
Các đại biểu HĐND TP.HCM thảo luận tại tổ, kỳ họp thứ 14 HĐND TP.HCM chiều 8/7
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ tháng 1/2014, từ nay đến cuối năm, có 4.500 đối tượng nghiện đang cai ở các trung tâm được trở về địa phương (đủ thời hạn cai nghiện tập trung) trong khi lại không có con nghiện nào được đưa vào trường trại.
Ông Dũng cho biết thêm: Theo một số Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính, phải có quyết định của tòa án mới đưa con nghiện vào trường, chưa kể trước khi đưa con nghiện vào cai nghiện bắt buộc ở các trung tâm thì phải qua quy định cai nghiện tại cộng đồng từ 3-6 tháng (nếu tái nghiện mới lập thủ tục trình tòa án địa phương ra quyết định đưa đi cai bắt buộc). Ông Dũng khẳng định: từ nay đến cuối năm, con nghiện chỉ ra chứ không vào trường trại.
Một khẳng định của ông Dũng khiến đại biểu lo lắng, hiện con nghiện ma túy ngoài xã hội rất lớn, các địa phương báo cáo tình hình nghiện ma túy có xu hướng tăng. “Cử tri bức xúc tình hình này là đúng và bàn thân tôi cũng rất bức xúc”, ông Dũng nhận định.
Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2014 của tỉnh Quảng Trị cho thấy cả tỉnh có hơn 950 người nghiện (trong diện có hồ sơ quản lý, cuối năm 2013 là 879 người nghiện), trong đó số người nghiện nhiều nhất ở TP. Đông Hà, Hướng Hóa, Vĩnh Linh. Hiện nay tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy ngày càng gia tăng, lan rộng ở một số địa bàn. Người nghiện ma túy đang có xu hướng trẻ hóa, đa dạng về trình độ văn hóa, việc làm, thu nhập. Đó là một thực tế đáng lo ngại.
Sự gia tăng đối tượng nghiện có nguyên nhân từ việc quản lý, giáo dục của gia đình và xã hội đối với thanh thiếu niên là chưa chặt chẽ, thiếu nghiêm khắc. Không ít gia đình cha mẹ bận làm ăn mà bỏ mặc con cái. Khi các em đã tiếp xúc, sử dụng ma túy thì dễ dẫn tới nghiện ngập, bỏ bê việc lao động, học tập. Thêm vào đó việc mua bán các chất ma túy dễ dàng cũng là điều kiện để con nghiện gia tăng.
Một số cư dân biên giới, khu vực thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, hàng ngày qua lại biên giới, việc mua bán, sử dụng các chất ma túy ở khu vực này là không khó. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu việc làm, lối sống đua đòi, thiếu lý tưởng, ước mơ, hoài bão của một bộ phận giới trẻ cũng làm cho họ dễ sa ngã. Nhiều gia đình mất hạnh phúc, tình cảm vợ chồng, cha con, họ hàng, xóm làng đang bị thách thức trước tệ nạn này.
Trong thời gian qua các ngành chức năng có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh bắt giữ, xử lý nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma túy có quy mô lớn như vụ bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 25 bánh heroin có trọng lượng 9 kg ở Mai Châu, Hòa Bình; Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị liên quan phá chuyên án buôn bán ma túy xuyên quốc gia thu giữ 40 bánh heroin và nhiều tang vật khác. Chỉ tính riêng 10 tỉnh trên tuyến biên giới Việt- Lào 6 tháng đầu năm 2014 đã phát hiện, bắt giữ 1.751 vụ, 2.393 đối tượng, thu 43,7 kg heroin, 8 kg thuốc phiện, 134.596 viên ma túy tổng hợp, 2,4 kg cần sa khô.
Thảm kịch chưa hồi kết
Nỗi đau tột cùng của bà Lường Thị Hoài bởi ma túy cướp đi chồng và 3 đứa con trai (Ảnh: Kiên Cường)
Con đây là câu chuyện của Bà Hoài ở Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên - một bi kịch thấm đẫm nước mắt! Bà Hoài nhắc lại từng mốc quá khứ khi ma túy cướp mất 4 người đàn ông của bà (chồng, 3 con trai) trong tột cùng nỗi đau. Bà Hoài ít học, kém hiểu biết nên không hiểu ma túy là gì, chỉ biết rằng nó là thứ độc ác cướp đi sinh mạng những người thân của bà.
Từ năm 2007 - 2013, liên tiếp có 4 đám tang của chồng và 3 con trai ra đi vì ma túy. Bà gắng gượng cùng 2 cô con gái và 1 con trai lo tang cho chồng, con và cuộc sống gia đình. Khi 4 người bị “lưỡi hái tử thần” ma túy cướp đi thì nhà bà Hoài chẳng còn thứ gì đáng giá, làm được bữa nào thì rau cháo bữa ấy.
Chồng là trụ cột gia đình và 4 đứa con chăm sóc khi tuổi già thì đều đã chết, không còn hy vọng. Giờ bà bươn chải lo cuộc sống cho bản thân và phải chu cấp, nuôi dưỡng bố chồng ngoài 80 tuổi ở cùng trong bản nên mới ngoài 60 tuổi mà bà Hoài trông lọm khọm chẳng khác người đã 80 tuổi.
Theo con số thống kê của xã hiện nay có 105 người nghiện (năm 2013 chỉ có 69 người), chỉ có 6 tháng đầu năm con số người nghiện tăng lên gần gấp đôi. Độ tuổi người nghiện cũng dần được trẻ hóa, cá biệt có trường hợp 15 - 16 tuổi, đang là học sinh lớp 9, 10... Bởi những đối tượng này còn nhỏ tuổi dễ bị kích động, rủ rê, lôi kéo theo đám bạn bè cùng trang lứa, thanh niên nên “bốc đồng” muốn thể hiện mình và thử cho biết.
Hàng đêm, nghĩa địa xã Chiềng Sinh là nơi người nghiện tụ tập chích, hút
Hiện nay, xã đang tồn tại hàng chục tụ điểm nghi vấn tàng trữ, buôn bán trái phép ma túy. “Cái rốn ma túy” nơi đây còn phải kể đến xã Chiềng Sinh về xã Chiềng Đông. Anh Lò Văn Chu, Trưởng Công an xã Chiềng Đông thở dài, nói như than: Ma túy của Chiềng Sinh so với Chiềng Đông thì chỉ là “em út”, ở đây ma túy đang tăng lên một cách chóng mặt. Xã với 1.010 hộ, trên 5.000 nhân khẩu nhưng có 239 người nghiện, 26 tụ điểm nghi vấn tàng trữ, buôn bán ma túy (tăng 139 người nghiện so với năm 2013).
Trong đó gần 100 người nghiện là thanh niên độ tuổi từ 20 - 30. Người nghiện nhiều đồng nghĩa việc tình hình an ninh - trật tự trong xã phức tạp, mùa vụ thu hoạch bị nạn trộm cắp hoành hành... nên mỗi hộ gia đình phải đóng góp thêm cho an ninh 4kg thóc/1.000m² ruộng để họ thay phiên trông ngày, đêm. Không lấy trộm được trên đồng, con nghiện kéo nhau lên nương bẻ ngô, đào măng và nếu các gia đình trong bản sơ hở bất kỳ thứ gì đều có thể bị mất. Cũng như xã Chiềng Sinh, anh Chu cho biết: Việc xóa bỏ các tụ điểm ma túy rất khó vì hoạt động ranh ma, Công an xã không có đủ chức năng, quyền hạn để bắt và sợ bị trả thù.
Những cái chết về ma túy vẫn đang xảy ra nhưng nhiều kẻ vẫn u mê lún sâu. Để giảm thiểu, xóa hẳn tệ nạn này không chỉ cơ quan chức năng mà cần nhận thức của cá nhân, chung tay, góp sức của gia đình, xã hội.
Nếu không nhanh thì “nước xa khó cứu được lửa gần”
Biện pháp hàng đầu vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục của mỗi gia đình và cộng đồng xã hội, chỉ khi nào gia đình yên ấm, hạnh phúc thì lúc đó nguy cơ đối tượng nghiện mới được ngăn chặn. Việc tuyên truyền cần hướng về cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, chú ý những đối tượng có nguy cơ mắc cao.
Trong đó tuyên truyền mạnh trong giới học sinh, sinh viên để các em có nhận thức, hiểu biết đầy đủ về tác hại của ma túy. Tổ chức chiếu phim, video tuyên truyền về tác hại của ma túy trong trường học, ở các khu dân cư là cần thiết, bởi tác động của hình ảnh về những người nghiện gầy gò, ốm yếu, quằn quại trong nỗi đau mỗi khi lên cơn nghiện… sẽ có tác động thức tỉnh đối với giới trẻ.
Khẩn thiết phải tuyên truyền để mọi người có nhận thức đúng về ma túy tổng hợp, bởi hiện nay số đống thanh thiếu niên vẫn ngộ nhận cho rằng đây là loại ma túy không gây nghiện, nên thích thử cảm giác. Hậu quả báo động là số lượng người sử dụng ma túy tăng nhanh đồng thời ngày càng trẻ hóa.
Bên cạnh đó cũng tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác, đồng thời theo dõi, động viên, cảm hóa những người có dấu hiệu nghi là đang sử dụng ma túy để họ có thể thoát ra khỏi tệ nạn nguy hiểm này.
Khi đã có hiểu biết, nhận thức đầy đủ mới hy vọng các đối tượng xa lánh, không dính dáng tới ma túy, lúc đó sẽ hạn chế được người nghiện, giảm bớt nỗi đau, gánh nặng cho xã hội.
PSD tổng hợp
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD