Bài toán quản lý tiền chất tại Việt Nam

Trong vòng 3 năm qua, lượng methamphetamine bị thu giữ đã tăng hơn hai lần trên phạm vi toàn cầu. Đây là kết luận trong báo cáo Tình hình ma túy toàn cầu năm 2014 của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức ngày 26/6/2014.

 

Tại Đông Á và Đông Nam Á, việc sử dụng methamphetamine và tội phạm sản xuất ma túy tổng hợp (ATS - amphetamine type stimulants) cũng đang gia tăng; là mối nguy hại cấp bách không chỉ trong khu vực mà tất cả các quốc gia.

 

Tiền chất là các hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu điều chế ra ma túy bán tổng hợp (heroin) và ma túy tổng hợp (ecstasy, amphetamine, methaphetamine…). Trên thực tế, những tiền chất sử dụng sản xuất ma túy cũng lại là những hóa chất hết sức thông dụng trong cuộc sống, đôi khi đó là những hóa chất cơ bản, không thể thiếu trong ngành công nghiệp hóa chất như: Axit Acetic, Axit Sulfuric, Acetone, Toluene, Safrole… Do đó, một trong những khó khăn lớn cho các cơ quan làm công tác bài trừ ma túy là cách phân biệt chúng để quản lý.

 

Tại Việt Nam: Các doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu chất gây nghiện, chất hướng thần và tiền chất y tế tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội qua các cửa khẩu sân bay quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất; cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Loại tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện được làm thủ tục nhập khẩu gồm: Codeine phosphate, Diazepam, Morphin, Codeine Base…

 

Điển hình như tại Thành phố Hồ Chí Minh những tháng đầu năm 2014: Theo nhận định của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trong thời gian qua, tình trạng vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất ma túy qua các cửa khẩu bưu điện, sân bay tương đối phức tạp. Đặc biệt, trong hai tháng đầu năm 2014, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ 4 vụ với số lượng hơn 10 kg ma túy và tiền chất vận chuyển trái phép ra nước ngoài. Trong đó riêng Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ hơn 8kg các chất ma túy và tiền ma túy với tổng giá trị nhiều tỷ đồng.

 

Có thể thấy rằng với việc bọn tội phạm thay đổi các phương thức cất giấu ma túy ngày càng tinh vi thì việc phát hiện tiền chất ma túy hay heroin trong các sản phẩm hàng hóa là việc rất khó. Lực lượng Hải quan đã chú trọng đến việc phân loại đối với những đối tượng trọng điểm, mặt hàng trọng điểm, tuyến đường trọng điểm... đồng thời thường xuyên được đào tạo, huấn luyện về kĩ thuật soi chiếu hình ảnh qua máy soi, tập huấn về các phương thức thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép thường xảy ra để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra. Nhờ vậy, lực lượng Hải quan đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ việc các đối tượng lợi dụng mặt hàng quà biếu để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm… Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều phức tạp.

 

12 túi nylon ép mỏng chứa 3,1kg ma túy bị Chi cục hải quan

Cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất thu giữ tháng 2/2014

 

Việc quản lý các loại tiền chất này đang đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có cơ quan Hải quan. Theo đó, quá trình quản lý cần đảm bảo sử dụng tiền chất hợp pháp, cũng như kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, đặc biệt là các loại tiền chất có nguy cơ lạm dụng cao vào việc điều chế ma túy tổng hợp.

 

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, ngành Hải quan đang tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng ngoài ngành thực hiện việc kiểm soát nguồn tiền chất sau khi nhập khẩu, sử dụng trên thị trường: Kiểm soát chặt chẽ tiền chất xuất nhập khẩu tại các chi cục hải quan cửa khẩu trọng điểm, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Trong đó, tiền chất làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu phải có giấy phép do Bộ Công Thương, Bộ Y tế cấp; lấy mẫu giám định và kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi thông quan. Sau khi thông quan, các chi cục Hải quan cửa khẩu phải thống kê, tổng hợp số liệu về chủng loại… để báo cáo Tổng cục Hải quan và Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm về ma túy (Bộ Công an) theo dõi, tổng hợp phục vụ công tác quản lý liên ngành.

 

Cạnh đó, các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước cần thiết đẩy mạnh các biện pháp:

 

- Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên về nguy cơ, tác hại của tiền chất nếu không sử dụng nó đúng mục đích; phổ biến rộng rãi các tài liệu, văn bản pháp quy của Nhà nước về hướng dẫn trách nhiệm của các cá nhâm, đơn vị… khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tiền chất, tạo điều kiện cho họ thực hiện đúng quy định.

 

- Tăng cường nâng cao hệ thống cơ sở dữ liệu về tiền chất của quốc gia dựa trên công tác tổng điều tra cơ bản các đơn vị được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng, xuất nhập khẩu tiền chất, đặc biệt là nguồn tiêu thụ tiền chất…

 

- Tăng cường xây dựng các kế hoạch phối hợp kiểm tra các hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần ở các đơn vị, địa phương. Các lực lượng chức năng đẩy mạnh theo dõi, giám sát, trao đổi tình hình, thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu và sử dụng tiền chất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh…

 

- Phân công cụ thể hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc quản lý, kiểm soát tiền chất và xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị để tránh chống chéo hoặc đùn đẩy trong công tác quản lý tiền chất.

 

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát tiền chất phải đảm bảo không gây khó khăn hoặc làm ảnh hưởng đến các hoạt động hợp pháp của các doanh nghiệp ngành hóa chất. 

 

Chỉ có quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền chất thì mới có thể ngăn chặn được “tai họa” việc sử dụng, buôn bán, sản xuất các chất ma túy tổng hợp; góp phần làm trong sạch môi trường xã hội, đạt được những mục tiêu trong Kế hoạch phòng chống ma túy mà Chính phủ đã đề ra. 

 

Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng trong nước và quốc tế, chính ý thức của cá nhân mỗi người là sức mạnh quyết định để không còn những “thảm cảnh mang tên ma túy”.

 

PSD tổng hợp

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD